Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư
vùng lãnh thổ63 tỉnh, thành phố
Tỉnh Cà Mau
- Điều kiện tự nhiên
- Danh lam thắng cảnh
- Đơn vị hành chính
- Kinh tế – Xã hội
1.Vị trí địa lý:
Cà Mau là tỉnh tận cùng phía Nam của nước Việt Nam có diện tích tự nhiên là 5331,6 km
2
bằng 13,1% diện tích vùng đồng bằng sông Cửu Long và bằng 1,58% diện tích cả nước. Ngoài phần đất liền, Cà Mau có đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Bương và Hòn Đá Bạc, diện tích các đảo xấp xỉ 5 km2. Cà Mau nằm tại điểm cực Nam 8
0
30’ vĩ độ Bắc (thuộc xã Viên An huyện Ngọc Hiển), điểm cực Bắc 9
0
33’ vĩ Bắc (thuộc xã Biển Bạch huyện Thới Bình), điểm cực Đông 105
0
24’ kinh Đông (thuộc xã Tân Thuận huyện Đầm Dơi), điểm cực Tây 104
0
43’ kinh Đông (thuộc xã Đất Mũi huyện Ngọc Hiển). Hình dạng tỉnh Cà Mau giống chữ V, có 3 mặt tiếp giáp với biển. Phía Bắc giáp tỉnh Kiên Giang (63 km), phía Đông Bắc giáp tỉnh Bạc Liêu (75 km), phía Đông và Đông Nam giáp với Biển Đông, phía Tây giáp với vịnh Thái Lan. Bờ biển dài 254 km. Vùng biển Cà Mau rộng trên 71.000 km
2
, tiếp giáp với vùng biển của các nước: Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Biển Cà Mau có vị trí nằm ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á nên có nhiều thuận lợi giao lưu, hợp tác kinh tế bằng đường biển, phát triển kinh tế biển, khai thác dầu khí và tài nguyên khác trong lòng biển. (A.U).
2.Khí hậu:
Khí hậu tỉnh Cà Mau mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo. Nhiệt độ trung bình 26.5
0
C. Nhiệt độ trung bình cao nhất trong năm vào tháng 4, khoảng 27,6
0
C; nhiệt độ trung bình thấp nhất vào tháng 1, khoảng 25
0
C. Biên độ nhiệt độ trung bình trong 1 năm là 2,7
0
C. Khí hậu Cà Mau có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11; mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.
3.Đặc điểm địa hình:
Địa hình toàn tỉnh thuần nhất là đồng bằng, có nhiều sông rạch, độ cao bình quân 0,5 mét so với mặt nước biển. Hàng năm ở vùng Mũi Cà Mau bồi ra biển trên 50 mét; bờ biển phía Đông từ cửa sông Gành Hào đến vùng cửa sông Rạch Gốc bị sói lở, có nơi mỗi năm trên 20 mét.
4.Dân số:
Cà Mau có dân số năm 2008 là 1251,2 ngàn người với mật độ dân số là 235 người/km2 với 20 dân tộc khác nhau sinh sống trên địa bàn, gồm người Kinh chiếm 97,16%, người Khơ Me chiếm 1,86%, còn lại là người Hoa và các dân tộc ít người khác.
5.Tài nguyên thiên nhiên:
a. Tài nguyên đất
Đất ở tỉnh Cà Mau được chia ra 3 nhóm chính:
Nhóm đất mặn có diện tích 208.500 ha, chiếm 40,0% diện tích tự nhiên; Đất mặn phân bố chủ yếu ở các huyện: Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi, Phú Tân, Cái Nước và xen kẽ ở Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình, thành phố Cà Mau.
Nhóm đất phèn có diện tích 271.926 ha, chiếm 52,18% diện tích tự nhiên; phân bố chủ yếu ở các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời và xen kẽ ở các huyện khác trong toàn tỉnh.
Ngoài ra, còn có nhóm đất than bùn, với diện tích khoảng 8.698 ha, phân bố ở các huyện U Minh, Trần Văn Thời, diện tích có tầng than bùn dày chủ yếu trong khu vực rừng tràm. Nhóm đất bãi bồi với diện tích 15.483 ha, phân bố ở huyện Ngọc Hiển và Phú Tân.
b. Tài nguyên rừng
Rừng Cà Mau là loại rừng ngập nước gồm rừng ngập mặn được phân bố ven biển và tập trung nhiều ở huyện Ngọc Hiển; rừng ngập lợ chủ yếu nằm sâu trong nội địa thuộc các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình. Hệ sinh thái rừng Cà Mau có nhiều loài động thực vật quý hiếm, năng suất sinh học cao, có tầm quan trọng bảo tồn thiên nhiên, có giá trị nghiên cứu khoa học và có ý nghĩa cân bằng môi trường sinh thái cho sự phát triển bền vững của cả khu vực.
Rừng tại Cà Mau bao gồm: rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất, ngoài ra trên cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối có 583 ha rừng.
Ở rừng ngập mặn có 64 loài thực vật, thành phần ưu thế là cây đước, vẹt, mắm, dá; về động vật hiện có 12 loài thú, 12 loài bò sát, 8 loài ếch nhái, 67 loài chim, 25 loài tôm, 258 loài cá nước mặn. Hiện có nhiều loài chim tập trung ở nhiều sân chim lớn như sân chim Đầm Dơi, sân chim Cái Nước, sân chim tại thành phố Cà Mau. Hệ sinh thái rừng tràm diện tích 34.600 ha, có vai trò quan trọng là vùng đệm để ổn định đất, thủy văn, nuôi tôm cá nước ngọt, ong, trăn, nai, heo rừng v.v… và có tác dụng điều hòa khí hậu, bảo tồn tính đa dạng sinh học vùng rừng ngập nội địa. Rừng ngập lợ cây tràm chiếm ưu thế tuyệt đối, dưới tán rừng có nhiều loài dây leo và cây nhỏ khác; các loài động vật như nai, heo rừng, khỉ, chồn ….. các loài bò sát như trăn, rắn, rùa, trúc (tê tê)… ; có 60 loài cá nước ngọt và cá nước lợ. Đặc biệt ong mật rừng tràm nhiều và hàng năm cho khai thác sản lượng lớn. (A.U).
c. Tài nguyên khoáng sản
Kết qủa thăm dò phát hiện trong vùng biển Cà Mau có trữ lượng dầu khí khá lớn, nhiều triển vọng khai thác và phát triển công nghiệp dầu khí.
Ở rừng U Minh hạ có trữ lượng than bùn khá lớn, nhưng do rừng bị cháy nhiều lần, hiện nay dự tính lượng than bùn còn khoảng gần 5.000ha. Than bùn U Minh có thể sử dụng làm chất đốt, phân hữu cơ vi sinh và các chế phẩm khác. (A.U).
d. Tài nguyên nước
Nước mưa là nguồn nước chủ yếu cung cấp cho cây trồng nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước lợ và một phần cho sinh hoạt. Vào mùa khô, nhân dân thường phải dùng nước trữ từ mùa mưa. Nguồn nước mặn là tài nguyên và là lợi thế của tỉnh Cà Mau để phát triển nuôi tôm, cá nước mặn, nước lợ và hệ sinh vật sinh thái ven biển. Nguồn nước ngầm: phân chia ra 7 tầng chứa nước ngầm ở địa bàn Cà Mau. Nước ngầm từ tầng II đến tầng VI thuộc nhóm nước mềm không bị nhiễm mặn.
Nước ngầm được khai thác theo 3 loại: khoan cấp nước đô thị ở các tầng II, III, IV và tầng V; trong đó, khoan cấp nước nối mạng các cụm dân cư và của các hộ dân ở tầng II, III và tầng IV. (A.U).
e. Tài nguyên biển
Cà Mau có bờ biển dài 254 km, chiếm 7,8% chiều dài bờ biển cả nước; trong đó 107 km bờ biển Đông, 147 km bờ biển Tây. Vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam do tỉnh Cà Mau quản lý có diện tích rộng khoảng 71.000 km2. Thềm lục địa vùng biển Cà Mau là vùng biển cạn, thoai thoải và trải dài ra ngoài khơi. Gần mũi Cà Mau có vùng bãi cạn lớn.Trong quy hoạch phát triển kinh tế biển của cả nước, biển Cà Mau thuộc trọng tâm của vùng biển Mũi Dinh – Cà Mau và vùng biển Cà Mau – Hà Tiên. Đây là một thuận lợi trong lĩnh vực khai thác kinh tế biển, tham gia thị trường với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonexia và quốc tế. Vùng biển Cà Mau có một số cụm đảo gần bờ: cụm đảo Hòn Khoai, đảo Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc, có vị trí chiến lược quan trọng, là cầu nối để khai thác kinh tế biển và là điểm tựa tiền tiêu bảo vệ Tổ quốc. Vùng biển Cà Mau là nguồn tài nguyên hải sản lớn; là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, có trữ lượng lớn và đa dạng các loài hải sản, nhiều loại có giá trị kinh tế cao như tôm, mực, ghẹ, cá hồng, cá sạo, cá thu, cá chim, cá mú v.v.. Vùng mặt nước ven biển có khả năng nuôi các loại thủy sản như nghêu, sò huyết, nuôi tôm nước mặn có giá trị xuất khẩu cao. Nước mặn của Cà Mau được xác định là nguồn tài nguyên lớn, khai thác nuôi trồng thuỷ sản tạo ra gía trị kinh tế cao; đóng góp khối lượng ngoại tệ quan trọng cho nền kinh tế tỉnh. Cần kết hợp giữa khai thác kinh tế biển ven biển và bảo vệ môi trường trong một mối liên quan hữu cơ với nhau. (A.U).
1.Danh lam thắng cảnh:
– Về du lịch văn hóa – lịch sử
Cà Mau có nhiều Di tích Lịch sử Văn hóa như: Căn cứ Tỉnh ủy Lung lá Nhà thể (huyện Cái Nước), Căn cứ Tỉnh ủy Xẻo Đước (huyện Phú Tân), Địa điểm trận Chiến thắng Chà Là (huyện Đầm Dơi) và Đình Thần Thới Bình, Chùa Cao Dân, Tòa thánh Ngọc Sắc (huyện Thới Bình), Phủ thờ Bác Hồ ở xã Trí Lực, Thới Bình; Phủ thờ Bác Hồ ở thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước; Phủ thờ Bác Hồ ở Viên An – Ngọc Hiển và Nhà Dây thép – TP.Cà Mau. Đây sẽ là những địa chỉ đỏ của Cà Mau trong việc tuyên truyền về văn hóa lịch sử , đồng thời cũng là nơi tham quan lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử hào hùng của vùng đất và con người Cà Mau.
Bên cạnh đó Cà Mau còn có rất nhiều chùa, tiêu biểu:
+ Chùa Tây An – Châu Đốc:
Từ Châu Đốc vào ngã ba núi Sam thuộc xã Vĩnh Tế, dưới chân núi Sam là Chùa Tây An. Chùa mang dáng dấp kiến trúc của những ngôi chùa Ấn Độ, hài hòa với cảnh trí thiên nhiên, tạo nên một vẻ đẹp lộng lẫy…Chùa theo phái Đại thừa, có tới 11.270 tượng lớn nhỏ bằng gỗ. Chùa có kiến trúc với ba ngôi lầu nóc theo kiểu Ấn Độ màu sắc sặc sỡ nhưng rất hài hòa. Chánh điện là ngôi chùa chính cao 18m, hai bên là lầu chiêng và lầu trống. Chánh điện thờ Phật theo dòng Thiền Lâm Tế, ngoài thờ tượng Phật Thích Ca rất lớn ở giữa, còn có các tượng: Di Đà, Quan Âm, Tam Thế Phật, Đại Thế Chí và các vị Bồ Tát. Hai bên và phía trước là các vị La Hán, Bát Bộ, Kim Cang, Tam Hoàng Ngũ Đế… Trước chùa có 3 vọng cửa: cửa giữa tam quan thờ tượng Phật Quan Âm, 2 cửa hai bên có hai biển đề “Tây An cổ tự”, bên trong cửa tam quan là sân chùa có một cột phướn cao 16m. Dưới bậc thang chùa có đúc bạch tượng và hắc tượng, vai có đắp nổi hai vị thần tiên ngồi bên trên mặt trăng lưỡi liềm, 2 bên là hai hành lang, phân biệt cho tín đồ nam nữ. Đi qua một công viên nhỏ, bước lên bậc thềm ta bắt gặp ngay tượng mẹ bồng con miêu tả tích xưa Quan Âm Thị Kính. Đông Lang là chùa Địa Tạng thờ Vương Bồ Tát theo kinh Địa Tạng, Tây Lang là nhà khối rộng đặt tượng Quan Âm. Chùa Tây An là một trong những ngôi chùa có lối kiến trúc độc đáo của khu vực núi Sam đã được Bộ Văn hóa xếp hạng. Vào ngày rằm tháng giêng, rằm tháng bảy và tháng mười âm lịch và nhất là những ngày vía Bà, nhân dân trên khắp cả nước đến đây tham quan, cúng lễ.
+ Đình thần Thới Bình
Thới Bình thôn, có lẽ không nơi nào tại Cà Mau này mang nhiều dấu ấn của thời mở đất như vùng đất Thới Bình thôn này – một vùng đất quy tụ nhiều vẻ đẹp đài các của phụ nữ, vẻ đẹp kiêu sa của các cô gái… Bên dòng sông Trẹm của Thới Bình thôn cũng có một ngôi đình thần đã làm cách đây hàng trăm năm đó là đình thần Thới Bình. Theo tương truyền, sau khi thống nhất được giang san, Chúa Nguyễn nhớ về một vùng đất đã cưu mang mình trong hoạn nạn nên đã ban sắc Thần cho đình thần Thới Bình và từ đó hằng năm, cứ vào ngày 20 tháng 2 âm lịch thì người dân nơi đây mở sắc Thần của Vua ban mà cúng tế để cầu quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận gió hòa…Một số bậc tiền nhân của đình thần Thới Bình, đó là: Tiền hiền Nguyễn Đình Chung, Chủ ly Huỳnh Văn Tiến, Chủ sắc Lê Văn Hiền… (những vị chức sắc này còn được lưu truyền tại đình cho đến ngày nay) đó là những vị tiền nhân có công xây dựng nên đình thần để cho đến ngày hôm nay người dân Thới Bình thôn sống ở đôi bờ dòng sông Trẹm có một nơi gởi gắm cõi tâm linh cho riêng mình và cho cả cộng đồng…
+ Tháp Cố Đại Đức Hữu Nhem và chùa Cao Dân
Nằm bên bờ sông Bạch Ngưu, xã Tân Lộc huyện Thới Bình, chùa Cao Dân là nơi sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng tôn giáo của cộng đồng người Kinh và Khmer quanh vùng. Nơi đây Phật giáo Nam Tông được truyền giảng để con người tìm đến chân thiện mỹ trong cuộc sống.
Chùa Cao Dân
Xưa kia trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương đất nước và ngày nay trong công cuộc dựng xây đất nước, nhân dân Cà Mau nói chung, nhân dân Thới Bình nói riêng đã thể hiện tình đoàn kết gắn bó bên nhau giữa cộng đồng các dân tộc Kinh-Khmer-Hoa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng bào Khmer tỉnh Cà Mau có nhiều đóng góp quan trọng. Đã có 160 thương binh, 128 liệt sĩ, 3 Mẹ Việt Nam anh hùng và 1 Anh hùng Lực lượng vũ trang là người dân tộc Khmer, nhiều người trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, tiêu biểu nhất là Cố Đại đức Hữu Nhem người từng trụ trì chùa Cao Dân.
Tháp cố Đại đức Hữu Nhem được xây dựng tại chùa Cao Dân (xã Tân Lộc, huyện Thới Bình). Đây là nơi gắn liền với cuộc đời tu học và hoạt động của ông. Tại ngôi chùa này, trong thời gian trụ trì Đại đức Hữu Nhem đã góp phần to lớn trong việc kiến thiết xây dựng chùa, xây dựng cơ sở bí mật và vận động cách mạng trong đồng bào dân tộc, thực hiện chính sách binh vận của Đảng, tổ chức biểu tình đấu tranh trực diện tố cáo tội ác chiến tranh do Mỹ-Diệm gây ra. Các cuộc đấu tranh đó giành được những thắng lợi quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ phong trào chống Mỹ cứu nước trong đồng bào dân tộc.
Đây là công trình tưởng niệm mang tính truyền thống sâu sắc và bản sắc văn hóa dân tộc, là sự thể hiện lòng chân thành biết ơn của nhân dân đối với sự hy sinh cao cả của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và của cố Đại đức Hữu Nhem. Chùa Cao Dân, Tháp cố Đại đức Hữu Nhem là công trình văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, là biểu tượng của lòng yêu nước và tình đoàn kết gắn bó các dân tộc suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng và cũng là một cõi tâm linh cho cộng đồng các dân tộc quanh vùng…
+ Chùa Bà Thiên Hậu ở Cái Rắn
Không đồ sộ như Chùa Bà Thiên Hậu (chùa Bà) ở thành phố Cà Mau, không nhộn nhịp nơi phố đông như Chùa Bà Thiên Hậu ở Sông Đốc, Chùa Bà Thiên Hậu ở ấp Cái Rắn, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước tĩnh lặng nằm ven con sông nhỏ êm đềm uốn khúc với hàng dừa nước xanh um. Ngôi chùa này được thành lập từ năm 1908, qua nhiều lần trùng tu, hiện nay rất khang trang, cổ kính, là nơi tập trung đông đảo người dân quanh vùng sùng đạo về vía Bà vào những ngày lễ vía trong năm: Lễ Thượng ngươn, lễ vía Thần Hổ, lễ Trung ngươn, lễ Hạ ngươn, lễ Tất niên… Trong đó, Đại lễ khánh chúc Thiên Hậu Thánh Mẫu vào các ngày 23, 24, 25/3 âl hằng năm là lễ chính. Ảnh hưởng từ nền văn hóa Trung Quốc, xưa nay tại các tỉnh ven biển Nam Việt Nam đều dựng đền thờ Bà Thiên Hậu nhằm khấn cầu cho những chuyến ra khơi được bình an. Dần dà việc làm này trở thành nét tín ngưỡng văn hóa tâm linh đất Việt với lòng sùng kính, tri ân. Không những đối với người đi biển, tâm linh sùng kính Bà Thiên Hậu đã trở thành một cõi lớn lao trong lòng người dân không riêng gì ở tỉnh Cà Mau.
– Về du lịch sinh thái:
Là một tỉnh nằm ở cực nam của Việt Nam, điều kiện tự nhiên mang đậm nét đặc thù của vùng đồng bằng Nam bộ, nhiều sông ngòi, đầm phá, có hệ sinh thái rừng ngập nước trong đó quy tụ nhiều loài động vật và loài chim quý hiếm, đặc biệt có một sân chim lớn ngay tại thành phố Cà Mau. Cà Mau còn có hệ thống du lịch sinh thái ven biển và biển đảo với các điểm đến hấp dẫn như Bãi Khai Long, đảo Hòn Khoai, Hòn Đá Bạc đặc biệt nhất là khu du lịch sinh thái rừng ngập bãi bồi Mũi Cà Mau, đây là một tài sản vô giá thiên nhiên ban tặng cho Cà Mau mà không một nơi nào có được.
+ Vườn chim Cà Mau
Vườn chim Cà Mau thuộc huyện Đầm Dơi, cách thành phố Cà Mau khoảng 45km về phía đông nam. Vườn chim là nơi cư ngụ của các loại cò. Các loài chim ở đây thường làm tổ trên các cây cao và dành cả buổi sáng để đi kiếm thức ăn.
+ Khu du lịch biển Khai Long
Vùng biển này nằm ở phía đông nam mũi Cà Mau, vừa được đưa vào khai thác du lịch. Vùng biển này rất hấp dẫn bởi vẻ đẹp hoang sơ và mới mẻ với bãi biển trong xanh được bao bọc giữa bốn bề hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Khai Long có diện tích 150 ha, được tạo hóa ban tặng cho một vị trí rất đặc biệt. Đứng ở bờ biển, khi bình minh ló rạng, sẽ thấy mặt trời tròn như vành thúng chói đỏ nhô lên từ mặt biển phía đông, và khi chiều xuống cũng ở vị trí ấy ta lại thấy vầng kim ô vàng rực từ từ lặn xuống mặt biển phía tây. Khai Long có bãi cát rộng mênh mông với chiều dài 3km, hằng năm cát cứ lấn dần ra biển như muốn nối liền với đảo Hòn Khoai.
Dù nơi này mới chỉ là một điểm du lịch rất đơn sơ, nhiều hạng mục công trình đang đầu tư chưa hoàn chỉnh nhưng đã thu hút được rất nhiều khách du lịch đến tham quan. Tỉnh Cà Mau đã đầu tư để xây dựng ở Khai Long khu du lịch sinh thái rừng – biển rộng 150 ha, con đường nhựa dài 3 km và rất nhiều dự án khác trong đó có khu vực dành cho công việc nghiên cứu khoa học về môi trường sinh thái.
+ Hòn Khoai, hoang sơ và kỳ thú
Hòn Khoai là một thắng cảnh đẹp của Cà Mau nằm ngoài biển Ðông, cách đất liền nơi gần nhất thuộc xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển chừng 15 km. Đây là cụm đảo nhỏ với diện tích gần 5 km2.
Hòn Khoai là một đảo đá có đồi và rừng gần như còn nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quý, nhiều nhất là gỗ sao và một quần thể động thực vật phong phú, phong cảnh thiên thiên hoang dã luôn cuốn hút khách du quan.
Thuở xưa Hòn Khoai còn có tên là Hòn Giáng Hương, Hòn Ðộc Lập. Thời Pháp thuộc gọi đảo là Poulo Obi mà trên bản đồ hành chính Việt Nam, nó chỉ là một chấm nhỏ nằm phía nam mũi Cà Mau. Tuy nhiên, người địa phương vẫn quen gọi là Hòn Khoai vì hình dạng của nó trông giống như củ khoai khổng lồ. Nhưng cũng có nhiều tài liệu kể lại rằng, cách đây đã lâu lắm rồi, nhiều người từ đất liền ra đây làm rẫy và trồng cây ăn trái. Ðến nay vẫn còn đây đó những bụi khoai mì, khoai mỡ… Có lẽ vì vậy mà nó mang tên Hòn Khoai chăng? Ngư dân địa phương còn dựa vào trí tưởng tượng và hình dáng của mỗi hòn đảo mà đặt tên như Hòn Tượng, Hòn Ðồi Mồi, Hòn Ðá Lẻ…
Ðường lên đảo uốn theo hình trôn ốc bám theo sườn đồi, cây cối mọc um tùm che rợp lối đi. Mít và xoài ở đây rất nhiều và không ít cây đã thành cổ thụ. Trên đảo còn có nhiều cây là vị thuốc chữa trị được một số bệnh. Ở đây còn có nhiều loại hoa rừng mọc xen trong kẹt đá phô đủ mầu sắc. Du khách còn nghe tiếng róc rách của khe nước chảy, tiếng chim hót trong bụi cây, thật là chốn thần tiên ngoài biển cả.
Bờ biển Hòn Khoai có nhiều long tu (rong biển hình râu rồng) đóng quanh những tảng đá. Loại rong này ăn rất mát và bổ. Ở đảo còn có nhiều chim quý, ngoài những bầy chim nhạn, chim én còn có chim cao các. Giống chim này lông đen, mỏ vàng, trên mỏ lại có thêm cái mỏ thứ hai như chim hồng hoàng vậy. Từ lâu, ngư dân vùng Rẫy Chệc, Rạch Tàu, Rạch Gốc thường ra Hòn Khoai để lấy nước ngọt. Không hiểu vì đâu, từ một mạch đá, suốt đêm ngày chảy ra một dòng nước trong mát lạ lùng và ngọt như nước mưa.
Hòn Khoai chẳng những là danh lam thắng cảnh của Cà Mau mà còn là di tích cách mạng nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ. Tại đây, năm 1940, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nhân dân ta được sự chỉ huy của Phan Ngọc Hiển đã đánh chiếm Hòn Khoai từ tay giặc Pháp.
Với những đặc điểm khí hậu mát mẻ, thời tiết tốt, phong cảnh đẹp, có rừng, có biển, ngày nay Hòn Khoai rất thích hợp với các loại hình du lịch về nguồn, dã ngoại, nghiên cứu, nghỉ ngơi. Năm 1994, Bộ Văn hóa – Thông tin đã công nhận Hòn Khoai là di tích – thắng cảnh cấp quốc gia.
+ Hòn Đá Bạc
Từ TP Cà Mau đến hòn Đá Bạc chỉ mất 1 giờ 30 phút đi xe gắn máy theo ngả Minh Hà, qua Cơi Năm. Nếu đi bằng phương tiện thủy, từ TP Cà Mau, xuôi theo dòng kinh Tắc Thủ, sang kinh Hội Đồng Thành về hướng Tây, vượt thêm khoảng 40 km nữa là đến xã Khánh Bình Tây, Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời (quê hương của vua nói dóc Nam Bộ – bác Ba Phi). Đi thêm đoạn nữa là tới ấp Đá Bạc B, từ xa đã thấy hòn Đá Bạc như một hòn non bộ “sừng sững” vượt lên trên dãy nhà xóm Kinh Hòn. Đây là cụm đảo liền kề (gồm: hòn Ông Ngộ, hòn Trọi và hòn Đá Bạc). Hòn Đá Bạc rộng khoảng 6,34 ha, nơi cao nhất là 50m so với mặt nước biển, cách cửa biển Kinh Hòn chừng 700m, nơi gần nhất chưa đầy 200m. Quanh hòn Đá Bạc có vô số những viên đá granit chồng chất nhau, được bàn tay huyền bí nào đó nhào nặn thành những hình thù kỳ lạ, tạo nên những sân Tiên, giếng Tiên, bàn chân Tiên, bàn tay Năm Ngón… Trên đỉnh đối diện là đền thờ cá Ông, nơi trưng bày bộ xương cá voi khá lớn. Với bóng cây bàng, bồ đề che rợp, hòn Đá Bạc lúc nào cũng rì rào tiếng gió biển xa ru. Được thế là nhờ hòn Đá Bạc vẫn còn lưu giữ được những mảng rừng và thảm thực vật nguyên sinh quý hiếm.
+ Cồn Ông Trang
Cồn Ông Trang thuộc Điểm du lịch vườn quốc gia mũi Cà Mau nằm ở cửa sông Cái Lớn thông ra bãi bồi phía Tây thuộc xã Viên An, huyện Ngọc Hiển. Cồn Ông Trang bao gồm 2 cồn, là điểm du lịch sinh thái, sông nước hấp dẫn.
Thiên nhiên đã ban tặng cho cửa biển Ông Trang những cồn cát được cây mắm bao phủ một màu xanh biêng biếc, trông xa như những bức tranh thuỷ mặc giữa bầu trời nước bao la. Gắn với cồn Ông Trang là bãi bồi phía Tây Mũi Cà Mau, tại đây hàng năm đất được bồi lấn ra biển từ 50 – 80 m. Bãi bồi là nơi hội tụ của nhiều loài thủy sản về đây sinh sản. Mỗi khi mùa đông về du khách được ngắm nhìn hàng đàn chim đi trú trên đường bay từ phương Bắc lạnh giá về phương Nam ấm áp. Đàn chim sẽ dừng chân tại đây tìm thức ăn rồi lại tiếp tục hành trình về châu Úc xa xôi. Với điều kiện tự nhiên có một không hai, bãi bồi không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, nghiên cứu khoa học mà còn là điểm du lịch hấp dẫn đối với khách du lịch khi đặt chân đến Cà Mau.
+ Rừng U Minh và rừng đước Năm Căn:
Một góc Rừng U Minh
Rừng đước và rừng tràm nối tiếp vây quanh mũi Cà Mau từ Đông sang Tây, rừng Cà Mau đứng thứ nhì trên thế giới về tầm quan trọng và diện tích, sau rừng ngập mặn ở cửa sông Amazon của châu Mỹ La Tinh.
Cà Mau có hai khu rừng lớn nổi tiếng trong cả nước và trên thế giới đó là rừng U Minh và Rừng Đước năm căn.
Rừng Đước năm căn
Khi nói đến rừng U Minh người ta liên tưởng đến loài cây phổ biến là cây tràm, rừng rừng đước bạt ngàn ở Năm Căn. Rừng đước và rừng tràm nối tiếp vây quanh mũi Cà Mau từ Đông sang Tây, đứng thứ nhì trên thế giới về tầm quan trọng và diện tích, sau rừng ngập mặn ở cửa sông Amazon của châu Mỹ La Tinh.
Rừng Đước năm căn chính là nơi đồn trú cho quân chủ lực, địa phương quân và dân quân du kích làm nên những chiến công lừng lẫy: đánh tan tác nhiều cuộc càn quét lấn chiếm của địch, bẻ gãy nhiều “chiến dịch Hạm đội nhỏ trên sông” … Vì vậy, trong nhiều yếu tố nuôi dưỡng tâm hồn con người, trước hết tại vùng rừng đước Năm Căn có đầy đủ hai yếu tố quan trọng, đó là điều kiện địa lý và lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường, từ đó, trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay rừng đước Năm Căn đã đóng góp nhiều thành tựu đáng kể vào thành tựu chung của tỉnh Cà Mau và của cả nước.
+ Mũi Cà Mau
Mũi Cà Mau là mảnh đất nhô ra ở điểm tận cùng phía Nam của Tổ quốc Việt Nam thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cách thành phố Cà Mau hơn 100 km.
Đất Mũi được nhắc đến như một vùng đất thiêng liêng trong tâm thức người Việt Nam. Nơi đây có hệ sinh thái rừng ngập mặn rất đa dạng và phong phú. Bên trái là biển Đông, bên phải là biển Tây, mũi Cà Mau như mũi tàu khổng lồ của Tổ quốc rẽ sóng ra khơi. Khu du lịch Mũi Cà Mau đang tiếp tục được đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ du khách. Nơi đây là điểm du lịch địa lý, du lịch sinh thái hấp dẫn đối với du khách của cả nước và bạn bè quốc tế. Du khách chỉ mất khoảng 2 giờ đi bằng canô từ thành phố Cà Mau là tới Mũi Cà Mau.
2.Lễ hội truyền thống:
– Tết Chôl Chnăm Thmây
Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam anh em sống trên mọi miền Tổ quốc đều có một cái Tết cổ truyền rất đặc sắc của mỗi dân tộc và Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ cũng là một trong những cái Tết mang đậm bản sắc văn hóa.
Diễn ra trong ba ngày 14, 15, 16 tháng 4 dương lịch, Tết Chôl Chnăm Thmây với những phần nghi lễ hết sức độc đáo, đó là Lễ rước lịch “MahaSangkran”; Lễ đắp Núi cát, Lễ dâng cơm cho các vị sư sãi, Lễ tắm Phật, Lễ cầu siêu cho vong linh người đã khuất…
– Lễ hội Nghinh Ông
Là lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc của ngư dân miền biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, lễ hội Nghinh Ông được tổ chức vào 3 ngày 13, 14, 15 tháng 2 ÂL. Nghinh Ông là tưởng nhớ công ơn của loài cá voi – vị thần Đại tướng quân Nam Hải đã không ít lần cứu giúp dân đi biển vượt qua sóng to gió lớn, với mong muốn đánh được nhiều tôm, cá, đem lại điềm lành và hạnh phúc cho mọi người.
Hiện nay, lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc vẫn giữ được các nghi lễ truyền thống, gắn quyện với phần hội là các trò chơi dân gian, như múa lân, múa kiếm, hát chạo. Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc không chỉ có hàng vạn người dân địa phương tham gia, mà còn thu hút đông đảo ngư dân các tỉnh lân cận. Đặc biệt năm nay, Ban Chánh Vạn đã mời đội chèo Nghĩa Hưng đến từ Phan Thiết về giao lưu phục vụ, đã làm cho phần nghi lễ thêm long trọng.
– Lễ Kỳ Yên ở Đình An Thành
Hằng năm, cứ vào ngày 16 -17 tháng giêng âm lịch, tại Đình An Thành (còn gọi là Đình Trong), thuộc ấp Cái Ngang, xã Hòa Thành, thành phố Cà Mau đều tổ chức lễ cúng đáo lệ Kỳ Yên cho Linh Thần. Ngoài sự tham dự của người dân địa phương, còn có rất nhiều khách từ các nơi đổ về đây mang theo đèn nhang, hoa và bánh trái để dâng lên Linh Thần, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng sung túc, quốc thái dân an. Lễ Kỳ Yên là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng truyền thống có từ lâu đời và hết sức độc đáo của người dân nơi đây.
– Đua bò ở Lễ hội Dolta
Đua bò là môn thể thao cổ truyền mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ dịp lễ Dolta hằng năm; đồng thời tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc đang sinh sống nơi vùng núi Thất Sơn hùng vĩ.
Đua bò có từ thuở xa xưa, khi vào mùa vụ, bà con trong phum, sóc thường đến cày ruộng cho chùa và đổi công giúp nhau. Hấp dẫn nhất của đua bò chính là ở vòng hô. Tuy các đôi bò chạy chậm, nhưng đó là lúc thể hiện tài năng của người điều khiển đôi bò. “Tài xế” nào “cứng cựa” điều khiển cho đôi bò của mình làm đôi bò đối thủ hoảng loạn chạy “tạt” ra ngoài vòng đua sẽ đoạt vé vào vòng trong. Cứ vậy, từ hơn 40 đôi, loại dần còn 4 đôi vào tranh nhất, nhì, ba, tư. Trong quá trình huấn luyện, để bò hiểu được ý chủ, lúc nào chạy nhanh lúc nào chạy chậm, khi nào thì vọt nhanh, lúc nào đạp bừa đôi trước, cách bám đường đua và nghệ thuật chặt cua nhưng vẫn giữ tốc độ, không chạy ra ngoài vòng đua là tài điều khiển và bí quyết riêng của từng “tài xế”. Đi xem lễ đua bò, du khách không những được chứng kiến một môn thể thao độc đáo, hấp dẫn mà còn có dịp thưởng ngoạn cảnh đẹp vùng Bảy Núi xinh đẹp và hùng vĩ.
– Lễ tắm tượng Phật
Lễ vào năm mới Chol Chnam Thmay của người Khmer Nam bộ có một nghi lễ rất quan trọng, đó là Lễ tắm tượng Phật. Tắm Phật với mong muốn là tạo phước lành, đem đến thành công và hạnh phúc cho mọi người trong năm mới.
3.Đặc sản – Sản phẩm nổi tiếng:
Cà Mau có những đặc sản, sản phẩm nối tiếng như: Mắm lóc U Minh, ba khía Rạch Gốc (Ngọn Hiển), sò huyết Bãi Bồi (Ngọn Hiển), tôm khô Bãi Háp (Năm Căn)…
– Ba khía Rạch Gốc
Từ trung tâm TP. Cà Mau, khoảng hơn một giờ đồng hồ đi bằng tàu cao tốc sẽ đến được với cửa biển Rạch Gốc thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Ngoài các cảnh quan thiên nhiên mang vẻ đẹp hoang sơ, thì chắc chắn những ai đến đây cũng sẽ rất thích thú với một món ăn mà từ lâu đã trở thành đặc sản của địa phương: Ba khía.
Ba khía Rạch Gốc đã có thương hiệu từ xưa đến nay vì chỉ có địa phương này con ba khía mới thật sự ngon, hấp dẫn hơn cả. Khoảng tháng 7, tháng 8 Âm lịch hàng năm là vào mùa ba khía. Loại ba khía này ăn trái mắm đen rụng xuống nên có gạch son, thịt thơm và chắc hơn giống ba khía ở các nơi khác. Ba khía sau khi bắt xong, rửa sạch và muối ngay tại chỗ. Cho muối thấm khoảng 5 đến 7 ngày đêm là có thể ăn được. Muối ba khía không nên mặn quá, cũng không muối lạt quá. Vì nếu mặn thì thịt sẽ xẵng lại, còn nếu lạt quá thì thịt mau bủng, ăn mất ngon.
– Văn hóa ẩm thực Cà Mau:
+ Lẩu mắm U Minh
Nguyên liệu chính của món Lẫu mắm U Minh cũng là mắm sặc (nhưng phải là mắm ngon). Mắm được nấu rả thịt, lược kỹ xương, nêm nếm bột ngọt, đường cho vừa ăn rồi cho vào lẫu. Để cho dậy mùi người ta còn bổ sung thêm một ít lá sã bằm mịn, phần gốc sã đập giập cho vào lẫu. Bí quyết làm cho nước lẫu có vị béo, thơm và sánh người ta cho vào một ít sữa bò thay đường. Lẫu mắm hạp với nhiều lọai thịt hay cá tùy thích. Nhưng lẫu mắm U Minh nhất định phải được nấu với cá đồng. Ngon nhất là lươn, cá rô mề, cá lóc bự hoặc cá trê trắng mới trúng sách.
Lẩu mắm U Minh
Ngoài cá ra, lẩu mắm có thể được bổ sung thêm thịt cua đồng, ốc lác, thịt ba rọi,…Nhưng điều thú vị nhất khi ăn món lẫu mắm là được thưởng thức rất, rất nhiều lọai rau đồng. Lẫu mắm là món quy tụ nhiều lọai rau hoang dã nhất. Có thể đúng khi nói rằng, không có món ăn nào trên thế giới lại được ăn kèm với nhiều lọai rau như lẫu mắm. Đặc biệt, lẫu mắm của xứ U Minh không thể nào thiếu đọt chọai, rau the, nhãn lòng, bông súng, rau trai, tàu bay, rau mác,v.v….Người ăn sẽ được thưởng thức hương vị: ngọt, bùi, chua, chát, đắng, cay, của nhiều, rất nhiều lọai rau đồng sẵn có ở vùng đất U Minh. Lẫu mắm đã trở thành món không thể thiếu ở nhiều nhà hàng sang trọng trong cả nước. Về nguyên tắc chế biến đều giống nhau. Tuy nhiên, mỗi nơi lại có sự khác biệt bởi việc sử dụng lọai thịt cá nào và dùng rau nào ăn kèm cho hợp với phong thổ của quê hương. Song, dù bạn là người xứ nào, nhưng với bữa tiệc lẫu mắm ở rừng U Minh chắc chắn sẽ là dư vị đậm đà, dung dị và da diết không thể nào quên! Bởi nó gợi lại những ấn tượng quá khứ và kỷ niệm của lớp lớp tiền nhân thời mở cõi.
+ Rùa rang muối
Rùa là một loại động vật hoang dã có rất nhiều ở vùng rừng ngập mặn mũi Cà Mau. Có nhiều loại rùa, nào là rùa vàng, rùa nắp, rùa quạ, rùa hôi, rùa dém…, nhưng ngon nhất là rùa vàng, kế đến là rùa nắp, không có thì “xài đỡ” rùa quạ, chớ rùa hôi hay rùa dém thì đúng như cái tên của nó, nghe mùi là thấy không ngon rồi.
Trước đây rùa sống trong tự nhiên rất nhiều, người dân Cà Mau tha hồ săn bắt đem ra chợ bán. Thời gian gần đây, để bảo vệ động vật hoang dã khỏi bị tuyệt chủng nên chính quyền tỉnh Cà Mau đã cấm săn bắt, buôn bán rùa tự nhiên mà chỉ cho phép buôn bán rùa nuôi (giống như người ta nuôi tôm, cua, sò huyết hay nghêu vậy). Rùa có thể làm được rất nhiều món ăn ngon và bổ, nhưng ngon nhất vẫn là món rùa rang muối, vừa dễ làm, dễ tìm gia vị, vừa được thưởng thức cách ăn dân dã đặc biệt của người xứ Cà Mau.
+ Chả trứng mực đất Mũi
Trứng mực chiên thành chả có màu vàng rộm như chả quế. Đẹp mắt và có mùi thơm đặc trưng. Chả cắt từng lát chừng ngón tay, dọn ra bàn cùng rau thơm và bánh tráng. Cuốn từng cuốn, chấm nước mắm nhĩ, hay muối tiêu chanh. Món đặc sản này đem đến cho người ăn cái mềm mại của rau, cái dai mềm của bánh tráng, cái dẻo xốp, béo bùi của trứng mực, không lẫn được với bất kỳ món ăn nào. Thường, những miếng chả trứng mực đặc biệt này, người dân quê biển Cà Mau dành đãi khách phương xa. Nó cũng là món quà quý dùng gửi tặng bà con quyến thuộc tha phương kiếm sống, ăn để mà ngậm ngùi thương nhớ quê nhà.
+ Vọp nướng chấm muối tiêu
Món ăn này vừa mang hương vị đặc biệt, vừa mang niềm vui bất tận cho khách tứ phương. Cà Mau bây giờ rất hiếm vọp, vì nó trở thành món ăn quý hiếm. Lựa loại vọp ta, rửa sạch, để ráo nước, sắp vào đĩa. Gia vị gồm muối tiêu chanh thêm bột ngọt, các loại rau cải. Lò than cháy đều, đặt lên bàn, để vỉ nướng lên trên. Ðặt vọp lên vỉ, có thể nhiều con cùng một lúc. Khi tiệc đến lúc nào hứng thì món vọp nước sẽ làm cho rôm rả hết ý! Lúc vọp há miệng là vừa chín tới, ăn rất ngọt. Ðể lâu sẽ chín quá, khô nước, thịt dai, nhạt nhẽo.
1.Bản đồ hành chính:
Bản đồ hành chính Tỉnh Cà Mau
2.Các đơn vị hành chính:
Cà Mau với 9 đơn vị hành chính gồm: Thành phố Cà Mau và các huyện: Cái Nước, Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, Thới Bình, Trần Văn Thời, U Minh.
ĐẶC ĐIỂM VÀ TIỀM NĂNG KINH TẾ – XÃ HỘI TỈNH CÀ MAU
Trong 5 năm 2006-2010, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, vẫn có không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt từ năm 2008 tình hình tài chính thế giới bị khủng hoảng, kinh tế thế giới bị suy giảm, diễn biến phức tạp, khó lường, ở trong nước tình hình lạm phát, giá cả nguyên nhiên vật liệu đầu vào, giá cả hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng tăng cao,… Nhưng Tỉnh đã từng bước khắc phục, vượt qua các khó khăn, duy trì phát triển:
Kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch khá nhanh, là kết quả tác động của một số dự án lớn về công nghiệp và xây dựng, nhất là dự án cụm khí – điện – đạm Cà Mau. Đến cuối năm 2009 ước có 9 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm gồm: tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hoàn thành phổ cập giáo dục THCS, bình quân số máy điện thoại /100 dân, tỷ lệ gia đình văn hoá. Đến cuối năm 2010 có 34/42 chỉ tiêu đạt được kế hoạch, còn 8 chỉ tiêu phải tập trung chỉ đạo phấn đấu cao. Cụ thể ước kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu như sau:
Tổng giá trị sản phẩm trong tỉnh (GDP giá so sánh năm 1994) năm 2009 đạt 13.100 tỷ đồng, bình quân hàng năm giai đoạn 2006-2010 có khả năng đạt 13,7% so với bình quân giai đoạn 2001-2005 là 11,8% và kế hoạch đề ra là 12-12,5%. Trong đó:
+ Các ngành ngư – nông – lâm nghiệp tăng 7,2% (so với kế hoạch tăng 6%);
+ Công nghiệp – xây dựng tăng 22,1% (kế hoạch tăng 14%)
+ Dịch vụ tăng 14,1% (kế hoạch tăng 17-18%)
GDP bình quân đầu người có khả năng đạt 1.085 USD, so với kế hoạch là 950 USD.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch nhanh, tỷ trọng kinh tế nông nghiệp giảm 14%; tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng tăng nhanh, nhưng các ngành dịch vụ đạt tỷ trọng thấp hơn kế hoạch.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm huy động đạt khá cao, năm 2009 ước đạt 8.000 tỷ đồng, năm 2010 dự kiến huy đông 9.300 tỷ đồng, gấp 2,2 lần năm 2005 (đã quy đổi). Trong đó, nguồn vốn đầu tư nhà nước tăng đáng kể nhờ các chương trình đầu tư sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước tăng khá, riêng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài còn rất thấp.
Thu ngân sách năm 2010 dự kiến 1.856 tỷ đồng so với kế hoạch 1.600 tỷ đồng.
Kim ngạch xuất khẩu dự kiến 830 triệu USD so với kế hoạch 1 tỷ USD.
Sản lượng lương thực 520 nghìn tấn so với kế hoạch 450 – 500 nghìn tấn.
Sản lượng thuỷ sản 390.000 tấn, đạt kế hoạch, riêng sản lượng tôm dự kiến 116.000 tấn so với kế hoạch 145.000 tấn.
Sản lượng chế biến thuỷ hải sản 93.000 tấn so với kế hoạch 100.000 tấn.
Năng lực sản xuất mới được tăng thêm trong kỳ kế hoạch 2006-2010 khá nhiều, cụ thể: đã xây dựng mới và nâng cấp nhiều công trình giao thông, tổng công xuất các nhà máy chế biến thuỷ sản xuất khẩu đạt 150.000 tấn, tăng gấp 1,37 lần so với năm 2005, cụm công nghiệp khí – điện – đạm đã cơ bản hoàn thành, 2 nhà máy điện công suất 1.500 MW đã đi vào sản xuất…
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội ổn định và phát triển, các lĩnh vực khoa học, giáo dục đào tạo, giải quyết việc làm, giảm nghèo…được quan tâm và có bước phát triển, an sinh xã hội đảm bảo, đời sống nhân dân được cải thiện. Phần lớn các chỉ tiêu về văn hoá – xã hội đều đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2010.
Các chủ trương, chính sách và cơ chế quản lý được tỉnh chấp hành và vận dụng tốt, công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện phát triển kinh tế – xã hội có tiến bộ, sâu sát và cụ thể hơn. Công tác cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm được quan tâm, bước đầu đạt kết quả tốt.
Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên quá trình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2006-2010 còn một số tồn tại, yếu kém với mục tiêu đề ra, cụ thể:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao, nhưng chất lượng tăng trưởng còn thấp, khả năng cạnh tranh các sản phẩm còn hạn chế, chưa phát triển được nhiều mặt hàng mới, sản phẩm mới có tính đột phá. Năng suất cây trồng vật nuôi đạt thấp, nhất là năng suất tôm nuôi thấp hơn khá nhiều so với bình quân toàn vùng. Năng suất lao động xã hội đạt thấp, năm 2008 bình quân đạt 27,3 triệu đồng/người/năm, riêng năng suất lao động nông nghiệp chỉ đạt 11,7 triệu đồng/người/năm, lao động thuỷ sản đạt 15,2 triệu/người/năm.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2010 dự kiến chỉ đạt khoảng 83% mục tiêu, ngoài nguyên nhân về giá xuất khẩu giảm thì nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguyên liệu chế biến, do chương trình nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm thẻ chân trắng đạt thấp.
Khả năng hấp thụ vốn đầu tư còn hạn chế, khá nhiều dự án xây dựng hạ tầng, dự án sản xuất kinh doanh thực hiện chậm; trong khi kết cấu hạ tầng còn khó khăn, xây dựng đường giao thông về xã có khả năng không đạt mục tiêu.
Trình độ nguồn nhân lực còn thấp do công tác đào tạo, dạy nghề còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, tỷ lệ lao động xã hội qua đào tạo, dạy nghề hiện mới đạt trên 26%. Cơ cấu sử dụng lao động chậm chuyển dịch, lao động nông nghiệp năm 2008 còn chiếm 78,4%; năm 2009 ước còn 77,5%.
Việc ứng dụng công nghệ mới, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, các mô hình sản xuất đã xây dựng có kết quả nhưng chậm được nhân rộng.
Giai đoạn 2006-2010 đã tạo được những tiền đề để tỉnh Cà Mau thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong các giai đoạn tiếp theo:
Cà Mau thuộc địa bàn vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, sẽ được điều phối phát triển theo các dự án trọng điểm của vùng, tạo điều kiện cho tỉnh phát triển nhanh hơn trong mối quan hệ động lực phát triển vùng.
Một số dự án quan trọng đang triển khai hoặc đã được phê duyệt trong quy hoạch của các Bộ, Ngành sẽ góp phần tăng thêm quy mô, tiềm lực mới trong kỳ kế hoạch.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Cà Mau đến năm 2020, Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc vùng Vịnh Thái Lan được Thủ tướng phê duyệt đã chấp thuận nhiều chương trình, dự án phát triển có quy mô lớn, có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh Cà Mau.