Công dụng và cách dùng Ốc nhồi
Mô tả
Ốc có kích thước lớn, vỏ dày, hình tròn bóng, mặt ngoài màu nâu đen hoặc xanh vàng, mặt trong hơi tím, có nhiều vòng xoắn. Các vòng xoắn hơi phồng ở giữa và có rãnh nông. Vòng xoắn gần miệng ốc lớn, chiếm đến 5/6 chiều cao của vỏ. Các vòng xoắn càng lên gần tháp ốc càng nhỏ, vòng xoắn cuối vuốt nhọn dài.
Lỗ miệng vỏ dài và hẹp, có vành sắc, không lộn trái. Nắp che miệng dài, gần hình thận, hai đầu tròn không bằng nhau. Loài ốc bươu (Pila conica Gray) cũng được dùng.
Phân bố, sinh thái
Trên thế giới, ốc nhồi phân bố ở Trung Quốc, Indonesia, Lào, Việt Nam, Campuchia. Ở Việt Nam, ốc nhồi có ở vùng đồng bằng và trung du. Là loài ốc nước ngọt, ốc nhồi sống ở ao hồ, ruộng chiêm trũng, ăn thực vật thối rữa và thường nổi lên mặt nước để thở.
Bộ phận dùng
Ốc nhồi được dùng trong y học cổ truyền với tên thuốc là điền loa gồm thịt ốc và vỏ ốc. Cách chế biến ốc nhồi như sau: Đem ốc sống ngâm trong nước sạch để một đêm cho ốc nhả hết tạp chất, rồi ngâm nước gạo cho hết nhớt, rửa sạch, lấy đầu và mình ốc, bỏ ruột, vỏ ốc để riêng. Dùng tươi.
Thành phần hóa học
Ốc nhồi chứa 11,9% protid, 0,7% lipid, các muối Ca1357 mg%, P 191 mg%, các vitamin B1 0,001 mg%, và cung cấp 86 calo/100g thịt (Viện Dinh Dưỡng ).
Tính vị, công năng
Thịt ốc nhồi có vị ngọt, tính hàn, không độc, có tác dụng tiêu thũng, thông lợi đại tiểu tiện, giải uất nhiệt.
Công dụng
Trong dân gian, ốc nhồi được chế biến thành những món ăn dân dã như bún ốc, canh ốc, ốc xào… và món đặc sản ốc nhồi thịt, ốc hấp lá gừng, rất được ưa chuộng. Nhiều người cho rằng đó là những món ăn – vị thuốc có lợi cho cơ thể con người.
Ốc nhồi nấu với lá xương sông làm tăng tính ấm, bớt mùi tanh, rất thích hợp với những người hay bị dị ứng với thức ăn tanh và lạnh. Trong y học, thịt ốc nhồi được dùng chữa đại tiểu tiện không thông. Hàng ngày, ăn ốc nhồi luộc và uống nước luộc ốc. Dùng nhiều ngày.
Nhiều lương y cho rằng thịt ốc nhồi nấu với chuối xanh rất tốt cho bệnh nhân đái tháo đường. Dùng ngoài, lấy thịt ốc nhồi (loại to) nướng chín, giã đắp nóng lên rốn sản phụ để giúp dễ đẻ. Thịt ốc nhồi (bỏ ruột) giã với một củ hành già và ít muối, đắp vào rốn, băng lại, chữa bí đái. Để chữa gai dằm, mảnh đạn cắm vào da thịt, nhân dân thường dùng thịt ốc nhồi và lông nhím (lượng bằng nhau) đốt thành tro, trộn với mầm lúa nếp và dây tơ hồng giã nhỏ, đắp.
Theo tài liệu nước ngoài, ở Trung Quốc, người ta lấy thịt ốc nhồi (250 g) nấu nhừ với kê cốt thảo (30 g), chắt nước uống hàng ngày. Dùng 3-5 ngày. Chữa xơ gan, viêm gan mạn tính. Vỏ ốc nhồi (2 cái) rửa sạch, sấy khô, sao vàng, tán bột mịn; cỏ nhọ nồi (50 g) phơi khô, sao vàng, tán bột mịn. Trộn đều hai bột. Xát vào răng lợi nhiều lần trong ngày để chữa miệng lỏ, lưỡi giộp, lợi và niêm mạc má loét. Dùng 2-3 ngày là khỏi.
Để chữa cơn đau tim đột ngột, lấy vỏ ốc nhồi đốt với gỗ thông thành than, tán bột, rồi uống với nước sắc gỗ trầm hương (mỗi thứ 8 g) làm một lần. Dùng 3-5 lần (Lương y Lê Trần Đức).
Nguồn : Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam.