Công nghệ tài chính (Financial technology) là gì? Cấu phần cơ bản

Công nghệ tài chính (tiếng Anh: Financial technology) là việc áp dụng các công nghệ đổi mới, sáng tạo và hiện đại cho lĩnh vực tài chính, nhằm mang tới cho khách hàng các giải pháp/dịch vụ tài chính minh bạch, hiệu quả và thuận tiện.

Fintech-concept-1

Hình minh hoạ (Nguồn: scoop)

Công nghệ tài chính

Khái niệm

Công nghệ tài chính hay fintech trong tiếng Anh được gọi là financial technology.

Hiện nay, có khoảng hơn 200 khái niệm khác nhau về công nghệ tài chính nhưng khái niệm được tổng hợp lại và thống nhất nhiều nhất là: 

Fintech là việc áp dụng các công nghệ đổi mới, sáng tạo và hiện đại cho lĩnh vực tài chính, nhằm mang tới cho khách hàng các giải pháp/dịch vụ tài chính minh bạch, hiệu quả và thuận tiện với chi phí thấp hơn so với các dịch vụ tài chính truyền thống. 

(Theo Mackenzie, 2015, Partrick, 2017)

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới WEF (The World Economic Forum), Fintech chỉ tập trung vào việc ứng dụng công nghệ phát triển từ các công ty nhỏ, mới tham gia thị trường, không kể đến việc các công ty công nghệ lớn như Apple phát triển Apple Pay, hoặc các tổ chức tài chính lớn tự phát triển các dịch vụ ứng dụng công nghệ cao (WEF, 2017).

Phân loại lĩnh vực hoạt động

Có nhiều cách phân loại các lĩnh vực hoạt động chính của Fintech

– Theo Dorfleitner và các cộng sự (2017), Fintech bao gồm bốn mảng lớn: 

+ Tài chính (gồm huy động vốn từ cộng đồng crowdfunding, tín dụng và bao thanh toán) 

+ Quản lí tài sản (giao dịch xã hội, sử dụng robot, quản lí tài chính cá nhân, dịch vụ ngân hàng và đầu tư)

+ Thanh toán (các hình thức thanh toán phi truyền thống, blockchain và tiền điện tử Cryptocurrencies)

+ Các nội dung Fintech khác (bảo hiểm, công cụ tìm kiếm và so sánh, nền tảng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin)

– Theo Diễn đàn kinh tế thế giới WEF, những lĩnh vực hoạt động chính của Fintech gồm: 

Thanh toán; Huy động vốn; Cho vay; Đầu tư và quản lí tài sản; Bảo hiểm; Blockchain và các ứng dụng; Các công nghệ hỗ trợ hoạt động tài chính – ngân hàng (Nhận biết khách hàng điện tử (e-KYC), thông tin/xếp hạng tín dụng…) (WEF, 2017)

– Theo DBS & EY (2016), Fintech gồm:

Dữ liệu tài chính và phân tích

Phần mềm tài chính

Các quá trình được số hóa

Nền tảng cho thanh toán

– Theo ADB (2017), Fintech gồm năm lĩnh vực ưu tiên là: 

Định danh khách hàng điện tử e-KYC

Blockchain

Thanh toán (Payment)

Công nghệ mã nguồn mở Open APIs

Cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending)

Các cấu phần cơ bản của Fintech

Screen Shot 2019-09-18 at 8

Nguồn: Tổng hợp từ ADB (2017), Dorfleitner và các cộng sự (2017), WEF (2017)

Tác động của Fintech

Fintech chính là các cách thức mà các doanh nghiệp start-up tập trung vào công nghệ có thể phát triển các sản phẩm tài chính ngân hàng mới, hoặc cung cấp cách thức mới để tiếp cận khách hàng khi cung cấp các sản phẩm tài chính ngân hàng. 

Fintech đã trở thành một phần trong ngành tài chính, tập trung vào các ứng dụng, qui trình, sản phẩm hoặc mô hình kinh doanh mới với một số hoặc nhiều dịch vụ tài chính bổ sung, dưới dạng qui trình trực tiếp giữa người cung cấp dịch vụ và khách hàng thông qua Internet.

Fintech tác động mạnh mẽ tới hệ sinh thái tài chính – ngân hàng, bao gồm cung, cầu, hệ thống hỗ trợ và khung pháp lí. Trong đó, hệ thống ngân hàng truyền thống chịu tác động nhiều nhất, cả về nghiệp vụ và quản trị.

Tác động của Fintech tới nghiệp vụ và quản trị ngân hàng

Screen Shot 2019-09-18 at 8

Nguồn: Tổng hợp từ ADB (2017), WEF (2017)

(Tài liệu tham khảo: Cách mạng công nghệ 4.0 và những đổi mới trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, 2018, NXB ĐH Kinh tế Quốc dân)