Cổng thông tin điện tử tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH), trên địa bàn tỉnh hiện có gần 650 đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH từ ba tháng trở lên. Bên cạnh những doanh nghiệp (DN) làm ăn thua lỗ, không ít DN có tiền, có điều kiện vẫn không chịu đóng BHXH đúng hạn theo quy định. Nguyên nhân là do cơ chế quản lý, cơ sở pháp lý còn chưa chặt chẽ, tạo kẻ hở cho DN chây ỳ, trục lợi tiền BHXH của người lao động.
Khách hàng giao dịch tại bộ phận một cửa của BHXH tỉnh.
Ông Đỗ Hồng Thái, Trưởng phòng thu BHXH tỉnh cho biết, lợi dụng tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn hiện nay, nhiều DN cố tình chây ỳ đóng BHXH. Nhiều DN lấy cớ kinh tế khó khăn, làm ăn thua lỗ, không có lãi hoặc hàng hóa không tiêu thụ được để nợ BHXH. “DN làm ăn thua lỗ nên chậm đóng BHXH thì còn chấp nhận và thông cảm được. Đáng nói hơn, do chế tài xử phạt nợ BHXH chưa đủ mạnh nên nhiều DN ăn nên làm ra vẫn cố tình chây ỳ không đóng BHXH theo đúng quy định”, ông Thái nhận xét.
Theo ông Đỗ Hồng Thái, từ ngày 10-10-2013, theo quy định tại Nghị định 95/2013 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, hành vi chậm đóng BHXH bị phạt đến 75 triệu đồng. Mặc dù mức phạt này đã tăng lên rất nhiều so với mức cũ, nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe với các DN, nhất là những DN có số nợ BHXH lên đến hàng tỷ đồng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều chủ DN rất tinh vi. Họ chấp nhận bị phạt do nợ BHXH để chiếm dụng quỹ BHXH của người lao động làm vốn thay vì đi vay ngân hàng. Hơn nữa, hành vi nợ BHXH của DN chưa được quy định như một tội danh để phải xử lý hình sự. Trong khi tội danh liên quan đến thuế đã có các khung xử lý, kể cả xử lý hình sự nên DN chấp hành đầy đủ, còn hành vi nợ đọng, chậm đóng BHXH chỉ bị xử phạt hành chính nên DN luôn tìm cách lách luật, không chấp hành.
Ông Đặng Hồng Tuấn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, hằng tháng cán bộ thu BHXH thường xuyên tổ chức đối thoại với DN và đẩy mạnh công tác đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thực hiện tốt các quy định pháp luật về BHXH… nhưng thực tế nhiều DN làm ăn được vẫn cố tình phớt lờ. Theo ông Tuấn, quy định hiện nay hạn chế ở chỗ, ngành BHXH chỉ được phép kiểm tra ở một số điểm, khi phát hiện DN sai phạm, ngành BHXH lại phải đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước xử phạt. Nhưng khi cơ quan quản lý vào cuộc, họ lại không thể dùng kiến nghị của ngành BHXH để xử phạt mà lại phải thanh tra lại từ đầu nên rất rắc rối. Theo quy định hiện nay, chức năng thanh tra, xử phạt thuộc thẩm quyền của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, nhân lực của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội có hạn, trong khi khối lượng các công việc khác lại rất nhiều. “Cả sở Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ có hơn chục cán bộ thanh tra nên họ không đủ khả năng kiểm tra, giám sát vấn đề nợ đọng BHXH trên địa bàn cả tỉnh được”, ông Đặng Hồng Tuấn cho biết.
Tình trạng nhiều DN nợ đọng BHXH, BHYT đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động. Ông Đặng Hồng Tuấn cho rằng, cần nâng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm, đồng thời tăng cường quy định về chế tài xử lý, bảo đảm tính răn đe, hạn chế vi phạm pháp luật BHXH để quyền lợi người lao động được bảo đảm.
Nguồn: baobariavungtau.com.vn