ĐÁNH GIÁ KIẾN THỨC VÀ KHẢO SÁT SỰ TUÂN THỦ VỆ SINH TAY CỦA NHÂN VIÊN Y TẾ TẠI MỘT SỐ KHOA LÂM SÀNG BỆNH VIỆN QUÂN Y 103 – Bệnh viện Quân Y 103
TÓM TẮT
Mục tiêu: Đánh giá kiến thức và khảo sát sự tuân thủ vệ sinh tay (VST) của nhân viên y tế (NVYT) trong Bệnh viện Quân y 103 năm 2013.
Phương pháp nghiên cứu: Phát phiếu điều tra; kết hợp với quan sát trực tiếp tại các khoa phòng.
Kết quả: Khảo sát 383 NVYT thấy: 30,81% cho rằng mang găng có thể thay thế được VST, 57,70% không nêu chính xác được 5 thời điểm VST, 79,11% cho rằng VST bằng nước và xà phòng hiệu quả hơn VST bằng dung dịch chứa cồn. Tỷ lệ tuân thủ VST tại 5 thời điểm: trước khi tiếp xúc người bệnh (15,78%); sau khi tiếp xúc bề mặt các vật dụng trong buồng bệnh (47,32%); sau khi tiếp xúc với người bệnh (70,86%); trước khi làm thủ thuật vô khuẩn (81,42%) và sau khi tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh (93,65%).
Kết luận: Kiến thức chung về vệ sinh tay của nhân viên y tế còn chưa đầy đủ. Tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay tại 5 thời điểm theo quy định của Bộ Y Tế là không đều nhau.
Từ khóa: Vệ sinh tay
EVALUATING KNOWLEDGE AND EXCERCISE
OF HAND HYGIENE OF MEDICAL STAFFS
AT MILITARY HOSPITAL 103
ABSTRACT
Background: Hospital acquired – infection (HAI) is a vast challenge and concern in both Vietnam and all over the world . This research is to evaluate the knowledge, compliance with hand hygiene of medical staffs at Military Hospital 103 in 2013.
Materials and Methods: Investigated in 383 medical staffs. Delivering questionnaires, observing performance on hand hygiene practices of medical staffs.
Results: 30.81% of medical staffs believed that wearing medical hand gloves without washing hands is adequately hygienic; 57.7% couldn’t cite sufficiently 5 moments for hand hygiene; 79.11% thought that washing hands with water and soap is clearer than with alcoholic solutions. The rates of compliance sufficiently 5 moments for hand hygiene: before touching a patient (15.78%), after touching patient surroundings (47,32%), after touching a patient (70.86%), before cleaning and aseptic procedures (81.42%) and after contact with patient fluids (93.65%), respectively.
Conclusions: The overall knowledge of medical staffs in our research about hands hygiene was insufficient. Moreover, the rates of compliance hand hygiene was not equal in 5 moments for hands hygiene. Not every medical staff was fully aware of hand hygine.
Key words: Hand hygiene
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Nhiễm khuẩn Bệnh viện (NKBV) là một trong những thách thức và mối quan tâm rất lớn tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Nhiều nghiên cứu cho thấy NKBV làm tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị. Theo thống kê, tỷ lệ NKBV chiếm khoảng 5- 10% ở các nước phát triển và 15- 20% ở các nước đang phát triển [3].
Có nhiều yếu tố gây ảnh hưởng NKBV như: môi trường ô nhiễm, bệnh truyền nhiễm, xử lý dụng cụ, các thủ thuật xâm lấn nhưng ô nhiễm bàn tay của nhân viên y tế (NVYT) là 1 mắt xích quan trọng trong dây chuyền NKBV.
Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định “Chăm sóc sạch là chăm sóc an toàn” và “Vệ sinh tay là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất trong phòng ngừa NKBV”. Đây là giải pháp rẻ tiền nhất, dễ thực hiện và hiệu quả nhất. Năm 2007, Vụ Điều trị Bộ Y tế đã ban hành công văn số 7517/BYT- Đtr qui định và hướng dẫn quy trình vệ sinh tay thường quy. Nội dung công văn đã được phổ biến toàn thể cán bộ, nhân viên toàn Bệnh viện Quân y 103 [1], [5].
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy nhận thức của nhân viên y tế (NVYT) còn chưa đầy đủ, phương tiện vệ sinh tay còn thiếu, vị trí vệ sinh tay còn chưa hợp lý nên tỷ lệ vệ sinh tay (VST) còn thấp ở hầu hết các Bệnh viện. Vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm 2 mục tiêu:
1. Đánh giá kiến thức về vệ sinh tay của nhân viên y tế tại Bệnh viện QY103.
2. Khảo sát sự tuân thủ vệ sinh tay của nhân viên y tế tại một số khoa lâm sàng trong Bệnh viện QY103.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu
383 NVYT bao gồm: 93 bác sĩ, 130 điều dưỡng, 20 hộ lý (HL) và 140 sinh viên đang học tập và công tác tại 10 khoa lâm sàng (5 khoa nội, 5 khoa ngoại) thuộc Bệnh viện Quân y 103. Thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2013.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu: Phát phiếu điều tra,quan sát trực tiếp tại khoa phòng.
* Đánh giá kiến thức bằng bộ câu hỏi phát cho nhân viên y tế trả lời theo các phương án nêu sẵn, chọn câu trả lời đúng (20 câu) trong 10 phút. Thống kê số liệu trả lời đúng sai.
* Quan sát trực tiếp số cơ hội vệ sinh tay mà nhân viên y tế thực hiện.
* Đánh giá tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay trên các đối tượng:
– Tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay của các đối tượng nghiên cứu liên quan đến công việc phải vệ sinh tay có đúng qui trình vệ sinh tay của Bộ Y tế không?
– Các thời điểm vệ sinh tay theo qui định phải vệ sinh tay được liệt kê sau đó quan sát xem các đối tượng có thực hiện hay không?
2.3. Phương pháp thu thập xử lý số liệu:
– Thu thập số liệu được thực hiện qua quan sát trực tiếp tại các khoa trong Bệnh viện và điền vào bảng đánh giá (toàn bộ nhóm nghiên cứu được tập huấn, hướng dẫn các qui trình, chỉ tiêu đánh giá)
– Xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS 16.0
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Đánh giá kiến thức về vệ sinh tay
Nhận xét: 30,81% NVYT cho rằng mang găng có thể thay thế được vệ sinh tay, đây là nhận thức chưa đúng và làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm từ bàn tay.
Nhận xét: 57,70% NVYT không nêu chính xác được 5 thời điểm vệ sinh tay (trả lời thiếu, trả lời sai, không trả lời).
Nhận xét: 79,11% NVYT cho rằng vệ sinh tay bằng nước và xà phòng hiệu quả tốt hơn vệ sinh tay bằng dung dịch chứa cồn.
3.2. Đánh giá về sự tuân thủ vệ sinh tay của nhân viên y tế
Nhận xét: Tỷ lệ tuân thủ VST trước khi tiếp xúc với người bệnh cao nhất ở nhóm điều dưỡng, tiếp đến là bác sĩ, sau đó là hộ lý, thấp nhất là sinh viên y.
Nhận xét: Tỷ lệ tuân thủ VST trước khi làm thủ thuật vô khuẩn cao nhất ở nhóm bác sĩ, tiếp đến là điều dưỡng, sau đó là hộ lý, thấp nhất là sinh viên y khoa.
Nhận xét: Tỷ lệ tuân thủ VST sau khi tiếp xúc với người bệnh cao nhất ở nhóm điều dưỡng, tiếp đến là bác sĩ, sau đó là hộ lý, thấp nhất là sinh viên y khoa.
Nhận xét: Tỷ lệ tuân thủ VST sau khi tiếp xúc với dịch tiết cao nhất là điều dưỡng, tiếp đến là bác sĩ, sau đó là hộ lý, thấp nhất là sinh viên y.
Nhận xét: Tỷ lệ tuân thủ VST sau khi tiếp xúc bề mặt (các vật dụng trong buồng bệnh) cao nhất ở nhóm điều dưỡng, tiếp đến là bác sĩ, sau đó là hộ lý, thấp nhất là sinh viên y khoa.
Nhận xét: Các đối tượng áp dụng kỹ thuật vệ sinh tay chủ yếu là với xà phòng và nước; còn chưa chú ý tới kỹ thuật vệ sinh tay bằng dung dịch chứa cồn:
– Tỷ lệ với xà phòng và nước là 79,11%. Đối tượng áp dụng cao nhất là hộ lý, tiếp đến là sinh viên, sau đó là bác sĩ, thấp nhất là điều dưỡng.
– Tỷ lệ với dung dịch chứa cồn là 20,89%. Đối tượng áp dụng cao nhất là điều dưỡng, tiếp đến là bác sĩ, sau đó là sinh viên y khoa, thấp nhất là hộ lý.
4. BÀN LUẬN
4.1. Về kiến thức vệ sinh tay
Qua đánh giá sơ bộ về kiến thức về vệ sinh tay, chúng tôi thấy còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, cần được tăng cường đào tạo, tập huấn:
– 30,81% NVYT cho rằng mang găng có thể thay thế được vệ sinh tay. Điều đó có thể dẫn đến việc lạm dụng và ngộ nhận khi mang găng. Thực tế là khi thực hiện thăm khám và chăm sóc người bệnh, đôi lúc NVYT chỉ dùng một đôi găng từ đầu đến cuối buổi, điều đó không đảm bảo được yêu cầu chăm sóc sạch, và chỉ có tác dụng phòng ngừa cho NVYT mà không đảm bảo an toàn cho người bệnh.
– 57,70% NVYT không nêu chính xác được 5 thời điểm vệ sinh tay (hoặc trả lời thiếu, hoặc trả lời sai, hoặc không trả lời). Điều này cho thấy NVYT chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của VST, chưa hiểu rõ các thời điểm cần VST.
– 79,11% NVYT thực hiện vệ sinh tay bằng nước và xà phòng, và cho rằng hiệu quả tốt hơn sử dụng dung dịch chứa cồn. Điều này cho thấy các NVYT vẫn chưa đánh giá đầy đủ về vai trò và hiệu quả của vệ sinh tay bằng dung dịch chứa cồn, mặc dù đây cũng là một phương pháp vệ sinh tay có hiệu quả và nhanh. Theo nhận thức và thói quen, NVYT thường coi việc vệ sinh tay bằng nước và xà phòng là hiệu quả nhất. Tuy nhiên, tuân thủ vệ sinh tay bằng nước và xà phòng rất khó đạt tỷ lệ cao theo quy định vì thiếu trang bị, mất thời gian và không thực tế. Trên thực tế, khi thực hành chăm sóc người bệnh, không phải chỗ nào cũng có lavabo nước và xà phòng để thực hiện việc vệ sinh tay. Ngay cả khi có đầy đủ trang thiết bị thì người NVYT cũng không thể cứ khám hoặc tiêm truyền xong một người bệnh lại đến lavabo vệ sinh tay một lần. Do vậy, cùng với việc thực hiện vệ sinh tay bằng xà phòng và nước, cũng cần nhận thức và tăng cường vệ sinh tay bằng dung dịch chứa cồn nhằm đạt tỷ lệ cao theo quy định việc vệ sinh tay trong thực hành lâm sàng..
4.2. Về tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay
Theo các tiêu chí về tuân thủ 5 thời điểm vệ sinh tay của Tổ chức Y tế Thế giới, kết quả nghiên cứu cho thấy: Trước khi tiếp xúc người bệnh, tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay của nhân viên y tế bệnh viện còn thấp (15,78%). Đây là điều đáng lưu ý vì có thể làm lây nhiễm vi khuẩn từ bàn tay không sạch của nhân viên y tế cho người bệnh và có thể đây là một nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ lây chéo trong bệnh viện.
Theo nghiên cứu của Lê Kiến Ngãi (BV Nhi Trung ương), tỷ lệ tuân thủ chung là 58,6%.; trước khi làm thủ thuật vô khuẩn là 56,8% và sau khi tiếp xúc người bệnh là 65,6% [2]. Trong nghiên cứu của Tạ Thị Thành (Bệnh viện Kontum), tỷ lệ tuân thủ chung là 75%, trong đó bác sĩ là 60%, điều dưỡng 83,5%. Tỷ lệ tuân thủ theo các thời điểm: trước khi tiếp xúc người bệnh là 63,56%, trước khi làm thủ thuật vô khuẩn vô khuẩn 79,93%, sau tiếp xúc người bệnh là 41%; sau khi tiếp xúc dịch tiết 93,67%; sau tiếp xúc bề mặt xung quanh là 35,38%. Kết quả cho thấy tỷ lệ tuân thủ tại thời điểm sau khi tiếp xúc người bệnh cao hơn so với thời điểm sau khi tiếp xúc vật dụng xung quanh người bệnh [4].
5. KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu khảo sát trên 383 NVYT, chúng tôi rút ra kết luận như sau:
1. Kiến thức của NVYT về vệ sinh tay còn chưa đầy đủ: 30.81% cho rằng mang găng có thể thay thế được vệ sinh tay; 57,70% không nêu chính xác được 5 thời điểm vệ sinh tay; 79,11% cho rằng vệ sinh tay bằng nước và xà phòng hiệu quả tốt hơn vệ sinh tay bằng dung dịch chứa cồn.
2. Tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay không đều ở các thời điểm vệ sinh tay của WHO : thấp nhất là trước khi tiếp xúc người bệnh (15,78%), sau đó đến thời điểm sau khi tiếp xúc bề mặt các vật dụng trong buồng bệnh (47,32%), sau khi tiếp xúc với người bệnh (70,86%), trước khi làm thủ thuật vô khuẩn (81,42%) và cao nhất là sau khi tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh (93,65%).
6. KIẾN NGHỊ
– Cần tăng cường đào tạo, tập huấn cho NVYT kiến thức về vệ sinh tay.
– Trang bị đầy đủ phương tiện vệ sinh tay cho các khoa còn thiếu.
– Tăng cường kiểm tra, giám sát sự tuân thủ vệ sinh tay của NVYT.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Y tế (2007) Công văn số 7517/BYT – Đtr: “Quy định và hướng dẫn quy trình vệ sinh tay thường quy”.
2. Lê Kiến Ngãi, Lục Thị Thu Quỳnh và cs, Hiệu quả của các chương trình thúc đẩy tuân thủ vệ sinh tay tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Tạp chí nghiên cứu y học lâm sàng, Bệnh viện Trung ương Huế, 2011,8(6), tr 74 – 79.
3. Nguyễn Việt Hùng, Vệ sinh tay,2010, NXB Yhọc,.
4. Tạ Thị Thành, Nghiên cứu kiến thức và tuân thủ vệ sinh tay ở điều dưỡng bệnh viện Kon Tum. Tạp chí nghiên cứu y học lâm sàng, Bệnh viện Trung ương Huế, 2013, 8(15), tr 109-113
5. WHO Guidelines on Hand Hygiene in Health Care: First Global Patient Safety Challenge Clean Care Is Safer Care, 2009, Geneva
Nhóm tác giả:
CNĐD. Nguyễn Thị Thu Hà (Khoa Tim mạch – Bệnh viện Quân Y 103)
Ths. Trần Đức Hùng (Khoa Tim mạch – Bệnh viện Quân y 103)
PGS.TS. Kiều Chí Thành (Khoa chống nhiễm khuẩn – Bệnh viện Quân y 103)