ĐỀN MẪU SINH, MẪU HÓA – Di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc
Đền Sinh, Đền Hoá là quần thể di tích thờ Thánh Phi Bồng, hay đức Thánh An Mô, thời Nguyễn thuộc địa phận xã An Mô, tổng Chi Ngại, nay là thôn An Mô, xã Lê Lợi, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Di tích cách chùa Côn Sơn 1km về phía Bắc.
Đền Sinh
Đền Sinh, Đền Hoá là quần thể di tích thờ Thánh Phi Bồng, hay đức Thánh An Mô, thời Nguyễn thuộc địa phận xã An Mô, tổng Chi Ngại, nay là thôn An Mô, xã Lê Lợi, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Di tích cách chùa Côn Sơn 1km về phía Bắc.
Các sách: Lĩnh Nam chích quái, Đại Nam nhất thống chí… chép thần tích đức Thánh: Ngài được sinh ra từ một viên đá. Một hôm, bọn trẻ chăn trâu trong làng thấy một đứa bé đang nằm khóc trên tảng đá, tiếng như chuông lớn. Bọn trẻ lấy nón che và ẵm về. Trên đường đi, bỗng nhiên trời nổi mưa to gió lớn, em bé ấy bay thẳng lên không, nghe có tiếng nói: “Ta là thần Phi Bồng Hạo Tướng Quân giáng hạ, nhưng đã lộ trong cõi trần thế, nên lại phụng chiếu về chầu Thượng đế”. Người địa phương lấy làm kinh ngạc lập đền thờ. Đền Sinh là nơi Thánh sinh. Đền Hóa là nơi Thánh hóa. Hiện nay tại đền Sinh vẫn còn viên đá, tương truyền là nơi đã sinh ra Thánh. Theo nội dung văn bia Thần tích tại Đền Sinh, tạo dựng vào cuối thời Nguyễn cho biết: Phi Bồng là một vị tướng, sống vào thế kỷ thứ 6. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân thuần chất, cha họ Chu, tên Thức, mẹ là bà Hoàng Thị Ba. Sinh được trăm ngày, cậu bé có diện mạo khôi kỳ, tưởng như trong mộng, cha mẹ đặt tên là Hạo, tự Phúc Uy và nuôi dưỡng chu đáo. Ngày tháng trôi qua, cậu bé thường ngồi trong phòng, yên lặng nghiền ngẫm văn chương. Ban đêm luyện võ, thảo binh thư, rồi mọi kinh sách đều thông hiểu. Năm 15 tuổi, cha mẹ qua đời. Uy Công phục tang vô cùng hiếu kính.
Đền Hóa
Năm 19 tuổi, Uy Công nổi tiếng anh hùng cái thế. Bấy giờ, mùa xuân 542, Lý Bí quê ở Long Hưng ( tỉnh Thái Bình ) lãnh đạo toàn dân đứng lên khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Lương. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, tháng giêng năm 544 Lý Bí tuyên bố dựng nước, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân. Ông lên ngôi hoàng đế, tự xưng là Nam Đế (vua nước Nam). Do lập nhiều công lớn trong cuộc khởi nghĩa, Phúc Uy đã được Lý Nam Đế phong cho làm Phi Tướng Uy Vũ Đại tướng quân, trấn thủ xứ Hải Dương. Vào tiết tháng giêng, Ông đi tuần du nội hạt, được phụ lão trang An Mô ra đón mừng. Trong bản trang có một khu đất hình long xà, Ông liền cho lập hành cung để nghỉ ngơi khi qua lại, rồi ban ân đức cho các bậc kì lão, quyên tiền mua ruộng đất làm công đức, được hưởng thực ấp lâu dài. Đầu năm 545, nhà Lương kéo quân sang xâm lược nước Vạn Xuân non trẻ, Lý Nam Đế cử ông trấn giữ Bắc đạo. Ông mang đại binh đến cự chiến. Quân giặc qua giáp như nêm, cờ bay rợp đất, chống cự quyết liệt với quân ta tại sông Thiên Đức. Quân ta phải lui về trấn giữ Việt Yên. Ông hy sinh tại đây vào ngày 11 tháng 8. Nhà vua sắc phong nguyên từ thần hiệu: Phi Bồng Hạo Thiên tối linh Thượng đẳng thần, sắc chỉ cho thần tử ở Chi Ngại, Yên Mô, huyện Phượng Nhãn cùng các trang ấp nghênh đón mỹ tự của thần về lập đền thờ.
Căn cứ lịch sử và thần tích thì đền Sinh, đền Hoá ra đời từ thế kỷ VI. Nhưng hiện nay, di tích chỉ còn lại kiến trúc xây dựng vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Đền Sinh kiến trúc theo hình chữ tam, gồm 3 toà liền nhau.
Đền Sinh có thờ Mẫu, tức bà Hoàng Thị Ba. Tại đền còn có nhiều cổ vật và hai tấm bia nói về thần tích và quá trình trùng tu đền. Đền Hoá kiến trúc tương tự như đền Sinh nhưng quy mô lớn hơn trên một khu đất tương đối bằng phẳng. Ở đây, thờ tượng Chu Phúc Uy và nhiều đồ tế tự có giá trị…
Hiện nay, lễ hội khu di tích đền Sinh, đền Hoá được tổ chức trong 3 ngày (từ ngày 6 – 8 tháng 5 âm lịch), kỷ niệm ngày sinh của Phi Bồng đại tướng quân. Lễ hội diễn ra rất long trọng và trang nghiêm. Trong lễ hội có tổ chức rước thần vị từ đền Sinh xuống đền Hoá và tế lễ. Đặc biệt, lễ rước linh vị Phi Bồng Hạo Thiên luôn rước long bài vị Trần Hưng Đạo đi cùng. Tương truyền, trong khi truy đuổi giặc đến huyện Phượng Nhãn thì gặp quân Nguyên theo đường thuỷ tiến đến, Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Vương liền hội quân đồn trú tại Côn Sơn. Ngài vào cầu đảo trước miếu Phi Bồng, ước nguyện đều được ứng nghiệm. Ngoài ra, lễ hội còn tổ chức các trò chơi dân gian như: Chọi gà, đập niêu, cờ tướng… Như vậy sự xuất hiện của di tích đền Sinh, đền Hoá nằm không xa quần thể di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc, tạo ra một không gian văn hoá tâm linh sâu rộng.