Công nghệ tài chính và kinh doanh số – Ngành học của xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – Đại học Quốc gia Hà Nội

Công nghệ số và triển vọng sáng của ngành tài chính

Nền tảng của kinh doanh số là tạo ra giá trị mới trong các mô hình kinh doanh, trải nghiệm khách hàng và năng lực của nội bộ nhờ các ứng dụng công nghệ. Trong các lĩnh vực của kinh doanh thì tài chính là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng và đòi hỏi ứng dụng công nghệ số một cách nhanh chóng và triệt để. Một chiến lực tài chính tốt có thể giúp doanh nghiệp tránh được những rủi ro, đảm bảo sự vận hành của doanh nghiệp và sinh lời tốt nhất trong tương lai. Để đáp ứng được các yêu cầu trên thì cần có những sự thay đổi trong lĩnh vực tài chính.

Ngành Công nghệ tài chính (Fintech) là áp dụng công nghệ mới và đổi mới nhằm cạnh tranh với các phương pháp tài chính truyền thống trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính, do vậy Fintech được định nghĩa là một ngành nghề mới, là ngành công nghiệp tài chính. Ngành này áp dụng các công nghệ tiên tiến để có thể tăng năng suất, nâng cao hiệu quả công việc trong lĩnh vực hoạt động tài chính.

Fintech ứng dụng công nghệ mạng internet vào từng quy trình, từng sản phẩm, mô hình kinh doanh và chỉ hoạt động được khi có sự can thiệp của công nghệ. Cụm từ Fintech được sử dụng phổ biến chung cho các công ty sử dụng các công nghệ tiên tiến làm chủ đạo cho mục đích kinh doanh, nâng cao hiệu quả cho các hoạt động đầu tư, các hoạt động ngân hàng… bằng công nghệ internet, điện thoại thông minh, các phần mềm mã nguồn nói chung hoặc thậm chí là công nghệ đám mây… Công nghệ 4.0 phát triển cũng là bước đà giúp Fintech ngày càng được mở rộng. Nhiều sáng kiến sáng tạo trong Fintech có tầm ảnh hưởng thiết yếu đến các ngành nghề liên quan như thương mại điện tử, ngân hàng hay các sản phẩm tài chính.

Cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0, ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ Fintech. Các tổ chức tài chính truyền thống cũng đang thực hiện phát triển các sản phẩm công nghệ tài chính thông qua việc hợp tác với các công ty công nghệ tài chính. Fintech hiện đang cung cấp dịch vụ trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: công nghệ ngân hàng, thanh toán, quản lý tài chính, các loại tiền kỹ thuật số… với các sản phẩm đa dạng như: ví điện tử, công nghệ sổ cái phân tán trên nền tảng blockchain, thương mại điện tử…

Công nghệ ngày càng phát triển và len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Đặc biệt, tại các thành phố lớn, điều này càng thể hiện rõ rệt khi không khó để bắt gặp hình ảnh các tài xế Grab, GoViet, Be, Now… chở khách hoặc ship đồ. Các cửa hàng tiện lợi hiện đã có nhiều hình thức thanh toán từ tiền mặt, thẻ tín dụng cho đến Internet Banking quét mã QR và các thể loại ví điện tử Momo, AirPay… Chính vì vậy, công nghệ tài chính và kinh doanh số như một xu hướng mới đáp ứng và giải quyết nhu cầu phát triển của cuộc sống hiện đại.

Hướng đi đúng đắn phù hợp với xu thế phát triển

CTĐT ngành Công nghệ tài chính và Kinh doanh số được giảng dạy bằng tiếng Anh với chất lượng vượt trội do ĐHQGHN cấp bằng. Khung CTĐT được thiết kế trên cơ sở CTĐT về kinh doanh số của một số trường đại học uy tín thế giới tại Singapore, Australia, Áo… CTĐT này đáp ứng xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số, dự báo tương lai công nghệ. Lĩnh vực tài chính – ngân hàng cũng là lĩnh vực được ưu tiên trong chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng 2030. Vì vậy, đây là ngành học phù hợp với xu thế chuyển đổi số trên thế giới và Việt Nam.

Ngành Công nghệ tài chính và Kinh doanh số có tính liên ngành cao, kết hợp giữa các ngành về kỹ thuật, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin và đặc biệt là tài chính. Với các nguồn lực và thế mạnh sẵn có của Trường Quốc tế và các đơn vị đào tạo, nghiên cứu thành viên, trực thuộc ĐHQGHN, CTĐT có thể tích hợp đào tạo giữa lĩnh vực Kế toán phân tích kiểm toán, Kinh doanh quốc tế với lĩnh vực Tin học kĩ thuật máy tính, Hệ thống thông tin…

CTĐT đại học kết hợp thạc sĩ Công nghệ tài chính và kinh doanh số nhằm đào tạo được các cử nhân/thạc sĩ với các kiến thức chuyên môn kinh tế, kinh doanh, tài chính cùng với các kiến thức khoa học tự nhiên và xã hội trong kỷ nguyên số. Bên cạnh đó, sinh viên cũng được trang bị các kiến thức về công nghệ, khoa học máy tính, khoa học dữ liệu, công cụ toán học và thống kê ứng dụng trong lĩnh vực tài chính để người học có kiến thức toàn diện và chuyên sâu về tài chính – ngân hàng và công nghệ. Bên cạnh đó, người học sẽ được trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết thích ứng với môi trường thay đổi nhanh chóng của các tổ chức tài chính, công nghệ tài chính và các phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số.

Sinh viên ngành Công nghệ tài chính và Kinh doanh số được học các học phần bằng tiếng Anh ngay từ khối kiến thức ngành. Đến hết năm thứ hai, sinh viên phải có trình độ tiếng Anh bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, người học có trình độ tiếng Anh tốt, có thể giao tiếp, làm việc với các chuyên gia, đồng nghiệp nước ngoài.

CTĐT Công nghệ tài chính và Kinh doanh số lấy trọng tâm hợp tác với doanh nghiệp, đảm bảo kiến thức, kỹ năng của người học. Cùng với đó, CTĐT có sự tham gia giảng dạy của các nhà khoa học trong và ngoài nước, giúp sinh viên tiếp cận các phương pháp giảng dạy mới gắn lý thuyết với thực tiễn và các vấn đề của thực tiễn.

Đặc biệt, khi tích lũy đủ 180 tín chỉ, người học có cơ hội nhận bằng thạc sĩ Công nghệ tài chính và Kinh doanh số với các kiến thức, kỹ năng nghiên cứu, phân tích để có thể đưa ra giải pháp giải quyết các vấn đề cần kiến thức liên ngành công nghệ thông tin, tính toán khoa học, tài chính và kinh doanh.

Đa dạng cơ hội việc làm ở các nhóm ngành nghề

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Công nghệ tài chính và Kinh doanh số có đủ trình độ chuyên môn và năng lực để đảm nhận các vị trí công tác ở nhiều nhóm ngành nghề.

Sinh viên/học viên định hướng Công nghệ tài chính có thể làm việc ở vị trí chuyên viên/nhà quản lý hoạch định chiến lược, quản lý, kiểm soát hệ thống tài chính tại các cơ quan quản lý tài chính nhà nước tại Việt Nam, các tổ chức tài chính quốc tế và khu vực, các cơ quan/tổ chức nghiên cứu phát triển công nghệ, các phòng thí nghiệm sáng tạo… Người học cũng có thể trở thành chuyên viên/nhà quản lý công nghệ tài chính, phát triển công nghệ tài chính, phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính mới tại các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty chứng khoán, các công ty phát triển phần mềm, cung ứng dịch vụ cho thị trường tài chính… Ngoài ra, người học cũng có khả năng làm chủ các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính hoặc lựa chọn làm giảng viên và nghiên cứu viên tại các trường đại học, viện nghiên cứu.

Đối với sinh viên/học viên định hướng Kinh doanh số, người học có thể trở thành chuyên viên/nhà quản lý phân tích Kinh doanh số, bán hàng kỹ thuật số hay chuyên viên/giám đốc truyền thông kỹ thuật số, chiến lược số và thương mại điện tử hay thương hiệu kỹ thuật số. Cử nhân/thạc sĩ Công nghệ tài chính và kinh doanh số cũng có cơ hội trở thành các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông số. Các chuyên gia đóng vai trò như một chi nhánh mở rộng của một tổ chức, giám sát các bộ phận quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị, quản hệ công chúng và công nghệ thông tin.

Cử nhân/thạc sĩ ngành Công nghệ tài chính và kinh doanh số có khả năng thích ứng và làm việc hiệu quả trong môi trường đa văn hóa, có khả năng học tập và nghiên cứu độc lập trong các môi trường nghiên cứu tại các trung tâm nghiên cứu, học viện, đại học hàng đầu trong và ngoài nước với đầy đủ các kỹ năng về ngoại ngữ và nghiên cứu chuyên sâu. Người học cũng có thể tiếp tục học lên trình độ thạc sĩ/tiến sĩ ở chuyên ngành phù hợp.

Chương trình Công nghệ tài chính và Kinh doanh số tại Trường Quốc tế, ĐHQGHN tuyển sinh 150 chỉ tiêu bằng các phương thức tuyển sinh: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo Quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo và ĐHQGHN; Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022; Xét tuyển theo kết quả bài thi Đánh giá năng lực do ĐHQGHN tổ chức; Xét tuyển bằng các chứng chỉ IELTS kết hợp các điều kiện về điểm thi tốt nghiệp THPT trong tổ hợp tương ứng, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế TOEFL iBT, A-Level… và kết quả bài thi chuẩn hóa ACT, SAT…

Các tổ hợp xét tuyển theo kết quả bài thi tốt nghiệp THPT: A00, A01, D01, D03, D06, D07, D23, D24.

Theo VNU Media