Cứu tinh của người bị liệt
L.H.T.V. trước và sau khi được phẫu thuật chữa liệt mặt sau 14 năm không thể nói, cười – Ảnh: phòng khám cung cấp
Họ khập khiễng chiến đấu với nghịch cảnh trong hành trình tìm lại nhịp đời vui trong mỗi cử động quý giá…
Họ là bệnh nhân đặc biệt của bác sĩ – chuyên gia vi phẫu phẫu thuật Nguyễn Cao Viễn, hiện công tác tại Bệnh viện 115, TP.HCM.
Anh theo ngành vi phẫu suốt 15 năm nay và mổ phục hồi chỉnh hình thành công cho nhiều người trong tổng số gần 400 ca phẫu thuật vi phẫu chỉnh hình.
Một lương y trẻ
Những người bệnh của bác sĩ Viễn hôm ấy có một đặc điểm rất giống nhau: tất cả đều là những người bị liệt: người liệt tay, người liệt chân, người liệt một nửa mặt…
Những cuộc đời đang thênh thang với bao dự định phút chốc bỗng sụp đổ. Tuyệt vọng. Buông xuôi. Bất lực vì mất đi thứ quý giá nhất là tự chủ về sức khỏe để độc lập trong cuộc đời mình.
Đối với họ, tìm được thầy thuốc chịu nhận chữa trị đã là tốt, còn chữa trị được cho bệnh chuyển biến thì quả là một phép mầu.
Còn trẻ, 25 tuổi, cô gái L.H.T.V. quê ở Bình Phước, gần 14 năm bị liệt nửa mặt không thể cười nói bình thường.
Thậm chí nhắm mắt lại cũng không được. Ngày gặp bác sĩ Viễn, cô gái nói phập phều: “Em đi nhiều nơi lắm rồi, từ đông y đến tây y, họ cứ khám rồi cho về. Nay em cũng thử đi qua đây thôi, bác sĩ coi sao ạ…”.
Cuộc trò chuyện giữa bác sĩ Viễn và người bệnh hôm đó đầy cảm xúc và kéo dài hơn so với một cuộc thăm khám bệnh vốn rất gấp gáp ở bệnh viện.
Cô gái trong hành trình tìm kiếm người sẽ mang lại “phép mầu nhiệm” làm đổi thay cuộc đời cô dường như đang vô vọng, cuối cùng đã le lói một hi vọng mới.
Đó là khi bác sĩ Nguyễn Cao Viễn gật đầu bảo: “Tôi sẽ mổ cho em, nhưng em phải hứa với tôi là không khuất phục, phải kiên trì tập phục hồi chức năng sau khi mổ”.
Tôi mong mình sẽ có thêm nhiều đồng nghiệp trẻ, những người đồng cảm với chuyên ngành này để những tiến bộ vi phẫu phẫu thuật chỉnh hình còn nối thêm niềm vui, hi vọng cho nhiều người hơn nữa.
Bác sĩ Nguyễn Cao Viễn
Sau gần hai năm chữa trị, phép mầu đã đến, cô gái đã có thể cười trở lại, khuôn mặt được chỉnh lại tuy chưa hoàn hảo như trước khi mắc bệnh nhưng đó đã là một sự đổi thay kỳ diệu.
Sau 14 năm, cô gái đã có thể khép mi mắt trở lại khi ngủ.
Còn chàng trai Phạm Việt Chương, 24 tuổi, quê Bình Thuận, thì chia sẻ câu chuyện của mình: “Hồi đó chạy xe bị té cách đây gần 2 năm. Lúc đi cấp cứu người ta mổ nhổ rễ nguyên đám rối thần kinh nên liệt toàn cánh tay. Ở nhà bây giờ ít nhất cũng phụ cha mẹ làm nông, chăn bò được, không còn ngồi ì một chỗ như hồi mới bị liệt”.
Một bạn trẻ cũng là “đồng nghiệp” của Chương, làm “nghề coi bò” ở Tây Ninh thì gấp gáp đến không hẹn trước bị bác sĩ la: “Em phải gọi cho tui trước chứ, từ quê lên đây mà không gọi lỡ tui đi mổ ở tỉnh thì sao?”.
Đây cũng là một ca bệnh đã được bác sĩ Viễn gật đầu mổ cách đây mấy tháng, hiện vẫn lên tái khám mỗi 2 tháng vào sáng thứ bảy tại phòng mạch nhỏ nhà bác sĩ.
Chàng chăn bò giấu tên này chia sẻ: “Có khi mình lên bác sĩ khám không lấy tiền còn cho tiền đi xe đò nữa, ngại lắm nhưng bác sĩ thông cảm vì biết mình khó khăn…”.
Trước ngày cưới, cô gái Nguyễn Hà Cẩm Giang, 27 tuổi (ở Long An) đã muốn hủy đám cưới. Vì sau mổ viêm tuyến mang tai thì cô bị liệt nửa bên mặt khi đám cưới đã gần kề.
“Lúc đó rất buồn, muốn hủy đám cưới luôn. Nhưng ông xã nói không sao, từ từ nó hết. Nhưng dù đám cưới vẫn diễn ra, tôi cũng không khỏi buồn, ngày cưới không trọn vẹn, trong lòng mình không vui vì mình không được thành cô dâu xinh đẹp như người ta” – Giang tâm sự.
Ba tháng trước, tình cờ biết bác sĩ Viễn, Giang đã tìm tới Bệnh viện 115 để gặp bác sĩ và được bác sĩ phẫu thuật. Cô gái vốn tự ti với khuôn mặt của mình nay đã có thể cười nói và đang rất mong chờ ngày được hồi phục khuôn mặt như xưa.
Bàn chân chạm đất, sống thêm một lần nữa!
Động lực nào có thể giữ một bác sĩ trẻ ở lại với công việc chuyên môn đầy khó khăn, áp lực như vi phẫu phẫu thuật chỉnh hình? Bác sĩ Viễn bộc bạch: “Nhiều ca lắm, nhưng ca nào cũng là một câu chuyện bi kịch. Nhìn bệnh nhân tuyệt vọng, rồi khi trải qua các ca vi phẫu phẫu thuật chỉnh hình thành công, họ hạnh phúc nối lại cuộc sống vốn bị cắt ngang một cách tự tin và vui vẻ, nhất là các ca liệt do sốt bại liệt từ nhỏ, tươi vui trở lại, đó là động lực để tôi tiếp tục với nghề”.
N.H.K., một người bị co rút chân suốt 10 năm, sau khi được bác sĩ Viễn mổ thành công bàn chân đã chia sẻ: “Hơn 10 năm, tôi phải đi cà nhắc một bên chân. Ước mơ lớn nhất của tôi là có một ngày bàn chân tôi có thể chạm mặt đất như những người bình thường. Khi bàn chân có thể chạm đất đi lại được, tôi như được sống thêm một lần nữa”.
Khó khăn cản trở một bác sĩ vi phẫu giữ lửa với nghề là gì? Có lẽ là công sức, sự kiên trì và cả cuộc mưu sinh cho gia đình.
Làm nghề 15 năm nhưng vợ chồng bác sĩ Viễn hiện vẫn sống trong một ngôi nhà nhỏ ở quận 10, gần Bệnh viện 115, để tiện việc đi sớm về khuya bất thường, ăn ngủ trong phòng phẫu thuật nhiều hơn ở nhà của anh.
Bác sĩ Mai Trọng Tường, trưởng khoa vi phẫu Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, nói về công việc đặc thù trong ngành phẫu thuật này: “Hai năm trước, thù lao cho phẫu thuật viên chính trong các ca vi phẫu phẫu thuật chỉ khoảng 20.000-30.000 đồng/ca mổ. Gần đây tăng lên từ 120.000-180.000 đồng/ca. Đó là thù lao những ca thuộc loại phẫu thuật xếp loại 1, loại đặc biệt như nối liền 3-4 ngón tay hay chân trở lên.
Những ca như vậy thường kéo dài từ 4-6 giờ, có khi 10-12 giờ với ca khó. Phẫu thuật viên thông thường phải đeo kính hiển vi phóng đại trong suốt thời gian mổ.
Người thường đeo kính vài phút đã có thể chóng mặt, nhức đầu, nhưng với các chuyên gia vi phẫu thì đó là dụng cụ không thể thiếu trên phẫu trường.
Cho nên, theo bác sĩ Trường, bác sĩ trẻ giờ ít người chọn về khoa vi phẫu, hiện nay Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình có nhiều chuyên gia vi phẫu nhất tại TP.HCM cũng chỉ khoảng 15 người. Còn những bệnh viện khác hiếm hoi lắm mới có một vài người chịu theo chuyên ngành này.
“Đã theo vi phẫu là đã biết đi trên con đường thực sự phải bền bỉ. Thầy Võ Văn Châu là người truyền cảm hứng đầu tiên để tôi theo nghề này. Và những người bệnh được đổi thay cuộc đời nhờ kỹ thuật vi phẫu là động lực tiếp theo.
Tôi mong mình sẽ có thêm nhiều đồng nghiệp trẻ, những người đồng cảm với chuyên ngành này để những tiến bộ vi phẫu phẫu thuật chỉnh hình còn nối thêm niềm vui, hi vọng cho nhiều người hơn nữa” – bác sĩ Nguyễn Cao Viễn chia sẻ kỳ vọng.
Phép mầu và một lá thư
Có một lá thư từ một người bệnh của bác sĩ Viễn rất xúc động. Cô gái bị tai nạn giập nát bàn tay trái khi mới 19 tuổi.
Trải qua nhiều ca phẫu thuật, hi vọng cầm nắm, phục hồi lại bàn tay gần như vô vọng. Cho tới 7 năm sau, khi cô gặp bác sĩ Viễn và phép mầu đã đến sau ca mổ kỷ lục kéo dài 12 giờ. Thư cô viết:
“Ngày 1-3-2010, tôi đã bị một tai nạn khủng khiếp, toàn bộ bàn tay trái giập nát hoàn toàn xương, gân, mạch máu tất cả đã vỡ vụn.
Đưa tới bệnh viện cấp cứu, các bác sĩ đã nói rằng bàn tay không còn gì nữa phải tháo khớp.
Tức là tôi sẽ bị cụt một bàn tay sao? Sau này tôi sẽ phải sống như thế nào? Đau đớn đến tột cùng. Khi được hỏi về tuổi, cô gái ấy mới bước sang tuổi 19, chưa lập gia đình, còn quá trẻ!
Sau 7 năm tôi đã tới Bệnh viện 115 thăm khám, tôi được giới thiệu vào khoa ngoại chấn thương chỉnh hình gặp bác sĩ Nguyễn Cao Viễn. Bác sĩ hẹn 2 tuần sau quay lại nhập viện. Tôi đã vỡ ào đến rơi nước mắt trong sự hạnh phúc.
12 giờ đồng hồ thực sự quá sức tưởng tượng, với bác sĩ có lẽ là một ca nhớ mãi không quên về mức độ khó và phức tạp, nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác, mạch máu, xương, ghép da… 12 giờ đồng hồ đúng là quá đuối.
Đúng vậy, ngày hôm nay là một món quà kỳ diệu khi tôi gặp được bác sĩ. Ca ghép ngón chân làm ngón tay đã thành công. Hiện 2 ngón chân đã sống tốt trên bàn tay, nó sẽ thay thế ngón tay đã bị mất của tôi”…
BS Tăng Hà Nam Anh, trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM:
“Bác sĩ trẻ Nguyễn Cao Viễn từng là học trò của thầy Võ Văn Châu, người đặt nền tảng cho ngành vi phẫu chỉnh hình phía Nam. Viễn là một bác sĩ trẻ, đam mê và kiên trì với lĩnh vực này.
Anh đã giúp được nhiều bệnh nhân liệt lâu năm, nhất là trong các ca mổ liệt đám rối cánh tay có thể cử động lại được, tự lo cho sinh hoạt cá nhân như ăn, uống, thậm chí làm việc nhẹ.
Đó là điều mà tôi trân quý ở một bác sĩ trẻ này trong ngành vi phẫu chỉnh hình, nhất là trong điều kiện ngành này còn nhiều khó khăn như hiện nay”.