Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Ngày 29/12/2022-15:57:00 PM
Tình hình hoạt động của doanh nghiệp cuối năm 2022
(MPI) – Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường năm 2022 đạt 208,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021; 143,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,5%, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 51,5%). Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2022 cho thấy 66,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn và ổn định so với quý III/2022, 33,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI
Trong tháng 12/2022, cả nước có 10,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 107,2 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 72,4 nghìn lao động, giảm 9,8% về số doanh nghiệp, tăng 2,6% về vốn đăng ký và giảm 2,2% về số lao động so với tháng 11/2022. So với tháng 12 năm 2021, giảm 4% về số doanh nghiệp, giảm 31,7% về số vốn đăng ký và tăng 3,8% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 10 tỷ đồng, tăng 13,7% so với tháng trước và giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong tháng, cả nước còn có 6.104 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 2,6% so với tháng trước và tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung trong năm 2022, cả nước có 148,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.590,9 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 981,3 nghìn lao động, tăng 27,1% về số doanh nghiệp, giảm 1,3% về vốn đăng ký và tăng 14,9% về số lao động so với năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2022 đạt 10,7 tỷ đồng, giảm 22,3% so với năm trước. Nếu tính cả 3.172,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 50,4 nghìn doanh nghiệp tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2022 là 4.763,5 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm trước. Bên cạnh đó, còn có 59,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 38,8% so với năm 2021, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2022 lên 208,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021. Bình quân một tháng có 17,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo khu vực kinh tế, năm 2022 có 1.959 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 2,0% so với năm 2021; 36,3 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 16,1%; 110,3 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 31,9%.
Cũng trong tháng 12/2022, có 3.776 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 5,7% so với tháng trước và tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2021; có 5.847 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 14,8% và giảm 35,4%; có 1.761 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,8% và giảm 6,2%.
Tính chung trong năm 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 73,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 34,3% so với năm 2021; gần 50,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 5,5%; 18,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 11,2%. Bình quân một tháng có 11,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2022 cho thấy 32,6% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý III/2022; 33,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 33,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý I/2023, có 31,5% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý IV/2022; 37,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 31,2% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước lạc quan nhất với 70,3% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2023 tốt hơn và giữ ổn định so với quý IV/2022; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lần lượt là 68,9% và 65,3%.
Về khối lượng sản xuất, có 34,3% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý IV/2022 tăng so với quý III/2022; 33% số doanh nghiệp cho rằng ổn định và 32,7% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm. Xu hướng quý I/2023 so với quý IV/2022, có 31,4% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 38,5% số doanh nghiệp dự báo ổn định và 30,1% số doanh nghiệp dự báo giảm.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của
doanh nghiệp chế biến, chế tạo quý IV/2022
Về đơn đặt hàng, có 29,6% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý IV/2022 cao hơn quý III/2022; 35,5% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định và 34,9% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm . Xu hướng quý I/2023 so với quý IV/2022, có 30% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 30,6% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định và 39,4% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm.
Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý IV/2022 so với quý III/2022, có 19,9% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 40,9% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định và 39,2% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm. Xu hướng quý I/2023 so với quý IV/2022, có 24% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 42,7% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 33,3% số doanh nghiệp dự kiến giảm.
Về chuyển đổi số, trên cổng dịch vụ công quốc gia, tính đến ngày 22/12/2022, số thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến là 4.298 thủ tục; 2.439 dịch vụ công cho công dân, 2.253 dịch vụ công cho doanh nghiệp; số hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý lên cổng Dịch vụ công quốc gia là 155,5 triệu hồ sơ; số hồ sơ trực tuyến thực hiện qua cổng Dịch vụ công quốc gia là 6,7 triệu hồ sơ.
Về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu, theo công bố tại Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2022 Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua (tăng 20 bậc), xếp vị trí 48/132 quốc gia, giảm 4 bậc so với năm 2021 (Năm 2021 xếp thứ 44/132 quốc gia) và xếp vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á, sau Xinh-ga-po (thứ 7) và Thái Lan (thứ 43). Ngoài ra, Việt Nam dẫn đầu thế giới về nhập khẩu công nghệ cao; đồng thời có sự cải thiện vị trí xếp hạng về đầu ra (thứ hạng 35, năm 2021 là 38). Đặc biệt, Việt Nam cùng với I-ran (hạng 53) và Phi-líp-pin (hạng 59) là 3 nền kinh tế thu nhập trung bình có tốc độ tăng trưởng hiệu suất đổi mới nhanh nhất./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Tổng số lượt xem: 638