Cổng thông tin điện tử tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh
Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Hướng đến thúc đẩy doanh nghiệp khu vực tư nhân tăng trưởng chất lượng và hiệu quả, tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, Kế hoạch đã đề ra các mục tiêu cụ thể như: phát huy tối đa nguồn lực để doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân phát triển ổn định, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đáp ứng khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp khu vực tư nhân; phấn đấu có ít nhất 25.000 doanh nghiệp vào năm 2025 và 35.000 doanh nghiệp vào năm 2030 còn đăng ký hoạt động; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường liên kết trong doanh nghiệp khu vực tư nhân; thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao sức cạnh tranh và tăng mức đóng góp ngân sách nhà nước của doanh nghiệp khu vực tư nhân.
Kế hoạch đặt ra 06 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện, bao gồm: (1) Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đảm bảo duy trì niềm tin và tăng cường đầu tư kinh doanh bền vững của doanh nghiệp khu vực tư nhân: (2) Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; (3) Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: (4) Hỗ trợ, nâng cao năng suất lao động trong doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp; (5) Khuyến khích doanh nghiệp khu vực tư nhân ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác cơ hội của các mạng công nghiệp 4.0; (6) Tăng cường vai trò hỗ trợ của các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển hiệu quả, bền vững.
Để thực hiện nhóm nhiệm vụ và giải pháp nêu trên, các nhiệm vụ cụ thể được đề ra là: tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư, đăng ký kinh doanh; cải thiện các chỉ số thành phần thuộc chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); xây dựng Chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khu vực tư nhân áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; xây dựng các chuyên mục hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp như “Diễn đàn doanh nghiệp hỏi – cơ quan nhà nước trả lời”, Chương trình truyền thông dành cho doanh nghiệp khu vực tư nhân để nắm bắt, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn tỉnh, cả nước; phát triển đa dạng các loại hình liên kết giữa các doanh nghiệp với hộ nông dân, trang trại, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chính sách về hỗ trợ khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, chính sách khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại cơ quan, đơn vị, địa phương; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề gắn chương trình đào tạo nghề với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; phổ biến, tuyên truyền hệ thống thông tin thị trường lao động, các hoạt động của sàn giao dịch việc làm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tuyển dụng lao động.
Bên cạnh đó, các hoạt động khác cũng được quan tâm thực hiện để thúc đẩy doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển như: tổ chức Hội nghị lãnh đạo tỉnh đối thoại với doanh nghiệp và nhà đầu tư; triển khai các chương trình “Hàng Việt về nông thôn”, chương trình bán hàng tại các khu công nghiệp và chương trình hàng Việt ra Côn Đảo; lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có chất lượng của Tỉnh để giới thiệu trên kênh truyền hình Việt Nam trong chương trình “Nông nghiệp sạch cho Việt Nam và cho thế giới”…
Ủy ban nhân dân tỉnh đã phân công các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện các nhiệm vụ được giao theo đúng lĩnh vực quản lý. Các đơn vị như: VCCI chi nhánh Vũng Tàu, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Du lịch và các Hội, Hiệp Hội Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển bền vững. Các đơn vị này sẽ là cầu nối kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh; đầu mối hỗ trợ, tư vấn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về lựa chọn địa điểm đầu tư, thực hiện các thủ tục đầu tư, các chính sách của Trung ương, của tỉnh và các thông tin khác theo nhu cầu của doanh nghiệp; hỗ trợ cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về việc tiếp cận các nguồn lực đầu tư, các chương trình khoa học công nghệ mới vào hoạt động sản xuất kinh doanh…
Nguồn: Kế hoạch số 63/KH-UBND