Cưới xin vào “tháng cô hồn” có xui xẻo như lời đồn?
–
Chủ nhật, 12/08/2018 19:00 (GMT+7)
Chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng: “Việc kiêng kỵ cưới xin trong tháng cô hồn hoàn toàn là mê tín. Đây chỉ là thói quen và tâm lý “có kiêng có lành” của người Việt”.
Ảnh minh họa
“Có kiêng có lành”
Theo quan niệm dân gian, cưới vào tháng 7 âm lịch thường bị kiêng do đây là “tháng ngâu”, tháng chia ly, mất mát, không hạnh phúc. Xưa, các cụ còn kiêng việc cưới hỏi vào lúc giáp hạt, đói kém, kiêng cưới vào mùa hè vì nóng nực, kiêng cưới tháng Chạp vì rét buốt, năm cùng tháng tận.
Chị Thu Trang (Nghệ An) đã tổ chức lễ ăn hỏi vì “bác sĩ bảo cưới” (có bầu), nhà trai cũng mong sớm đón dâu, thêm con thêm cháu trong nhà nhưng chị Trang một mực chưa đồng ý vì sợ “tháng cô hồn” làm chuyện gì cũng không ổn.
Chị Trang chia sẻ: “Chuyện cưới hỏi cứ để thư thư đã. Dù sao cũng là chuyện đại sự cả đời. Cưới sớm được một chút, sau về lại tan đàn xẻ nghé thì hối không kịp. Cứ nghĩ đến chuyện ngày rước dâu cô hồn lang thang ngoài đường là tôi lại thấy rùng mình”.
Nhiều cặp đôi cũng có chung quan điểm “có thờ có thiêng có kiêng có lành” như chị Thu Trang. Chính vì lẽ đó, các trung tâm tổ chức tiệc cưới, ảnh viện tới tháng này lại rơi vào cảnh ngồi không chờ khách.
Anh Nguyễn Văn Đàm (chủ một ảnh viện cưới) cho biết: “Tất nhiên, tháng 7 âm cũng không phải mùa cưới nên doanh thu sụt giảm là tất yếu. Nhưng chưa nói đến chuyện cưới xin mà người ta cũng ít chụp ảnh hẳn, chúng tôi vẫn nói vui tháng cô hồn là tháng nghỉ mát vì khách ít, không có việc để làm. Những người làm dịch vụ như bọn tôi chỉ mong nhanh sang tháng mới”.
Nhiều nhà hàng, ảnh viện áo cưới vẫn ra sức đánh vào tâm lý tiết kiệm của khách hàng, nhanh chóng đưa ra nhiều khuyến mại hấp dẫn để kích cầu. Thậm chí, có những chương trình khuyến mãi tới 40-50% so với cao điểm mùa cưới. Có những trung tâm đưa ra ưu đãi siêu hấp dẫn như đặt 10 bàn tiệc tặng thêm 1 bàn, tặng toàn bộ đồ uống trên bàn tiệc, 1 đêm trăng mật trong mơ ở khách sạn hàng đầu…
Hoàn toàn mê tín
Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Hùng Vĩ – giảng viên Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian – cho rằng: “Việc kiêng kị chuyện cưới xin trong tháng cô hồn hoàn toàn là mê tín, thiếu cơ sở khoa học. Đây chỉ là thói quen và tâm niệm “có kiêng có lành” của người Việt”.
Chuyên gia Hùng Vĩ phân tích, tháng 7 âm lịch có dịp lễ Vu Lan theo nhà Phật. Lễ này cũng trùng với ngày xá tội vong nhân của phong tục Á Đông. Từ việc báo hiếu cho vong hồn của mẹ, người ta mở rộng để các vong hồn khác đều xứng đáng được cứu rỗi. Theo tín ngưỡng dân gian, đây là ngày mở cửa ngục, các vong hồn trở lại dương gian.
“Sở dĩ người ta kiêng cưới xin vì đây là một trong những việc trọng đại của đời người. Ngày rước dâu đi đường mà vong hồn lang thang khắp nơi người ta sợ rước điềm xui xẻo về nhà. Ai cũng muốn được suôn sẻ, đề phòng bất trắc.
Tuy nhiên, kể cả trước đây hay bây giờ vẫn có những người cưới vào tháng cô hồn vì không mê tín. Những người đó cho rằng “vô sư vô sách, quỷ thần bất trách” rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy. Thế nên, việc cưới xin hoàn toàn có thể diễn ra trong tháng này.
Chúng ta tôn trọng tín ngưỡng của mỗi người nhưng có những tín ngưỡng ứng dụng vào cuộc sống hiện đại giờ đã không còn phù hợp. Chẳng lẽ cứ giao thông, xây dựng dừng lại, cưới hỏi không tiến hành thì cả cuộc sống ngưng trệ theo tháng cô hồn hay sao?” – chuyên gia Hùng Vĩ phân tích sâu.