Cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini: Xu hướng tiêu dùng hiện đại
Cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini: Xu hướng tiêu dùng hiện đại
Những năm gần đây, sự gia tăng nhanh về số lượng, quy mô hoạt động của các cửa hàng tiện ích, hệ thống cửa hàng tự chọn, siêu thị,… đã dần góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân.
Khách mua hàng tại chuỗi thực phẩm ATC food.
Trước đây, gia đình chị Lê Thu Giang, sinh sống tại đường Lạc Long Quân, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa có thói quen đi chợ hoặc các siêu thị lớn mua sắm những mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ sinh hoạt của gia đình trong một tuần. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, từ ngày gần nhà có cửa hàng tiện lợi bán đầy đủ các loại thực phẩm, chị Giang đã từ bỏ thói quen tích trữ nhiều đồ ăn trong tủ lạnh, bởi chỉ cần hàng ngày dành 5 – 10 phút là có thể mua được đồ tươi ngon về chế biến bữa ăn cho gia đình.
Nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người dân, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng hệ thống chuỗi cửa hàng, siêu thị tiện ích. Chỉ tính riêng hệ thống siêu thị Vimart+, toàn tỉnh đã có gần 40 cửa hàng tại các vị trí thuận lợi cho nhu cầu mua sắm của người dân. Chia sẻ về sự thay đổi thói quen, nhiều bà nội trợ cho biết, điều quan trọng nhất khiến họ lựa chọn thay đổi thói quen là do thực phẩm tại các cửa hàng, siêu thị tiện lợi không chỉ đa dạng mà còn có nhãn mác, nguồn gốc đầy đủ, có độ tin cậy cao trong bảo đảm an toàn thực phẩm.
Theo thống kê của Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương, hiện nay toàn tỉnh có hơn 400 cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini. Trong đó, chỉ tính riêng tại TP Thanh Hóa đã có tới hơn 100 cửa hàng. Theo quan sát của chúng tôi, dọc nhiều tuyến phố chính, cứ cách khoảng 500m đến 1 km lại có một cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị mini, với các tên tuổi như: Vinmart+, Huy mart, Green mart… Tại các khu vực đông dân cư trong các ngõ nhỏ, cũng có nhiều cửa hàng ở vị trí thuận tiện và nổi bật nhất nhằm thu hút người tiêu dùng và “sống khỏe” sau một thời gian dài hoạt động. Nhận định của chúng tôi, ưu thế đối với các cửa hàng tiện lợi là đưa được tất cả những gì người tiêu dùng cần cho cuộc sống cá nhân vào trong một mặt bằng nhỏ, từ đồ ăn, thức uống đến cây kim, sợi chỉ; từ bàn chải, kem đánh răng đến văn phòng phẩm, thẻ nhớ điện thoại… Bên cạnh đó, hầu hết các cửa hàng tiện ích còn khai thác mảng thức ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn, rất phù hợp với cuộc sống bận rộn ngày nay.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia bán lẻ, mô hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini có nhiều ưu điểm khiến cho loại hình này ngày càng được ưa chuộng. Không chỉ đa dạng về mô hình hàng hóa, chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, đây cũng là nơi tích hợp các hình thức thanh toán, chi tiêu theo xu hướng hiện đại. Hơn nữa, ưu thế phát triển mô hình này là chi phí thấp khi chỉ cần một không gian khoảng 100m2, từ 2 – 3 nhân viên nên giá hàng hóa tại cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini sẽ hấp dẫn, cạnh tranh hơn siêu thị. Ngoài ra, các cửa hàng tiện lợi thường hoạt động với thời gian khá nhiều trong ngày cũng là một trong những lợi thế khi người dân có thể mua hàng bất cứ lúc nào khi cần thiết. Đối với giới trẻ, công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt thông qua sử dụng mã QR, thẻ, dịch vụ ăn uống… cũng là những yếu tố khiến cửa hàng tiện lợi được ưa chuộng hơn.
Trong bối cảnh tỷ lệ các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini ở Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng đang còn thấp so với mức trung bình, nhất là vùng nông thôn, tiềm năng để phát triển các hệ thống bán hàng hiện đại này còn rất lớn, nhất là ở vùng nông thôn. Để nâng cao chất lượng hoạt động với loại hình này, Nhà nước cần sớm có quy chuẩn về siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi để nâng cao chất lượng, tính hiện đại và chuyên nghiệp của các loại hình bán lẻ này. Bên cạnh đó, các cửa hàng cần đầu tư nguồn sản phẩm chất lượng, cơ sở hạ tầng tốt, thái độ phục vụ chuyên nghiệp; đồng thời, phải gắn hoạt động thương mại với tổ chức sản xuất để chủ động, đa dạng nguồn hàng hóa.
Bài và ảnh: Tùng Lâm