Công dân toàn cầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư – cơ hội và thách thức

II. Công dân toàn cầu trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0

Cuộc CMCN 4.0 xóa bỏ các trở ngại về các thể chế chính trị, về bất bình đẳng, về cơ hội phát triển, tính chia cắt, tự cung tự cấp, cục bộ dần trở thành quá khứ. Thế giới liên kết được hình thành. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình của công dân toàn cầu, với trí tuệ, năng lực làm việc, biết nhiều ngoại ngữ, ở nước ngoài 30 năm, đi 40 nước, nhưng với Hồ Chí Minh vẫn đậm chất dân tộc và tư tưởng của người mang hơi thở của thời đại và sự phát triển của xã hội loài người. Ở Hồ Chí Minh, ta thấy “đang hội nhập vào bước phát triển tiến bộ của nhân loại, đang đi cùng với nhân loại giải quyết những vấn đề toàn cầu mà chính Hồ Chí Minh là một người tích cực giải quyết…” [4]. Hồ Chí Minh là “…một chiến sĩ tiên phong của dân tộc Việt Nam tiên phong trong cuộc đấu tranh phi thực dân hóa thế kỷ XX mà còn là một chiến sĩ đấu tranh giải quyết những vấn đề toàn cầu mà thế giới đang tiến hành trong thế kỷ XXI và các thể kỷ tiếp theo cho sự phát triển bền vững” [5].

Có thể khẳng định, Hồ Chí Minh là công dân toàn cầu khi thế giới chưa toàn cầu hóa.

Ngày nay, Việt Nam tham gia tổ chức INTERPOL, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc với những công dân tiêu biểu về trí tuệ Việt Nam, có kinh nghiệm về đối ngoại quốc phòng, ngoại ngữ, tin học, pháp luật, am hiểu văn hóa, phong tục của các quốc gia, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, có tư duy làm việc độc lập, có đạo đức đem hình ảnh dân tộc và nền văn hóa Việt Nam ra với cộng đồng quốc tế; khẳng định vị thế của dân tộc Việt Nam; quan trọng hơn là khẳng định khả năng của con người Việt Nam có thể tham gia và phối hợp để giải quyết vấn đề toàn cầu.

Toàn cầu hóa làm cho các quốc gia, dân tộc có nền văn hóa mang bản sắc khác nhau xích lại gần nhau hơn nhưng đều phát huy bản sắc riêng có. Do vậy, ngày nay không một ai có thể đứng ngoài xu thế hội nhập, không thể có công dân toàn cầu ở một quốc gia mà ở quốc gia đó không có sự kết nối toàn cầu.

III. Cơ hội và thách thức

Về cơ hội:

Một là, công dân toàn cầu với tư cách “con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững” nhờ khả năng ngoại ngữ, kỹ năng CNTT mà có thể sinh sống và làm việc tại nhiều quốc gia với nhiều nền văn hóa khác nhau, qua đó có điều kiện, cơ hội để tiếp cận văn hóa các dân tộc;

Hai là, công dân toàn cầu dựa trên khả năng về trình độ ngoại ngữ và CNTT nên có thể tham gia khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực toàn cầu như: Internet, CNTT, công nghệ điện toán đám mây, lĩnh vực tự động hóa, công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ 3D, lĩnh vực sinh học, vật lý…

Cuộc CMCN 4.0 là cơ hội để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hợp tác lao động theo hướng nâng cao chất lượng, trình độ nhân lực, nhất là trong lĩnh vực CNTT. Theo Chủ tịch Tập đoàn FPT thì: “FPT đang đứng vị trí thứ hai của thế giới khi có trong tay gần 600 kỹ sư có bằng cấp, chứng chỉ cao nhất trong lĩnh vực IoT. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 1.000 kỹ sư trong năm 2017 và FPT dễ dàng hợp tác với các tập đoàn hùng mạnh nhất toàn cầu” [6].

Ba là, công dân toàn cầu với tư duy và suy nghĩ trong môi trường toàn cầu tạo điều kiện để các dân tộc hiểu biết lẫn nhau, bổ sung giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình vào nền văn hóa chung của nhân loại, đồng thời góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc theo nghĩa “văn hóa là đời sống tinh thần”. Thúc đẩy phát triển các hình thức sáng tạo, thưởng thức văn hóa theo hướng hiện đại gắn với văn hóa truyền thống.

Bốn là, công dân toàn cầu sẽ dễ dàng chia sẻ thành tựu, thông tin khoa học mang tính toàn cầu và tùy thuộc điều kiện và năng lực của mình tham gia các phân đoạn của chuỗi giá trị toàn cầu trên tinh thần đề cao tính sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp cũng như làm việc tập thể.

Năm là, công dân toàn cầu có điều kiện tiếp cận nền kinh tế thị trường, khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất, kinh tế tri thức, kinh nghiệm tổ chức, quản lý, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc CMCN 4.0 hiện nay.

Về thách thức:

Một là, do môi trường làm việc quốc tế thường đòi hỏi những kỹ năng như: tính sáng tạo, kiến thức xã hội bao quát, làm việc độc lập, môi trường đa văn hóa, khả năng phân tích vấn đề và dám đương đầu với thử thách. Theo GS. Hồ Tú Bảo, Viện Khoa học công nghệ tiên tiến Nhật Bản – JAIST: “Dưới tác động của CMCN 4.0, nhiều loại lao động sẽ tăng lên, nhiều loại sẽ giảm đi và cùng với đó, có nhiều lao động mới dự báo sẽ xuất hiện. Do đó, để thích ứng, người lao động cần phải sở hữu nhiều kỹ năng như quản lý, kỹ thuật số và cả những kỹ năng mềm. Việc đào tạo nguồn nhân lực cho thời chuyển đổi số là bắt buộc và cấp thiết. Chúng ta cũng phải thay đổi rõ nét về mục tiêu, nội dung và cách thức đào tạo để tương thích với thời đại mới” [7].

Hai là, công dân toàn cầu khi tham gia vào môi trường toàn cầu để tự mình có thể thích ứng, dễ bị “shock về văn hóa”, mất niềm tin, phương hướng, nhận thức tiêu cực, không làm chủ bản thân dẫn đến tự kỷ, tìm đến cái chết…

Sự thâm nhập lai căng văn hóa, lối sống thực dụng và những tiêu cực khác của nền kinh tế thị trường làm tha hóa con người mà biểu hiện cụ thể là sự vô cảm văn hóa, suy giảm tình thương con người, thiếu trách nhiệm với xã hội ngày càng thể hiện rõ.

Thứ ba, dưới sự tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, công dân toàn cầu phải đối mặt với không ít nguy cơ, thách thức, nhất là nguy cơ suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, mục tiêu xã hội chủ nghĩa, rời xa bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là ở những nước đang phát triển, chưa có tác phong công nghiệp, trình độ của lực lượng sản xuất còn thấp, quan hệ sản xuất còn bộc lộ nhiều nhược điểm..

Thứ tư, công dân toàn cầu năng động, có mối quan hệ rộng rãi, mang tính quốc tế, do vậy, xuất hiện những nhân tố tác động chuyển hóa ý thức hệ, công dân toàn cầu quan tâm đến lợi ích cá nhân hơn là lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thứ năm, Lợi dụng danh nghĩa toàn cầu hóa để hoạt động vi phạm pháp luật, phục vụ lợi ích tổ chức, cá nhân nhằm đạt được các mục đích chính trị, kinh tế… Công dân toàn cầu sẽ gắn với vấn đề di cư, do vậy dễ bị xâm phạm đến sự an toàn tính mạng, quyền và sự tự do con người, hình thành lớp con lai, con nhiều quốc tịch, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực dân số và quản lý dữ liệu dân cư.

Giải pháp xây dựng người công dân toàn cầu

Nhóm giải pháp về giáo dục và đào tạo (GD&ĐT)

– Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã chỉ rõ: “Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT theo nhu cầu phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế” [2]. Ngày nay, cuộc CMCN 4.0 mà chìa khóa là kết nối vạn vật Internet từng bước trở thành một môi trường văn hóa và giáo dục quan trọng đối với công dân toàn cầu.

– Công dân toàn cầu cần phải được đào tạo, đáp ứng những tiêu chí của toàn cầu, như: có kỹ năng tương tác xã hội, khả năng thuyết trình, làm việc tập thể, có tư duy phản biện hiệu quả, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

– Khuyến khích việc học tập suốt đời “xã hội học tập” để tiếp tục phát triển các kỹ năng và nâng cao ý chí tự học, tự làm giàu… tự mình phát hiện vấn đề đúng sai, tốt xấu, thiện ác, hạnh phúc, niềm tin…từ đó giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, đúng đắn theo chuẩn mực, chân lý của cuộc sống.