Cùng UEBer bắt tay thực hiện NCKH (Lĩnh vực QTKD) | RCES | Cộng đồng sinh viên kinh tế nghiên cứu khoa học
Tiếp tục loạt bài của chuyên mục đặc biệt số 2 “Giới thiệu hướng nghiên cứu của các khoa trực thuộc trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN“, cộng đồng RCES sẽ giới thiệu các hướng nghiên cứu chính mà các sinh viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học tại khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN có thể tham khảo. Bài viết do các RCESer tham gia dự án RCES Companion mùa thứ 2 thực hiện.
Quản trị kinh doanh (QTKD) là ngành học đặc trưng với rất nhiều mảng khác nhau, trong đó những mảng quan trọng nhất phải kể đến là: Marketing; Quản trị nguồn nhân lực; Quản trị chiến lược, quản trị đổi mới sáng tạọ; Văn hóa doanh nghiệp và Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; Quản trị sản xuất và tác nghiệp.
Nội dung dưới đây sẽ giới thiệu các mảng nghiên cứu trong lĩnh vực QTKD và danh sách một số đề tài được phân theo từng mảng đã được các sinh viên thực hiện tại khoa QTKD, trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN trong những năm qua. Những ví dụ đề tài này chỉ giúp sinh viên hình dung rõ hơn về mảng nghiên cứu, các nhóm nghiên cứu được khuyến khích tìm những đề tài mới để nghiên cứu vì một số đề tài ví dụ đã được các nhóm nghiên cứu trước đây khai thác hiệu quả.
Mục lục
Nội Dung Chính
Marketing
Bản chất của hoạt động Marketing trong doanh nghiệp làm thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Để xác định nhu cầu khách hàng, từ đó xây dựng và thực hiện chiến lược và các chương trình Marketing nhằm thỏa mãn những nhu cầu đó, các giám đốc Marketing cần các thông tin về khách hàng, đối thủ cạnh tranh và nhiều thông tin quan trọng khác về thị trường. Khác với suy nghĩ của nhiều người, hoạt động Marketing trong doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là hoạt động tiếp thị sản phẩm mà còn nhiều hơn thế. Vậy những tảng băng chìm trong hoạt động này là gì?
Có thể nói, nghiên cứu về Marketing là một trong những hướng nghiên cứu chưa bao giờ hết “nóng” của các sinh viên quan tâm đến lĩnh vực QTKD bởi Marketing là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định đến thành công của một sản phẩm. Các hoạt động trong Marketing lại rất rộng, từ nghiên cứu thị trường, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, nghiên cứu chiến lược về giá, nghiên cứu chiến lược phân phối, nghiên cứu chiến lược quảng bá và tiếp thị, định vị thương hiệu, mở rộng thương hiệu, xây dựng cấu trúc thương hiệu, … Vì vậy, với sự thay đổi chóng mặt của thị trường, sự phát triển của các hoạt động Marketing chưa bao giờ dừng lại, và những đề tài mới trong mảng nghiên cứu này vẫn đang chờ các nhóm nghiên cứu khám phá. Trái tim của Marketing chính là thương hiệu vì đó là mục tiêu mà các doanh nghiệp đều hướng đến, bởi khi đó sản phẩm đã có chỗ đứng nhất định trong tâm trí khách hàng.
Một số ví dụ về chủ đề nghiên cứu thuộc mảng nghiên cứu Marketing đã đã từng được sinh viên nghiên cứu tại khoa QTKD thực hiện:
-
Giải pháp xúc tiến hỗn hợp cho sản phẩm vật liệu nha khoa của công ty TNHH MANI MEDICAL HÀ NỘI.
-
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ chăm sóc khách hàng tại công ty Energy Power.
-
Vai trò của marketing trong định vị thương hiệu. Trường hợp cụ thể của ALPHA BOOKS.
-
Nghiên cứu chiến lược nhượng quyền thương mại của Café Trung Nguyên.
-
Chiến lược marketing mix các sản phẩm sữa của công ty Vinamilk.
- Đánh giá mở rộng thương hiệu của người tiêu dùng tại Việt Nam – Trường hợp áp dụng với thương hiệu Vinamilk.
Quản trị nguồn nhân lực
Khi nghiên cứu về quản trị nhân lực, sinh viên sẽ nghiên cứu các vấn đề về quản trị con người trong các tổ chức ở tầm vi mô với hai mục tiêu cơ bản:
-
Sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực nhằm tăng năng suất lao động và nâng cao tính hiệu quả của tổ chức.
-
Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân viên, tạo điều kiện cho nhân viên được phát huy tối đa các năng lực cá nhân, được kích thích, động viên nhiều nhất tại nơi làm việc và trung thành, tận tâm với doanh nghiệp.
Một số ví dụ về chủ đề nghiên cứu thuộc mảng Quản trị nhân lực đã từng được sinh viên nghiên cứu tại khoa QTKD thực hiện:
-
Công tác đào tạo nhân sự tại khách sạn MERCURE HANOI LA GARE.
-
Ưu và nhược điểm của các phương pháp tuyển mộ – Tuyển chọn nhân lực và đề xuất mô hình tuyển dụng trong các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam.
-
Vai trò của quản trị nguồn nhân lực trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp về vấn đề bảo vệ môi trường.
-
Vai trò của quản trị nguồn nhân lực trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động ở công ty Vinamilk.
-
“Nghiên cứu về việc tái cơ cấu hệ thống nhân sự của các công ty tại Việt Nam trong và sau thời kỳ suy thoái kinh tế”.
-
Chất lượng nguồn nhân lực vừa và nhỏ tại tỉnh Lạng Sơn. Thực trạng và giải pháp.
-
Công tác đào tạo nguồn nhân lực tại một số doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn Hà Nội.
Quản trị chiến lược, quản trị đổi mới sáng tạo
Quản trị chiến lược là một quá trình gồm 5 hoạt động: Nghiên cứu (các môi trường hiện tại và tương lai), Hoạch định (các mục tiêu của tổ chức), Đề ra, Thực hiện và Kiểm soát việc thực hiện các quyết định nhằm đạt các mục tiêu đó trong môi trường hiện tại cũng như tương lai. Mục tiêu cuối cùng của quản trị chiến lược là nâng cao thành tích thông qua tăng cường 3 yếu tố: Hiệu năng (performance); Kết quả (result) và Tính linh hoạt (flexible).
Một số ví dụ về chủ đề nghiên cứu thuộc mảng nghiên cứu đã từng được sinh viên nghiên cứu tại khoa QTKD thực hiện:
-
Quản trị chiến lược công ty tại doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn Hà Nội.
-
Hoạch định chiến lược cạnh tranh cho Viettel Peru SAC theo lý thuyết cạnh tranh của Michael Porter.
Văn hóa doanh nghiệp và Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp là sự thể hiện vǎn hóa kinh doanh ở cấp độ công ty. Cao hơn nữa, văn hóa doanh nghiệp được xem như hệ thống giá trị tinh thần và các chuẩn mực do doanh nghiệp tạo nên và nó chi phối mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như cách ứng xử của các thành viên trong doanh nghiệp. Nhấn mạnh đến khía cạnh giá trị của văn hóa doanh nghiệp, đó chính là cái làm nên cốt cách của doanh nghiệp, là linh hồn của các doanh nghiệp, gắn kết mọi người lại với nhau và cùng hành động để đạt được những mục tiêu chung. Cũng có thể gọi đó là “báu vật tinh thần” mà doanh nghiệp tạo ra. Trong sự hình thành và phát triển doanh nghiệp thì văn hóa doanh nghiệp chính là “cột trụ tinh thần”.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được hiểu là tất cả các vấn đề kinh tế, pháp lý, đạo đức và những lĩnh vực khác mà xã hội trông đợi các doanh nghiệp trong mỗi thời điểm nhất định. Cụ thể hơn, nghiên cứu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là xác định xem doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh có trách nhiệm đối với người lao động, có trách nhiệm bảo vệ môi trường, trách nhiệm đóng góp cho lợi ích cộng đồng, trách nhiệm đối với khách hàng, nhà cung ứng hay không.
Một số ví dụ về chủ đề nghiên cứu thuộc mảng Văn hóa doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã từng được sinh viên nghiên cứu tại khoa QTKD thực hiện:
-
Nghiên cứu văn hóa doanh nghiệp tại tập đoàn Samsung
-
Doanh nhân thành đạt và Văn hóa doanh nghiệp Bảo tín Minh Châu
-
Nghiên cứu văn hóa doanh nghiệp của tập đoàn Lotte
-
Nghiên cứu vai trò của quản trị nhân sự trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội
Quản trị sản xuất và tác nghiệp
Quản trị sản xuất chính là quá trình thiết kế, hoạch định, tổ chức điều hành và theo dõi, kiểm tra hệ thống sản xuất nhằm thực hiện những mục tiêu sản xuất đã đề ra. Nói cách khác, quản trị sản xuất là tổng hợp các hoạt động xây dựng hệ thống sản xuất và quản trị quá trình sử dụng các yếu tố đầu vào tạo thành các sản phẩm, dịch vụ ở đầu ra theo yêu cầu của khách hàng nhằm thực hiện các mục tiêu đã xác định.
Nghiên cứu về quản trị sản xuất có ý nghĩa quyết định đến viêc tạo ra sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ cho xã hội. Quản lý hệ thống sản xuất sản phẩm, dịch vụ là chức năng, nhiệm vụ cơ bản của mỗi doanh nghiệp. Hình thành, phát triển và tổ chức điều hành tốt hoạt động sản xuất là cơ sở và yêu cầu thiết yếu để mỗi doanh nghiệp có thể đứng vững và phát triển trên thị trường.
Một số đề tài về Quản trị sản xuất và tác nghiệp, đặc biệt là quản trị tinh gọn đã từng được sinh viên nghiên cứu tại khoa QTKD thực hiện:
-
Phân tích quá trình xây dựng hệ thống quản lý tinh gọn thông qua việc áp dụng 5S – Trường hợp công ty Traphaco.
-
Ứng dụng 5S trong sản xuất của công ty cổ phần Prime – Trường Xuân.
-
Ứng dụng quy trình sản xuất tinh gọn những thành công và khó khăn bước đầu cho doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam.
-
Ứng dụng sản xuất tinh gọn ở doanh nghiệp Toyota Việt Nam.
-
So sánh chất lượng dịch vụ tại chuỗi cửa hàng fast food tại Việt Nam.
-
Quản trị lưu kho các mặt hàng có thời gian sử dụng ngắn tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội.
Bên cạnh các mảng nghiên cứu phổ biến trên, các nhóm nghiên cứu cũng có thể nghiên cứu về một số mảng tiềm năng khác như quản trị công ty hay thương mại điện tử. Các nhóm sinh viên nghiên cứu trong lĩnh vực QTKD thường giành được nhiều giải thưởng cao trong hoạt động NCKH bởi các kết quả nghiên cứu được đánh giá là có giá trị thực tiễn cao và có khả năng nhân rộng. Vì vậy, nếu nhóm nghiên cứu của bạn nghiên cứu về lĩnh vực này thì hãy tận dụng lợi thế đó để lựa chọn những đề tài thực sự tiềm năng trong một số mảng trên và theo đuổi nhé!
Chúc các bạn sinh viên có một mùa NCKH thành công!
Xuân Hương – Anh Hào – Quang Thắng (RCESer tham gia dự án RCES Companion mùa thứ 2)