Cuộc đời công nhân: làm hết sức nhưng có đủ chi tiêu?
07.11.2022
5417
hongthuy95
Dù mức lương của nhiều ngành nghề vẫn được xét duyệt tăng qua các mốc thời gian (theo thâm niên và (hoặc) năng lực), lương tối thiểu vùng cũng ở mức khá cao – thế nhưng, thực tế, đời sống công nhân vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Nguyên nhân do đâu? Khắc phục thế nào? Ms. Công nhân cùng bạn đi tìm lời giải đáp nhé!
Luôn thường trực nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền
Sinh ra tại các tỉnh lẻ, trong gia đình khó khăn, nhiều lao động phổ thông phải tha hương, lên đường tìm đến những khu công nghiệp (KCN), nhà máy để xin việc. Với mức lương ít ỏi, nhiều công nhân (CN) vẫn hàng ngày trăn trở nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền.
“Tiền sinh hoạt phí hàng ngày phải luôn chắt chiu, tính toán, từ tiền trọ, điện nước, đồ ăn, thức uống, nhu yếu phẩm cần thiết đến học phí cho con, thuốc thang, quà cáp, tiệc mừng hay tiền gửi gia đình ở quê cuối tháng… Đâu đâu cũng dính đến tiền. Trong đó, khó khăn nhất là chuyện tìm nhà trọ. Ở nhà to, sang thì tốn kém mà nhà bé, ủ dột thì…” – chị Liên, công nhân may đang nói giữa chừng thì bỏ lỡ, với tay lấy vạt áo lau vội mớ mồ hôi trên trán.
Hà Nội, Tp.HCM, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương… là những nơi tập trung nhiều KCN và CN nhất cả nước. Nhà trọ vì thế mà được xây dựng rất nhiều với đa dạng mức giá, dao động trong khoảng từ vài trăm nghìn đồng đến hàng triệu đồng mỗi phòng tùy vị trí, chất lượng và điều kiện các trang thiết bị, cơ sở vật chất.
Trong khi rất ít lao động tìm thuê khu trọ mới xây, khang trang và tiện nghi hơn, vì có điều kiện kinh tế tốt hơn do có mức lương ổn định hơn (khoảng từ 6-9 triệu đồng/ tháng) – còn lại đa số công nhân tiết kiệm đến mức cố sống trong những dãy nhà chật hẹp với điều kiện vệ sinh kém, khói bụi nhiều, ô nhiễm nặng từ những công trình xung quanh. Họ chịu cảnh nóng bức vào mùa hè và đổ dột vào mùa mưa. Chưa kể có những nơi an ninh không đảm bảo, thường xuyên xảy ra tình trạng trộm cắp, cướp giật cực kì nguy hiểm.
Nhìn qua mới thấy, hầu hết người lao động xa quê lập nghiệp đều phải sống trong những dãy nhà trọ tạm bợ, điều kiện hạ tầng thấp kém, chất lượng cuộc sống không đảm bảo với diện tích vỏn vẹn hơn 10m2, chi tiêu cho mỗi bữa ăn khoảng vài ba chục nghìn với canh rau toàn nước, chén dưa cà, đĩa trứng chiên… Ai cũng cố gắng tích góp ở hiện tại với mong muốn có khoản dư kha khá phòng thân hoặc dồn vô lo cho con cái ăn học thành tài để “đổi đời”, thôi không làm công nhân giống bố mẹ.
Sự thật là mặc dù một số nhà máy, KCN lớn có hỗ trợ chính sách, xây nhà ở cho công nhân, tuy nhiên điều này chỉ giải quyết được phần nào một bộ phận nhỏ những người đang cần chỗ nghỉ ổn định.
Tăng ca liên tục vẫn không đủ sống
Để trang trải các khoản chi tiêu tối thiểu cần thiết trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, đồng thời “thắt chặt” hết sức để tích góp lo lắng cho tương lai – nhiều công nhân quyết định tăng ca kiếm thêm thu nhập. Họ phải làm việc rất nhiều giờ, thậm chí thời gian lao động tăng ca đã vượt quá mức cho phép theo quy định nhưng thu nhập vẫn chẳng tăng được bao nhiêu. Chưa kể những gia đình có con nhỏ, hàng tháng phải tốn thêm các khoản học phí, gửi trẻ, quần áo, đồ ăn vặt, đồ chơi, sách vở… thiếu càng thêm thiếu.
Chị Hường, quê ở Thanh Hóa, làm việc trong 1 KCN chia sẻ: “Mỗi tháng hai vợ chồng tôi đều cố gắng tăng ca liên tục để tăng thêm thu nhập nhưng vẫn chưa đủ chi tiêu vì còn lo cho con nhỏ. Nhiều khi con ốm phải đi viện, vợ chồng tôi phải vay mượn bạn bè cùng công ty chứ tiền lương tháng nào là chi hết tháng đó, rất khó để để phần dư…”
Thực tế, không ít doanh nghiệp lợi dụng sự thiếu hiểu biết Luật và tâm lý lo sợ bị “trù dập” bởi cấp trên của nhiều công nhân nên có hành vi bóc lột sức lao động cấp dưới, cưỡng chế/ ép công nhân tăng ca vô tội vạ, vượt quá giờ quy định. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe, tinh thần và đời sống sinh hoạt của người lao động về lâu dài. Họ sẽ rất dễ bị kiệt sức, tình trạng sức khỏe không ổn định, dễ mắc các bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động khác, dễ mắc lỗi trong công việc…
Lương có tăng nhưng liệu đã đủ?
Lương tối thiểu vùng 2022 đã tăng hơn năm 2021 rất nhiều; thế nhưng, thực tế, đời sống công nhân vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Hỏi qua một vài người đang lội chợ chiều sau ca làm, nhiều lao động cho hay: trước nay, cứ hễ có thông tin tăng lương thì các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu hay giá trọ, giá điện nước đều ồ ạt tăng theo. Như thế, có tăng lương thêm bao nhiêu đi nữa mà không kiểm soát được mức giá của các loại hàng hóa, dịch vụ thì cũng không bao giờ đủ chi tiêu được. Chưa kể, năm nay Covid, kinh tế khó khăn, họ trở thành lao động chính của cả gia đình nên thu nhập bị chia nhỏ rất nhiều. Vì vậy, để cân bằng thu – chi, ai cũng phải chắt chiu, tiết kiệm hơn.
Công nhân mong muốn gì từ doanh nghiệp?
Nếu được, hãy quan tâm hơn nữa đời sống người lao động. Chẳng hạn như:
– Tạo điều kiện để họ ổn định chỗ ở như xây nhà ở công nhân giá rẻ, xây ký túc xá công nhân, hỗ trợ tiền nhà ở với công nhân ở trọ…
– Tăng thêm các khoản trợ cấp, phụ cấp cho công nhân như thưởng chuyên cần, thưởng năng suất, xăng xe, điện thoại…; tổ chức thêm các buổi sinh hoạt tập thể, dã ngoại, du lịch hàng tháng/ quý/ năm để gắng kết đồng nghiệp và tạo tinh thần thoải mái, phấn chấn, sẵn sàng quay trở lại làm việc tốt hơn
– Nỗ lực tìm thêm đơn hàng để công nhân tăng ca, dĩ nhiên, đảm bảo đúng luật
– Khen thưởng kịp thời và đúng người, đúng việc, tạo động lực phấn đấu cho công nhân lao động
– Xây dựng nhà trẻ ngay tại KCN, nhà máy hay gần đó để công nhân thuận tiện trong việc đưa đón con, đồng thời tiết kiệm thời gian và chi phí xăng xe
– …
Trước tình hình yêu cầu năng suất lao động tăng cao của nhiều donh nghiệp, cần thiết phải nỗ lực hỗ trợ, tạo điều kiện lao động tốt nhất, đủ đáp ứng đời sống công nhân, để họ vững tinh thần, hăng say lao động.
Ms. Công nhân