Cổng thông tin điện tử Tỉnh Kiên Giang – Kiên Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
Mục đích là nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (gọi tắt là phong trào) với thực hiện tốt Chương trình hành động số 53-CTr/TU ngày 27/8/2014 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, gắn với thực hiện các phong trào của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể phát động để tạo thành “tổng nguồn lực” đẩy lùi các hành vi tiêu cực, phi văn hóa…, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát triển văn hóa, con người Kiên Giang, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Ông Lê Công Nghiệp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Phó Trưởng BCĐ Phong trào tỉnh trao giấy công nhận xã Vĩnh Phước A đạt chuẩn văn hóa lần thứ II cho đại diện lãnh đạo xã – Ảnh: Ánh Nhung
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, thành viên Ban Chỉ đạo, cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh, huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn; Ban Vận động ấp, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ tham mưu, cơ quan, đoàn thể và nhân dân trong thực hiện phong trào; chú trọng xây dựng đạo đức, lối sống của con người Việt Nam trong gia đình, làng xóm; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú; giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, nội dung và nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện phong trào tại tỉnh Kiên Giang tập trung:
Một là, xây dựng kế hoạch phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể là thành viên Ban Chỉ đạo Phong trào tỉnh với các huyện, thành phố nhằm triển khai thực hiện toàn diện các nội dung của phong trào. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, bám sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm.
Cơ quan Thường trực, các ngành, đoàn thể thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, Ban Chỉ đạo huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp; ưu tiên các nội dung phối hợp về tăng cường công tác truyền thông, mở các cuộc hội nghị, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho những người làm công tác phong trào các cấp. Xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hàng năm theo hướng thiết thực, hiệu quả; chú trọng đổi mới cách làm, phương pháp thực hiện phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, địa phương; nhân rộng những cách làm hay, mô hình sáng tạo.
Tăng cường công tác phối hợp, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện phong trào và nâng cao chất lượng thực hiện tiêu chí văn hóa (số 6 và 16) trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo, vai trò của Trưởng ấp, khu phố, người có uy tín trong cộng đồng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân với nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Vận động Phong trào các cấp để nâng cao trách nhiệm trong tham mưu, thực hiện, đề xuất.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phong trào gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua khác. Chú trọng truyền thông và nêu gương các điển hình tiên tiến.
Xây dựng kế hoạch phối hợp, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: Báo Kiên Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh huyện, thành phố… về các nội dung thực hiện phong trào theo Quyết định số 2478/QĐ-TTg ngày 30/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án truyền thông về phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Ba là, thực hiện chặt chẽ, khách quan, công bằng việc bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa theo đúng quy định. Phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư.
Ban Chỉ đạo Phong trào các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hàng năm việc bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa theo quy định tại các Nghị định, Thông tư, Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kèm theo Quy chế quy định về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận danh hiệu: “Gia đình văn hóa”; “Ấp, Khu phố văn hóa”; “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”; “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (Thực hiện Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ; các Thông tư: số 17/2011/TT-BVHTTDL, số 02/2013/TT-BVHTTDL, số 08/2014/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Phổ biến, tập huấn, tuyên truyền nội dung Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ và các văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh để hướng dẫn các gia đình; ấp, khu phố; xã, phường, thị trấn; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký thực hiện các danh hiệu văn hóa đúng quy định.
Bốn là, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hỗ trợ các hoạt động của phong trào; tạo điều kiện cần thiết để nhân dân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, phát triển và nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở. Phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến và phát huy hiệu quả các danh hiệu văn hóa; kịp thời bổ sung những giải pháp, cách nghĩ, cách làm tích cực, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn cơ quan, đơn vị, địa phương.
Năm là, cấp ủy, chính quyền các cấp cần ưu tiên đầu tư kinh phí, nhân lực nhằm triển khai thực hiện phong trào có hiệu quả. Đặc biệt, ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất văn hóa, trang thiết bị hoạt động cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer.
Trên cơ sở nội dung, nhiệm vụ, Trưởng Ban Chỉ đạo Phong trào tỉnh giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố. Đồng thời đề nghị các ngành thành viên Ban Chỉ đạo Phong trào tỉnh, Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế; tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kết luận của Thủ tướng Chính phủ; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Văn hóa và Thể thao – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Phong trào tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”./.