Cổng thông tin điện tử Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang

Phát triển thị trường nông sản, đặc sản MêKông

Ngày 8/3, tại tỉnh An Giang, trong khuôn khổ Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2017, Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp cùng Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh An Giang đã tổ chức hội thảo “Phát triển thị trường nông – đặc sản MêKông”. Với sự tham gia của các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, Trung tâm xúc tiến thương mại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh.

Hiện nay, sản phẩm nông sản của các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp khó khăn, thị trường đầu ra không ổn định nhất là thị trường quốc tế đang đòi hỏi cao về chất lượng, mẫu mã…. thị trường trong nước cũng gặp khó khăn, tâm lý của người tiêu dùng tin tưởng các chợ truyền thống đang có chiều hướng đi xuống. Trong khi đó, nguồn cung ở các siêu thị nhiều nhưng không có xu hướng khám phá sản phẩm mới. 

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nông nghiệp và Trang trại Việt Nam cho rằng: đặc tính của nông nghiệp Việt Nam là tiểu nông đơn lẻ, chưa làm chủ, chưa đáp ứng được mong đợi của thị trường trong nước và quốc tế, còn sử dụng phân, thuốc hóa học… do đó doanh nông phải chủ động thay đổi từ nông pháp hóa học chuyển sang sản xuất hữu cơ để tạo ra sản phẩm vượt trội trên thị trường. Đồng thời, phải xây dựng và phát triển thương hiệu, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng mà người tiêu dùng tin tưởng. 

Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch hội đồng quản trị Retail & Franchise Asia (Công ty dịch vụ tư vấn đầu tư & xúc tiến thị trường, chuyên ngành bán lẻ & nhượng quyền tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương) chia sẻ, từ kinh nghiệm thực tế trong nhiều năm qua, cho thấy doanh nghiệp Việt Nam chỉ sản xuất rồi theo đó kinh doanh, nên khác biệt so với doanh nghiệp quốc tế luôn hướng tới sản phẩm bán ra, trước mắt là quan tâm nhu cầu mức độ tiêu dùng và tiềm năng của từng quốc gia hướng tới. 

Trong giải pháp phát triển thị trường nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, bên cạnh những giải pháp trên, các doanh nghiệp cần đoàn kết thống nhất giá cả trong khâu tiêu thụ, cạnh tranh lành mạnh; cần liên kết các kênh phân phối nhỏ lẻ để đưa sản phẩm hàng hóa về vùng sâu vùng xa với sản phẩm có chất lượng tốt nhất, mẫu mã đẹp…. đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng./. 

Bá Đăng (Trích nguồnTTXVN)