Công nghệ tài chính Fintech & cơ hội việc làm rộng mở – JobHopin
Dưới sự ảnh hưởng của thời đại công nghệ 4.0, ngành tài chính (Finance) cũng dần chuyển mình để thích nghi tốt hơn và bắt kịp xu hướng thời đại. Sau khủng hoảng tài chính 2008, các công ty khởi nghiệp dần tập trung nhiều hơn vào fintech, khiến nó trở thành một trong những lĩnh vực hot nhất ngành kinh tế.
Từ đó đến nay, ngành công nghiệp fintech vẫn luôn phát triển và đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, giá trị thị trường đã tăng trưởng từ 4 tỉ USD vào năm 2013 lên 120 tỉ USD trong năm 2020. Tuy nhiên, với những câu hỏi đặt ra xoay quanh rủi ro của ngành, nhiều ứng viên vẫn còn e ngại khi lựa chọn fintech làm con đường sự nghiệp lâu dài.
Vậy thực ra fintech là gì? Có nên lựa chọn con đường sự nghiệp ngành fintech? Cùng JobHopin khám phá qua bài viết sau nhé!
Bài viết liên quan:
Fintech đang trở thành một trong những ngành bùng nổ của thời đại 4.0
Sơ lược về Fintech
Fintech là gì?
Fintech là một từ ghép, được tạo bởi 2 từ riêng biệt là finance (tài chính) và technology (công nghệ), tạm dịch sang tiếng Việt là công nghệ tài chính. Hiểu một cách đơn giản, nếu doanh nghiệp ứng dụng công nghệ (một cách sáng tạo) vào để phát triển và nâng cấp các dịch vụ tài chính thì đó được gọi là fintech.
Công ty fintech thường là công ty công nghệ (IT) cung cấp dịch vụ tài chính, tiền tệ dựa trên công nghệ mình đang phát triển. Ngược lại, nếu là công ty tài chính có vận dụng công nghệ thì không được gọi là fintech, mà chỉ được gọi là “ứng dụng công nghệ trong công ty tài chính” thôi.
Vậy Fintech bao gồm những mảng nào?
Tùy theo chức năng và đối tượng, fintech được phân chia làm 2 mảng khác nhau, gồm:
-
Back office: là những doanh nghiệp hỗ trợ và cung cấp giải pháp công nghệ cho các tổ chức phát hành, các đại lý phân phối (quản trị rủi ro, nhận diện người dùng, bảo mật thông tin,…)
-
Phục vụ người dùng: là giải pháp chính nhằm cải thiện trải nghiệm khách hàng như vay tiền, thanh toán tiền, kêu gọi đầu tư , gọi vốn,…
Hệ sinh thái Fintech đa dạng với nhiều ứng dụng hữu ích, mới lạ
Và chỉ với 2 mảng này, hệ sinh thái tài chính đã cho ra vô vàn những sản phẩm hữu ích, góp phần nâng cao trải nghiệm tài chính của khách hàng, đồng thời, phát triển ngành lên một tầm cao mới. Cụ thể, bạn có thể tham khảo các ứng dụng fintech được sử dụng nhiều hàng đầu như:
-
Internet banking
-
Ví điện tử
-
Ứng dụng đầu tư chứng khoán
-
Ứng dụng quản lý tài chính
-
Tiền điện tử (tiền ảo, crypto)
-
Cho vay ngang hàng (P2P)
-
Ứng tiền tiêu dùng (Mua trước trả sau – buy now pay later)
-
Smart contract, blockchain,…
Vì sao nhiều startup bây giờ đổ xô theo fintech?
Với sự phát triển bùng nổ của mình, fintech đã tạo ra những ảnh hưởng nhất định trong thị trường tài chính, nhất là ngành ngân hàng. Fintech mang lại những sự tiện dụng cực kỳ tuyệt vời mà không có ngân hàng truyền thống hay dịch vụ tài chính truyền thống nào có thể làm được. Kể sơ qua thì có:
-
Không địa chỉ, không giấy (với sự phát triển của ngân hàng số)
-
Nhanh gọn, tiện lợi hơn (với e-banking)
-
Nâng cao chất lượng dịch vụ với mức chi phí thấp hơn (nhờ sử dụng & phân tích dữ liệu big data, cắt giảm chi phí không cần thiết thông qua công nghệ tự động và sự giúp sức từ AI)
-
Phân hóa thị trường lao động ngành, mở ra sân chơi mới cho các nhân sự ngành tech
Hệ sinh thái startup mảng fintech ở Việt Nam 2021
Hiện nay, fintech 4.0 là mảng dẫn đầu của cả thị trường ngành tài chính, trở thành giải pháp tiên tiến nhất mang lại giá trị cao cho cả doanh nghiệp và khách hàng.
Đâu là thách thức khi áp dụng fintech?
Và như đã đề cập ở trên, việc ứng dụng fintech cũng khiến doanh nghiệp đối mặt với những rủi ro nhất định. Không chỉ vậy, fintech còn phải đối mặt với câu hỏi về việc thay thế hoàn toàn ngân hàng truyền thống.
Cụ thể, những rủi ro mà doanh nghiệp fintech có thể gặp phải gồm:
-
Tài chính kém ổn định, giá cổ phiếu trên thị trường lên xuống thất thường
-
Người dùng chưa hiểu rõ về fintech và cảm thấy “lo sợ” về sự thông minh quá mức của các dịch vụ mình đang sử dụng
-
Rủi ro về an ninh mạng, bẫy lừa đảo,…
-
Tính cạnh tranh cao khi thị trường có quá nhiều người cùng tranh giành 1 chiếc bánh
-
Chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ doanh nghiệp khi kinh doanh lĩnh vực này cũng như bảo vệ thông tin người dùng
Cơ hội việc làm nào cho ngành fintech?
Như đã đề cập ở trên, fintech vẫn đang trên đà phát triển và dự kiến sẽ tạo ra những bước nhảy vọt mới. Vì thế, cơ hội nghề nghiệp cho những ai đang muốn nhảy vào ngành là vô cùng cao.
Fintech là một trong những ngành “khát” nhân lực hiện nay
Hiện nay, các công ty startup và doanh nghiệp lớn trong thị trường tài chính đều ít nhiều có sử dụng fintech, các vị trí việc làm trong ngành này cũng đa dạng hơn. Một số vị trí fintech tuyển dụng nhiều trên thị trường hiện nay gồm có:
-
Fintech Marketer
-
Fintech Developer
-
Chuyên viên quản trị và phân tích dữ liệu
-
Chuyên viên phát triển sản phẩm
-
Chuyên viên kinh doanh
-
Chuyên viên phân tích và quản trị rủi ro
-
Chuyên viên quản lý dự án
-
Chuyên viên phát triển kinh tế số
-
…
Bên cạnh các cơ hội việc làm thì thị trường fintech hiện nay cũng rất sôi động với nhiều event hấp dẫn, tổ chức bởi các đơn vị uy tín. Chẳng hạn như sự kiện Finovate Product Day của JobHopin được tổ chức vào ngày 12/10 vừa rồi, với sự tham gia của hơn 1000 nhân sự chất lượng ngành fintech.
Ngoài ra, nếu là một IT có đam mê về lĩnh vực blockchain, web3, defi,… bạn cũng có thể nghía qua sự kiện Solana Coding Camp được tổ chức từ ngày 14/11 – 18/12 sắp tới. Sự kiện được đồng tổ chức bởi các tên tuổi có tiếng tăm trong mảng Web3 như Solana, Superteam Vietnam, JobHopin, Sentre và Coin98.
Kiến thức, kỹ năng cần chuẩn bị cho người muốn gia nhập ngành fintech
Fintech không còn là ngành quá mới mẻ, tuy nhiên thị trường vẫn đang thiếu một đội ngũ nhân lực có kiến thức về cả công nghệ và nghiệp vụ tài chính, kinh doanh. Các chương trình đào tạo hiện tại vẫn chưa đủ điều kiện để đáp ứng đầu ra cho yêu cầu kể trên. Đa phần sinh viên ngành tài chính ra trường sẽ thiếu kỹ năng và kiến thức về công nghệ để hỗ trợ việc ra quyết định hợp lý, đúng thời điểm. Ngược lại, đa phần sinh viên công nghệ sẽ thiếu kiến thức về kinh doanh để lập trình ứng dụng về fintech.
Người làm fintech cần có kiến thức vững về cả công nghệ lẫn tài chính
Vậy thì, là một người muốn “nhảy” sang làm việc ngành fintech, hoặc là một sinh viên muốn chọn fintech làm sự nghiệp tương lai, bạn cần chuẩn bị gì?
-
Trước tiên là kiến thức chuyên ngành. Hãy học tập để trở thành một chuyên gia fintech, cả về công nghệ, tài chính lẫn kinh doanh. Chỉ khi nắm vững kiến thức nền tảng, bạn mới có khả năng xem xét, phản biện và ra quyết định chính xác khi làm việc trong ngành này.
-
Tiếp theo là kiến thức liên quan ngành. Ngoài Fintech, có rất nhiều công nghệ mới cũng đang phát triển và có ảnh hưởng liên đới lẫn nhau như Web3, Defi, NFTs, Metaverse,…
-
Cuối cùng là phát triển kỹ năng. Làm việc trong mảng fintech đòi hỏi bạn phải có kỹ năng làm việc nhóm , tư duy phản biện, làm việc dưới áp lực cao, khả năng quản trị bản thân và công việc tốt,… Bởi đặc thù ngành là luôn thay đổi, cho nên nếu không rèn được khả năng tự học và update bản thân, bạn sẽ nhanh chóng bị đào thải và thụt lùi lại so với những người khác.
Mạng lưới fintech tại Việt Nam đang dần mở rộng và nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho ngành này là cực kỳ lớn. Vì thế, nếu có đam mê về công nghệ, tài chính và luôn khao khát làm việc trong những môi trường dẫn đầu xu thế, bạn hãy tự tin chọn fintech làm con đường sự nghiệp tương lai cho mình. Hoặc nếu bạn đang muốn tham khảo các công việc ngành fintech, thì website JobHopin chính là nơi tuyệt vời để tìm kiếm đấy!