Công ty TCS một mình một quy định

Lợi dụng sự độc quyền trong giao nhận hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất, Công ty TNHH TCS (liên doanh với Singapore) đang hoạt động trái với luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế, ngang nhiên đưa ra những khoản thu phí cao hơn nhiều lần so với quy định.

Luật sư Võ Nhật Thăng, Tổng Thư ký Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam cho biết, được thành lập từ năm 1994, và là công ty duy nhất chính thức đi vào hoạt động từ năm 1997 với chức năng cung cấp dịch vụ, phục vụ hàng hóa tại sân bay, công ty này đã bỏ qua luật Việt Nam và đặt ra những mức phí hết sức phi lý. Chẳng hạn như, giá dịch vụ giao dịch nhận hàng tại Nội Bài là 75.000 đồng/tấn, song ở Tân Sơn Nhất lại là 60 USD, tương đương 850.000 đồng/tấn, cao gần gấp 12 lần.

Phản hồi từ một số doanh nghiệp cũng cho biết, một trong những bất hợp lý nữa là phí dịch vụ tiếp nhận hàng và giao phát hàng được TCS quy định không đúng với thông lệ quốc tế, trái với quy định của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) mà Việt Nam là một thành viên. Cụ thể là TCS đã thực hiện thu 6 cent/kg khi mà phí này đã được khách hàng trả cho các hãng hàng không và trên thực tế đã làm cho các hãng hàng không quốc tế trả cho TCS. Ở đây có phải TCS cố ý thu trùng?

Khi máy bay hạ cánh, doanh nghiệp muốn lấy hàng sau từ 3h đến 6h phải trả 0,12 USD/kg, sau 6h đến 9h là 0,9 USD/kg, và sau 12h là 8 cent/kg. Cũng chính nhờ những khoản thu phí theo kiểu “một mình một quy định” này mà trong năm 1999, theo luật sư Võ Nhật Thăng, doanh thu của công ty TCS đã đạt tới 8,2 triệu USD, lãi tới 4,7 triệu USD, chiếm 57,3%. Và điều đáng nói là một phần trong só lợi nhuận đó đã chảy ra nước ngoài. Hiển nhiên điều này đã làm cho giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị đẩy lên một cách bất hợp lý.

Công ty này cũng luôn nói là nếu doanh nghiệp nào không muốn làm dịch vụ thông qua họ cũng được, nhưng trên thực tế cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất là cần thiết và quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp. Nên không có cách nào khác, doanh nghiệp phải buộc làm với TCS.

Vấn đề này đã được hàng trăm doanh nghiệp nhà nước và tư nhân có đơn thư khiếu nại thông qua Hiệp hôi Giao nhận để chuyển đến Chính phủ sớm có biện pháp can thiệp.

Ban Vật giá chính phủ cũng đã có thông báo đề nghị: “Cục hàng không dân dụng xem xét tình hình thực tế Công ty TNHH TCS và nhanh chóng có giải pháp đảm bảo đúng pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cũng như quyền lợi hợp pháp của các đơn vị kinh doanh dịch vụ tại TCS”. Ban Vật giá cũng khẳng định rõ, Công ty TNHH TCS đang kinh doanh loại hình dịch vụ có tính độc quyền cao do đó phải chịu sự quản lý giá trực tiếp của Nhà nước theo quy định.

Dư luận muốn Công ty TCS giải trình rõ ràng cơ sở những mức giá dịch vụ mà TCS ấn định, song cho đến hôm nay công ty này vẫn lảng tránh và không trả lời.

Lao Động, 19/6