ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI – TRANG CHỦ
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị – ĐHQGHN, là cộng tác viên nhiều năm tham gia đào tạo đội ngũ giảng viên trình độ trên đại học, tôi đánh giá cao quyết định rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước thành lập Trung tâm, hết sức vui mừng được cộng tác với Trung tâm. Xin chúc mừng những thành công ngày càng to lớn trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên lý luận cho hệ thống các trường đại học, cao đẳng, đáp ứng được sự tin cậy của Đảng và Nhà nước, đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ đẩy mạnh và nâng cao nghiên cứu lý luận trong công cuộc đổi mới hiện nay.
Chúng ta đều biết rằng các nhà sáng lập Học thuyết Mác – Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng, rằng chỉ có Đảng nào được trang bị lý luận tiên phong thì mới làm tròn sứ mệnh chiến sĩ tiên phong. Đảng ta ngay từ khi mới ra đời cũng như trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã rất chú trọng công tác lý luận. Học thuyết Mác – Lênin là một lý luận không chỉ trang bị cho nhân loại thế giới quan và phương pháp luận để nhận thức, để giải thích thế giới và cao hơn nữa là cải tạo thế giới mà còn đòi hỏi vận dụng lý luận Mác – Lênin vào thực tiễn của mỗi quốc gia trên con đường đấu tranh hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Để vũ trang lý luận chính trị cho quảng đại quần chúng, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực nhận thức của đội ngũ giảng viên là cực kỳ quan trọng. Đây là cầu nối đưa lý luận Mác- Lênin vào quần chúng, biến lý luận thành hiện thực, kiểm chứng và bổ sung lý luận.
Từ thực tiễn hiểu và vận dụng lý luận vào thực tiễn trong toàn hệ thống xã hội chủ nghĩa trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã chỉ ra rằng nắm và vận dụng lý luận vào thực tiễn còn yếu. Lý luận còn chưa theo kịp những diễn biến của thực tiễn. Việc tuyên truyền giáo dục lý luận và đội ngũ làm công tác đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị còn thiếu, yếu. Chuẩn bị cho sự nghiệp đổi mới, Đảng và Nhà nước đã thấy sự cần thiết có một Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị.
Sự ra đời của Trung tâm đã đáp ứng đòi hỏi của tình hình thực tiễn là cần bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiên cứu, năng lực nhận thức cho đội ngũ giảng viên – những người làm công tác đào tạo tuyên truyền, phổ biến lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong cơ sở đào tạo. Để phổ biến chủ nghĩa Mác trong nhân dân việc đào tạo và bồi dưỡng, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị có trình độ cử nhân trên đại học là một đòi hỏi cấp bách hiện nay. Cần phải có một đội ngũ giảng viên lý luận chính trị các môn khoa học Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đủ cơ cấu trình độ, cơ cấu chuyên ngành, cơ cấu độ tuổi ngõ hầu khoả lấp sự hẵng hụt hiện nay là một đòi hỏi bức bách. Nhìn vào lực lượng giảng viên ở các trường đại học, cao đẳng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị đang thiếu và có sự hẫng hụt do nhiều nguyên nhân khác nhau. Sự ra đời của Trung tâm, việc kiện toàn đội ngũ giảng viên lý luận chính trị cho các trường đã được chú ý. Nhiều giảng viên đã được đào tạo, bồi dưỡng trình độ cao học nghiên cứu sinh các chuyên ngành Mác – Lênin không chỉ đáp ứng đòi hỏi nâng cao năng lực tác nghiệp mà còn góp phần đào tạo cán bộ lý luận chính trị cho tương lai.
Qua thực tế công tác với Trung tâm những năm qua tôi thấy cần chú ý thêm một số điều chỉnh sau đây:
Một là: Cần chú trọng bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên lý luận chính trị cập nhật những đòi hỏi lý giải các vấn đề của thực tiễn cách mạng Việt Nam đặt ra. Hàng năm và định kỳ 5 năm Đảng và Nhà nước chủ trương tổ chức nghiên cứu nhiều đề tài khoa học xã hội nhằm lý giải nhiều vấn đề của thực tiễn đặt ra xem xét từ góc độ lý luận cần tổ chức cho học viên tiếp cận những kết quả nghiên cứu mới để nắm được và lượng định trong nghiên cứu và giảng dạy. Cần thông tin đến toàn đội ngũ dưới dạng định kỳ và tập huấn. Giảng viên lý luận chính trị không nắm vững những kết quả nghiên cứu này sẽ hết sức khó khăn trong triển khai công việc chuyên môn, khó làm cho “cây đời mãi xanh tươi”.
Hai là: Qua kinh nghiệm xem xét các đề tài luận văn, luận án gần đây chúng tôi thấy rõ sự lúng túng của học viên trong tiếp cận và định hướng những vấn đề nghiên cứu lý luận ở bậc sau đại học. Trung tâm cần khảo sát nhu cầu của học viên kết hợp với trao đổi với các Trung tâm nghiên cứu, giảng dạy lý luận Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng một hệ các vấn đề cần nghiên cứu trước khi quyết định học ở bậc cao hơn.
Ba là: Là Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị cho đội ngũ giảng viên đang tác nghiệp và học trình độ cao hơn dù đào tạo bồi dưỡng tập trung hay tại chức cần trang bị thêm cho các học viên những chuyên đề chuyên sâu gắn với đương đại. Đây không chỉ nhằm trang bị cho học viên những vấn đề lý giải thực tiễn mà còn góp phần nâng cao năng lực nhận thức, truyền đạt kiến thức cho đội ngũ cán bộ lý luận chính trị nâng cao tính phê phán, tính chiến đấu trước những khuynh hướng chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay của thời đại.
Với những kết quả đạt được trong 20 năm qua và hướng đi được xác định rõ của Trung tâm tôi tin Trung tâm sẽ phát triển sẽ phát triển và đáp ứng được đòi hỏi của Đảng và Nhà nước. Xin hứa sẽ cố gắng hơn nữa và cộng tác với Trung tâm trên các lĩnh vực nghiên cứu với lịch sử Đảng, lịch sử phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh mà tôi có nghiên cứu./.