Cổng thông tin điện tử

Giữ gìn, phát huy nét đẹp Tết cổ truyền của dân tộc.

03:32:00 | 28-01-2022

Giữ gìn, phát huy nét đẹp Tết cổ truyền của dân tộc.

Với mỗi người dân Việt Nam, Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, là tiết lễ đầu tiên trong năm, mở đầu cho một năm mới với bao niềm tin và hy vọng. Sau một năm biết bao bộn bề lo toan cuộc sống, Tết là dịp để mọi người nhìn lại năm cũ, chào đón năm mới và

Tết là dịp gia đình quây quần, đoàn tụ bên nhau sau những ngày làm việc vất vả. Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, những phong tục cổ truyền Tết Nguyên đán của người Việt vẫn giữ được những nét bản sắc dân tộc.

(Hình minh họa)

Tết Nguyên đán của người Việt diễn ra vào mùa xuân – một trong những mùa đẹp nhất trong năm, mùa của sự sinh sôi, nảy nở; đất trời, lòng người giao hoà. Đây cũng là mùa ghi dấu những sự kiện lịch sử, chính trị trọng đại liên quan đến vận mệnh quốc gia và bước đường phát triển của đất nước. Trong tâm thức cộng đồng, Tết cổ truyền chứa đựng những thông điệp nhân văn mà sức lan toả của hình ảnh, không khí, hương vị Tết. Với người Việt, Tết vừa gần gũi, vừa linh thiêng. Gần gũi vì Tết là một sinh hoạt văn hóa mỗi năm một lần, gắn liền với những bước đường đời của con người ngay từ lúc sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Tết cũng là quãng thời gian mà mỗi cá nhân được bồi đắp thêm những tri thức, kinh nghiệm dân gian, phong tục tập quán, những nét đẹp truyền thống lịch sử – văn hóa, những bài học đạo lý, cách đối nhân xử thế thông qua những trải nghiệm, thực hành văn hóa cùng ông bà, cha mẹ, người thân. Tết cũng là dịp mỗi người thiết lập thêm những mối quan hệ mới, thắt chặt tình thân, tình bè bạn; được du xuân khám phá cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, trữ tình; nạp thêm cho mình những nguồn năng lượng mới để cống hiến và yêu hơn quê hương, Tổ quốc mình.

Tùy theo mỗi vùng miền hoặc theo quan niệm về tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, mà phong tục tập quán Tết cổ truyền ở từng địa phương cũng có những nét khác nhau. Tuy nhiên, xét về tổng thể, phong tục của ngày Tết được chia làm ba khoảng thời gian, gồm: Tất niên, Giao thừa và Tân niên. Mỗi khoảng thời gian ứng với những hoạt động như: Tống cựu nghinh tân; Đưa ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp; Gói bánh chưng, bánh tét; chưng hoa ngày tết (đào, mai, quất…); Chưng mâm ngũ quả; thăm viếng mộ tổ tiên, mời vong linh tổ tiên về ăn tết với con cháu; Cúng giao thừa; Xông đất; Chúc tết và mừng tuổi ông bà, cha mẹ, họ hàng, bạn bè; Xuất hành đầu năm; Đi lễ chùa đầu năm; Hái lộc đầu xuân. Những phong tục mang tính linh thiêng đó đều nhằm cầu mong cho sự tốt lành, may mắn, thành công và sức khỏe trong năm mới. Bên cạnh những phong tục linh thiêng ngày tết, người Việt xưa còn ăn tết, vui xuân bằng các hoạt động vui tươi, lành mạnh như: hội đánh vật, ném còn, chơi đu, bơi thuyền, chọi trâu, đua ngựa và các trò chơi dân gian khác, thể hiện tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, gắn bó cộng đồng; hình thành, vun đắp, giữ gìn văn hóa làng xã từ đời này qua đời khác.

Những ngày cuối năm, người Việt có phong tục quét dọn nhà cửa sạch sẽ, mua sắm đồ dùng, quần áo mới. Người lớn cũng dặn dò con cháu, trong giây phút chuyển giao sẽ không cãi cọ, không trách phạt hay mắc lỗi. Những người có hiềm khích với nhau cũng xí xóa hết, giây phút năm mới chỉ chúc tụng nhau những gì tốt lành và may mắn. Tính chất thiêng liêng của Tết cổ truyền thể hiện rõ trong những nghi thức tâm linh mà người Việt sửa soạn, cử hành từ Tết ông Công ông Táo, đến lễ cúng tất niên, đêm giao thừa, lễ tân niên trong phạm vi gia đình, dòng họ đến những nghi thức tế lễ trời đất, thánh thần, biết ơn Thành hoàng làng và các vị anh hùng có công với dân với nước ở các đình, đền, chùa, am miếu. Trước hương án, trong khói trầm thơm ngào ngạt, tiếng pháo nổ, tiếng chuông chùa ngân vang, đánh thức miền kí ức xa xưa; khơi dậy những khát vọng của con người về cái thiện, cái đẹp cùng những mong ước, hy vọng vào cuộc sống, tương lai tươi sáng.

Đối với người Việt, Tết Nguyên đán hết sức quan trọng và linh thiêng, được nhiều người mong đợi, nhất là những người đi làm ăn xa nhà, trở về sum vầy cùng gia đình, tận hưởng niềm vui đoàn tụ; cùng nhau nhìn nhận lại những việc đã làm trong năm cũ, đồng thời thực hiện các tập tục văn hóa (phong tục, tập quán) tốt đẹp với gia đình, dòng họ, cộng đồng và những gì đẹp nhất, ngon nhất, tốt nhất đều được dành cho ngày tết. Cũng chính vì thế mà mọi gia đình dù có nghèo khó đến mấy nhưng tết đến cũng cố gắng sắm sửa một vài mâm cỗ để cúng ông bà, tổ tiên. Việc làm này đã tác động sâu sắc vào tâm thức của bao thế hệ người Việt; vì vậy, dù trải qua biết bao thời gian nhưng những phong tục đón tết, vui Tết cổ truyền của người Việt vẫn giữ được những nét văn hóa riêng, đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa thì: Với sự tôn trọng đa dạng văn hóa của các cộng đồng, chúng ta cần nhìn nhận Tết Nguyên đán là một trong những di sản văn hóa hàng đầu của dân tộc Việt Nam, xứng đáng được thấu hiểu, bảo tồn, phát huy, phát triển và quảng bá. Tuy nhiên, trong thời kỳ hiện đại, với nhịp sống công nghiệp, bên cạnh phần lớn người dân, gia đình Việt Nam vẫn duy trì nhiều tập tục văn hóa tốt đẹp của Tết Nguyên đán, thì cũng xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau về việc giữ gìn nét đẹp cổ truyền này. Đặc biệt, trước sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường, nhiều phong tục tốt đẹp của Tết cổ truyền đã bị mai một, bị biến tướng với nhiều hình thức và mức độ khác nhau, làm sai lệch bản chất tốt đẹp, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, sinh hoạt cộng đồng…

Hôm nay đây, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc giữ gìn và trân quý những giá trị tốt đẹp của ngày Tết cổ truyền chính là góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho mọi người Việt Nam càng thêm yêu quê hương, đất nước, càng gắn bó mật thiết với gia đình, với cộng đồng, sống có trách nhiệm hơn với quá khứ, với hiện tại và cả với tương lai. Và mỗi khi những nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền dân tộc được lan tỏa trong tâm hồn của mỗi người Việt Nam, thì nó sẽ trở thành nguồn lực nội sinh to lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Tết Nhâm Dần 2022 năm nay tuy không tổ chức các hoạt động tập trung đông người để đảm bảo công tác phòng dịch Covid-19 như: không bắn pháo hoa, không tổ chức các hoạt động trình diễn trực tiếp… nhưng các địa phương trên cả nước nói chung và thành phố Vũng Tàu nói riêng cũng đã sắp xếp, linh hoạt tổ chức các hoạt động mừng xuân phù hợp với tình hình, vẫn đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị, tạo điều kiện và phục vụ cho nhân dân vui xuân, đón Tết phấn khởi, vui chơi, giải trí lành mạnh trong dịp Tết Nguyên đán. Tết hiện đại đã không giống tết xưa. Tuy nhiên, những bản sắc của Tết Việt, những di sản văn hóa, những phong tục truyền thống sẽ luôn là nét đẹp văn hóa thuần khiết trường tồn bất biến theo giời gian và sẽ in đậm trong mỗi trái tim người Việt, là niềm tự hào của mỗi con người mang dòng máu Việt Nam./.

                                                                                                         Bài: Lê Ngân, BBT