Công ty cổ phần bánh kẹo Kinh Ðô mua lại hãng kem Wall’s Vietnam

Bấm vào đây để nghe bản tin nàyRightclick to save target as this audio

Nam Nguyên

Thị Trường Kem trong nước vừa có sự sắp xếp lại sau khi hãng kem Wall’s Vietnam của công ty Uni Lever được nhượng bán cho công ty cổ phần bánh kẹo Kinh Đô. Theo thông tin liên hệ Nam Nguyên trình bày như sau..

Kinh Đô là công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam chuyên sản xuất bánh kẹo, mới đây họ đã mua lại nhà máy kem nổi tiếng là Wall’s Vietnam, một doanh nghiệp trực thuộc công ty đa quốc gia Anh- Hoà Lan Unilever. Kể từ ngày 1 tháng 7 tới đây Kinh Đô sẽ sản xuất, phân phối món kem lạnh được nhiều người VN ưa thích là kem Wall’s, nhưng dưới thương hiệu mới của mình.

Cả Uni Lever Viet Nam và Kinh Đô đều không tiết lộ giá tiền chuyển nhượng nhà máy và thương hiệu Kem Wall. Tuy nhiên Uni Lever đã đầu tư tới 20 triệu đô la để thiết lập nhà máy kem Wall ở Saigon.Trong những năm sau đó Kem Wall’s mau chóng chiếm lĩnh phân nửa thị trường kem ở Việt Nam, làm cho kem Vina Milk của nhà nước bị mất một thị phần quan trọng.

Nhà máy kem Wall có khả năng sản xuất 9 triệu lít kem một năm, và Kinh Đô dự kiến mở rộng thị trường Kem nội địa với mạng lưới 40 ngàn đại lý trên toàn quốc. Trước đây Unilever chỉ phân phối kem Wall’s qua 4 ngàn cửa hàng đại lý.

Các giới chức công ty Kinh Đô cho biết, họ chuẩn bị sản xuất thêm nhiều loại kem hạp khẩu vị của người tiêu dùng Việt nam, và sẽ tham gia thị trường với nhãn hiệu mới. Đặc biệt là giá cả sẽ rẻ hơn cho phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng. Tuy vậy, sẽ không có thay đổi tức khắc tại nhà máy kem Wall’s.

Ông Trần Cao Thanh, giám đốc quản lý thương hiệu của Kinh Đốc cho biết rằng, công ty sẽ tái ký hợp đồng với tất cả 130 nhân viên hiện đang làm việc cho Wall’s Việt Nam, Kinh Đô cũng duy trì và không thay đổi phúc lợi của họ, để bảo đảm nhà máy kem hoạt động bình thường.

Trong khi đó phó tổng giám đốc Unilever Viet Nam bà Đào Tuyết Mai tuyên bố rằng, việc chuyển nhượng nhà máy kem Wall’s là một bước đi chiến lược của Uni Lever. Bà cho biết Kem Wall’s không gặp khó khăn tài chính, Uni Lever bán Wall’s vì muốn tập trung hơn vào các mặt hàng khác, chủ yếu là sản phẩm phục vụ cá nhân và gia đình, hoá-mỹ-phẩm và thực phẩm. Theo bà Mai kem Wall’s chi phối 50% thị trường kem ăn ở VN, doanh số của Walls tăng trưởng 8% trong năm 2002. Uni Lever, một tập đoàn đa quốc gia đầu tư ở Việt Nam từ năm 1991, doanh thu của họ tại VN năm 2002 lên tới 250 triệu đô la Mỹ

Các nhà phân tích thị trường trong nước cho rằng Uni Lever đã chuyển nhượng Kem Walls, sau khi họ đầu tư nhiều vào một sản phẩm tối cần thiết đối với mọi gia đình VN. Đó là nước mắm Phú Quốc được phân phối dưới nhãn hiệu thương mại Knorr. Uni Lever hồi cuối năm ngoái đã ứng trước hơn tám trăm ngàn đô la bao tiêu sản phẩm cho Quốc Dương, một tập hợp 17 nhà chế tạo nước mắm nhĩ ở đảo Phú Quốc. Quốc Dương dùng số tiền ứng trước này xây dựng nhà máy vô chai theo tiêu chuẩn quốc tế. Uni Lever bao tiêu toàn bộ sản phẩm của Quốc Dương, khoảng 20 triệu lít nước mắm mỗi năm, tức 10% thị trường nước mắm VN.

Các nguồn tin trong nước cho biết, Uni Lever nhắm tới thị trường xuất khẩu nước mắm Phú Quốc Knorr qua Âu Châu và Bắc Mỹ, một khi các điều kiện vệ sinh thực phẩm ở nhà máy vô chai Quốc Dương được quốc tế chấp nhận.

©
2004 Radio Free Asia