Công nghệ nào cho xử lý rác thải Việt Nam?
Phóng viên
– 27/11/2020 | 14:49 (GTM + 7)
Vì sao có tình trạng này, và công nghệ nào phù hợp xử lý rác thải của Việt Nam?
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Như VOVGT đã phản ánh, vào cuối tháng 10 vừa qua, người dân sinh sống quanh bãi rác Nam Sơn đã tiếp tục chặn xe rác lần thứ 2 trong năm và lần thứ 15 trong vòng 5 năm trở lại đây. Công nghệ chôn lấp thô sơ đã khiến Nam Sơn trở thành điểm nóng nhức nhối ô nhiễm môi trường của Hà Nội.
Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 900 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, trong đó chưa đến 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Ông Hoàng Dương Tùng, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Môi Trường phân tích:
“Từ xưa đến giờ thì chúng ta chỉ có công nghệ chôn lấp là trên 90% để rác thải sinh hoạt của Việt Nam là được chôn lấp và thể hiện nay rất nhiều các bãi chôn lấp đấy không hợp vệ sinh gây ô nhiễm nước ô nhiễm mùi khí làm đảo lộn cả những người sống xung quanh nhà. Tôi nghĩ rằng cái đấy là cần phải được giải quyết một cách rốt ráo”.
Tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, rác thải chủ yếu vẫn được xử lý theo hình thức chôn lấp. Tuy nhiên, đến nay, một số bãi chôn lấp đã phải đóng cửa do hết diện tích, trong khi một số khác phải đóng cửa do người dân phản ứng. Hà Nội hiện chỉ còn 3 khu xử lý chất thải đang hoạt động là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn; Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây; Khu xử lý chất thải Cầu Diễn, Nam Từ Liêm.
Giáo sư Hoàng Xuân Cơ, Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, trường Đại học khoa học Tự nhiên cho rằng, xử lý rác bằng biện pháp chôn lấp có nhược điểm là tốn diện tích, xảy ra tình trạng quá tải và ô nhiễm tại các khu vực chôn lấp rác nên rất khó mở rộng. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện và kiểm soát thực hiện còn một số bất cập:
“Về mặt khoa học có gì lớn, vấn đề quản lý và thực hiện còn nhiều lỗ hổng. Trên giấy tờ thì rất khoa học nhưng lúc thực hiện có nhiều bất cập xảy ra. Bất cập ở đây là vận chuyển đến và chôn lấp tập trung, gây ô nhiễm, gây phản ứng của người dân”.
Với lượng rác thải trung bình mỗi năm phát sinh 25 triệu tấn và không ngừng tăng theo tốc độ đô thị hóa, trong khi các bãi chôn lấp rác đã quá tải, thì công nghệ đốt rác được coi là giải pháp cho nhiều địa phương khi có thể giải quyết được từ 90-95% thể tích và khối lượng chất thải, giúp giảm thiểu ô nhiễm, mùi hôi, có thể tận dụng nhiệt để phát điện. Hàng trăm lò đốt rác công suất nhỏ từ 5-10 tấn đã xuất, cùng nhiều lò đốt rác phát điện công suất lớn.
Tuy nhiên, PGS- TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch hội khoa học Nhiệt Việt Nam cho rằng, công nghệ đốt rác chỉ phát huy hiệu quả với điều kiện, các lò đốt phải được xây dựng thiết kế và hoạt động theo đúng nguyên lý, đảm bảo duy trì nhiệt độ ở mức trên 1.200 độ- mức nhiệt khiến dioxin phân hủy thành các chất không độc hại. Song thực tế, nhiều lò đốt rác không đảm bảo điều này:
“Chúng tôi đi kiểm tra, người ta đốt rác nhưng nhiệt độ buồng thứ cấp người ta chỉ nâng lên tối đa 1050 độ và giữ khói đó trong 2s, nhưng mà thực sự không thể khử được dioxin. Sai về nguyên lý. Hiện nay rất nhiều lò đốt rác không đạt được nhiệt độ này”.
Một số nhà máy đưa ra giải pháp sử dụng than hoạt tính để hấp thu dioxin, nhưng chưa có đủ căn cứ để khẳng định tính hiệu quả của phương pháp này cũng như mức độ an toàn cho đất và nguồn nước, khi chôn lấp than. Đó là chưa kể, một lượng lớn tro xỉ từ các nhà máy xử lý rác cùng hàng trăm lò đốt công suất nhỏ ở các địa phương đang ngày đêm phát thải ra môi trường.
Theo ông Nguyễn Thế Đồng, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường, công nghệ đốt rác phát điện giúp giải quyết được tình trạng rác thải bừa bãi tại các địa phương nhưng chưa hẳn đã phù hợp với tương lai.
Còn đối với công nghệ sản xuất phân compost (com-pôs), thời gian qua chưa phát huy hiệu quả là do áp dụng “nửa vời”, phân compost để lẫn thủy tinh, sỏi đá thì không thể tiêu thụ. Nói về công nghệ xử lý phù hợp với đặc thù rác thải của Việt Nam, ông Đồng nhấn mạnh:
“Rác thải của Việt Nam có đến 60% hữu cơ, chúng ta đang hướng tới nông nghiệp hữu cơ, nguồn hữu cơ ở đâu? Tại sao chúng ta không tận dụng cái này ? Làm compost sạch có thể làm được không? Làm được chứ! Vấn đề là tổ chức, cơ chế, chính sách…”
Để lựa chọn một công nghệ xử lý rác tối ưu cho Việt Nam, một số chuyên gia cho rằng cần tổ chức một đoàn giám định các nhà máy xử lý rác hiện nay, đánh giá tính hiệu quả và lựa chọn những công nghệ xử lý tối ưu, từ đó sẽ đề xuất với Bộ tài nguyên môi trường, Chính phủ có kế hoạch triển khai nhân rộng
Đối với việc lựa chọn các công nghệ xử lý rác mới, các địa phương cần chú ý đến bài toán kinh tế – môi trường (Ảnh: Mô hình nhà máy điện rác)
Xử lý rác thải là vấn đề cấp thiết của mỗi địa phương. Tuy nhiên, để lựa chọn một công nghệ xử lý rác phù hợp, ngoài việc căn cứ điều kiện kinh tế, xã hội, ngân sách địa phương, thì đầu tiên và trên hết, những công nghệ đó phải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Mời các bạn đến với góc nhìn này của VOVGT qua bài bình luận nhan đề: Đừng để làm phát sinh thêm ô nhiễm
Trung bình mỗi năm Việt Nam phát sinh 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó hơn 50% là chất thải rắn sinh hoạt đô thị. Trong số 63 tỉnh, thành trên cả nước, ba phần tư các tỉnh, thành phố có lượng rác trên 1.000 tấn/ ngày, đặc biệt một số đô thị phát sinh lượng rác thải lớn như Hà Nội 6.500 tấn/ ngày, Tp.HCM là 9.100 tấn/ngày.
Nhiều công nghệ xử lý rác trong và ngoài nước đã được áp dụng tại Việt Nam như công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, đốt tiêu hủy, đốt phát điện, sản xuất phân compost…giải quyết một lượng lớn rác thải cho các địa phương, nhưng sau một thời gian áp dụng cũng bộc lộ một số bất cập, làm phát sinh những vấn đề ô nhiễm trường.
Với tốc độ gia tăng dân số hiện nay, cộng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, số lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng với tốc độ tăng trung bình ước tính trên 10-16%/ năm, việc xử lý chất thải rắn nói chung và rác thải sinh hoạt nói riêng ngày càng trở nên cấp thiết. Nhưng yêu cầu hàng đầu của các công nghệ xử lý rác là phải an toàn. Sau đó là tính hiệu quả, tính kinh tế.
Đối với những công nghệ xử lý rác hiện nay đang áp dụng tại Việt Nam, cần có kế hoạch kiểm tra, giám sát tính hiệu quả và đánh giá tác động môi trường của từng dự án. Cần phải đảm bảo, các công nghệ xử lý rác được áp dụng theo đúng nguyên lý, đáp ứng các điều kiện về nhiệt độ, các tiêu chuẩn công nghệ theo đúng cam kết ban đầu và không gây ra những vấn đề môi trường phát sinh.
Từ khâu lựa chọn công nghệ đến giám sát thực hiện hiệu quả của các dự án xử lý rác đều cần có ràng buộc trách nhiệm rõ ràng, để tránh sự chi phối của các lợi ích nhóm hoặc cá nhân mà đánh đổi lợi ích của môi trường và cộng đồng.
Đồng thời, các cơ quan quản lý về khoa học công nghệ và môi trường cần sớm xem xét, điều chỉnh, bổ sung thêm một số quy chuẩn, tiêu chuẩn về danh mục máy, thiết bị, công nghệ xử lý rác thải nhằm hạn chế những lỗ hổng mà các nhà đầu tư lợi dụng.
Việc yêu các chủ đầu tư dự án phải trình phương án xử lý các chất thải phát sinh ra môi trường trong quá trình xử lý rác cũng cần đặc biệt quan tâm. Có những giải pháp ngăn chặn, loại bỏ công nghệ, thiết bị máy móc lạc hậu, hiệu quả thấp, đội lốt công nghệ “tiên tiến” để đưa vào Việt Nam.
Đối với việc lựa chọn các công nghệ xử lý rác mới, các địa phương cần chú ý đến bài toán kinh tế – môi trường. Những công nghệ được lựa chọn phải là những công nghệ phù hợp với đặc thù rác thải và nằm trong khả năng chi trả của các địa phương.
Đặc biệt là những công nghệ được lựa chọn phải ưu tiên giải quyết bài toán rác thải, không làm phát sinh thêm những chất thải ô nhiễm ra môi trường, hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn, vì mục tiêu phát triển bền vững.
TS Hoàng Dương Tùng- Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường Việt Nam:
Việc lựa chọn các công nghệ xử lý rác nên để cho các công nghệ, thị trường lên tiếng. Chúng ta phải làm thế nào để tạo điều kiện thuận lợi để cho các nhà phát triển công nghệ, đặc biệt là của người Việt Nam có “đất” để phát minh, để sáng chế, để ứng dụng, chứ đừng vì sự xuất hiện của các công nghệ nước ngoài mà loại những giải pháp của người Việt Nam. Việc lựa chọn các công nghệ xử lý rác cần phải công bằng, công khai. Có như vậy, mới lựa chọn được các giải pháp bền vững.
Ông Ngô Gia Long- Giám đốc Công ty TNHH Thủy mực- Máy (HMC):
Công nghệ xử lý chất thải rắn bằng phương pháp khí hóa hoàn toàn do Việt Nam làm chủ tại Dự án nhà máy chế tạo tại Hà Nam và nhà máy thực nghiệm công suất 100 tấn/ngày tại thành phố Hưng Yên đã giúp tái tạo rác thành năng lượng điện (không cần đốt rác, không còn rác phải chôn lấp) là một giải pháp thân thiện với môi trường.