Công nghệ gen ứng dụng trong nông nghiệp
Công nghệ gen ứng dụng trong nông nghiệp
Bằng phương pháp mới này, các nhà sinh học có thể chọn lựa một loạt những đặc tính phân tán khác nhau của các giống cây trồng để tạo ra một số giống mới mang các tính ưu việt hơn, bảo đảm cho nguồn lợi kinh tế phong phú hơn. Mặc dù công nghệ gen phức tạp hơn nhiều so với việc chọn giống cây trồng cổ điển, nhưng nó bảo đảm tính an toàn cao. Những đặc tính mới của cây được duy trì và biểu hiện một cách bền vững. Theo phương pháp này, các nhà sinh học đã dùng kỹ thuật tái tổ hợp AND (yếu tố di truyền) để di truyền những đoạn gen có ích và đặc hiệu vào những cơ thể và cây trồng, tạo nên các giống mới. Kết quả nghiên cứu cũng đã được Viện hàn lâm khoa học Mỹ kết luận rằng: những cây trồng được cải tiến bằng phương pháp tế bào phân tử thì không có gì khác so với những cây trồng được cải tiến bằng các phương pháp di truyền cổ điển. Trong khoảng 10 năm gần đây, các nhà sinh học đã áp dụng công nghệ di truyền vào hơn 50 loài thực vật khác nhau. Những giống cây trồng mới này có thể chống lại được những côn trùng, virút và cỏ dại, hoa quả của nó cũng có thể chống lại được sự hư hại, các hạt cũng trở nên mẩy hơn, đầy dinh dưỡng và rõ ràng sẽ mang lại lợi ích cao cho người nông dân.
Hiện nay việc bảo vệ giống cây trồng bằng công nghệ gen đã được tiến hành thông qua các khâu:
– Tạo giống chống các bệnh virút: một trong những hướng đầy hứa hẹn của công nghệ gen là sự đề kháng các bệnh bằng cách làm tăng sức đối kháng của cây trồng đối với virút. Ngoài ra, người ta còn lai tạo giống cây trồng sạch bệnh bằng cách nuôi cấy mô tế bào từ mô phân sinh đỉnh chồi vì mô này không bao giờ nhiễm virút.
– Tạo giống mới để kháng lại các côn trùng có hại: đây là một trong những mục tiêu quan trọng của công nghệ gen, đặc biệt đối với những cây trồng như bông, khoai tây, ngô. Người ta sử dụng kỹ thuật tái tổ hợp gen để sản xuất ra các loại thuốc trừ sâu sinh học, dược chất, virút trừ sâu…
– Tạo giống mới chống cỏ dại: công nghệ gen có thể cống hiến một cách hữu hiệu trong việc kiểm tra cỏ dại. Mục tiêu nghiên cứu là tạo nên những cây trồng mà chúng có thể sản xuất ra thuốc trừ cỏ dại với phổ rộng đơn giản và an toàn cho môi trường. Nếu sử dụng được các công nghệ gen vào việc hạn chế cỏ dại cho cây trồng sẽ làm cho nông nghiệp giảm được một lượng lớn thuốc diệt cỏ dại…
– Tạo giống mới chống hư hại vụ mùa: công nghệ gen đang phát huy tác dụng trong việc giúp bảo quản hoa quả khỏi bị thối úng. Người ta đã thu được kết quả thành công ở một số cây rau như cà chua, rau diếp, khoai tây…
Hiện nay ở nước ta, một số phương pháp cũng đã được tiến hành và mang lại thành công như: nuôi cấy mô tế bào từ mô phân sinh (không bị nhiễm virút), nuôi ong mắt đỏ diệt sâu đay, nuôi sâu xanh để chế thuốc trừ sâu vi sinh diệt sâu xanh, dùng nấm để chế thuốc trừ sâu ở một số loài cây…
Hướng nghiên cứu bảo vệ cây trồng bằng công nghệ gen hiện nay đang được tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Người ta thấy rằng năng suất mùa màng càng cao, thì thiệt hại do sâu bọ gây ra càng lớn. Hàng năm trên thế giới người ta đã chi phí một khoản tiền lớn cho thuốc trừ sâu để bảo vệ mùa màng, những hậu quả do chúng để lại càng đáng quan tâm hơn: ngoài việc gây ngộ độc cho người, phần lớn thuốc trừ sâu thường để lại những ảnh hưởng tai hại khác cho môi trường sinh thái của con người. Chính vì những lợi ích đã nêu là giống, năng suất, phẩm chất cây trồng và cả mặt bảo vệ thực vật, công nghệ gen đã và đang là hướng đi đầy hứa hẹn trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển nông nghiệp.
(Theo tài liệu Những thành tựu khoa học – kỹ thuật đưa vào sản xuất, Chuyên đề công nghệ gen trong sản xuất vacxin thế hệ mới, ứng dụng trong y học và nông nghiệp hiện đại, Trung tâm KHTN-CNQG, Hà Nội, 1994, Số 2)
Nguyễn Thuỵ Hoàng
Sở khoa học, công nghệ và môi trường Lâm Đồng
Nguồn: Thông tin khoa học, công nghệ Lâm Đồng, số 3.1995