Cuộc cách mạng công nghệ của tương lai
CNQP&KT – Trải qua các cuộc cách mạng công nghiệp, mỗi giai đoạn đại diện cho một quy trình sản xuất hay bước tiến công nghệ mới; đồng thời, khiến con người thay đổi từ suy nghĩ đến cách làm trong các lĩnh vực sản xuất.
SỰ PHÁT TRIỂN CÁC CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP
Trong lĩnh vực sản xuất hiện nay, thuật ngữ “công nghiệp 4.0” rất phổ biến, bởi đây là cuộc cách mạng đang làm thay đổi ngành sản xuất, chuyển sang thời đại kỹ thuật số và hơn thế nữa trong tương lai. Trải qua các cuộc cách mạng công nghiệp, mỗi giai đoạn đại diện cho một quy trình sản xuất hay bước tiến công nghệ mới; đồng thời, khiến con người thay đổi từ suy nghĩ đến cách làm trong các lĩnh vực sản xuất.
Cuộc Cách mạng công nghiệp đầu tiên diễn ra từ thế kỷ XVIII đến XIX ở châu Âu và Mỹ. Ngành công nghiệp sắt và dệt, cùng với sự phát triển của động cơ hơi nước, đóng vai trò trung tâm của cuộc cách mạng này. Hầu hết các nhà sử học gọi đây đơn giản là “cuộc cách mạng công nghiệp” – làm thay đổi phương thức sản xuất chính từ sức người sang sử dụng máy móc. Các nguồn nhiên liệu phục vụ cho sản xuất lúc đó như hơi nước, than được khai thác tối đa phục vụ cho việc sử dụng máy móc và ý tưởng đưa máy móc vào phục vụ sản xuất nhanh chóng lan rộng, cho phép sản xuất nhanh hơn, dễ dàng hơn và tạo ra nhiều sản phẩm mới hiện đại và năng suất.
Tiếp theo đó là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra từ năm 1870 đến năm 1914, ngay trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918). Đây là giai đoạn tăng trưởng của các ngành công nghiệp cũ và mở rộng thêm nhiều ngành công nghiệp mới, như: khai thác dầu, sản xuất thép, điện và sử dụng điện để phục vụ cho sản xuất hàng loạt. Các tiến bộ kỹ thuật chủ yếu trong giai đoạn này bao gồm điện thoại, bóng đèn, đĩa hát và động cơ đốt trong. Năm 1950, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba bùng nổ, thế giới bước vào thời đại của kỹ thuật số với sự xuất hiện của những chiếc máy tính đầu tiên rất đơn giản, khó sử dụng nhưng lại có thể tính toán những con số cực kỳ lớn. Đây là bước đột phá quan trọng, đặt nền móng cho thế giới số ngày nay.
Dây chuyền sản xuất tự động hóa hiện đại của Tập đoàn KUKA (Đức). Ảnh: Internet
Năm 2011, tại Hội chợ Thương mại Hannover (Đức), cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0) xuất hiện, đánh dấu bước phát triển mới của khoa học kỹ thuật với các công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo… Đây là cuộc cách mạng về gia tăng mức độ tự động hóa, chi phối phần lớn các hoạt động sản xuất thông qua kết nối internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây và dữ liệu lớn (Big Data). Với sự phát triển thần tốc của Cách mạng 4.0, các doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều trở ngại trong việc hướng đến một hệ thống sáng tạo hơn, kết nối đa chiều với các hệ thống sẵn có của doanh nghiệp sản xuất, như: thiết kế (CAD), hỗ trợ sản xuất (CAM), lập kế hoạch nguồn lực (ERP), điều hành sản xuất (MES), quản lý dòng đời sản phẩm (PLM). Do vậy, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức rằng việc xây dựng chiến lược ứng dụng công nghệ 4.0 đối với ngành sản xuất ở mọi quy mô sẽ chứng minh được năng lực trong sản xuất, đầu tư; từ đó, chấp nhận thay đổi để đi trước đón đầu, vượt qua đối thủ và trở thành công ty lớn mạnh.
Về bản chất, cuộc Cách mạng 4.0 ra đời với mục tiêu giảm thiểu sự tham gia của con người và ưu tiên tự đông hóa quy trình sản xuất ở mức độ cao nhất. Những tiến bộ về internet vạn vật hay sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo với dữ liệu lớn đã tạo ra một loạt công nghệ mới, giúp các doanh nghiệp tạo lập quy trình điều hành thông minh, kinh doanh thông minh dựa trên các dữ liệu được cung cấp bởi hệ thống. Điều này giúp chúng ta có thể đưa ra các quyết định ngày càng nhanh chóng nhưng lại thiếu chắc chắn vì ít có sự can thiệp của con người trong việc tính toán dựa trên kỹ năng nghiệp vụ. Do vậy, xu hướng này có thể bị đảo ngược bởi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ năm (Cách mạng 5.0).
Công nghiệp 5.0 sẽ là một cuộc cách mạng mới, trong đó con người và máy móc phải dung hòa với nhau, tìm ra những phương pháp, cách thức cùng làm việc để cải thiện hệ thống, trang – thiết bị, phương tiện trong các nhà máy và nâng cao hiệu quả sản xuất.
TRIỂN VỌNG CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 5.0
Chưa đầy một thập kỷ sau khi Công nghiệp 4.0 lần đầu tiên xuất hiện, những chuyên gia có tầm nhìn xa hơn đã dự báo về cuộc cách mạng tiếp theo với nhiều thay đổi hơn nữa trong sản xuất công nghiệp, đó là Cách mạng công nghiệp 5.0. Thực tế, Cách mạng 4.0 chú trọng đến việc chuyển đổi số các nhà máy thành các cơ sở thông minh với sự hỗ trợ của các công nghệ mới hiện đại, thì Công nghiệp 5.0 được thiết lập với sự tham gia của bàn tay và khối óc con người kết hợp cùng máy móc, phương tiện. Công nghiệp 5.0 xuất hiện và được thúc đẩy bởi tác động của đại dịch Covid-19, với mục tiêu tập trung vào các hệ thống mang tính bền vững và khả năng phục hồi sau đại dịch. Các tổ chức và nhà hoạch định chính sách kêu gọi đưa con người trở lại thành trung tâm trong các cuộc cách mạng; sử dụng công nghệ để tạo ra sự tăng trưởng và đóng vai trò tích cực trong cung cấp giải pháp phù hợp để bảo tồn tài nguyên, ngăn chặn biến đổi khí hậu và góp phần ổn định xã hội.
Hệ thống rô-bốt tìm hàng trong nhà kho thông minh của Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc). Ảnh: Internet
Theo đó, Công nghiệp 5.0 sẽ là một cuộc cách mạng mới, trong đó con người và máy móc phải dung hòa với nhau, tìm ra những phương pháp, cách thức cùng làm việc để cải thiện hệ thống, trang – thiết bị, phương tiện trong các nhà máy và nâng cao hiệu quả sản xuất. Thực tế hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ năm cũng có thể đã và đang được tiến hành tại các công ty chuyển đổi mô hình số dựa trên các nguyên tắc của Công nghiệp 4.0. Ngay khi các nhà sản xuất bắt đầu sử dụng công nghệ tiên tiến, họ đã phải khai thác hàng loạt các nguồn lực để tham gia vận hành quy trình sản xuất đang được số hóa.
Khái niệm về Công nghiệp 5.0 cũng giảm bớt sự e ngại của các nhà lãnh đạo quốc gia và nhà quản trị về việc ứng dụng hệ thống máy móc kết nối, điện toán đám mây hay trí tuệ nhân tạo… sẽ dần loại bỏ vai trò của con người. Tuy nhiên, điều này cũng giúp con người xử lý công việc nhẹ nhàng hơn nhờ sự thay thế của máy móc, nâng cao hiệu quả và năng lực sản xuất trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Theo dự đoán, những tiến bộ lớn nhất của Công nghiệp 5.0 là trí tuệ của con người kết hợp với máy móc, được kỳ vọng sẽ đưa lĩnh vực sản xuất lên cấp độ mới với tốc độ phát triển mới và tiến đến sự hoàn hảo. Có thể thấy, trong vài năm tới, con người và rô-bốt trong các nhà máy sẽ hợp tác thiết kế, chia sẻ khối lượng công việc nhiều hơn trong các quy trình sản xuất của hệ thống. Công nghiệp 5.0 vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, do vậy, các nhà sản xuất nên chủ động hơn trong việc lập chiến lược tích hợp con người với máy móc nhằm tận dụng sự phát triển của công nghệ, tối đa hóa lợi ích và gặt hái thành công.
Con người kết hợp với máy móc là trọng tâm của cuộc Cách mạng công nghiệp 5.0. Ảnh: Internet
Như vậy, có thể thấy, Cách mạng công nghiệp 5.0 sẽ thay đổi mô hình hiện tại khi giảm bớt vai trò của công nghệ và máy móc để tập trung phát triển, nâng cao tương tác giữa con người và máy móc, phát huy tiềm năng sáng tạo của con người. Những thay đổi do cuộc Cách mạng công nghiệp 5.0 mang lại sẽ cung cấp các quy trình kết hợp mạnh mẽ hơn giữa máy móc và nguồn nhân lực được đào tạo tốt hơn, nhằm thu hút nhân tài cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất hiệu quả, bền vững, tăng khả năng cạnh tranh của ngành và hơn cả, giúp doanh nghiệp đủ sức chống chọi với những tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước cũng đã kịp thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách để Việt Nam có thể tận dụng hiệu quả các cơ hội, tạo lập nền tảng vững chắc giúp chúng ta chủ động hơn khi tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hướng đến Cách mạng công nghiệp 5.0. Vì vậy, để phát huy tinh thần bứt phá, với khát vọng về một Việt Nam hùng cường, chúng ta cần chuẩn bị trước cho những thay đổi nhanh chóng về công nghệ, nhân lực, tận dụng tốt những cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và sẵn sàng cho cuộc đua khốc liệt hơn trong tương lai – Cách mạng công nghiệp 5.0 đang ở rất gần.
TS. NGUYỄN HOÀNG HIỆP
Đại học Lincoln, Malaysia/Missouri