Công ty TNHH Khu Du Lịch Vịnh Thiên Đường ALMA cần giải quyết quyền lợi của khách hàng

Tòa soạn Môi trường và Xã hội nhận được thông tin cầu cứu của gia đình ông Phan Hoàng Bá (địa chỉ tại C3-P106 Tập thể Trung Tự, Hà Nội)  bị Công ty TNHH Khu Du lịch Vịnh Thiên Đường (ALMA) lừa đảo, tuổi cao sức yếu, hạn chế nghe, nhìn không đủ năng lực hành vi, bị ép tham gia ký kết Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ số: PBRC-H-992218.

Thư cầu cứu gia đình chị Mỹ Linh gửi tòa soạn Môi Trường Và Xã Hội

Theo thông tin ông Bá cung cấp, sau khi mời ông Phan Hoàng Bá và bà Nguyễn Thị Tú, sức khoẻ đã suy giảm và không còn đủ minh mẫn đến tham dự sự kiện do ALMA tổ chức tại Hà Nội, các nhân viên đã ALMA đã “khéo léo” tư vấn để ông Bá hiểu sai về quyền lợi hợp đồng ký kết, sau đó đưa ông Bá, Bà Tú vào phòng riêng tư vấn, nhân viên tự ý cầm điện thoại của Ông Bá nhắn tin cho con gái chuyển tiền nộp cho ALMA ngay.

 Phiếu Khám bệnh khẳng định Ông Bá bị đục thuỷ tinh thể nhưng vẫn bị “thôi miên” mua hợp đồng du lịch. (Hình ảnh Gia đình cung cấp)

Qua đường dây nóng của Môi Trường Và Xã Hội tiếp nhận phản ánh của chị Phan Hoàng Mỹ Linh (quận Đống Đa, Hà Nội). Chị Linh cho biết vào ngày 1/9/2022 ALMA tổ chức sự kiện mời khách hàng tham dự nhằm quảng bá dịch vụ tại Hà Nội. Bố chị là ông Phan Hoàng Bá được mời tham gia sự kiện. Các nhân viên tư vấn của ALMA đã tư vấn để ông hiểu sai vấn đề từ “được hưởng mỗi năm 1 kỳ nghỉ 7 ngày” thành “được hưởng 1 căn nghỉ dưỡng ở tại ALMA Resort” để có thể kinh doanh sinh lời.

Qua tìm hiểu của phóng viên, hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ” số PBRC-H-992218 được ông Phan Hoàng Bá ký tại sự kiện ngày 1/9/2022 có giá trị 280 triệu VND, trong đó phải thanh toán 30% giá trị hợp đồng là 84.000.000 VND ngay trong ngày ký hợp đồng. Còn số tiền 70% giá trị hợp đồng còn lại là 196.000.000 VND sẽ thanh toán dần trong 7 tháng tiếp theo.

Bản hợp đồng ông Phan Hoàng Bá đã ký.

Trong Thư cầu cứu, Chị Linh bức xúc chia sẻ: “Sau khi dụ dỗ được bố mẹ tôi vào phòng riêng. Đầu tiên, họ mang cho một cốc nước vì ngồi cả ngày rất khát nên bố mẹ tôi uống. Chỉ 1 lúc sau thì bố mẹ tôi kể rất mệt và buồn ngủ tinh thần không còn tỉnh táo, không biết vì lý do gì, tinh thần không thể làm chủ mà 3 nhân viên của ALMA đã trực tiếp thúc ép giục kí…Họ tự ý cầm điện thoại của bố tôi để nhắn tin cho người nhà chuyển tiền (tin nhắn em tôi còn giữ lại).

Nhân viên tự ý cầm điện thoại của bố tôi để nhắn tin cho người nhà chuyển tiền (tin nhắn chị Linh cung cấp)

Bố tôi kể: Lúc đó họ hỏi cô chú có mang tiền không? Họ lại hỏi cô chú có mang vàng, Đô La đặt lại cũng được.”

 

Chị Mỹ Linh cũng phân tích thêm: “Tôi nghi ngờ đây là một sự lừa đảo tinh vi, ALMA cho 1 năm nghỉ 7 ngày tại khu Resort của ALMA. Nhưng liệu ông bà già hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tai và mắt bệnh lâu năm mãn tính còn không có tiền đi điều trị thì tiền đâu có để đi du lịch mà ALMA bán kỳ nghỉ cho dù có hợp pháp đi chăng nữa nhưng không có đạo đức kinh doanh. Hợp đồng là thoả thuận giữa 2 bên nhưng khi có khúc mắc vẫn có thể thoả thuận lại trong khi 1/9/2022 kí và nộp tiền thì ngay sáng hôm sau, mẹ tôi gọi điện cho Anh Hải người xưng là quản lý để hủy hợp đồng nhưng đều bị từ chối.”

 Biên bản làm việc giữa gia đình chị Mỹ Linh và ALMA Hà Nội.

Được biết, sau khi phát hiện sự việc, gia đình chị Linh đã nhiều lần chủ động liên lạc bên ALMA Resort để xin huỷ hợp đồng và đòi lại tiền cọc bố mẹ chị đã đóng nhưng đại diện bên ALMA Resort trả lời sẽ không trả lại số tiền đó và cố tình trốn tránh trách nhiệm trong các buổi làm việc. Chính vì vậy gia đình chị Mỹ Linh đã quyết định sẽ khởi kiện lên toà án nếu ALMA vẫn tiếp tục né tránh không giải quyết.

Xác nhận với phóng viên Môi Trường và Xã Hội, chị Linh cho biết bố chị là ông Phan Hoàng Bá, mắc bệnh ù tai nghe kém, Viêm tai xương chẩm mãn tính, thủng màng nhĩ bên trái, Mắt ông thì bị đục thủy tinh thể, sức khoẻ đã suy giảm và không còn đủ minh mẫn. (Có đầy đủ phiếu khám bệnh, giấy tờ chứng minh).

“Các nạn nhân của ALMA Resort nếu chọn cách đi kiện thì xác định mất nhiều thời gian và phải vào tận Khánh Hoà để kiện. Nhà mình sẽ quyết làm đến cùng vụ này cho dù khó khăn và mất thời gian để không còn nhiều người rơi vào cảnh lầm than như gia đình mình ”chị Linh nhấn mạnh.

Cảnh giác với biến tướng của dịch vụ “sở hữu kỳ nghỉ”

Được biết, khu nghỉ dưỡng ALMA Resort Cam Ranh do Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường đầu tư xây dựng. Tọa lạc tại Bãi Dài, huyện Cam Lâm, Khánh Hoà, khu nghỉ dưỡng ALMA gồm 400 căn hộ và 200 Villa hướng biển, đầy đủ tiện nghi chính thức đi vào hoạt động từ 29/12/2019.

Khối công trình ALMA Resort Cam Ranh được đầu tư dưới hình thức “sở hữu kỳ nghỉ” (Timeshare). Khách hàng khi ký hợp đồng sẽ sở hữu dịch vụ chứ không phải sở hữu bất động sản, việc sở hữu này chỉ có hiệu lực trong một khoảng thời gian nhất định (30 đến 50 năm) và quyền lợi của khách hàng chỉ dừng lại trong hợp đồng đã ký với chủ đầu tư.

Điều khiến cho dư luận băn khoăn là mặc dù ALMA đã cho nhân viên bán kỳ nghỉ từ năm 2013 nhưng đến năm 2017, tức khoảng 4 năm sau, công ty này mới được cấp giấy phép xây dựng cho tòa nhà chính trong khối các tòa nhà, biệt thự tại khu nghỉ dưỡng ở Khánh Hòa. Và cũng phải gần 7 năm sau, tức là đến cuối năm 2019 mới chính thức khai trương dịch vụ.

Với số tiền để sở hữu kỳ nghỉ lên tới hàng trăm triệu đồng nhưng những người sở hữu kỳ nghỉ ở ALMA sẽ chỉ được cung cấp phòng nghỉ. Chi phí đi lại, ăn uống,.. khách hàng đều phải tự túc. Nếu muốn trao đổi kỳ nghỉ tại nước ngoài, khách hàng phải đóng thêm phí và tự lo vé máy bay.

Ngoài ra, mỗi năm khách phải đóng phí duy trì trong đó năm đầu tiên từ 7,5 – 9,6 triệu đồng. Trong năm tiếp theo, công ty sẽ lập bảng chi phí hoạt động và gửi hóa đơn cho khách. Điều này đồng nghĩa khả năng khách sẽ phải trả bất kỳ khoản chi phí nào công ty đề ra. Cũng theo hợp đồng mẫu của ALMA, nếu pháp luật Việt Nam yêu cầu công ty phải đóng thêm khoản phí nào, công ty sẽ đóng và khách hàng phải hoàn trả.

Theo các chuyên gia, bản chất sở hữu kỳ nghỉ là “sở hữu dịch vụ” chứ không phải là “sở hữu bất động sản”. Trên thế giới rất nhiều người phải tháo chạy, chấp nhận chuyển nhượng kỳ nghỉ với giá rẻ vì không chịu nổi các loại phí mà có thể gắn với họ cho đến khi chết, nhưng để chuyển nhượng được cũng không hề dễ dàng, tại Việt Nam hình thức này còn khá mới nhưng đã xuất hiện nhiều “biến tướng” khó lường gây nhiều rủi ro cho khách hàng. Hiện tại, mô hình này còn tồn tại nhiều bất cập trong vấn đề pháp lý do chưa có một văn bản cụ thể nào quy định về hợp đồng mua bán kỳ nghỉ.

     Để làm rõ sự việc, phản ánh thông tin hai chiều gửi đến bạn đọc liên quan đến thông tin trên, chúng tôi mong muốn các cơ quan ban ngành xem xét và giải quyết sự việc trên để bạn đọc có cái nhìn khách quan, tôn trọng sự thật và luôn tin tưởng vào pháp luật và nhà nước.

Yến An