Công nghệ thay đổi thời trang theo hướng nào? – Phần 1
Bạn đang sải bước trên đường trong bộ cánh rất thời trang. Chợt tay áo đổi màu xanh lá, bạn biết ngay vừa có tin nhắn đến. Tay áo lại chuyển màu đỏ, nghĩa là vừa nhận được email gấp, cần phản ứng ngay…
Nghe cứ như phim khoa học viễn tưởng. Nhưng không, hoàn toàn là sự thật, khi công nghệ được ứng dụng vào sản phẩm thời trang. Với lợi nhuận khoảng 1.500 tỷ USD mỗi năm, thời trang là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất thế giới. “Mang tiếng” là chậm thay đổi suốt 2 thập kỷ qua, sẵn sàng tìm nguồn lao động giá rẻ hoặc thuê ngoài để giảm chi phí sản xuất, ngành thời trang nay như “tỉnh giấc”, ứng dụng mạnh công nghệ tối tân nhằm chuyển mình tích cực.
Công nghệ cao hỗ trợ giải quyết nhiều vấn đề như ô nhiễm môi trường, bóc lột sức lao động… đồng thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong thời đại mới. Cách tiếp cận thời trang của người tiêu dùng trẻ tuổi hiện nay đã đổi khác, dưới tác động của các phương tiện truyền thông đại chúng. Họ luôn muốn sở hữu những mẫu mã mới nhất, ngay khi chúng vừa mới được giới thiệu trên sàn catwalk. Thế hệ trẻ cũng muốn tìm mua sản phẩm độc đáo, phù hợp với sở thích để luôn nổi bật giữa đám đông.
Vì vậy, sản xuất quần áo “đại trà” và thời trang nhanh đang mất dần sức hấp dẫn. Thay vào đó, những thương hiệu bắt kịp xu hướng và đáp ứng tốt nhu cầu thị trường sẽ chiếm ưu thế trong lĩnh vực này. Các nhà thiết kế bắt đầu áp dụng công nghệ tiên tiến để tối ưu trong khâu sản xuất và marketing, đồng thời tăng tuổi thọ của sản phẩm. Sau đây là 9 xu hướng công nghệ sẽ thay đổi vĩnh viễn ngành thời trang.
Nội Dung Chính
Trí tuệ nhân tạo (AI)
Những năm gần đây, hầu hết các thương hiệu đã sử dụng AI để nâng cao trải nghiệm mua sắm của người dùng, phân tích dữ liệu để tăng doanh số bán hàng, dự báo xu hướng và kiểm soát hàng tồn kho. Chatbot và màn hình cảm ứng đã được áp dụng tại các cửa hàng nhằm cải thiện trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng. Các thuật toán cũng được sử dụng để gợi ý sản phẩm phù hợp với nhu cầu của họ. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ AI vào quản lý chuỗi cung ứng là hướng đi đột phá.
Các thương hiệu có thể kiểm soát lượng hàng tồn kho theo thời gian thực tế, từ đó tiết kiệm thời gian và góp phần vận hành kho hàng hiệu quả. Bên cạnh đó, AI cũng là công cụ đắc lực giúp dự báo xu hướng trong tương lai. Với các nhà sản xuất, các công cụ như Heuritech giúp họ dự đoán xu hướng thời trang thông qua việc nhận diện hình ảnh. Ngoài ra, một công cụ tương tự của Google cũng dùng mạng nơ-ron nhân tạo để phân tích kết cấu, màu sắc… sau đó sử dụng thuật toán để tạo ra các mẫu thiết kế phù hợp với thị hiếu người dùng.
Công nghệ nhận dạng hình ảnh giúp dự đoán xu hướng thời trang.
Với khách hàng, họ cũng có thể theo dõi và lựa chọn thiết kế hợp xu hướng, thông qua các nền tảng cá nhân hoá như TRUEFIT, Intelligence Node… AI cũng là cầu nối giữa thương hiệu thời trang và các công ty công nghệ. Edited, công ty có trụ sở tại London, chuyên cung cấp phần mềm phân tích trực tiếp nhằm giúp các nhà bán lẻ tiếp cận nhanh chóng với dữ liệu thị trường. Phát minh này đã thu hút các thương hiệu như Boohoo, Tommy Hilfiger và Marni, giúp họ tổng hợp các số liệu toàn cầu một cách hiệu quả.
Công cụ tìm kiếm trực tuyến của TRUEFIT.
Ngoài ra, phát video trực tiếp (streaming) cũng dần trở thành xu hướng hiện nay. Với nhiều định dạng phát trực tiếp có độ phân giải cao, khách hàng giờ đây có thể “thử các mẫu thiết kế” trước khi mua hàng. Một số thương hiệu như Tommy Hilfiger, Gucci, đang phát triển phòng trưng bày kỹ thuật số để đánh giá nhu cầu thị trường. Nhiều công ty mắt kính như Firmoo và Glasses Direct cũng cho phép người dùng trải nghiệm trước khi mua để chọn ra mẫu gọng phù hợp với khuôn mặt. Sự ra đời của các công nghệ này đã khẳng định AI chính là nền tảng để phát triển thời trang trong tương lai, thay đổi hoàn toàn cách người tiêu dùng trải nghiệm và mua sắm sản phẩm.
Chất liệu mới lạ
Khi nhiều thương hiệu ngày càng chú trọng tới tính bền vững trong sản xuất, các loại vải mới được coi là tương lai của ngành thời trang.Modern Meadow, một công ty start-up, đang nuôi cấy các loại da nhân tạo, không có nguồn gốc từ động vật, trong phòng thí nghiệm. Trong khi đó, dự án Jacquard của Google cũng đang nghiên cứu dệt các sợi dẫn điện vào các sản phẩm dệt may phổ biến như quần áo, khăn trải bàn, thảm,…Ngoài ra, trong tương lai, người tiêu dùng sẽ được trải nghiệm các sản phẩm 3D có thể thay đổi màu sắc. Nhóm nghiên cứu dự án Jacquard cũng đang phát triển Ebb – công nghệ chuyển đổi màu sắc quần áo dựa trên tâm trạng hoặc cài đặt của người dùng. Ngoài ra, Ebb cũng có thể thông báo hoạt động trên điện thoại bằng các tín hiệu màu. Ví dụ, khi bạn nhận được cuộc gọi đến, màu sắc của cổ tay áo sẽ thay đổi. Những phát minh này khẳng định các loại vải mới lạ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình lại ngành công nghiệp thời trang. Xu hướng công nghệ ngày càng phát triển, kéo theo sự ra đời của nhiều loại vải độc đáo trên thị trường.
Internet vạn vật (IoT)
IoT là mạng lưới các thiết bị thông minh có thể trao đổi và kết nối dữ liệu qua internet. Đây là một trong những xu hướng công nghệ mới nổi trong thị trường thời trang. Thực tế, các sản phẩm ứng dụng IoT như quần áo thông minh, thiết bị đeo… đã và đang phát triển mạnh mẽ trong 3 năm qua. IoT thay đổi hoàn toàn cách người dùng trải nghiệm thời trang và tái định nghĩa mới sự thoải mái. IoT cho phép các nhà sản xuất thiết kế những món đồ hữu ích với sức khoẻ người dùng. NADI X, quần tập yoga tích hợp cảm biến, giúp người mặc điều chỉnh tư thế chính xác khi thực hiện động tác. Trong khi đó, Hexoskin có thể theo dõi nhịp tim, nhiệt độ cơ thể và kiểm soát lượng calo, số bước chân và một số dữ liệu quan trọng khác.Ngoài ra, với các thương hiệu, IoT là công cụ hữu hiệu giúp quản lý hàng tồn kho, tăng cường bảo mật và cải thiện hiệu suất làm việc. Nhiều công ty còn ứng dụng IoT để khuyến khích người dùng chia sẻ dữ liệu hằng ngày, từ đó nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng.(còn tiếp)