ĐB Quốc hội lo ngại ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội tới giới trẻ
ĐB Quốc hội Lê Thị Ngọc Linh (Đoàn tỉnh Bạc Liêu) cho rằng, mạng xã hội ra đời đã và đang ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, hành vi của các tầng lớp xã hội, trong đó có lực lượng trẻ – đây là một trong các nhóm sử dụng mạng xã hội cao nhất. Theo thống kê, các mạng xã hội lớn được giới trẻ Việt Nam ưa chuộng là các nền tảng như Youtube (92%), Facebook (91,7%), Zalo (76,5%)… Điều này cho thấy mức độ phổ biến của mạng xã hội là rất rộng rãi.
Theo ĐB Lê Thị Ngọc Linh, bên cạnh mặt tích cực của mạng xã hội như giúp tìm kiếm thông tin, kết nối mọi người ở mọi miền thì mạng xã hội cũng có nhiều nội dung xấu, độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tham gia mạng xã hội. Ảnh hưởng đến tâm sinh lý, việc hình thành, phát triển lối sống, nhân cách tốt đẹp của con người – đặc biệt là giới trẻ.
ĐB Quốc hội Lê Thị Ngọc Linh (đoàn Bạc Liêu) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
ĐB dẫn chứng, chống kê sơ bộ trong hơn 30 triệu người sử dụng internet tại Việt Nam thì có khoảng 87,5% đang sử dụng mạng xã hội nằm trong độ tuổi từ 15-34 (chiếm 71%). Thời lượng giới trẻ sử dụng mạng xã hội trung bình 5 giờ/ngày, thời gian nhiều ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ, học tập…
Bên cạnh đó, vấn đề đáng quan tâm nữa là tình trạng vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan đến sử dụng các trang mạng nhằm đăng tải thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến Đảng, Nhà nước, các tổ chức cá nhân. Điển hình như tài khoản Facebook của Nguyễn Phương Hằng ở TP Hồ Chí Minh, tài khoản của Đặng Như Quỳnh ở TP Hà Nội vừa qua đã được cơ quan chức năng mời làm việc, xử phạt. Hay các cá nhân lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, mua bán hàng giả, hàng cấm. Thậm chí, có những trường hợp xuất phát từ mâu thuẫn đã thách đấu trên mạng xã hội dẫn đến ẩu đả ngoài đời thật, để lại nhiều hậu quả đau lòng.
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Trước thực trạng trên, để từng bước nâng cao tính tích cực, hạn chế những tiêu cực của mạng xã hội, đến sự phát triển nhân sách và lối sống của giới trẻ hiện nay, ĐB đề xuất: Các cơ quan quản lý thực hiện nghiêm túc và phối hợp các ngành liên quan quan tâm hơn nữa và có giải pháp tối ưu hạn chế vấn đề này.
Cùng đó, nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị xã hội phối hợp với nhà trường và gia đình trong giáo dục, định hướng cho các em để biết cách khai thác thông tin thiết thực, có kỹ năng sử dụng mạng xã hội, biết chọn lọc các thông tin hữu ích, tránh xa tin độc hại; giáo dục ứng xử văn minh trên mạng, kiểm soát hành vi, lời nói khi sử dụng mạng xã hội. Qua đó, hình thành thói quen tích cực, ngăn chặn tiêu kích, giúp hình thành thói quen có ích khi tham gia mạng xã hội.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước đối với mạng xã hội, nhất là thực hiện có hiệu quả Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách đối với mạng xã hội để kẻ xấu không có cơ hội thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên các trạng mạng xã hội; có chế tài xử lý mạnh những vi phạm trên mạng xã hội.