ĐỂ VIẾT “PHẦN TÓM TẮT” CỦA MỘT BÀI BÁO NGHIÊN CỨU KHOA HỌC BẰNG TIẾNG ANH
ĐỂ VIẾT “PHẦN TÓM TẮT” CỦA MỘT BÀI BÁO NGHIÊN CỨU KHOA HỌC BẰNG TIẾNG ANH WRITING SCIENTIFIC RESEARCH ARTICLE “ABSTRACT SECTION” IN ENGLISH
Nguyễn Phước Vĩnh Cố -Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHĐN
Lê Vũ -Trường Cao Đẳng Công Nghệ, ĐHĐN
TÓM TẮT
Là một bộ phận quan trọng và không thể thiếu được trong một bài báo nghiên cứu khoa học, phần tóm tắt đã thu hút sự chú ý rất có ý nghĩa từ giới học thuật. Dù đã có một số nghiên cứu trước đó về phần tóm tắt của một bài báo nghiên cứu khoa học ở tiếng Anh (tự nhiên cũng như xã hội). Tuy nhiên, có rất ít công trình nghiên cứu về đề tài này ở cộng đồng học thuật Việt nam. Mục đích chính của nghiên cứu này là mô tả các đặc trưng ngôn ngữ trong phần tóm tắt của một bài báo nghiên cứu khoa học bằng tiếng Anh và cung cấp một số mô hình mẫu tóm tắt (mô hình tóm tắt gồm năm thành phần và mô hình tóm tắt gồm ba thành phần) dựa vào nghiên cứu của Weissberg & Buker (1990) và và hai loại tóm tắt (tóm tắt mô tả và tóm tắt thông tin) do Svobodova & cộng sự (2000) phân tích. Hy vọng rằng bài báo có thể giúp cho sinh viên ngoại ngữ và sinh viên chuyên ngành hiểu biết tốt hơn cấu trúc thành phần của một tóm tắt và loại tóm tắt nhằm viết đúng một tóm tắt của một bài báo nghiên cứu khoa học bằng tiếng Anh.
Từ khóa: bài báo; nghiên cứu khoa học; tóm tắt; thì của động từ; dạng của động từ.
ABSTRACT
As an important and integral part of the scientific research paper, the abstract has attracted very significant attention from the academic world. Although some previous work has been devoted to scientific research article abstract section in English (in hard sciences as well as on social sciences). However, very few studies have been done on this topic in Vietnamese academic community. The main aim of this study is to describe the linguistic features in scientific research abstract sections in English and to provide some sample abstract models (five-element model and three-element model) based on Weissberg & Buker’s work (1990) and two types of abstract (descriptive and informative abstracts) analysed by Svobodova & et al. (2000). It is hoped that this article may help students of foreign languages and ESP students better understand the element structures of an abstract and types of abstract and to write a proper scientific research article.
Key words: article/paper; scientific research; abstract; verb tense; verb voice.
1. Phần giới thiệu
Kể từ khi công trình nghiên cứu đầu tiên của Swales (1981; 1990) về phân tích phân đoạn văn bản trong phần giới thiệu của một bài báo khoa học, đã có nhiều nhà nghiên cứu phân tích các phần khác nhau trong một bài báo nghiên cứu khoa học (NCKH), “phần giới thiệu” (Cooper,1985; Crookes, 1986), “phần kết quả” (Thompson, 1993; Brett, 1994), “phần thảo luận” (Hopkins & Dudley-Evans, 1988; Peacock, 2002) và ngay cả “phần tóm tắt” của một bài báo nghiên cứu (Melander, Swales & Fredrickson, 1998; Salager-Meyer, 1990,1992) [dẫn theo Samraj,9]. Dù có nhiều nhà ngôn ngữ học ứng dụng nghiên cứu các thành phần của một bài báo NCKH và đã có một vài nghiên cứu về “phần tóm tắt”. Tuy nhiên, cho đến nay, “phần tóm tắt” viết bằng tiếng Anh ít được chú ý trong cộng đồng học thuật Việt nam. Vì vậy, bài báo trình bày, mô tả các đặc trưng ngôn ngữ như: thì và thể của động từ, dạng của động từ, các động từ tình thái, động từ thăm dò và từ vựng. Bài báo cũng cung cấp và phân tích các mô hình năm thành phần và ba thành phần của Weissberg & Buker (1990) và hai loại tóm tắt của Svobodova và cộng sự (2000). Tác giả hy vọng rằng bài báo có thể có ích cho sinh viên ngoại ngữ và sinh viên chuyên ngành và có thể được dùng để dạy họ cách viết và đọc một tóm tắt trong bài báo NCKH.
2. Phần tóm tắt là gì?
Là phần nằm sau tựa đề (title) và nằm trước phần giới thiệu (introduction), phần tóm tắt-như tên gọi- tóm tắt các nội dung chính của một bài báo, cung cấp cho độc giả “cái cổng vào” một công trình NCKH. Theo Cleveland (1983) [dẫn theo Orasan, 8], “phần tóm tắt tóm lược các nội dung thiết yếu của một hồ sơ kiến thức cụ thể và là sự thay thế đúng nghĩa của tài liệu đó”. (an abstract summarises the essential contents of a particular knowledge record and is a true surrogate of the document.) Graetz (1985) [dẫn theo Orasan, 8] cũng có một định nghĩa tương tự, “phần tóm tắt là một công cụ tiết kiệm thời gian mà có thể được dùng để tìm các phần cụ thể của bài báo mà không cần phải đọc nó; … biết trước cấu trúc sẽ giúp cho độc giả hiểu được bài báo; … nếu một tóm tắt đủ bao quát, nó có thể thay thế bài báo” (“the abstract is a time saving device that can be used to find particular parts of the article without reading it; … knowing the structure in advance will help the reader to get into the article; … if comprehensive enough, it might replace the article”. Tuy nhiên, định nghĩa sau đây của Johnson (1995) [dẫn theo Orasan, 8] tuy rất đơn giản nhưng lại phù hợp với chức năng phần tóm tắt của bài báo NCKH, “sự trình bày súc tích về nội dung của một tài liệu cho phép độc giả xác nhận mối liên quan của nó với thông tin cụ thể” (a concise representation of a document’s contents to enable the reader to determine its relevance to a specific information).
3. Cấu trúc phần tóm tắt của một bài báo NCKH
Các thành phần trong phần tóm tắt thường tùy thuộc vào mổi chuyên ngành. Tuy nhiên, theo Weissberg & Buker [13], các tóm tắt của một bài báo NCKH thường có 5 phần sau:
– một số thông tin nền
– mục đích của nghiên cứu và phạm vi của nó
– một số thông tin về phương pháp được dùng trong nghiên cứu
– kết quả nghiên cứu quan trọng nhất
– phát biểu về kết luận/khuyến nghị
4. Trật tự các thông tin trong phần tóm tắt
Weissberg & Buker [13] chia trật tự thông tin trong phần tóm tắt làm hai phần: 1) cấu trúc năm thành phần tiêu biểu trong một tóm tắt (xin xem mục 2). 2) cấu trúc ba thành phần trong một tóm tắt rút gọn gồm:
a. mục đích và phương pháp nghiên cứu.
b. kết quả nghiên cứu.
c. kết luận và khuyến nghị* * không bắt buộc
4.1 Một tóm tắt mẫu gồm năm thành phần tiêu biểu
Sau đây là một tóm tắt mẫu thuộc lĩnh vực khoa học máy tính. Lưu ý loại thông tin và trật tự của thông tin được trình bày ở mục 2.
COMPOSING LETTERS WITH A SIMULATED LISTENING TYPEWRITER
Abstract. 1With a listening typewriter, what an author says would be automatically recognized and displaced in front of him or her. 2However, speech recognition is not yet advanced enough to provide people with a reliable listening typewriter. 3An aim of our experiments was to determine if an imperfect listening typewriter would be useful for composing letters. 4Participants dictated letters either in isolated words or in consecutive word speech. 5They did this with simulations of listening typewriters that recognized either a limited vocabulary or an unlimited vocabulary. 6Results indicated that some versions, even upon first using them, were at least as good as traditional methods of handwriting and dictating. 7Isolated word speech with large vocabularies may provide the basis for a useful listening typewriter.
Nguồn: dẫn theo Weissberg & Buker [13] trong “Writing Up Research” tr. 185
4.2 Loại thông tin và trật tự thông tin của tóm tắt mẫu nêu trên
1. Một số thông tin nền: câu 1 & 2
2. Mục đích của nghiên cứu và phạm vi của nó: câu 3
3. Một số thông tin về phương pháp được dùng trong nghiên cứu: câu 4 & 5
4. Kết quả nghiên cứu quan trọng nhất: câu 6.
5. Phát biểu về kết luận và khuyến nghị: câu 7
4.3 Một tóm tắt rút gọn gồm ba thành phần
Sau đây là một tóm tắt được rút gọn của một báo cáo nghiên cứu thuộc lĩnh vực thương mại và quốc tế nêu những khó khăn về việc đọc các sách hướng dẫn cỡ nhỏ về thuế thu nhập.
THE READABILITY OF INDIVIDUAL INCOME TAX INSTRUCTION BOOLETS IN SOUTH CAROLINA AND OTHER SOUTHEASTERN STATES
Abstract. 1To determine the understandability of individual income tax booklets, a Reading Ease score was calculated for the 1977 Federal income tax return form 1040 and tax forms of nine southeastern states. 2The instruction booklets of all states except Virgina were found to be at a reading level higher than the median educational level of the average citizen-taxpayer in those states. 3The South Carolina booklet was three grade levels above the median educational level for the state. 4The Federal instruction booklet was easiest to read, falling four grade levels below the median education level of U.S citizens. 5If an equitable state income tax system is to be maintained, actions must be taken to reduce the disparity between median education levels and the readability of state income tax instruction booklets.
Nguồn: dẫn theo Weissberg & Buker [13] trong “Writing Up Research” tr.188
4.4 Loại thông tin và trật tự thông tin của tóm tắt rút gọn
1. Mục đích và phương pháp nghiên cứu: câu 1
2. Kết quả nghiên cứu: câu 2, 3 & 4
3. Kết luận: câu 5
5. Các loại tóm tắt trong bài báo NCKH
Theo Svobodova và cộng sự [10] có 2 loại tóm tắt:
a) tóm tắt mô tả (descriptive abstract): loại tóm tắt này cung cấp một danh sách các nội dung về những gì sẽ có trong bài báo, những gì tác giả sẽ đề cập/cố gắng chứng minh trong bài báo, chứ không phải tóm tắt về các kết quả nghiên cứu.
b) tóm tắt thông tin (informative abstract): loại tóm tắt này không những chỉ mô tả những gì được đề cập trong bài báo mà còn tóm tắt các thông tin chính trong thực tế như phần phương pháp và vật liệu, kết quả và kết luận/khuyến nghị.
6. Sự khác biệt về văn phong giữa tóm tắt mô tả và tóm tắt thông tin
6.1 Một tóm tắt mô tả và những điểm cần lưu ý
AN OVERVIEW OF ROTATING STALL AND SURGE CONTROL FOR AXIAL FLOW COMPRESSORS.
Abstract A. Modelling and control for axial flow compression systems have received great attention in recent years. The objectives are to suppress rotating stall and surge, to extend the stable operating range of the compressor system, and to enlarge domains of attraction of stable equilibria using feedback control methods. The success of this research field will significantly improve compressor performance and thus future aeroengine performance. This paper surveys the research literature and summarises the major developments in this active research field, focusing on the modelling and control perspective to rotating stall and surge for axial flow compressors. Keywords: axial flow, rotating stall, surge
Nguồn: dẫn theo Svobodova & cộng sự [10] trong “Writing in English” tr. 230
*Những điểm cần lưu ý:
– Mục đích: Tóm tắt A là một tóm tắt mô tả: nó kể cho độc giả những gì tác giả thực hiện trong bài báo nhưng không phải các ý tưởng thực sự của họ.
– Cấu trúc: Tóm tắt này bắt đầu bằng lời giải thích thuộc lĩnh vực nghiên cứu, mục đích của nó và kết quả tiềm năng của nghiên cứu và rồi chuyển sang nêu ý định của tác giả về việc xem xét tài liệu nghiên cứu và tóm tắt các phát triển chính.
– Sử dụng ngôn ngữ: – chỉ dùng thì hiện tại (kể cả thì hiện tại hoàn thành và tương lai)
– dùng các từ ngữ học thuật có tính phổ thông: ví dụ, “have received great attention”; “the objectives are…”; “this paper surveys…and summarises…, focusing on…”
Cả hai loại tóm tắt đều dùng câu mở rộng để cô đọng thông tin. Ở tóm tắt A, tác giả dùng “The objectives are to…, to…, and to…
6.2 Một tóm tắt thông tin và những điểm cần lưu ý
CD46 IS A CELLULAR RECEPTOR FOR HUMAN HERPESVIRUS 6
Abstract B. Human herpesvirus 6 (HHV6) is the etiologic agent of exanthum subtium, causes opportunistic infections in immunocompromised patients; and has been implicated in multiple sclerosis and in the progression of AIDS. Here, we show that the two major HHV-6 groups (A and B) use human CD46 as a cellular receptor. Downregulation of surface CD46 was documented during the course of HHV-6 infection. Both acute infection and cell fusion mediated by HHV-6 were specially inhibited by a monoclonal antibody to CD46; fusion was also blocked by soluble CD46. Nonhuman cells that were resistant to HHV-6 fusion and entry became susceptible upon expression of recombinant human CD46. The use of ubiquitous immunoregulatory receptor opens novel perspectives for understanding the tropism and pathogenicity of HHV-6.
Nguồn: dẫn theo Svobodova & cộng sự [10] trong “Writing in English” tr. 24
*Những điểm cần lưu ý:
– Mục đích: Tóm tắt B là một tóm tắt thông tin: tóm tắt này nêu các chi tiết về những gì đã được nghiên cứu, các kết quả nghiên cứu là gì và những gì có thể xảy ra trong tương lai.
– Cấu trúc: tóm tắt B trước hết định nghĩa HHV-6 và giải thích tầm quan trọng của nó; tóm tắt này nêu mục đích nghiên cứu (we show that…), phương pháp (Downregulation) và kết quả; nó kết luận bằng một phát biểu về viễn ảnh tương lai như là kết quả nghiên cứu.
– Sử dụng ngôn ngữ:
– dùng thì hiện tại đối với những phát biểu chung chung về những gì bài báo thực hiện.
– dùng thì quá khứ để mô tả quy trình và kết quả nghiên cứu
– gồm một số lượng dày đặc thuật ngữ chuyên ngành liên quan đến chủ đề so với tóm tắt mô tả cùng với các động từ chuyên ngành để mô tả chính xác những gì đã xảy ra trong nghiên cứu (inhibited: ức chế); (blocked: tắc nghẽn)… v.v.
– Tóm tắt thông tin cũng dùng câu mở rộng để cô đọng thông tin. Ví dụ, câu mở đầu “ Human herpesvirus 6 is … , causes … , and has been …”. – Lưu ý việc sử dụng câu thụ động khi mô tả nghiên cứu trong tóm tắt thông tin. 7. Các đặc trưng ngôn ngữ trong phần tóm tắt
7.1 Sử dụng ngôi thứ ba số ít Đặc trưng tiêu biểu nhất về xưng hô trong phần tóm tắt của bài báo NCKH là việc sử dụng thường xuyên ngôi thứ ba số ít để chỉ tác giả thay vì ngôi thứ nhất (I/we) như: “The writer”, “The author”, “The researcher” hoặc dùng cấu trúc chủ động vô nhân xưng như: “The paper deals with…”, “The results reveal/indicated…”.
7.2 Sử dụng cấu trúc thụ động Dùng cấu trúc thụ động trong phần tóm tắt của bài báo NCKH cũng là một cách tránh dùng ngôi thứ nhất số ít. Ví dụ, “It can be concluded that…” thay cho “We can conclude that…”. “It is assumed that…” thay cho “We can assume that…”
7.3 Sử dụng thì (tense) và thể (aspect)
Các phân biệt về thì và thể cũng có thể mang thêm các nét nghĩa tinh tế trong diễn ngôn khoa học. Svobodova và cộng sự [10] cho rằng thì hiện tại được dùng cho những phát biểu khái quát về những gì bài báo thực hiện còn thì quá khứ được dùng để mô tả quy trình và kết quả nghiên cứu. Khi nói đến việc sử dụng thì trong các tóm tắt học thuật giữa tiếng Anh và tiếng Brazin, Johns [dẫn theo Mona Baker,1] chỉ ra rằng một số động từ đề cập đến những gì được nêu trong chính bài báo học thuật thì ông gọi những động từ này là các động từ trình bày (indicative verbs), còn những động từ khác đề cập tới những gì đã được thực hiện trong nghiên cứu mà bài báo báo cáo thì ông gọi là động từ thông tin (informative verbs). Johns gợi ý rằng các động từ như “present” (trình bày), “mention” (đề cập), “propose” (đề xuất) và “refer to” (đề cập) là các động từ trình bày (theo cách gọi của Johns) liên quan đến những gì tác giả đang thực hiện trong chính bài báo thì thường được dùng ở thì hiện tại (present tense) còn những động từ như “determine” (xác định), “record” (ghi/chỉ), “select” (tuyển chọn), và “detect” (phát hiện) vốn liên quan đến công trình nghiên cứu thì thường dùng ở thì quá khứ (past tense). Johns lưu ý rằng “the results of an experiment are analyzed” báo cáo nội dung bài báo, còn “they were analyzed” báo cáo một trong những phương thức được tiến hành trong công trình nghiên cứu. Trong các tóm tắt học thuật (khoa học và công nghệ) trong tiếng Anh Johns cũng gợi ý rằng thể hiện tại hoàn thành (present perfect) được dùng cụ thể để chỉ công trình nghiên cứu của các nhà khoa học khác. Ví dụ, “It is proposed that …” gợi ý người viết phần tóm tắt đang đề xuất, còn “It has been proposed that …” gợi ý rằng một ai đó đề xuất chứ không phải người viết phần tóm tắt. Theo Weissberg & Buker [13], các thì của động từ được dùng để viết các câu trong phần tóm tắt đều liên quan trực tiếp đến các thì của động từ mà ta đã dùng trong các phần tương ứng trước đó trong công trình nghiên cứu hay bài báo NCKH. Ví dụ, câu thông tin nền trong phần tóm tắt tương tự như câu thông tin nền trong phần giới thiệu: cả hai đều được viết ở thì hiện tại (present tense). Trong phần tóm lượt, thì hiện tại thường được dùng ở phần thông tin nền và kết luận; thì quá khứ dùng trong các phần: mục đích (quá khứ hoặc hiện tại hoàn thành), phương pháp, kết quả.
7.3.1 Thì hiện tại trong phần thông tin nền và kết luận
– One of the basic principles of communication is that the message should be understood by the intended audience (thông tin nền). – The results suggest that the presence of unique sets of industry factors can be used to explain variation in economic growth (kết luận)
7.3.2 Thì quá khứ được dùng trong các phần: mục đích, phương pháp và kết quả
– In this study the readability of tax booklets from nine states was evaluated (mục đích). – Children performed a 5-trial task (phương pháp). – Older workers surpassed younger ones in both speed and skill jobs (kết quả).
7.3.3 Hiện tại hoàn thành trong phần mục đích
– Net energy analyses have been carried out for eight trajectories which convert energy source into heated domestic water (mục đích).
7.4 Sử dụng các động từ tình thái (modal verbs) và động từ thăm dò (tentative verbs)
Dùng động từ tình thái như “will”, “would”, “should”, “may”, “could”… trong câu kết luận (phần tóm tắt) gợi ý một thái độ thăm dò hoặc khiêm tốn của tác giả bài báo. Các động từ “thăm dò” như “suggest” (gợi ý), “recommend” (khuyến nghị/đề nghị), “propose” (đề xuất), “imply” (gợi ý)… cũng được khuyên dùng trong bài báo để người viết không quá chủ quan về các ứng dụng, lý thuyết cũng như thực hành khi nêu giá trị công trình khoa học.
– The results suggest [động từ thăm dò] that the presence or absence of unique sets of industry factors can [động từ tình thái] be used to explain growth variation in both the center and the periphery of the industrialized region.
– We recommend [động từ thăm dò]that a moderate level of indentation be used to increase program comprehension and user satisfaction.
8. Kết luận
Dù chỉ trình bầy hai mô hình mẫu tóm tắt (mô hình năm thành phần và mô hình hai thành phần) của Weissberg & Buker (1990) và hai loại tóm tắt (tóm tắt mô tả và tóm tắt thông tin) của Svobodova & cộng sự (2000) nhưng bài báo đã miêu tả bức tranh “phần tóm tắt” với các đặc trưng ngôn ngữ khá rõ nét. Tuy nhiên để có bức tranh “phần tóm tắt” đầy đủ nhất, cần phải có các nghiên cứu đối chiếu giữa hai ngôn ngữ (Anh-Việt) và phân tích thể loại. Các nghiên cứu trong tương lai cần chú trọng vào việc phân tích phần tóm tắt theo các chuyên ngành để thấy được khác biệt giữa hai ngôn ngữ). Hy vọng rằng qua các đặc trưng ngôn ngữ của phần tóm tắt được phân tích và các loại thông tin được giới thiệu trong bài báo, sinh viên ngoại ngữ và sinh viên chuyên ngành sẽ nhận những hướng dẫn hữu ích để viết một tóm tắt của bài báo NCKH phù hợp bằng tiếng Anh.
Tài Liệu Tham Khảo
[1] Baker, Mona (1997), In Other Words: A Coursebook on Translation. Routledge.
[2] Johns, T (1991), It Is Presented Initially: Linear Dislocation & Interlanguage Strategies in Brazilian Academic Abtracts in English and Portuguese Mimeograph. University of Birmingham.
[3] Nguyễn Minh Thuyết (Chủ biên) & Nguyễn Văn Hiệp (1999), Tiếng Việt Thực Hành. NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội.
[4] Nguyễn Phước Vĩnh Cố (2011), Dạng Thức Xưng Hô và Cấu Trúc Vô Nhân Xưng Trong Diễn Ngôn Khoa Học. Truy cập ngày 25/9/2012 từ https://nguyenphuocvinhco.wordpress.com/2011.
[5] Nguyễn Phước Vĩnh Cố (2012), Để Viết Phần Giới Thiệu Của Một Bài Báo Nghiên Cứu Khoa Học. Truy cập ngày 8/10/2012 từ https://nguyenphuocvinhco.wordpress.com/2011.
[6] Nguyễn Văn Tuấn (2012), Cách Viết Một Bài Báo Khoa Học (phần 1). Truy cập ngày 8/10/2012 từ http://nguyenvantuan.net.
[7] Ngũ Thiện Hùng & Bùi Thị Thu Hà (2007), Tìm Hiểu Một Số Đặc Điểm Diễn Ngôn Phần Tóm Tắt Của Các Bài Báo Kinh Tế Tiếng Anh và Tiếng Việt. Truy cập ngày 28/9/2012 từ http://www.kh-sdh.udn.vn/zipfiles/hung_nguthien.doc
[8] Orasan. C. (2001), Patterns in Scientific Abstracts, in Proceedings of Corpus Linguistics 2001 Conference, Lancaster University, Lancaster UK. Truy cập ngày 25/9/2012 từ clg.wlv.ac.uk > Publications.
[9] Samraj, B. (2002), Introductions in Research Articles: Variations Across Disciplines. Truy cập ngày 24/7/12 từ samraj_on_introductions(3).pdf
[10] Svobodova & et al. (2000), Writing in English: A Practical Handbook for Scientific and Technical Writers. Truy cập ngày 25/9/12 từ http://w.w.w.atom.uni-mb.si/Stu/filesWriting_in_English.pdf
[11] Swales, J. (1981), Aspects of Article Introductions. Birmingham, UK. The University of Aston, Language Studies Unit.
[12] Swales, J. (2011), Genre Analysis: English in Academic and Research Settings. Cambrigde: Cambrige University Press.
[13] Weissberg, Robert & Buker, Suzanne. (1990), Writing Up Research: Experimental Research Report Writing for Students of English, Prentice Hall Regents.
Share this:
Thích bài này:
Thích
Đang tải…