Công nghệ Kỹ thuật Công trình Xây dựng | Ngành xây dựng
Ngành “Công nghệ Kỹ thuật Công trình Xây dựng”
Tốc độ “đô thị hóa” gia tăng là nền tảng cho lĩnh vực xây dựng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong những năm qua. Nhu cầu thiết kế, xây dựng mới ở các cơ sở y tế, giáo dục, giải trí, nhà ở cá nhân,… ở trong nước vẫn luôn sôi động. Để biết ngành Công nghệ Kỹ thuật Công trình Xây dựng là gì? ngành xây dựng bao gồm những gì, bạn có phù hợp để theo học hay không? Ra trường làm tại những vị trí nào? Hãy tham khảo bài viết dưới đây và đưa ra những quyết định của mình nhé!
Công nghệ Kỹ thuật Công trình Xây dựng học gì?
Công nghệ Kỹ thuật Công trình Xây dựng là ngành chuyên về lĩnh vực thiết kế, giám sát tổ chức thi công, thí nghiệm và kiểm định chất lượng công trình, dự toán và định giá xây dựng,…cho các công trình xây dựng như: bệnh viện, trường học, trung tâm giải trí, nhà ở,…
Theo học ngành này, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức cơ bản và chuyên sâu về: Cơ học kết cấu, Địa chất công trình, Vật liệu xây dựng, Cấu tạo kiến trúc, Kết cấu bê tông cốt thép, Kỹ thuật thi công, Tin học trong phân tích kết cấu,… Bên cạnh đó, người học cũng được trau dồi kỹ năng tổ chức và quản lý xây dựng, kỹ thuật xây dựng và những kỹ năng “mềm” khác như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, tính chuyên nghiệp và giá trị đạo đức trong nghề xây dựng..
Thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” trong ngành Xây dựng
Khi đất nước ngày càng chú trọng mở cửa hội nhập, hợp tác kinh tế với các quốc gia bên ngoài thì Công nghệ Kỹ thuật Công trình Xây dựng là một trong những ngành học được đánh giá là có nhiều triển vọng trong tương lai. Kinh tế Việt Nam đang phát triển không ngừng kéo theo sự ra đời của nhiều công trình kiến trúc đẹp, hiện đại. Do đó, nhu cầu tuyển dụng kiến trúc sư, kỹ sư công trình, kỹ sư xây dựng,… của các doanh nghiệp, nhà thầu cũng tăng lên.
Báo cáo của Tổng Hội Xây dựng về thực trạng nguồn nhân lực chất lượng của ngành Xây dựng cho thấy cả nước có khoảng gần 78.000 doanh nghiệp với khoảng 4 triệu lao động nhưng số lượng nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường vẫn chưa nhiều. Bằng chứng là nhiều công trình xây dựng vẫn “thuê” người thiết kế, giám sát hay quản lý từ bên ngoài. Đây là lí do khiến nhiều nhà thầu trong nước không thể cạnh tranh được với các nhà thầu lớn của nước ngoài tại các dự án quan trọng.
Chuẩn bị hành trang vững vàng để bước chân vào thị trường lao động
Để nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp để tham gia vào thị trường lao động khối cộng đồng chung ASEAN và quốc tế, cử nhân ngành Công nghệ Kỹ thuật Công trình Xây dựng cần trang bị nhưng kiến thức và kỹ năng cơ bản như:
– Kiến thức về vật lý kỹ thuật, toán ứng dụng, các phần mềm thiết kế chuyên sâu về lĩnh vực xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp
– Kỹ năng lập hồ sơ dự thầu, lập dự toán, chỉ đạo thi công công trình,…
– Tính toán kết cấu cho công trình, triển khai ý tưởng bản vẽ
– Thiết kế một thành phần, hệ thống hay một quá trình đáp ứng được yêu cầu
– Ứng dụng các các công cụ kỹ thuật hiện đại cần thiết
– Tiếng Anh chuyên ngành thành thạo
– Kỹ năng lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ với đồng nghiệp và khách hàng
Sau khi hoàn thành chương trình học tại trường, Cử nhân ngành Công nghệ Kỹ thuật Công trình Xây dựng có thể làm việc tại các vị trí sau: Kỹ sư thiết kế công trình xây dựng, Tư vấn viên lập biện pháp thi công công trình, Quản lý dự án xây dựng, Tư vấn lập và phân tích dự án đầu tư, Chuyên viên thẩm tra, Thành viên đoàn khảo sát các dự án xây dựng,…
Với 2 chuyên ngành: Xây Dựng Cầu Đường và Công nghệ Quản lý Xây dựng, Đại học Duy Tân luôn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo cùng những kỹ năng thực hành cần thiết cho sinh viên. Chương trình tiên tiến của ngành Kiến trúc và Xây dựng tại Đại học Duy Tân có sự hợp tác với ĐH Bang California ở Fullerton – trường lớn nhất hệ thống ĐH Bang California và trường Cal Poly, San Luis Obispo là 1 trong 5 trường xếp hàng đầu Mỹ về đào tạo ngành Kiến trúc ở bậc đại học.
Hiện có rất nhiều trường Đại học trong nước đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật Công trình Xây dựng: Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại Học Kiến Trúc Hà Nội, Đại Học Kiến Trúc Tp. HCM, Đại Học Bách Khoa – Đại Học Đà Nẵng, Đại học Duy Tân,…
Chúc các bạn có những lựa chọn cơ sở đào tạo uy tín và phù hợp để phát huy đam mê nghề nghiệp của bản thân!