ĐH Tôn Đức Thắng nói gì về thông tin liên tục xuống dốc, hơn 200 tiến sĩ nghỉ việc?

Vừa qua, thông tin trên một số báo đài cho biết, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) đã chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh về các vấn đề liên quan đến Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU).

Theo đó, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đã cung cấp một số thông tin liên quan đến TDTU như:”Đại học Tôn Đức Thắng liên tục xuống dốc”; “chỉ trong vòng 18 tháng qua, Trường này đã bị rớt 200 hạng trong bảng xếp hạng THE Impact Rankings của thế giới, hơn 400 thầy, cô giáo nghỉ việc, trong đó có hơn 200 tiến sĩ.”…

ĐH Tôn Đức Thắng nói gì về thông tin liên tục xuống dốc, hơn 200 tiến sĩ nghỉ việc? - Ảnh 1.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Ảnh: TDTU

Thông tin không chính xác

Chiều 9/8, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Vũ Anh Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Tôn Đức Thắng – khẳng định đây là những thông tin không chính xác. Cùng ngày, nhà trường đã có báo cáo gửi Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau về các ý kiến trên.

Theo đó, trong 18 tháng qua, nhà trường không nhận được bất kỳ liên hệ trực tiếp nào từ Đại biểu Lê Thanh Vân. Đồng thời, nhà trường cũng không biết những thông tin đại biểu này được cung cấp từ nguồn nào, có văn bản chính thức hay không.

Trên thực tế, tập thể nhà trường đang hết sức nỗ lực, đoàn kết để khắc phục theo nội dung Kết luận của Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP.HCM và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Mọi hoạt động của trường hiện nay đều tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật và bảo đảm nhà trường phát triển theo hướng bền vững. Hầu hết giảng viên, viên chức và người học của TDTU đang rất an tâm, tin tưởng vào sự ổn định và phát triển của nhà trường.

ĐH Tôn Đức Thắng nói gì về thông tin liên tục xuống dốc, hơn 200 tiến sĩ nghỉ việc? - Ảnh 3.

Lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng khẳng định không có chuyện trường bị tụt dốc mà vẫn duy trì được vị trí cao trên bảng xếp hạng. Ảnh chụp màn hình

Về xếp hạng đại học của TDTU, lãnh đạo trường cho viết, vào tháng 2/2022, TDTU được Tổ chức xếp hạng đại học THE World University Rankings xếp thứ 98 trong tổng số 790 đại học được đưa vào bảng xếp hạng, trở thành trường đại học đầu tiên và duy nhất của Việt Nam vào Top 100 đại học trẻ tốt nhất thế giới. Ngoài ra, trong năm 2022, TDTU cũng được THE xếp vào Top 500 trường học tốt nhất toàn cầu. Mới nhất, ngày 1/6, TDTU được THE xếp vị trí thứ 73 trường đại học tốt nhất ở châu Á và xếp hàng đầu tại Việt Nam.

Nhân sự tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng

Đối với vấn đề nghỉ việc của giảng viên – viên chức, lãnh đạo trường cho viết, tháng 7/2020 nhà trường có tổng số 1.395 viên chức, người lao động. Trong đó, có 1.067 viên chức cơ hữu, 281 nghiên cứu viên hợp đồng kiêm nhiệm và 37 hợp đồng khác.

Trong thời gian từ tháng 7/2020 đến tháng 7/2022, có 67 viên chức, người lao động xin nghỉ việc (trong đó có 21 người có trình độ tiến sĩ). Nhà trường đã tuyển mới 161 người cơ hữu (trong đó 40 tiến sĩ, 1 nghiên cứu sinh, 43 thạc sĩ và 66 cử nhân đại học). Ngoài ra, trường đã rà soát và không tái ký hợp đồng với 279 nghiên cứu viên kiêm nhiệm ngoài trường (thực chất là hình thức hợp đồng mua các công bố khoa học của những người ở ngoài trường). Tổng số nhân sự của nhà trường tính đến tháng 7/2022 là 1.167 viên chức và người lao động.

ĐH Tôn Đức Thắng nói gì về thông tin liên tục xuống dốc, hơn 200 tiến sĩ nghỉ việc? - Ảnh 4.

Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong lễ tốt nghiệp hồi tháng 5/2022. Ảnh: TDTU

Về vấn đề giảm số lượng bài báo quốc tế được công bố, theo thống kê của trường từ ngày 1/1/2019 đến 31/12/2021: TDTU đã công bố 5.569 bài báo trên các tạp chí khoa học có trong chỉ mục trích dẫn của WoS và Scopus. Việc thống kê số lượng các bài báo theo năm chỉ là tương đối vì phụ thuộc vào thời gian, tiến độ của từng nghiên cứu.

Tháng 5/2022, Đoàn kiểm tra của Bộ GDĐT đã kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về hoạt động khoa học công nghệ của TDTU giai đoạn 2019 – 2021 cho thấy, 70% số công trình công bố của TDTU là từ các thành viên hợp tác kiêm nhiệm bên ngoài trường, không làm việc cơ hữu tại trường. Giai đoạn 2019 – 2021, TDTU đã chi vượt quá định mức chi cho nghiên cứu khoa học so với tổng thu của nhà trường.

Hiện nay, TDTU đã từng bước điều chỉnh chính sách, không ký hợp đồng nghiên cứu khoa học với các nghiên cứu viên kiêm nhiệm, không có những hoạt động nghiên cứu gắn với hoạt động của trường; tăng cường nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu. Do đó, trong thời gian tới, số lượng bài báo công bố quốc tế của trường có thể sẽ giảm, nhưng hoạt động nghiên cứu khoa học của trường sẽ thực chất và phát triển theo hướng bền vững hơn.

Lãnh đạo TDTU cho biết, tất cả những nội dung nêu trên đều đã được nhà trường báo cáo Bộ GDĐT để trả lời chất vấn của Đại biểu Lê Thanh Vân tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XV tháng 5/2022.

“Những thông tin không chính xác đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của TDTU, gây hoang mang, lo lắng trong cán bộ, giảng viên, viên chức và sinh viên của nhà trường. Đặc biệt trong thời điểm nhà trường đang tiến hành tuyển sinh và chuẩn bị cho năm học mới” – ông Vũ Anh Đức nhấn mạnh.