ĐẠI CƯƠNG KHOA HỌC LÀN DA – CẤU TRÚC DA [PHẦN 1] – Chang Skincare

TẠI SAO PHẢI BIẾT?

Đa phần chúng ta đều thích chăm sóc da, song rất ít người hiểu về cấu trúc da. Dẫn đến chăm sóc da không đúng cách, và khi gặp vấn đề về da cũng không biết chính xác là mình bị gì và sửa chữa từ đâu. Hiểu được cấu trúc da các bạn sẽ biết của take care làn da mình một cách bài bản, hợp lí. Hãy dành thời gian để học hỏi kiến thức khoa học hơn là chi trả tiền. Đúng hay rất đúng hả các cô gái?

Như bạn biết đấy, da là cơ quan lớn trong cơ thể, bao gồm khoảng 15% trọng lượng cơ thể. Về thành phần hóa học, da có khoảng 70% nước, 25% protein và 2% lipid. Da có ba lớp chính thượng bì, trung bì và hạ bì. Để các bạn đọc không bị mệt Chang chia bài viết làm 3 kì tương ứng với ba lớp cấu tạo da nha. Các bạn hãy chịu khó đọc vì nó rất hữu ích cho công cuộc làm đẹp vĩ đại, nó thực sự dễ hiểu và dễ áp dụng.

LỚP THƯỢNG BÌ (BIỂU BÌ) (Epidermis) – LỚP BẢO VỆ

– Dày từ 0.07 – 1.8 mm tùy vùng da. Mỏng hơn hết là mi mắt (đó là lý do vì sao vùng da mắt thường là vùng dễ bị tổn thương và lão hóa, cửa sổ tâm hồn cũng là nơi “tố cáo” tuổi tác của chúng ta), dày hơn là lòng bàn tay bàn chân.
– Là lớp trên cùng của bề mặt da, có nhiệm vụ tổng hợp vitamin D, bảo vệ làn da của bạn khỏi những vi khuẩn, tia bức xạ từ mặt trời, máy tính, điện thoại, ô nhiễm môi trường,…
– Lớp biểu bì còn có một khả năng siêu phàm nữa đó là nó có thể tự PHỤC HỒI, SỮA CHỮA khi da bị xâm phạm, tổn thương (khả năng này sẽ giảm dần qua từng độ tuổi).
– Hầu hết các tế bào trong lớp biểu bì là keratinocytes. Lớp này liên tục phát triển sản sinh ra các tế bào mới để thay thế cho lớp tế bào cũ (tế bào chết). Lớp tế bào chết cần được loại bỏ khỏi bề mặt da để tế bào mới có cơ hội xuất hiện để bảo vệ làn da của bạn, vì vậy bạn nên chăm chỉ tẩy tế bào chết cơ học 1-2 lần mỗi tuần và sử dụng thêm tẩy tế bào chết hóa học từ các acid hữu cơ để có thể sở hữu làn da tươi sáng. Ngược lại những bạn không tẩy tế bào chết hoặc làm sạch tốt thì lớp tế bào chết sẽ quá dày gây ra nhiều vấn đề như da sạm màu, mụn, khả năng hấp thu dưỡng chất của da bị giảm sút. Mua sản phẩm đắt tiền nhưng dùng lại không có hiệu quả, biết đâu nguyên nhân đơn giản đến từ mắt xích này.

*QUÁ TRÌNH SỪNG HÓA (Turnover):

Ở trên mình đã có đề cập rồi, ở đây cụ thể hơn. Quá trình này bắt đầu ở lớp đáy của thượng bì. Các tế bào lớp đáy sản sinh ra tế bào mới, di chuyển dần lên tạo thành các tế bào lớp trên, cuối cùng thành lớp sừng và tróc ra khỏi da. Quá trình này ở người trưởng thành thường mất khoảng 28 ngày (Trong đó tế bào di chuyển từ lớp đáy lên lớp sừng mất khoảng 14 ngày và mất thêm 14 ngày nữa để tróc ra khỏi da). Càng lớn tuổi, turnover diễn ra càng chậm. Nên theo thời gian làn da của người lớn tuổi sẽ trở nên dày, nhăn nheo (người già quá trình sừng hóa này diễn ra đến tận 100 ngày). Quá trình turnover của em bé diễn ra nhanh và liên tục (14 ngày), nên da em bé lúc nào cũng hồng hào, khỏe mạnh.
– Lớp biểu bì cũng chứa các tế bào Langerhans, là một phần của hệ miễn dịch của da. Các tế bào này giúp phát hiện các chất lạ và bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng, chúng cũng đóng một vai trò trong việc phát triển dị ứng da.
– Còn một loại tế bào rất thú vị nữa là Merkel – được gọi là “tế bào chạm” (6-10% các tế bào trong lớp biểu bì), nằm giữa các tế bào keratinocytes. Chúng tạo cho ta cảm giác, xúc giác khi có các tác nhận chạm vào da.
– Đây cũng là lớp biểu thị độ pH của làn da, da của chúng ta thường có độ pH mang tính acid nhẹ (4.5 – 5.5) – đây là độ pH mà vi khuẩn bất hoạt, không xâm hại được làn da, tính acid này được hình thành do hoạt động các tuyến bã nhờn và tuyến mồ hôi. Nếu bề mặt da bị kiềm hóa sẽ khiến các sợi keratin trở nên mềm, kẽm bền vững và nhạy cảm với tia cực tím hơn.

– Lớp này phát triển và biệt hóa thành 5 lớp khác nhau:
+ Lớp sừng
+ Lớp bóng
+ Lớp hạt
+ Lớp gai
+ Lớp đáy
Nào, bây giờ chúng ta cùng nhau tìm hiểu cụ thể từng lớp nha.

1. LỚP ĐÁY: (hay stratum basale)

– Đây được xem là lớp tế bào cực kỳ quan trọng trong da của chúng ta, vì ở đây diễn ra quá trình phân bào và sản sinh mạnh, nơi sản sinh ra các tế bào mới liên tục. Ở đây chứa 2 tế bào quan trọng là tế bào tiền sừng và tế bào tiền sắc tố.

– Tế bào tiền sừng (hay còn gọi là tế bào đáy/tế bào sinh sản): Chúng sẽ phân chia, biệt hóa, di chuyển ra tới lớp sừng rồi bong ra ngoài. Chúng phản xạ ánh sáng.

– Tế bào tiền sắc tố Melanocytes ( hay còn gọi là tế bào sáng hay tế bào đuôi gai), cứ khoảng 10-15 tế nào đáy thì có 1 tế bào tiền sắc tố. Khi lớp tế bào này tiếp xúc với tia UV thì sẽ sản sinh ra melanin thông quá quá trình oxy hóa của enzym tyrosine, sau đó được chuyển đến túi melanosome và hiện lên bề mặt da để bảo vệ da khỏi các tác nhân UV. Do đó đi nắng đi bạn hay thấy da bị sạm đen đi. Có những làn da bị nám mà tiếp xúc với ánh nắng quá nhiều thì nám còn ngấm ngược xuống da gây ra hiện tượng nám xanh, nám đậm cực kì khó điều trị.

– Khi ra nắng cơ thể có phản ứng tự vệ: tuyến mồ hôi tiết ra acid urocanic, tế bào hạt sinh ra hắc tố melanin, tế bào sừng dày ra để cản tia tử ngoại. Phản ứng tự vệ này gây ra bất lợi về mặt thẩm mỹ trên da: tế bào sừng dày ra, bịt chặt tuyến bã nhờn gây mụn; sắc tố melanin làm da sậm lại => Da sần sùi, đen sạm đi và dễ nổi mụn. Do đó mọi người cẩn thận với ánh nắng nhé, người ta bảo không thể thiếu kem chống nắng cũng không sai tí nào đâu.

2. LỚP GAI: (hay Stratum spinosum)

Khoảng 6-20 lớp tùy da.

Nơi chứa các lớp tế bào mới có màu trắng hồng. Khi da bị rám nắng thì melanocytes có mặt ở cả lớp gai.

– Các keratinocytes sản xuất rất nhiều keratin trong lớp này – dần chúng trở nên đầy keratin nên tiếp tục được đẩy lên các tầng tiếp theo để bong ra ngoài. Quá trình này được gọi là keratinization. Một khi các tế bào keratinocytes rời khỏi lớp gai, chúng sẽ chết.

– Lớp này có chức năng bài tiết lipd giúp giữ ẩm, tránh khô da, đồng thời tạo ra các glyciprotein, glyclipid, phospholipid, axit hydrolase…các thành phần này giúp da chống lại các tác nhân gây hại, tham gia vào quá trình bỏng vảy của lớp sừng.

– Chính là nơi chứa các tế bào Langerhans (Được khám phá vào năm 1868 bởi một bác sỹ người Đức, Paul Langerhans), là một phần của hệ miễn dịch của da. Các tế bào này giúp phát hiện các chất lạ và bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng, chúng cũng đóng một vai trò trong việc ngăn ngừa phát triển dị ứng da. Da bạn nào ít tế bào này thì nguy cơ dị ứng, kích ứng thường cao. Đối với những bạn dùng kem trộn 5-7 ngày đã thấy trắng, nghĩa là trong kem có chứa các chất tẩy trắng…Các chất này sẽ bào mòn các lớp da da, để lộ ra lớp tế bào trắng hồng này khiến các bạn nghĩ rằng da đang trắng đang hồng lên nhưng thực chất là đang phơi lớp tế bào yếu ớt này ra. Đó là lý do dễ hiểu vì sao những người dùng kem trộn về lâu dài rất dễ bị nám da. Hơn nữa việc da trắng quá nhanh như vậy sai quy luật tự nhiên về sự thay mới làn da (28 ngày trở lên), các tế bào mới sẽ sản sinh không kịp để thay thế lớp tế bào cũ, trong khi lớp tế bào chết trên da đã bị các chất tẩy trắng bào mòn. Thế nên những hãng cam kết trắng sau 1 lần sử dụng, sau bảy ngày sử dụng thì bạn nên xem lại lời cam kết đó.

3. LỚP HẠT: (hay The stratum granulosum)

Khoảng 3-4 hàng. Lớp này chứa các hạt keratohyalin, góp phần tạo thành keratin ở các lớp trên của lớp biểu bì. Đây là nơi quá trình sừng hóa bắt đầu, các tế bào sản sinh ra các hạt nhỏ và các hạt này di chuyển lên trên, biến đổi thành chất sừng và các lipid biểu bì.

4. LỚP BÓNG: (hay stratum lucidium)

– Lớp này còn được gọi là lớp trong suốt, được nhìn thấy qua kính hiển vi. Lớp này chỉ có ở “da dày” như lòng bàn tay và đế của bàn chân.

5. LỚP SỪNG: hay còn gọi là lớp vỏ corneum (The stratum corneum)

Gồm 25 – 30 dãy tế bào sừng đã chết và được bảo phủ bởi sợi keratin trưởng thành. Các lớp tế bào sừng của lớp này tiếp tục bong ra và thay thế bởi các lớp sâu hơn bên dưới. Sừng trong lớp sừng được liên kết với nhau bởi tác nhân giữ ẩm tự nhiên, lipid biểu bì (ceramide,acid béo, squalen, detriglycerid squanlen), nếu tế bào sừng được ví dụ là những viên gạch thì lipid chính là vữa để các viên gạch được kết nói với nhau. Lớp này hình thành đặc tính kỵ nước của da (không kị nước thì vi khuẩn tha hồ xâm nhập và độ ẩm tự nhiên trong da cũng tha hồ bốc hơi), hạn chế tối đa sự mất nước qua lớp biểu bì, đồng thời duy trì độ ẩm thiết yếu của da, bảo vệ da khỏi các vi sinh vật, hóa chất gây hại. Đọc tới đây bạn đã rút ra được gì chưa? Đó là lớp sừng cũng có vai trò rất quan trọng của nó, do đó bạn không nên loại bỏ hoàn toàn lớp sừng. Hãy hết sức cẩn thận trong bước tẩy tế bào chết và bước làm sạch của mình. Nếu bạn sử dụng các loại sữa rửa mặt chứa quá nhiều chất tẩy rửa công nghiệp mạnh sẽ khiến lớp biểu bì mất đi quá nhiều, phá vỡ sự liên kết giữa “vữa và gạch” quá đà thì bức tường thành bảo vệ da cũng đổ, gây ra tình trạng da mất đi độ ẩm tự nhiên, cung cấp nhiều không gian nơi vi khuẩn sống trên da, chúng sẽ tìm nơi trú ẩn và phát triển mạnh, với da khô thì da sẽ có hiện tượng nút nẻ, với da dầu sẽ có hiện tượng đổ dầu nhiều hơn để tránh tình trạng mất nước cho da. (Đấy khoa học làn da cũng đâu khô khan bạn nhỉ, nó giúp bạn nhận ra vấn đề ngay lập tức để có hướng giải quyết phù hợp).

Với các biện pháp làm đẹp xâm lấn như peel da bằng acid hữu cơ, bạn sẽ thấy da có hiện tượng bong khô rất mạnh do can thiệp sâu vào lớp sừng này, nên thời gian này các bạn thường phải cấp ẩm rất nhiều cho da, đó cũng là lý do vì sao rất nhiều ý kiến góp ý rằng nếu bạn dùng BHA/AHA tại nhà mà không dưỡng ẩm thì da rất dễ bị break out.

Vậy là chúng ta đã cùng nhau xong phần 1 rồi, mong bài viết hữu ích với các bạn. Chúc các bạn luôn xinh đẹp và yêu đời.

Tài liệu tham khảo:

http://www.msdmanuals.com/…/structure-and-function-of-the-s… https://courses.lumenlearning.com/boundle…/chapter/the-skin/ https://www.dermacaredirect.co.uk/…/the-skin-structure-func… http://sketchymedicine.com/2012/11/layers-of-the-epidermis/ http://www.skin-science.com/_int/…/topic/topic_sousrub.aspx… https://training.seer.cancer.gov/melano…/anatomy/layers.html http://dalieudongdieu.net/…/cau-truc-da-binh-thuong-c736.ht…

4.6

12

votes

Đánh giá bài viết