ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN THỦ TỤC PHÁ SẢN (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI QUẬN TÂN BÌNH, BÌNH THẠNH HỒ CHÍ MINH)

Phá sản doanh nghiệp là hiện tượng tất yếu của cơ chế kinh tế thị trường. Bên cạnh sự tác động tiêu cực như gây những xáo trộn, ảnh hưởng xấu đến việc phát triển sản xuất, ổn định đời sống, đến việc làm của người lao động, phá sản còn tác động tích cực trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, loại bỏ bớt những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện thủ tục yêu cầu mở phá sản. Có những trường hợp không được yêu cầu mở phá sản theo quy định của pháp luật. Sau đây, Công ty Luật HT Legal VN sẽ phân tích Các trường hợp doanh nghiệp không được yêu cầu mở thủ tục phá sản.

– Căn cứ pháp lý:

1. Luật Doanh nghiệp 2020;

2. Luật Phá sản 2014;

3. Luật Hợp tác xã năm 2012.

– Nội dung:

1. Phá sản doanh nghiệp.

Phá sản là một hiện tượng được phát sinh từ rất sớm. Lịch sử phá sản của thế giới ghi nhận rằng Italia là nước khai sinh ra đạo luật phá sản đầu tiên từ thời kì La Mã. Đến thời kì Trung cổ, các quốc gia châu Âu cũng ban hành luật phá sản. Lúc đầu luật này được áp dụng vào lĩnh vực thương nghiệp, sau đó mở rộng ra nhiều lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện tượng phá sản trở nên phổ biến trong thời kì tư bản chủ nghĩa, nó là một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển kinh tế, hình thành nên những tập đoàn kinh tế tư bản độc quyền.

Về phương diện ngôn ngữ hiện có khá nhiều thuật ngữ dùng để thể hiện khái niệm này: Trong tiếng La tinh có hai từ: Rum, Banca Rotta; trong tiếng Anh có các từ như Insolvency, Bankruptcy.

Căn cứ khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014, Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.

Như vậy, khái niệm phá sản được Luật Phá sản năm 2014 xác định theo tiêu chí định lượng và dấu hiệu duy nhất để xác định khái niệm doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán đó là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Theo đó, Luật Phá sản 2014 coi việc mất khả năng thanh toán nợ đến hạn khi các chủ nợ có yêu cầu là căn cứ để xem xét mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

2. Điều kiện để thực hiện thủ tục phá sản

Như đã đề cập ở trên, để doanh nghiệp được mở phá sản cần đáp ứng hai điều kiện sau:

Thứ nhất, Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

Tiêu chí xác định mất khả năng thanh toán là “không thực hiện nghĩa vụ thanh toán” mà không phải là “không có khả năng thanh toán”.

Căn cứ Điều 5 Luật Phá sản 2014, thời hạn xác định thời hạn thanh toán của doanh nghiệp được quy định như sau:

Hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho chủ nợ.

Hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Tuy nhiên, Không phải doanh nghiệp lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán sẽ dẫn tới việc mở thủ tục phá sản. Bởi lẽ, trong khoảng thời gian kể từ khi nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho tới khi tòa án ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp có thể khắc phục được tình trạng mất khả năng thanh toán (nguồn thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng mới…), ngay cả việc bị chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì doanh nghiệp vẫn có thể thương lượng được việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản căn cứ Điều 37 Luật Phá sản 2014.

Thứ hai, Bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.

– Theo thủ tục rút gọn:

Căn cứ Khoản 1 Điều 105 Luật Phá sản 2014, Tòa án nhân dân giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn đối với các trường hợp sau:

+ Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 5 của Luật Phá sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản;

+ Sau khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tài sản để thanh toán chi phí phá sản.

– Khi không thể tiến hành hội nghị chủ nợ:

Căn cứ Điều 106 Luật Phá sản 2014, Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả họp Hội nghị chủ nợ, Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 80, khoản 4 Điều 83 và khoản 7 Điều 91 của Luật Phá sản, cụ thể:

+ Hội nghị chủ nợ đã bị hoãn, mà Thẩm phán đã triệu tập lại họp Hội nghị chủ nợ theo thời gian luật định mà vẫn không tổ chức lại được Hội nghị chủ nợ.

+ Hội nghị chủ nợ không qua được Nghị quyết khi không đảm bảo có quá nửa tổng số chủ nợ không có bảo đảm có mặt và đại diện cho từ 65% tổng số nợ không có bảo đảm trở lên biểu quyết tán thành.

+ Hội nghị chủ nợ không thông qua Nghị quyết về phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.

– Doanh nghiệp phá sản sau khi có Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ.

Căn cứ Điều 107 Luật Phá sản 2014, Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được nghị quyết của Hội nghị chủ nợ đề nghị tuyên bố phá sản thì Tòa án nhân dân xem xét quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản.

Sau khi Hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết có nội dung áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản:

+ Doanh nghiệp không xây dựng được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh trong thời hạn trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết có nội dung áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh;

+ Hội nghị chủ nợ không thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.

Như vậy, để được mở thủ tục phá sản doanh nghiệp cần đáp ứng hai điều kiện trên.

3. Thực tiễn về các trường hợp không được mở thủ tục phá sản

Theo tổng hợp báo cáo hàng năm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Năm 2017, số vụ việc yêu cầu phá sản được các tòa án thụ lý, giải quyết tăng mạnh với 439 vụ việc, trong đó có 45 quyết định tuyên bố phá sản. Trên thực tế, năm 2017, có 38.869 Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể; số Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 12.113. Năm 2018, có 27.126 Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 63.525 Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể; số Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 16.314. Điều này cho thấy, so với số Doanh nghiệp, Hợp tác xã chấm dứt hoạt động thì số vụ giải quyết thông qua thủ tục phá sản tại tòa án vẫn còn rất khiêm tốn. Thực trạng này một phần xuất phát từ việc các quy định của Luật Phá sản 2014 chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, mặt khác cũng do thiếu cơ chế đồng bộ, khả thi để các quy định của luật có thể triển khai trong thực tiễn.

Trên đây là một số thông tin từ Công ty Luật HT Legal VN về các trường hợp doanh nghiệp không được mở phá sản. Để được tư vấn các vấn đề pháp lý liên quan, xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22).

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

Email: [email protected] Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040