Cổng thông tin điện tử tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Nhằm kịp thời ngăn chặn tình trạng xâm hại tình dục trẻ em và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2018, Công văn số 4879-CV/TU của Tỉnh ủy về “Tăng cường tuyên truyền, đấu tranh xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em”, Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành văn bản yêu cầu các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương tập trung thực hiện công tác “Tăng cường phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh” với các nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Đối với các Sở, ban, ngành của tỉnh:

a) Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:

– Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện,thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh có giải pháp quyết liệt nhằm giảm thiểu tình trạng xâm hại tình dục trẻ em và trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

– Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về luật pháp, chính sách liên quan đến trẻ em.

– Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp và cộng tác viên các biện pháp can thiệp nhằm bảo vệ trẻ em bị xâm hại; Thường xuyên nắm bắt thông tin các gia đình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để có biện pháp bảo vệ kịp thời.

– Tăng cường cung cấp các dịch vụ xã hội liên quan đến bảo vệ chăm sóc trẻ em, đặc biệt là phòng, chống xâm hại tình dục và bạo lực trẻ em, xây dựng thí điểm nhà tạm lánh, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Cung cấp và thông tin đường dây nóng, số điện thoại tổng đài quốc gia 111, số điện thoại khẩn cấp của Trung tâm 24/24 trên các phương tiện thông tin đại chúng, Báo Bà Rịa – Vũng Tàu, Đài truyền thanh các địa phương và các áp phích tuyên truyền tại các địa bàn dân cư. Có biện pháp hỗ trợ chính sách phù hợp, kịp thời trẻ em bị xâm hại tình dục thuộc gia đình khó khăn.

– Chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành đoàn thể liên quan tăng cường kiểm tra giám sát tình hình triển khai thực hiện các chủ trương chỉ đạo của tỉnh về công tác phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.

b) Sở Giáo dục và Đào tạo:

– Đưa chương trình đào tạo các kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, các biện pháp phòng tránh xâm hại tình dục, chương trình Giáo dục giới tính trong nhà trường cho học sinh;

– Tập huấn kỹ năng cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

– Triển khai các biện pháp bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, đặc biệt là các hành vi xâm hại trẻ em. Xử lý nghiêm các vi phạm quyền trẻ em trong trường học theo đúng quy định của pháp luật.

c) Công an tỉnh:

– Rà soát và xử lý khẩn trương, quyết liệt các vụ việc về xâm hại trẻ em, nhằm sớm đưa đối tượng xâm hại chịu trách nhiệm trước pháp luật, bảo vệ kịp thời, đầy đủ quyền của trẻ em bị xâm hại.

– Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Trẻ em đến các lực lượng chấp pháp (Lực lượng điều tra…) nhằm đảm bảo quyền trẻ em được thực thi trong quá trình hành pháp.

– Thường xuyên phổ biến tình hình an ninh trật tự, đặc biệt là hướng dẫn một số kỹ năng nhận biết cũng như các dấu hiệu, thủ đoạn của tội phạm để giúp các em phòng ngừa và nâng cao cảnh giác, tránh các nguy cơ bị xâm hại.

– Hỗ trợ và giải quyết kịp thời các trường hợp trẻ em bị xâm hại.

– Tăng cường tuần tra kiểm soát; quản lý chặt chẽ các đối tượng, dân nhập cư, tạm trú, kiểm tra công khai, bí mật tại các địa bàn phức tạp, nơi hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra các vụ xâm hại tình dục trẻ em để kịp thời ngăn chặn.

d) Sở Thông tin và Truyền thông:

Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng thời lượng phát sóng, chủ động xây dựng các chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền về luật pháp chính sách liên quan đến trẻ em, về các quyền của trẻ em; thường kỳ tuyên truyền về các vấn đề đạo đức xã hội bức xúc liên quan đến trẻ em. Xây dựng phim tài liệu, clip ngắn phát sóng trên đài phát thanh, truyền hình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em để phục vụ công tác truyền thông đại chúng; Tập huấn trang bị kiến thức cho đội ngũ phóng viên về bảo mật thông tin trẻ em bị xâm hại tình dục nhằm bảo vệ các em.

đ) Sở Văn hóa và Thể thao:

Tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về gia đình, chủ trì, phối hợp với các địa phương tuyên truyền, giáo dục lối sống trong gia đình; hướng dẫn gia đình kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực và xâm hại trẻ em, trách nhiệm phát hiện, thông báo và tố giác hành vi vi phạm quyền trẻ em. Nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn văn hóa, lồng ghép phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với tiêu chí xây dựng “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em” và “Xã, phường phù hợp với trẻ em”; Đẩy mạnh tuyên truyền Chiến lược Quốc gia phòng chống bạo lực gia đình.

e) Sở Y tế:

– Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục giới tính vị thành niên.

– Chỉ đạo hệ thống y tế cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em bị bạo lực: Hỗ trợ thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực,…

g) Sở Tư pháp:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật về quyền trẻ em. Tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho trẻ em.

h) Sở Tài chính:

Bố trí kinh phí hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và tình hình ngân sách của địa phương cho công tác trẻ em.

2. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể:

a) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Hội Cựu Chiến binh tỉnh:

– Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục luật pháp, chính sách liên quan đến trẻ em, cho quần chúng nhân dân khu dân cư, nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và thực hiện quyền trẻ em ở địa phương.

– Vận động nhân dân tham gia phát hiện, tố giác bạo hành, xâm hại trẻ em ở địa bàn dân cư; Chủ động, tích cực tham gia giám sát trong việc thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ trong công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em ở cộng đồng.

b) Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh:

– Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cho hội viên, phụ nữ các luật pháp, chính sách liên quan đến trẻ em. Trong đó chú trọng giáo dục pháp Luật Trẻ em, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình.

– Tăng cường xây dựng các địa chỉ tin cậy, kịp thời hỗ trợ tư vấn tâm lý cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình.

– Tập huấn các kỹ năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, quản lý con em mình cho hội viên, phụ nữ tại cộng đồng.

-Vận động chị em mạnh dạn lên tiếng tố cáo các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em; Hướng dẫn con em trong độ tuổi cách tự bảo vệ và phòng, tránh xâm hại tình dục.

– Nhân rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình hỗ trợ trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực giới/bạo lực gia đình,…

c) Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh:

– Tuyên truyền giáo dục pháp luật cho Đoàn viên, thanh niên về Luật Trẻ em, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Giáo dục sức khỏe vị thành niên cho đoàn viên, thanh niên; vận động đoàn viên, hội viên tổ chức các hoạt động phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, hỗ trợ trẻ em, tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến trẻ em; bảo vệ quyền trẻ em; phòng, chống xâm hại trẻ em.

– Chỉ đạo các tổ chức Đoàn triển khai mô hình “Vận động nam giới thanh niên tiên phong thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”.

d) Hội Nông dân tỉnh:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong tổ chức mình. Vận động Hội viên Nông dân tham gia các Câu lạc bộ “Nam giới tiên phong thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

– Tăng cường, nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Khẩn trương xây dựng kế hoạch và các giải pháp hiệu quả sớm ngăn chặn và giảm thiểu mức thấp nhất tình trạng xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em tại địa phương. Trong đó chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân trên địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều người nhập cư, tạm trú… về Luật Trẻ em, Luật bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình và các luật pháp, chính sách liên quan để phòng, ngừa và giảm thiểu xâm hại tình dục trẻ em.

– Chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý kịp thời và nghiêm khắc các hành vi xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn.

– Tăng cường bố trí cán bộ làm công tác trẻ em và đội ngũ cộng tác viên cơ sở; Chỉ đạo thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, bảo mật thông tin trẻ em bị xâm hại và kịp thời có chính sách hỗ trợ , tư vấn tâm lý các em để các em ổn định cuộc sống, sớm hòa nhập cộng đồng.

– Bố trí ngân sách hàng năm để thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại địa phương.

– Thường xuyên kiểm tra, giám sát để có giải pháp xử ý kịp thời các điểm nóng thường xảy ra xâm hại tình dục trẻ em.

4. Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân các cấp:

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động truy tố, xét xử kịp thời và nghiêm minh các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em, bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Trong thời gian gần đây, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng đáng báo động, tính chất vụ việc rất phức tạp và nghiêm trọng. Từ năm 2016 đến năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 114 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Chỉ riêng 03 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã có 14 vụ xâm hại tình dục trẻ em (trong đó 07 vụ hiếp dâm, 05 vụ giao cấu , 02 vụ dâm ô trẻ em), tăng 11 vụ so với cùng kỳ năm 2018.

Đây chỉ là những vụ xâm hại tình dục trẻ em được trình báo với cơ quan chức năng, thực tế vẫn còn rất nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em không bị phát giác; gia đình không trình báo vì e ngại lộ thông tin, ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình hay bị thủ phạm đe dọa hoặc dùng tiền để hòa giải. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài đến sức khỏe, tinh thần của trẻ và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nguồn: Công văn 3397/UBND-VP