Cuộc thi viết “Người Thầy kính yêu”: Em đã là cô giáo vùng cao!
Vậy là đã hơn 24 năm, mỗi khi nhớ về cô tôi thường mang tấm ảnh tập thể lớp ra để ngắm. Cô vẫn vậy, nụ cười rạng rỡ cùng khuôn mặt tươi trẻ. Tôi muốn nói đến là cô giáo dạy tôi môn văn những năm cấp II, cô Nguyễn Thị Minh Châu.
Nụ cười tỏa nắng
Một tuần chúng tôi có 4 tiết văn, ngoài một số bạn nam đôi khi lơ là thì hầu hết lớp tôi ai cũng thích học môn văn cô dạy. Cô Châu có giọng giảng nhẹ nhàng, đặc biệt cô ngâm thơ rất hay, mỗi khi giọng cô cất lên chúng tôi như bị thôi miên vào từng câu, từng chữ.
Cô Châu thích Truyện Kiều của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, cô ngâm thơ kể về nàng Kiều. Những bài học, những câu chuyện về Bác Hồ kính yêu của dân tộc thì giọng của cô lúc trang trọng, khi trìu mến. Đôi mắt cô khi đó sáng lên niềm tự hào. Cô kể cho chúng tôi nghe về hành trình đi tìm đường cứu nước của Bác đầy khó khăn, gian khổ.
Bên cạnh nụ cười như mùa thu tỏa nắng cùng giọng, cô Châu còn là một người nghiêm nghị thể hiện qua đôi mắt. Ở cô có sự chuẩn mực giữa thái độ nghiêm khắc và tấm lòng hiền từ của một người mẹ. Không hiểu sao, chỉ cần nhìn vào ánh mắt của cô là chúng tôi đều cảm thấy an tâm và tự dặn mình “phải cố gắng”. Chúng tôi buồn khi đôi hàng mi cô cụp xuống, khi thấy cô mệt mỏi hay những khi cô ốm, nghỉ dạy. Một nỗi buồn cùng sự sợ hãi mơ hồ với ý nghĩ “Có khi nào cô sẽ không dạy mình nữa vì có lúc lớp làm cô không vui?”. Để rồi, cả lớp hân hoan khi nhìn thấy dáng hao gầy, xương xương của cô thấp thoáng nơi cổng trường. Cô vừa vào lớp, sau cử chỉ đứng lên chào cô đầy nghiêm trang là quản ca đã bắt nhịp cả lớp hát tặng cô bài “Nối vòng tay lớn”. Đôi môi với màu son tím đỏ đặc biệt, quen thuộc và là “thương hiệu” riêng của cô lại nở nụ cười tươi đầy hạnh phúc.
Sau tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” chào đón cô trở lại là không gian lớp học quen thuộc lại được quay về im phăng phắc. Nhất là giờ luyện tập hay kiểm tra, sẽ không có chuyện học sinh quay cóp hay nhỏ to hỏi bài. Cô từng nói: “Các bạn hãy tập tinh thần tự chịu trách nhiệm với chính mình. Có như vậy sau nay lớn lên chúng ta mới trở thành người có ích. Người thành công là người dám chịu thất bại và dám chịu trách nhiệm”.
Năm học lớp 9, lớp tôi rất vui bởi cô Châu vẫn dạy văn. Chỉ có điều, mới vào đầu năm học mà cô ốm liên tục. Những năm học trước thỉnh thoảng cô cũng nghỉ dạy vì lý do sức khỏe nhưng năm học cuối cấp II này của chúng tôi cô nghỉ nhiều hơn. Trong lòng rất buồn nhưng tôi cùng các bạn không biết làm thế nào, chỉ mong cô mau khỏi bệnh. Nghe đâu cô Châu bị bệnh tim đã lâu. Nay bệnh tái phát nên cô phải điều trị dài ngày. Cô tôi mặc dù mang bệnh, vậy mà bao năm vẫn lên lớp với cái dáng cần mẫn, vẫn nhẫn nại lắng nghe những lời tỏ bày tâm sự của lớp lớp thế hệ học trò như chúng tôi, cô dành cho tôi lời khuyên khi bày tỏ: “Sau này lớn lên em cũng muốn làm cô giáo dạy văn như cô!”.
Vậy mà, khi những đốm lửa đỏ từ những hàng phượng già ở sân trường nở rộ, khi lớp lớp lũ học trò chúng tôi đang vui mừng, phấn chấn vì chỉ còn một tháng nữa là chúng tôi được nghỉ hè thì sáng hôm đó đến lớp chúng tôi nghe được tin dữ. Cô Châu mất sau một cơn suy tim đột ngột. Mới trước đó hai hôm cô vẫn lên lớp. Lời cô vẫn văng vẳng bên tai: “Cuộc sống đôi khi chúng ta phải biết chấp nhận những cái lắc đầu từ người khác. Để rồi sau đó các bạn sẽ nhận được những cái gật đầu. Đó chính là con đường đi đến thành công các em luôn phải nhớ”. Chúng tôi không ngờ đó là buổi học cuối cùng cả lớp được nghe cô giảng…
Cô Nguyễn Thị Minh Châu (hàng trước, thứ năm từ trái sang) chụp cùng học sinh lớp 9 năm ấy. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Đốm lửa yêu thương
Sau 3 năm ngồi trên giảng đường sư phạm, ước mơ khi xưa của tôi đã thành hiện thực. Tôi trở thành cô giáo, thực hiện được ước mơ của mình với cô giáo đã đi xa.
Ngày nhận công tác tại ngôi trường vùng III là một ngày đặc biệt với một cô giáo trẻ như tôi. Ngôi trường tôi đến “tọa lạc” trên một quả đồi lớn, để đến được trường, tôi với bố phải vượt tiếp gần ba mươi cây số đường đất với một bên là vách núi và một bên là vực sâu, cây cối mọc um tùm. Thầy hiệu trưởng đón tiếp bố con tôi niềm nở. Ngoài sân lũ trẻ đang chơi đùa sảng khoái. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp một vài cặp mắt dò xét nhìn trộm “cô giáo mới”.
Sáng sáng tôi lên lớp cùng bọn trẻ với đôi mắt ngây ngô và có phần xa lạ. Thi thoảng quay xuống tôi vẫn bắt gặp bọn trẻ đang thì thầm bàn tán điều gì đó về cô giáo mới với vẻ “bí mật”. Chiều chiều lên lớp cùng những “học sinh đặc biệt” học phổ cập xóa mù chữ. Thế nhưng, tối về khi ông mặt trời vừa khuất núi, khi những làn sương sà kín mặt đất là lúc tôi thấy sự cô đơn, chán nản. Quả thực, bức tranh về “ngôi trường mơ ước” trong tôi không hề đẹp như cái tuổi mộng mơ từng nghĩ ngày trước. Những lúc như vậy tôi nhớ bố mẹ và trong tiềm thức lời cô tâm sự khi xưa về nghề giáo lại vang vọng: “Chỉ yêu thương trẻ nhỏ là không đủ đối với người giáo viên. Người giáo viên phải yêu và thấu hiểu vạn vật, phải chuẩn bị cho bản thân bản lĩnh và thực sự nỗ lực vì điều đó”.
Phải chăng, lời dạy về sự “nỗ lực” của cô khi xưa chính là sự kiên trì, nhẫn nại, không bỏ cuộc trước khó khăn thử thách. Đến lúc ấy tôi mới cảm nhận được khó khăn mà thầy cô giáo vùng cao phải đối diện đôi khi không phải do cái nghèo của bọn trẻ đem lại mà đó chính là người thầy ấy có “giàu tình yêu” với nghề hay không?
… Sự lưỡng lự, muốn đầu hàng khó khăn thử thách của tôi kéo dài tới buổi chào cờ tuần thứ 16 tính từ ngày đầu nhận công tác. Sáng sớm, lũ trẻ đã đùa nghịch ngoài sân trường. Lần đầu tiên tôi để ý bọn trẻ với một sự chú tâm nhất. Sương mù dày đặc bao trùm cả không gian. Nghe tiếng trống bọn trẻ xếp hàng thật nhanh. Lớp lớp học sinh cất lời hát Quốc ca vang vọng núi rừng, cái lạnh thấu xương, cắt thịt không làm chúng sợ hãi hay quên lời.
Ngồi trên chiếc ghế gỗ dài của các thầy cô nhìn xuống, lần đầu tôi để ý tới trang phục đơn sơ thiếu trước hở sau của bọn trẻ. Đôi chân chúng cáu bẩn bám chặt vào dép không tất, không giày. Đâu đó vẫn còn hình ảnh những trò với mái tóc rối bết. Rồi kia, hình ảnh của những cô bé học sinh vì lạnh quá mà má ửng đỏ, nước mũi chảy lấm lem khuôn mặt. Nhưng hình như mọi khó khăn hay thiếu thốn kia chẳng có chút ảnh hưởng nào tới đôi mắt bừng sáng ngây thơ đáng yêu đến lạ…
Tôi như lặng đi. Bọn trẻ thiếu thốn đủ thứ nhưng chúng vẫn đến trường với niềm say mê chẳng gì ngăn được. Cái nghèo luôn bám bản làng hay từng phên dậu nơi gia đình chúng ở, vậy mà chúng vẫn không bỏ cuộc, vẫn bám cái chữ với sự lạc quan đến ngô nghê. Còn tôi, tôi sống trong sự đủ đầy mà mới gặp chút khó khăn đã muốn trốn chạy. Bất giác lúc ấy tôi nghĩ đến cô, đến đôi mắt hiền từ, trìu mến của cô với học trò. Cảm giác xấu hổ trào dâng. Tôi không biết mình xấu hổ với cô hay với bọn trẻ và có lẽ với cả hai. Bọn trẻ cần tôi và tôi cũng cần chúng…
Không bỏ cuộc
Vậy là, trong cuộc đời 17 năm công tác, tôi được đến và sống ở những mảnh đất ban đầu còn xa lạ rồi theo thời gian năm tháng những mảnh đất ấy như một phần máu thịt trong tôi. Tôi đã biến khát vọng thanh xuân với những ước mơ luôn tiến về phía trước một phần nhờ vào sự ” truyền lửa” của cô tôi khi xưa. Và tôi đã có thể mỉm cười nhờ mây gió gửi tới “người cô đáng kính” đang ở trên thiên đường rằng: “Cô ơi! Em đã làm được, em đã không bỏ cuộc, những bài giảng và bọn trẻ đã trở thành một phần không thể thiếu trong em, em yêu chúng và luôn muốn mình thuộc về nơi em đã đến”.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH