Công chứng sổ hộ khẩu, Hồ sơ xin việc ở phường khác không có hộ khẩu được không? – Thư Viện Luật
Xếp hạng post
Công chứng sổ hộ khẩu, Hồ sơ xin việc ở phường khác không có hộ khẩu được không? thủ tục công chứng, chứng thực giấy tờ ở Ủy ban nhân dân?
Cho em hỏi sổ hộ khẩu của em ở phường A, thị xã C. Em muốn đi công chứng để nộp cùng cho hồ sơ xin việc của em nhưng phường A làm rắc rối quá. Vậy em có thể qua phường khác để công chứng không ạ? Em cảm ơn
Luật sư Tư vấn Luật Công chứng – Tư vấn trực tuyến gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./
Thời điểm tư vấn:
23/01/2019
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Công chứng hồ sơ xin việc
- Luật Công chứng năm 2014;
- Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch;
- Thông tư số 23/2014/TTLT-BTP-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
3./ Luật sư trả lời Hồ sơ xin việc có làm ở phường khác ngoài phường có hộ khẩu được không?
Hồ sơ xin việc thường có các giấy tờ như sơ yếu lý lịch; bản sao sổ hộ khẩu, bản sao chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân có chứng thực; đơn xin việc. Để đảm bảo tính xác thực, những loại giấy tờ này cần phải được chứng thực.
Đối với trường hợp bạn chỉ cần chứng thực chữ ký trong đơn xin việc và sơ yếu lý lịch, chứng thực bản sao sổ hộ khẩu, bản sao chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân từ bản chính thì theo quy định của Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch:
“1. Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Phòng Tư pháp) có thẩm quyền và trách nhiệm:
a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận;
b) Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản;
c) Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài;
d) Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản;
đ) Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là động sản.
Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Tư pháp thực hiện chứng thực các việc quy định tại Khoản này, ký chứng thực và đóng dấu của Phòng Tư pháp.
2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm:
a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận;
b) Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, trừ việc chứng thực chữ ký người dịch;
c) Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản;
d) Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai;
đ) Chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở;
e) Chứng thực di chúc;
g) Chứng thực văn bản từ chối nhận di sản;
h) Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là tài sản quy định tại các Điểm c, d và đ Khoản này.
Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã.
3. Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi chung là Cơ quan đại diện) có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực các việc quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều này. Viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự ký chứng thực và đóng dấu của Cơ quan đại diện.
4. Công chứng viên có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực các việc quy định tại Điểm a Khoản 1, Điểm b Khoản 2 Điều này, ký chứng thực và đóng dấu của Phòng công chứng, Văn phòng công chứng (sau đây gọi chung là tổ chức hành nghề công chứng).
5. Việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, chứng thực di chúc quy định tại Điều này không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực.
6. Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền của người sử dụng đất được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất. Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà ở được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà.”
Theo quy định nêu trên, việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực. Vì vậy, để tiến hành thủ tục chứng thực, bạn có thể đến bất kỳ một trong những cơ quan sau trên lãnh thổ Việt Nam: Phòng Tư pháp, UBND cấp xã, Phòng công chứng, Văn phòng công chứng.
Đối với trường hợp ngoài việc chứng thực, bạn còn cần xác nhận trong sơ yếu lý lịch thì bạn phải thực hiện thủ tục xin xác nhận tại UBND cấp xã nơi bạn đăng ký thường trú theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch 23/2014/TTLT-BTP-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Những nội dung cụ thể liên quan đến thông tin về hộ tịch, cư trú của công dân trong sơ yếu lý lịch thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân. Vì thế, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi công dân có đăng ký thường trú là cơ quan có thẩm quyền chứng thực sơ yếu lý lịch. Ngoài ra, đối với các giấy tờ khác cần chứng thực như bản sao chứng minh thư nhân dân, bản sao sổ hộ khẩu thì theo căn cứ tại Khoản 2, Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch bạn vẫn có thể tiến hành thủ tục chứng thực những giấy tờ này tại UBND cấp xã nơi bạn đăng ký thường trú.
Như vậy, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể bạn có thể lựa chọn hình thức phù hợp để hoàn thiện hồ sơ của mình.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.