Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư
vùng lãnh thổ63 tỉnh, thành phố
Tỉnh Quảng Trị
- Điều kiện tự nhiên
- Danh lam thắng cảnh
- Đơn vị hành chính
- Kinh tế – Xã hội
1. Vị trí địa lý
Quảng Trị là tỉnh ven biển thuộc vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam, kéo dài từ 16018’ -17010’ độ vĩ Bắc và 106032’-107024’ độ kinh Đông. Phía Bắc của Quảng Trị giáp tỉnh Quảng Bình, phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Tây giáp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, phía Đông giáp biển Đông. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Đông Hà nằm cách 598 km về phía Nam thủ đô Hà Nội và 1.112 km về phía Bắc thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây có sông Bến Hải – cầu Hiền Lương, giới tuyến chia cắt hai miền Nam – Bắc Việt Nam trong suốt 20 năm (1954 – 1975).
2. Khí hậu
Quảng Trị nằm trọn vẹn trong khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa, là vùng chuyển tiếp giữa hai 2 miền khí hậu. Miền khí hậu phía Bắc có mùa đông lạnh và phía Nam nóng ẩm quanh năm. Khí hậu ở vùng này khắc nghiệt, chịu hậu quả nặng nề của gió tây nam khô nóng, bão, mưa lớn, khí hậu biến động mạnh, thời tiết diễn biến thất thường, vì vậy trong sản xuất và đời sống nhân dân gặp không ít khó khăn.
Do nằm trọn vẹn trong nội chí tuyến bắc bán cầu, hàng năm có hai lần mặt trời đi qua đỉnh (tháng 5 và tháng 8), nền bức xạ cao (cực đại vào tháng 5, cực tiểu vào tháng 12). Tổng lượng cán cân bức xạ cả năm ở Quảng Trị dao động trong khoảng 70-80 Kcalo/cm2 năm), những tháng mùa hè gấp 2-3 lần những tháng mùa đông. Mùa mưa diễn ra từ tháng 9 đến tháng 1, lượng mưa khoảng 75-85% tổng lượng mưa cả năm. Các tháng mưa kéo dài, lớn là tháng 9-11 (khoảng 600 mm). Tháng ít mưa nhất là tháng 2 – 7 (thấp nhất là 40mm/tháng). Tổng lượng mưa cả năm dao động khoảng 2000-2700 mm, số ngày mưa 130-180 ngày, độ ẩm tương đối trung bình, tháng ẩm 85-90%, còn tháng khô thường dưới 50%, có khi xuống tới 30%.
Gió tây nam khô nóng thường gọi là “gió Lào” là hiện tượng thời tiết đặc biệt khô nóng thổi từ Lào qua, thường những ngày có gió Lào là ngày có nhiệt độ cao nhất trên 35 độ C, độ ẩm tương đối thấp dưới 50%.
3. Đặc điểm địa hình
Địa hình đa dạng bao gồm núi, đồi, đồng bằng, cồn cát và bãi biển chạy theo hướng Tây bắc – Đông nam và trùng với phương của đường bờ biển. Sự trùng hợp này được thấy rõ trên dường phân thủy giữa Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây. Ở Quảng Bình, các đỉnh cao nhất đều nằm ở giữa đường biên giới Việt Lào nhưng ở Quảng Trị, các đỉnh cao lại nằm sâu trong lãnh thổ nước ta. Các sông lớn như Sêbănghiên, Sêpôn… đều bắt nguồn từ Việt Nam chảy qua Lào. Tuy nhiên nếu xem xét địa hình ở quy mô nhỏ hơn, từng dãy núi, từng dải đồi thì địa hình lại có hướng song song với các thung lũng sông lớn như Cam Lộ, Thạch Hãn, Bến Hải…Tính phân bậc của địa hình từ Tây sang Đông thể hiện khá rõ ràng. Nếu ở phía Tây của đường phân thủy địa hình nghiêng khá thoải, bị phân cắt yếu thì ở phía Đông đường phân thủy chuyển nhanh từ núi trung bình xuống đồng bằng. Đồng bằng hẹp, cấu tạo bởi phù sa ở giữa lại thấp và là nơi chuyển tiếp giữa hai miền địa lý Bắc – Nam.
4. Dân số
Quảng Trị tuy dân số không đông nhưng có cơ cấu dân số thuộc loại trẻ, lao động dồi dào. Theo kết quả điều tra ngày 01/04/2009 dân số tỉnh Quảng Trị là 597.985 người. Trên Quảng Trị có 3 cộng đồng tộc người đang cùng nhau sinh sống là người Kinh, người Bru- Vân Kiều và người Pa Cô- Tà Ôi trong đó người Kinh là đông nhất.
Mật độ dân số khoảng 132 người/km2. Cơ cấu dân số vùng ở thành thị chiếm 24,55%, nông thôn chiếm 76,45%. Dân số trong độ tuổi lao động là 336.327 người, trong đó lao động nữ 159.736 người.
5. Tài nguyên thiên nhiên
Tài nguyên đất
Diện tích đất tự nhiên của Quảng Trị 474.577 ha. Đất đai ở Quảng Trị vừa đa dạng vừa phức tạp, phân bổ từ ven biển đến đồi núi cao, trong đó 79,8% diện tích là đồi núi. Tiềm năng về đất đai của Quảng Trị còn khá lớn với 233.985 ha chưa sử dụng. Đất ở đây chủ yếu chia thành 11 nhóm và 32 loại đất chính (theo tài liệu của FAO và UNESCO) đặc trưng chung gồm 3 nhóm cơ bản:
Nhóm cồn cát và đất cát ven biển gồm các cồn cát trắng kéo dài từ Vĩnh Linh đến Hải Lăng, chiếm 6,23% và đất cát ven biển phân bổ rải rác dọc ven biển, chiếm 1,3% đất tự nhiên của tỉnh.
Nhóm đất phù sa do các sông bồi đắp hàng năm dọc ven sông Mỹ Chánh, Thạch Hãn, sông Hiếu, sông Bến Hải…,chiếm 2% diện tích đất tự nhiên của tỉnh, có độ màu mỡ, tiềm năng dinh dưỡng khá cao đã và đang đưa vào sản xuất hoa màu có giá trị.
Nhóm đất đỏ vàng (Bazan) phân bố ở vùng núi và gò đồi trung du, đặc biệt là đất màu đỏ (Bazan) có chừng 20.000 ha, đất có tầng dày tơi xốp, độ mùn khá thích hợp cho phát triển mọi loại cây công nghiệp lâu năm. Đất đỏ Bazan này còn có khả năng khai thác thêm 7.000 – 8.000 ha.
Tài nguyên biển
Quảng Trị có bờ biển dài 75km, ven bờ là dải cát trắng mịn, phía trong là những cồn cát cao, một số rạn đá ngầm ven bờ có tác dụng chắn sóng, vừa là nơi cư trú cho những loài hải sản, vừa tạo nên những bãi tắm đẹp như Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thuỷ. Ngoài khơi có đảo Cồn Cỏ cách bờ (Mũi Lay) chừng 30km trong thế vươn ra biển, không chỉ có vị trí quân sự trong việc phòng thủ biển Đông mà còn có thể đầu tư trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn.
Vùng lãnh hải Quảng Trị khoảng 8.400km2, ngư trường đánh bắt rộng lớn. Biển Quảng Trị có đầy đủ các loại hải sản quý như: tôm hùm, mực, cá thu, cá ngừ, cá chim, hải sản, tảo… có trữ lượng khoảng 60.000 tấn, trong đó đặc sản chiếm khoảng 11% (theo đánh giá của FAO). Khả năng nuôi trồng hải sản ven bờ biển khá lớn, mặt nước lợ các vùng sông có khả năng nuôi trồng tôm sú, tôm he, cua biển, rong câu.
Tài nguyên rừng
Rừng ở Quảng Trị đa dạng và phong phú được che phủ bởi rừng kín, tổ chức thành loài bao gồm cây lấy gỗ với nhiều loại gỗ tốt, quí hiểm như: Lim xanh, trường, táu đá, trám, kiền kiền, gụ, sồi, gội, ngát, trâm…, cây dược liệu, cây cảnh có giá trị kinh tế cao. Rừng đầu nguồn còn giữ được tính nguyên sinh, rậm, nhiều tầng, có độ che phủ lớn. Ngoài ra, ở vùng gò đồi còn có cây trồng công nghiệp, nông nghiệp và rừng trồng như cây cao su, hồ tiêu, cà phê, chè, bạch đàn, keo tràm, thông nhựa với diện tích tương đối lớn. Theo số liệu thống kê năm 2006, rừng trồng tập trung là 4. 528,6 ha, cà phê 3.955,6 ha, cao su 12.611 ha.
Tuy đã trải qua bao biến đổi do tác động con người, tác động của chiến tranh tàn phá nhưng với những chủ trương, giải pháp có hiệu quả của tỉnh về trồng và bảo vệ rừng nên rừng Quảng Trị hiện nay đang dần dần hồi phục. Có những điểm rừng nguyên sinh với nhiều loài động, thực vật phong phú, có loài được nằm trong sách Đỏ như rừng Tràm Trà Lộc (Hải Lăng), Rú Lịnh (Vĩnh Linh), có vùng kết hợp với những hang động của núi đá vôi tạo thành phong cảnh hấp dẫn như khu du lịch sinh thái Đakrông.
Tài nguyên khoáng sản
Thiên nhiên đã ưu đãi cho Quảng Trị nhiều loại tài nguyên khoáng sản đa dạng và hết sức phong phú, dễ khai thác, có nhiều mỏ và điểm quặng thuộc nhóm kim loại (sắt, đồng, vàng, titan), vật liệu xây dựng (đá vôi, đất sét, đá Bazan, đã tổ ong, đá trang trí và các điểm than bùn, cát thuỷ tinh, nước khoáng). Đặc biệt một số mỏ có trữ lượng lớn và là lợi thế của tỉnh như mỏ đá vôi và nguyên liệu sản xuất xi măng kéo dài theo hướng Tây Bắc- Đông Nam, tập trung ven Đường 9, Đường 14, trữ lượng khoảng 3,5 tỷ tấn. Đá vôi với chất lượng khá tốt (CaO gần 50%, MgO chiếm từ 0,4 – 3%). Nguyên liệu sét và các phụ gia k hác để sản xuất xi măng đều sẵn có. Mỏ Titan ven biển toàn tỉnh khoảng 1 triệu tấn, chất lượng Inmenhit, Zilicon, Rutin khá cao, dễ khai thác, thuận tiện giao thông. Cát thuỷ tinh tập trung ở Nam, Bắc Cửa Việt có độ tinh khiết và hàm lượng Silíc cao, có thể khai thác và sản xuất thuỷ tinh cao cấp. Nguồn nước khoáng Tân Lân có 3 điểm xuất lộ chính có nhiệt độ 420C, PH = 7,1; nước khoáng Đakrông có 2 điểm xuất lộ với nhiệt độ 780C, PH = 7,8. Chất lượng của các nguồn nước khoáng khá tốt, vừa có tác dụng làm nước giải khát, tắm, điều dưỡng chữa bệnh, phục vụ du lịch.
1. Danh lam thắng cảnh
Di tích lịch sử – văn hoá
Quảng Trị có hệ thống di tích lịch sử, văn hoá đáng tự hào như thành cổ Quảng Trị, hàng rào điện tử Macnamara, nhà thờ La Vang, làng địa đạo Vĩnh Mốc, căn cứ Khe Sanh, làng Vây, sân bay Tà Cơn, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn… và các quang cảnh thiên nhiên đẹp như bãi biển Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thuỷ, rừng nguyên sinh Rú Lịnh, suối nước nóng Đakrong, đảo Cồn Cỏ anh hùng… mở ra triển vọng cho ngành du lịch hồi tưởng, du lịch sinh thái.
Nhà thờ La Vang
Khu di tích nhà tù Lao Bảo
Nhà tù Lao Bảo và sân bay Tà Cơn – Khe Sanh: Nằm trên tuyến Đường 9, Di tích nhà đày Lao Bảo cách Cửa khẩu Lao Bảo khỏang 3 km về phía Đông Nam trên địa bàn thôn Duy Tân, thị trấn Lao Bảo. Nơi đây nguyên là vùng rừng núi chập chùng, hiểm trở, xa dân cư, thường biết đến là chốn “rừng thiêng, nước độc”. Tồn tại trong vòng 63 năm nhưng có thể nói Nhà đày Lao Bảo là một trong những nhà tù lớn ở Đông Dương. Tại đây thực dân Pháp đã dùng những hình phạt dã man thời Trung cổ như gông, cùm, xiềng xích cùng với chế độ cai trị hà khắc tàn bạo nhất để đàn áp và giết hại các chiến sĩ yêu nước và cộng sản.
Chứng tích Khe Sanh
Rời Lao Bảo theo Quốc lộ 9 về hướng Đông khoảng 20 km là đến cụm di tích sân bay Tà Cơn – Khe Sanh. Sân bay Tà Cơn là tên gọi để chỉ một cụm cứ điểm quân sự chiến lược của quân đội Mỹ trong những năm 1966-1968, nằm trong tập đoàn cứ điểm Khe Sanh. Địa danh này từng gắn với nhiều sự tích liên quan đến chiến dịch giải phóng Khe Sanh năm 1968. Hiện nay di tích nằm trên địa phận thôn Hòa Thành, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa; cách huyện lỵ Hướng Hóa khoảng 3 km về hướng Đông – Bắc. Di tích đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng quốc gia ngày 12/12/1986.
Thành cổ Quảng Trị: Thành cổ Quảng Trị nằm giữa trung tâm thị xã Quảng Trị, cách quốc lộ 1A khoảng 2km về phía Đông, cách bờ sông Thạch Hãn chừng 200m về phía Nam. Chiến công giữ vững Thành Cổ Quảng Trị là khúc tráng ca bất tử, đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam những trang hào hùng nhất. Thành Cổ như một bảo tàng ghi nhận hy sinh cao quý của biết bao chiến sĩ giải phóng quân và nhân dân Quảng Trị anh hùng. Thành Cổ Quảng Trị được bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng di tích Quốc gia ngày 12/12/1986. Năm 1994, Thành Cổ Quảng Trị lại được xếp vào danh mục những di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng.
Thành cổ Quảng Trị
Địa đạo Vĩnh Mốc
Địa đạo Vĩnh Mốc: Địa đạo Vịnh Mốc (thuộc xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh) nằm trong một quả đồi đất đỏ ba gian trên bờ biển, cách bãi tắm Cửa Tùng 7km về phía Bắc, cách đảo Cồn Cỏ anh hùng 30km về phía Tây, cách thị trấn Hồ Xá chừng 13km về phía Đông Nam. Làng hầm như một toà lâu đài cổ nằm trong lòng quả đồi đất đỏ, có độ cao chừng 30m, rộng hơn 7ha. Hệ thống đường hầm cấu trúc hình vòm có kích thước khoảng 0,9m x 1,75m với độ dài 2.034m bao gồm nhiều nhánh nối thông với nhau qua trục chính dài 780m, có 13 cửa ra vào, được chống đỡ bằng cột nhà, gỗ và ngụy trang khá kín đáo, tất cả đều đào chếch theo hướng gió, đảm bảo chức năng thông hơi cho đường hầm.
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Bộ Văn hoá – Thông tin đã có Quyết định công nhận địa đạo Vịnh Mốc là di tích quốc gia và đưa vào danh mục di tích đặc biệt quan trọng. Hiện nay, địa đạo Vịnh Mốc là điểm thu hút du khách đông nhất trong tuyến du lịch nổi tiếng và độc đáo này.
Du lịch sinh thái
Các cụm điểm du lịch như khu Lao Bảo- Khe Sanh, khu Đakrông, khu du lịch Đông Hà và các vùng lân cận, khu du lịch sinh thái biển Cửa Việt- Cửa Tùng- Cồn Cỏ và các dịch vụ du lịch được đầu tư, phát triển.
Cửa Tùng hoang sơ
Từ cầu Hiền Lương lịch sử, xuôi theo dòng Bến Hải hiền hoà, hai bên bờ là làng quê trù phú, yên bình, theo dòng nước trong xanh là đến Cửa Tùng – Nữ hoàng của các bãi tắm. Cửa Tùng thuộc địa phận xã Vĩnh Quang huyện Vĩnh Linh, cách thị xã tỉnh lỵ Đông Hà 35 km. Đứng trên mỏm đồi đất đỏ ăn ra phía biển nhìn xuống Cửa Tùng, du khách sẽ ngẩn ngơ trước quang cảnh tuyệt đẹp trải ra trước mắt: các bãi đá lô nhô kéo dài ẩn hiện dưới làn nước biển, sóng ầm ào vỗ bờ làm tung bọt trắng xoá… Xa xa là bãi cát trắng mịn và đảo Cồn Cỏ mơ màng trong màu xanh ngắt của biển trời – một bức tranh thiên nhiên mà tạo hoá đã thật kỳ công tạo dựng nên để làm món quà cho vùng đất nắng gió này.
Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải
2. Lễ hội truyền thống
Lễ hội đêm Thành Cổ: lễ hội gắn với khu di tích Thành Cổ Quảng Trị nhằm tưởng niệm những người con nước Việt đã ngã xuống trên mảnh đất Thành Cổ. Tôn vinh chiến công hiển hách của quân và dân cả nước trong cuộc chiến 81 ngày đêm chống phản kích và tái chiếm của địch. Lễ hội đêm Thành Cổ thường được tổ chức vào ngày và đêm 1/5 tại thị xã Quảng Trị. Và lễ được tổ chức định kỳ 5 năm một lần vào dịp năm chẵn và năm tròn ngày giải phóng Quảng Trị (1/5/1972).
Lễ hội Trường Sơn huyền thoại: đây là hoạt động tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đang yên nghỉ trên Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang quốc gia Đường 9 và các nghĩa trang khác ở Quảng Trị. Lễ hội này gắn với hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, thể hiện trách nhiệm và tình cảm của người còn sống với anh hùng liệt sỹ đã hi sinh và vì đạo lý uống nước nhớ nguồn của nhân dân ta.
Lễ hội cướp cù: đây là hội làng được tổ chức tại đình An Mỹ, Cẩm Phổ, Gio Mỹ, huyện Gio Linh vào ngày 4 tháng 1 Âm lịch hàng năm. Lễ hội kéo dài hai ngày. Sau phần lễ, tế cầu an là trò cướp cù. Nét độc đáo của lễ hội là bên nào huy động được nhiều người tham gia thì càng dễ thắng cuộc.
Các chức sắc của làn làm lễ tế cù báo trời đất trước khi đưa cù ra sân
Hai đội đang tranh cù
Hội Thượng Phước: được tổ chức tại xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong. Lễ hội mở ra hàng năm vào ba ngày từ 13 đến 15 tháng 3 Âm lịch để ghi nhớ công lao của Quan công Hoàng Dũng, người đã có công lập làng Thượng Phước. Ngày 13 – 14 tháng 3 Âm lịch cả làng đi săn, lấy đầu muôn thú để làm lễ vật dâng cúng. Sáng ngày 15 tháng 3 Âm lịch, làng bắt đầu tổ chức tế lễ. Cuộc tế lễ dâng cúng kéo dài đến hết ngày 15.
3. Đặc sản – Sản phẩm nổi tiếng
Những đặc sản của Quảng Trị không nhiều nhưng cũng mang bản sắc riêng, thể hiện sâu sắc văn hoá vật chất của vùng đất này. Những sản phẩm đó là Nem chợ Sãi, vải La Vang, khoai quán Ngang, dầu tràm Đại Nại, gạo Phước Điền, chiêng Sắc Tứ, khoai từ Trà Bát, quạt chợ Sông, cá bống Bích La, gà Trại Lộc, bánh lá gai, cháo vạt giường và lòng thả.
Bánh lá gai: loại bánh này có ở nhiều địa phương như Thanh Hóa, Quảng Nam nhưng nếu ai đã một lần được ăn bánh lá gai ở làng quê có gần trăm ngày hưởng gió lào, hẳn sẽ không thể quên được hương vị ngọt ngào của nó. Cũng vị thơm của gừng, ngọt dẻo của đường, nếp; cũng là lá gai nhưng hình như lá của những cây gai mọc bên hố bom bị bom Mỹ cày xới hay trên những đồng đất bazan ở làng quê Quảng Trị mới làm nên cái màu xanh đặc trưng của bánh.
Bánh lá gai
Cháo vạt giường và lòng thả: đây là kiểu cháo nấu bằng sợi bột gạo (bột gạo nhồi nước sôi, ép mỏng, thái thành từng thẻ nhỏ). Ngày trước cháo thường nấu với cá tràu. Cá tràu làm kĩ, đem um hay tao với gia vị, mỡ hành cho thấm, đổ vào nồi nước, nấu cho sôi rồi mới thả bột sợi gạo vào, xong điểm thêm hành ngò, tiêu ớt. Mùa đông se lạnh, ghé vào một quán ven chợ, tô cháo vạt giường nóng sốt là thức ăn lót dạ hấp dẫn.
Lòng thả có nơi gọi là lòng sả do tính chất chủ yếu của gia vị này; còn gọi là lòng thả là do phương thức thả lòng vào nồi nước. Người ta đánh tiết heo hay tiết vịt cho tan vụn, đổ vào nồi nước, nêm gia vị, thả vào nồi, sôi già thì múc ra tô, vừa có chút gạo hay đậu xanh nhừ vừa có lòng chay lòng tạp. Kiểu cháo này người dân Quảng Trị thích hơn kiểu cháo lòng sang trọng ở những nơi khác .
1. Bản đồ hành chính
Bản đồ hành chính tỉnh Quảng Trị
2. Các đơn vị hành chính
Tỉnh Quảng Trị gồm 1 thành phố (thành phố Đông Hà), 1 thị xã (thị xã Quảng Trị) và 8 huyện: Cam Lộ, Đăkrông, Gio Linh, Hải Lăng, Hướng Hoá, Triệu Phong, Vĩnh Linh và huyện đảo Cồn Cỏ.
Thị xã Đông Hà được nâng lên thành thành phố theo nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11 tháng 8 năm 2009 cùa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Thành phố Đông Hà được lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Đông Hà.
ĐẶC ĐIỂM VÀ TIỀM NĂNG KINH TẾ – XÃ HỘI TỈNH QUẢNG TRỊ
Đánh giá tổng quát tình hình kinh tế – xã hội và tiềm năng đầu tư trong giai đoạn 2006-2010 cho thấy kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, huy động đầu tư tăng nhanh, hầu hết các thành phần kinh tế đều phát triển; đầu tư có trọng điểm hơn, kết cấu hạ tầng tăng nhanh. Văn hoá, xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đô thị phát triển. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế chưa cao, thiếu bền vững. Tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế còn thấp. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội chưa đồng bộ. Nguồn lực phát triển chưa được khai thác hợp lý.
1. Nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) bình quân 5 năm đạt 10,8%. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt khoảng 16 triệu đồng, tương đương 845 USD. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2010 đạt trên 850 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm là 15,5%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV đề ra.
Nông nghiệp tiếp tục phát triển toàn diện và theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giá trị của ngành nông – lâm – ngư nghiệp bình quân 5 năm tăng 3,5%/năm. An ninh lương thực được đảm bảo, sản lượng lương thực có hạt đạt trên 22 vạn tấn/năm. Cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng; phát triển các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, thâm canh, chuyên canh, hình thành vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích. Sản lượng nông, thủy sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao tăng nhanh. Kinh tế thuỷ sản phát triển cả về nuôi trồng và đánh bắt. Các nguồn lợi thuỷ sản từng bước được quản lý chặt chẽ và khai thác có hiệu quả hơn. Công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ và kinh doanh nghề rừng phát triển khá. Tỷ lệ độ che phủ rừng từ 39,5% năm 2005 tăng lên 46,5% năm 2010.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển. Bình quân 5 năm giá trị của ngành công nghiệp – xây dựng tăng 21%/năm; giá trị sản xuất tăng 23,7%/năm. Năng lực sản xuất của ngành không ngừng được tăng lên; kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp Nam Đông Hà, Quán Ngang, khu kinh tế – thương mại đặc biệt Lao Bảo và một số cụm công nghiệp làng nghề được tập trung đầu tư xây dựng.
Thương mại – dịch vụ có bước chuyển biến tích cực cả về quy mô, ngành nghề, thị trường, hạ tầng kỹ thuật và hiệu quả kinh doanh. Tốc độ tăng trưởng giá trị của ngành bình quân 5 năm 2005 – 2010 đạt 8,4%/năm. Kinh doanh thương mại phát triển; một số siêu thị được hình thành; hệ thống chợ phát triển; lưu thông hàng hóa thuận lợi ở tất cả các vùng. Giá trị xuất khẩu hàng hóa 5 năm 2005 – 2010 đạt 165 triệu USD, trong đó năm 2010 ước đạt chỉ tiêu đại hội là 50 triệu USD.
2. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; các thành phần kinh tế đều phát triển.
Cơ cấu ngành: Công nghiệp và xây dựng tăng từ 25,6% năm 2005 lên 37,5% năm 2010; Nông – lâm – ngư nghiệp giảm từ 35,9% năm 2005 xuống 27,4% năm 2010; Dịch vụ chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế nên giá trị giảm từ 38,5% xuống 35,1%. Trong nội bộ từng ngành kinh tế cũng có sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tăng hàm lượng sử dụng công nghệ mới, các ngành có giá trị gia tăng cao, gắn sản xuất với thị trường.
Cơ cấu kinh tế vùng có những chuyển biến tích cực. Từ việc phát huy lợi thế của từng vùng, đã và đang hình thành các vùng kinh tế trọng điểm, động lực, vùng sản xuất tập trung, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề phát triển; những chính sách, chương trình đầu tư xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội miền núi, miền biển, vùng khó khăn đã phát huy tác dụng, bước đầu khai thác được tiềm năng, lợi thế của từng vùng.
Nguồn lực các thành phần kinh tế được khai thác tốt hơn. Doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh được đổi mới, tổ chức sắp xếp lại; hiệu quả sản xuất kinh doanh tăng lên; kinh tế hợp tác và hợp tác xã được quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển; kinh tế tư nhân phát triển mạnh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng nhanh về số lượng và kinh doanh ngày càng có hiệu quả hơn. Tỷ trọng giá trị trong GDP của khu vực kinh tế ngoài nhà nước từ 72,9% năm 2005 tăng lên 83% năm 2010.
Cùng với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động cũng đã có những chuyển dịch phù hợp. Tỷ trọng lao động ngành nông – lâm – ngư nghiệp trong tổng số lao động xã hội giảm từ 62,8% năm 2005 xuống 55% năm 2010; lao động trong ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 37,2% năm 2005 lên 45% năm 2010.
3. Đầu tư phát triển toàn xã hội tăng nhanh, quản lý và sử dụng vốn ngày càng hiệu quả hơn.
Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đã được coi trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng và thực hiện kế hoạch hàng năm, nâng cao hiệu quả đầu tư của xã hội.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm 2005 – 2010 đạt 16.400 tỷ đồng, gấp gần 3 lần giai đoạn 2000 – 2005, tăng bình quân hàng năm 19,6%, vượt chỉ tiêu đại hội XIV; trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 6.400 tỷ đồng, chiếm 39,1% và đạt tốc độ tăng bình quân hàng năm là 29,8%/năm. Bố trí đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển và tập trung hơn cho các mục tiêu quan trọng, nhu cầu bức thiết của xã hội. Thực hiện công khai việc phân bổ và thực hiện vốn đầu tư nhà nước ngày càng tốt hơn; quản lý thực hiện đầu tư đúng quy định pháp luật. Đáng chú ý là vốn doanh nghiệp không chỉ đầu tư vào sản xuất, kinh doanh mà tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng ngày càng nhiều hơn.
4. Hoạt động văn hoá, thể dục – thể thao có nhiều tiến bộ.
Hoạt động văn hoá, thể dục – thể thao phát triển đa dạng và đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần và thể chất của nhân dân, làm tăng hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phổ biến pháp luật, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong đời sống xã hội.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, rèn luyện thể dục thể thao phát triển rộng khắp. Thực hiện xã hội hoá trong lĩnh vực văn hoá, thể thao đã được triển khai và bước đầu đạt kết quả tốt.
Các thiết chế văn hoá, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư xây dựng. Nhiều công trình văn hoá, thể thao, di tích lịch sử quan trọng của tỉnh được xây dựng mới, tôn tạo như: quảng trường và nhà văn hoá trung tâm tỉnh, bảo tàng tỉnh, sân vận động Đông Hà, khu liên hợp thể thao tỉnh, di tích Thành Cổ Quảng Trị, di tích đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, sân bay Tà Cơn…
5. Giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ tiếp tục phát triển.
Sự nghiệp giáo dục – đào tạo phát triển khá cả về mạng lưới, quy mô, chất lượng. Cơ sở vật chất được tăng cường, phương pháp dạy học ngày càng được đổi mới. Đã hoàn thành việc chuẩn hoá đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cấp học phổ thông; đạt chuẩn quốc gia việc phổ cập trung học cơ sở và phổ cập tiểu học đúng độ tuổi; tỷ lệ xã có trường cao tầng, kiên cố tăng nhanh và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Xã hội hoá sự nghiệp giáo dục – đào tạo được đẩy mạnh, từng bước xây dựng xã hội học tập. Công tác khuyến học, khuyến tài được duy trì thường xuyên và có hiệu quả. Chính sách hỗ trợ giáo viên và phát triển giáo dục miền núi được quan tâm thực hiện. Hệ thống các trường đào tạo chuyên nghiệp và dạy nghề phát triển. Phân hiệu đại học Huế tại Quảng Trị đã đi vào hoạt động; các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề tiếp tục được củng cố, đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo; nhiều cơ sở đào tạo mới được hình thành, tăng năng lực đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 13% năm 2005 lên 23,5% năm 2010, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.
Khoa học công nghệ có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Công tác nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ được phát huy trong các ngành và lĩnh vực. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ được chú ý thực hiện. Nhiều đơn vị, sở, ban, ngành và huyện, thành phố triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Đã mở rộng, hợp tác khoa học – công nghệ với các địa phương ngoài tỉnh để nghiên cứu, tiếp thu và triển khai ứng dụng công nghệ mới. Các đề tài nghiên cứu khoa học đã hướng vào phục vụ việc xác định và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
6. Thực hiện các chính sách chăm sóc sức khoẻ nhân dân, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội có nhiều tiến bộ.
Công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc sức khoẻ nhân dân tiếp tục được quan tâm. Tổ chức mạng lưới thực hiện công tác kế hoạch hoá gia đình và hệ thống y tế các cấp được củng cố. Cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường; y tế dự phòng đạt kết quả tốt, dịch bệnh được kiểm soát và kịp thời khống chế. Nhân dân ở các vùng được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ y tế cơ bản. Chính sách hỗ trợ y tế cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện. Đa số các chỉ tiêu về y tế đạt mục tiêu nghị quyết đại hội XIV đề ra.
Trong 5 năm qua đã giải quyết việc làm mới cho 42.500 lao động, vượt chỉ tiêu đại hội và gấp 1,4 lần so với 5 năm trước, trong đó, lao động có việc làm mới được tạo ra trên địa bàn tỉnh là 32.500 (chiếm 76,47%). Thời gian sử dụng lao động ở nông thôn tăng; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị năm 2010 là 4%. Chất lượng lao động trong các ngành kinh tế đã được nâng lên.
Công tác xoá đói giảm nghèo, thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm đúng mức. Bằng sự nỗ lực phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội đã tập trung đầu tư cải thiện kết cấu hạ tầng, hỗ trợ xây dựng nhà ở, hỗ trợ vốn, kỹ thuật và điều kiện để phát triển sản xuất, tạo việc làm, giúp người nghèo, vùng nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, tăng thu nhập, cải thiện đời sống… Bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm trên 3% (chỉ tiêu đại hội giảm từ 2,5 – 3%/năm), đến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo còn 13% (theo chuẩn nghèo của Việt Nam giai đoạn 2006 – 2010). Thu nhập của dân cư tăng lên rõ rệt, nhất là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số./.