Cục Tài chính doanh nghiệp giới thiệu dự thảo cẩm nang quản trị công ty trong DNNN
TCDN –
Ngày 25/8, Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính phối hợp với Vụ Tư nhân hóa, góp vốn và Bất động sản Liên bang Đức – Bộ Tài chính CHLB Đức tổ chức hội thảo Quản trị công ty trong DNNN.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp phát biểu
Phát biểu khai mạc, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp nhấn mạnh, hiện quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung và khu vực DNNN chỉ ở khâu làm quen, triển khai bước đầu, việc xây dựng các quy chuẩn quản trị doanh nghiệp chưa được chuẩn hóa theo lộ trình, định hướng chung của Nhà nước. Vì vậy, Cục Tài chính doanh nghiệp đã phối hợp với Vụ Tư nhân hóa, góp vốn và Bất động sản Liên bang Đức – Bộ Tài chính CHLB Đức từ giai đoạn 2016 đến nay nghiên cứu các vấn đề liên quan đến thông lệ quản trị doanh nghiệp đối với DNNN của OECD.
Tại Hội thảo, Cục Tài chính doanh nghiệp sẽ giới thiệu dự thảo Bộ Công cụ đào tạo quản trị công ty cho DNNN do Cục hối hợp với Công ty TNHH Ernt&Young Việt Nam cập nhật từ Bộ công cụ do Ngân hàng Thế giới biên soạn; dự thảo Cẩm nang Quản trị công ty trong DNNN do dành cho Công ty TNHH MTV do Cục Tài chính doanh nghiệp chủ trì xây dựng với sự hỗ trợ của chuyên gia Bộ Tài chính CHLB Đức.
Giới thiệu về quản trị doanh nghiệp tốt đối với DNNN, ông Mathias Nehm – Indecon Consulting GmbH cho biết, việc hoàn thành khung khổ tổng quát cho các DNNN là một nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt đối với các nước. Tuy nhiên, chỉ mới gần đây, khi gia nhập thị trường thế giới, các nước mới sẵn sàng tăng cường thêm nhiệm vụ này.
Để hỗ trợ cho các nước, OECD và các tổ chức quốc tế khác đã ban hành “các nguyên tắc quản trị tốt” đối với các doanh nghiệp tư nhân và DNNN, chỉ ra các khái niệm cơ bản mà từ góc nhìn thông lệ quốc tế tốt nhất cần được đưa vào trong luật pháp quốc tế.
Ông Mathias Nehm – Indecon Consulting GmbH phát biểu
Ngoài ra, khái niệm “bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp” đã đạt được thành công riêng trên thế giới, dựa trên ý tưởng rằng các chủ sở hữu của một công ty chịu trách nhiệm đặt ra các quy tắc và quy định để áp dụng cho công ty đó, nhằm thực thi các luật hiện có và khép kín các khoảng trống về luật để phục vụ tốt nhất cho lợi ích của các chủ sở hữu và các bên hữu quan.
Lưu ý doanh nghiệp trong quá trình triển khai áp dụng quản trị công ty đối với DNNN, TS. Phan Đằng Chương, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam chia sẻ 5 nhóm nguyên tắc quản trị công ty theo hướng dẫn của Cẩm nang. Trong đó, nguyên tắc 1 là vai trò của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu. Trách nhiệm chính của nhà nước bao gồm thiết lập các ưu tiên chính sách bao gồm (i) xác định nhiệm vụ chung của DNNN, (ii) xác định các ưu tiên ngắn hạn và trung hạn, (iii) chính sách phân phối lợi nhuận, (iv) khung tài chính và (v) truyền đạt các mục tiêu hoạt động. Từ đó, yêu cầu HĐTV DNNN chịu trách nhiệm tương tự.
“Hội đồng thành viên (HĐTV)/Chủ tịch công ty của DNNN cần thực hiện chức năng giám sát quản lý và chỉ đạo chiến lược theo các mục tiêu mà chính phủ và cơ quan sở hữu đặt ra” – TS. Phan Đằng Chương nhấn mạnh.
Nguyên tắc 2 là vận hành của HĐTV. Cụ thể, HĐTV có năng lực và chuyên nghiệp, đặt nền tảng vững chắc cho việc quản lý và giám sát doanh nghiệp. Vai trò, trách nhiệm và các cam kết của HĐTV cần được xác định một cách rõ ràng. Trên cơ sở đó, khung/quy trình đánh giá hiệu quả hoạt động định kỳ của HĐTV được thiết lập và công bố. HĐTV phải thành lập các ủy ban chuyên trách (ví dụ Ủy ban Kiểm toán, Ủy ban Quản trị rủi ro, Ủy ban Nguồn nhân lực cấp cao) thuộc HĐTV để hỗ trợ HĐTV thực hiện chức năng và tránh mọi xung đột lợi ích.
Nguyên tắc 3 là trách nhiệm của Tổng giám đốc và Ban kiểm soát. Liên quan đến nguyên tắc này cần tách biệt vai trò của Giám đốc/Tổng giám đốc và HĐTV/Chủ tịch công ty.
Bên cạnh việc thiết kế vai trò độc lập và hiệu quả của Ban Kiểm soát, Ban Kiểm soát và HĐTV/Chủ tịch công ty cần cộng tác trên cơ sở tin tưởng qua lại vì lợi ích tốt nhất của công ty.
Nguyên tắc 4 là môi trường kiểm soát. Theo TS. Phan Đằng Chương, thông lệ quốc tế HĐTV /Chủ tịch công ty phải thực hiện các biện pháp phù hợp, đặc biệt là thiết lập một hệ thống giám sát để sớm ghi nhận các diễn biến có thể đe dọa đến doanh nghiệp. HĐTV/CTCT có trách nhiệm tối đa hiệu quả đối với khung quản lý rủi ro của công ty và cần giám sát việc hình thành và hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp.
Cùng với việc xây dựng quy trình kiểm toán nội bộ (KTNB) hiệu quả và thiết lập chức năng KTNB dưới sự giám sát và báo cáo trực tiếp cho BKS, HĐTV/CTCT phải giám sát khung quản lý rủi ro toàn doanh nghiệp và đánh giá hiệu qủa định kỳ khuôn khổ đó.
Nguyên tắc 5 là quan hệ với các bên có quyền lợi liên quan và công bố minh bạch. TS. Phan Đằng Chương cho rằng, công ty nên thiết lập nguyên tắc và quy trình để công khai thông tin cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và toàn dân. Đồng thời, giám sát việc thực hiện các nguyên tắc và quy trình này.
Thêm nữa, công ty cần đảm bảo công khai các thông tin tài chính cũng như phi tài chính. HĐTV cần thiết lập các quy tắc để bảo vệ và thúc đẩy sự tham gia của các bên có quyền lợi liên quan. HĐTV cần phải thiết lập chính sách và giám sát việc xử lý các vướng mắc, khiếu nại của các bên có quyền lợi liên quan
Chia sẻ kinh nghiệm quản lý đầu tư cấp Liên bang tại Đức, TS. Andreas Kerst – trưởng phòng nguyên tắc cơ bản quản lý đầu tư của Bộ Tài chính Liên bang cho biết, các nguyên tắc cơ bản về đầu tư phải đảm bảo yêu cầu bất kỳ khoản đầu tư nào của chính quyền Liên bang đều có tính hợp pháp đặc biệt. Trong nền kinh tế thị trường xã hội, rủi ro kinh doanh phải do tư nhân gánh chịu. Không có đặc quyền nào cho Nhà nước.
Việc tham gia đầu tư phải tính đến lợi ích của chính quyền Liên bang và chiến lược của doanh nghiệp. Cụ thể, đối với nhiệm vụ công, chỉ được thiết lập đầu tư khi chính quyền Liên bang có lợi ích chính trị cụ thể mà lợi ích đó không thể thực hiện hiệu quả kinh tế hơn bằng bất kỳ cách nào khác.
Về lợi ích liên bang, TS. Andreas Kerst lưu ý, lợi ích của chính quyền Liên bang phải được gắn chặt trong các quy chế của doanh nghiệp và được các phòng ban của doanh nghiệp triển khai hiệu quả. Lợi ích này được thực hiện bằng quản lý đầu tư dựa vào các mục tiêu đầu tư trung hạn (mục tiêu tác động).
Đối với chiến lược của doanh nghiệp, Ban Giám đốc Điều hành phát triển chiến lược doanh nghiệp cùng với Ban kiểm soát. Đại diện Liên bang trong Ban kiểm soát đảm bảo thể hiện các mục tiêu tác động trong chiến lược/kế hoạch.