Củng cố kiến thức

II. Tiểu dẫn

– Thạch Lam (1910 – 1942) tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh (sau đổi thành Nguyễn Tường Lân), quê tại Hà Nội, là em trai của hai nhà văn Nhất Linh và Hoàng Đạo.

– Tác phẩm tiêu biểu: Gió đầu mùa (truyện ngắn), Ngày mới (tiểu thuyết), Hà Nội băm sáu phố phường (tùy bút).

– Hai đứa trẻ là truyện ngắn in trong tập Nắng trong vườn (1938) hòa quyện hai yếu tố hiện thực và lãng mạn trữ tình.

II. Văn bản (SGK)

1. Thời gian và không gian của cảnh vật

– Câu chuyện mở đầu với những âm thanh và hình ảnh báo hiệu một ngày tàn “Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều… một phố huyện nhỏ bé, một phiên chợ tàn, một góc chợ đơn sơ rồi một quán hàng lụp xụp”..

– Cảnh vật như tô điểm sâu sắc hơn cuộc sống tù túng, lụi tàn của những kiếp người sống nghèo đói, quẩn quanh không ánh sáng, không tương lai trong xã hội cũ.

2. Cuộc sống và hình ảnh người dân phố huyện

– Bên cạnh ngày tàn, chợ tàn là những kiếp người tàn như chị Tí. Ngày chị mò cua bắt ốc, tối đến dọn hàng nước chè tươi, thắp một ngọn đèn dầu leo lét. Chiều nào chị cũng dọn từ chập tối cho đến đêm, nhưng cũng “chả kiếm được bao nhiêu”. Một cảnh đời khác là gia đình bác xẩm. Bác xẩm ngồi trên manh chiếu, cái thau đế trước mặt “góp chuyện bằng mấy tiếng đàn bầu, bật trong yên lặng”. Bà cụ Thi điên thì nghiện rượu, có tiếng cười khanh khách, ghê sợ, xiêu vẹo đi vào đêm tối như một bóng ma.

– Gia đình chị em Liên chuyển về quê vì thầy Liên bị mất việc ở Hà Nội, vì thế mẹ Liên dọn một cửa hàng tạp hóa nhỏ để hai chị em bán vặt thêm thắt cho cuộc sống gia đình. “Hàng bán chẳng ăn thua gì”, cách Liên thương mấy đứa trẻ nghèo và suy nghĩ về gánh phở của bác Siêu như một “món quà xa xỉ” đủ để hình dung cuộc sống khó khăn, eo hẹp của gia đình Liên.

– Từ gia đình chị Tí, gia đình bác xẩm đến cụ Thi điên và hai chị em Liên, mỗi người mỗi cảnh nhưng họ đều có chung sự buồn chán và mỏi mòn. Cuộc sống vốn đã buồn tẻ lại còn lặp đi lặp lại đơn điệu và quẩn quanh. Ngày qua ngày, bấy nhiêu con người với những công việc tẻ nhạt.

– Dù cuộc sống nhàm chán nhưng những người dàn phố huyện vẫn hi vọng, dù hi vọng đó rất mơ hồ “một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ”. Chính sự mong đợi mơ hồ này càng tô đậm thêm tình cảnh tội nghiệp của những nhân vật trong truyện. Họ sống nhưng không biết ngày mai ra sao và đi về đâu. Niềm xót thương da diết của Thạch Lam thể hiện kín đáo trong cách dựng người, dựng cảnh và ở giọng văn đều đều, chậm buồn.

 3. Tâm trạng của hai đứa trẻ

– Tâm trạng của hai đứa trẻ trước khung cảnh thiên nhiên và bức tranh đời sống nơi phố huyện được miêu tả tinh tế và sâu sắc.

Ngồi trước cửa hàng, chị em Liên cảm nhận về buổi chiều quê bằng những cảm giác rất riêng, vừa buồn, vừa gắn bó. Liên cảm thấy “mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn với mùi cát bụi quen thuộc” là “cái mùi riêng của đất, của quê hương này”.

Hòa hợp, gần gũi với thiên nhiên “An và Liên lặng ngước mắt lên nhìn các vì sao đế tìm sông Ngân Hà và con vịt theo sau ông Thần Nông”, tâm hồn của chúng giao cảm với cây cỏ quê hương. “Qua kẽ lá của cành bàng, ngàn sao vẫn lấp lánh; một con đom đóm bám vào dưới mặt lá, vùng sáng nhỏ xanh nhấp nháy rồi hoa bàng rụng xuống vai Liên khe khẽ, thỉnh thoáng từng loạt một. Tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu”.

– An và Liên lặng lẽ quan sát những gì đang diễn ra ở phố huyện với cảm giác buồn mênh mang. Chúng xót xa, cảm thông chia sẻ với những kiếp người nhỏ nhoi sống lay lắt trong bóng tối cơ cực, đói nghèo vì cuộc sống của chúng cũng buồn tẻ và vô vị như thế. Vì thế đêm nào hai chị em cũng cố thức để đợi chuyến tàu muộn của đêm.

4. Hình ảnh đoàn tàu đêm đi qua phố huyện

– Dù “buồn ngủ ríu cả mắt”, nhưng Liên vẫn cố chờ chuyến tàu đêm. Còn An dù đã nằm ngủ vẫn không quên dặn chị gọi dậy khi đoàn tàu đi qua. Hai chị em cố thức không phải để bán hàng mà chỉ vì “muốn được nhìn chuyến tàu, đó là sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya”.

– Với hai đứa trẻ, con tàu là một thế giới “Một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn với các vầng sáng của ngọn đèn chị Tí và ánh lửa của bác Siêu”. Chuyến tàu được  tác giả tập trung miêu tả tỉ mỉ, kĩ lưỡng theo trình tự thời gian, qua tâm trạng chờ mong của hai đứa trẻ.

– Dấu hiệu đầu tiên của đoàn tàu là người gác ghi. Tiếp theo là “ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất như ma trơi”, tiếng còi xe lửa “kéo dài ra theo gió”, “tiếng dồn dập, xe rít mạnh vào ghi”, kèm theo “một làn khói bừng sáng trắng lên đằng xa, tiếp đến tiếng hành khách ồn ào”. Thế rồi “tàu rầm rộ đi tới”, “các toa đèn sáng trưng”, “những toa hạng trên sang trọng lố nhô những người, đồng và kền lấp lánh”. Cuối cùng là cảnh tàu đi vào đêm “để lại những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt”, “chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre”…

– Đối với chị em Liên và cả với người dân phố huyện nghèo khổ, chuyến tàu đêm là biểu tượng của sự sống, sự giàu sang, rực rỡ và ánh sáng. Nó đối lập với cuộc sống mòn mỏi, nghèo nàn, tối tăm và quẩn quanh của người dân phố huyện. Riêng đối với chị em Liên, chuyến tàu còn gợi nhớ về quá khứ sung sướng tại Hà Nội.

– Phố huyện rầm rộ lên trong chốc lát rồi lại chìm sâu vào trong bóng đêm yên tĩnh, những người dân phố huyện chỉ chính thức chấm dứt hoạt dộng khi chuyến tàu đêm đi qua. Qua tâm trạng đợi tàu của chị em Liên, tác giả muốn lay tỉnh những con người đang buồn chán, đang sống quẩn quanh, lam lũ vươn tới điều tốt đẹp hơn ở tương lai.

5. Nghệ thuật miêu tả và giọng văn của tác giả

– Truyện miêu tả rất tinh tế cảnh vật và diễn biến tâm trạng của nhân vật (nhân vật Liên). Cách miêu tả này góp phần quan trọng vào việc tạo không khí cho tác phẩm.

– Giọng văn của Thạch Lam nhẹ nhàng, điềm tĩnh, khách quan; lời văn bình dị nhưng ẩn hiện tình cảm xót thương đối với những con người nghèo khổ, sống quanh quẩn, lam lũ, tối tăm. Giọng văn góp phần tạo nên một truyện ngắn giàu sắc thái trữ tình và đậm chất thơ.

6. Tư tưởng của tác giả

– Qua truyện ngắn, Thạch Lam muốn thể hiện niềm xót thương đối với những kiếp người cơ cực, quẩn quanh ở phố huyện nghèo trước cách mạng. Đồng thời, ông cũng thể hiện sự trân trọng đối với ước mong vươn tới cuộc sống tốt đẹp hơn của họ.

– Nội dung truyện thể hiện một tư tướng nhân đạo sâu sắc, đáng trân trọng.