Công Ty TNHH TM & DV DU LỊCH TỰ DO
Tết Nguyên Đán đã ngày một đến gần. Từ người lớn đến trẻ em đều cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa đồ tết. Mỗi vùng miền đều có những phong tục đón tết riêng. Với chuyên mục trước, chúng ta đã tìm hiểu phong tục đón tết miền bắc, bây giờ hãy cùng tìm hiểu những điểm nổi bật của phong tục đón tết miền nam như thế nào nhé!
Nội Dung Chính
1.Bánh tét
Những loại bánh, thức ăn được sử dụng trong ngày tết đều có ý nghĩa riêng và bánh tét cũng không ngoại lệ. Tất cả đều cầu chúc cho sự ấm no, sum vầy của gia đình, đa tạ trời đất đã cho người dân mùa màng thuận lợi.
Ngoài bắc thì có bánh chưng, trong nam thì lại có bánh tét. Bánh tét được bọc nhiều lá bên ngoài tượng trưng cho mẹ bọc lấy con, sự sum vầy. Bánh tét xanh là màu của đồng quê thể hiện sự an cư, bình an cùng với nhân đậu vàng là sự cầu mong may mắn, lạc nghiệp.
2. Mâm cỗ miền nam
Mâm cỗ tết miền nam không thể nào thiếu món canh khổ qua. Theo quan niệm dân gian miền nam, món canh khổ qua sẽ giúp xua đi những khó khăn của năm cũ để cầu mong một năm mới đến với những điều tốt đẹp hơn. Ăn hết món canh này thì “khổ sẽ qua đi”, một quan niệm hết sức thú vị
Nếu như miền bắc có món thịt đông thì miền nam lại có món thịt kho tàu. Ngày tết của người miền nam hầu như nhà nào cũng có thịt kho hột vịt. Đây là món ăn thân quen, gắn bó với các thành viên trong gia đình miền nam từ bé đến lớn, khiến mọi người dễ dàng cảm nhận không khí hòa thuận, sum vầy – dấu hiệu của một năm mới thuận lợi, thành công. Hột vịt trong món ăn này không cắt ra mà để nguyên cả quả, ngụ ý một năm mới trọn vẹn và đầy đủ cho gia chủ.
3. Hoa mai
Mai vàng từ lâu đã trở thành biểu tưởng của ngày tết của người dân miền nam, mang ý nghĩa tinh thần to lớn cho mỗi gia đình vào dịp tết. Thấy mai là thấy tết.
Màu vàng của hoa mai tượng trưng cho hy vọng, cũng tượng trưng cho sự giàu sang và phú quý. Chính vì thế gia đình nào cũng trang trí trong nhà một chậu mai với hi vọng sang năm mới sẽ phát tài phát lộc, gia đình êm ấm hạnh phúc.
Dân gian còn cho rằng nếu hoa mai nở càng nhiều cánh thì tài lộc sẽ càng nhiều. Đặc biệt nếu cây mai nhà nào nở toàn hoa mai 7 cánh thì nhà đó sẽ “đại cát đại lợi “.
Xuất phát từ những ý nghĩa này cho nên trên bàn thời gia tiên của các gia đình miền nam thường có nhành mai vào những ngày Tết.
4. Mâm ngũ quả miền nam
“Cầu sung vừa đủ xài” là câu thần chú khi xếp mâm ngũ quả của người dân miền nam. Với mong ước năm mới đủ đầy, sung túc, trong mâm ngũ quả của người dân miền nam luôn xuất hiện 5 loại quả: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài.
Ngoài ra, một số nhà còn có thêm quả thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ để cầu may mắn.
Mâm ngũ quả của người miền nam thể hiện rõ tính bình dị, dân dã và không thiếu phần hóm hĩnh.
Người miền nam cũng kỵ cúng một số loại quả vì theo phát âm tên gọi mang ý nghĩa không tốt như: chuối (chúi nhủi, làm ăn không phất lên được), lê, táo (lê lết, đổ bể, dễ thất bại), cam, quýt (quýt làm cam chịu).
5. Cúng ông táo miền nam
Người miền nam thông thường cúng ông táo vào buổi tối, từ 8h đến 11h đêm, sau khi cả gia đình đã ăn xong bữa tối, không còn nấu nướng và dùng bếp nữa thì mới được tiễn ông Táo về trời.
Mâm cũng ông Táo ngày 23 tháng chạp của người miền nam thường có hoa tươi, đĩa kẹo làm từ mè đen và đậu phộng, nhang, đèn cầy, 3 ly nước lọc và bộ vàng mã “cò bay, ngựa chạy” để hóa sau khi cúng để làm phương tiện cho ông Táo cưỡi về Trời.
Vậy là giữa phong tục tết miền nam và miền bắc có đôi phần khác nhau. Nhưng chung quy lại những phong tục đều mong muốn một cái tết viên mãn, ấm no, mong muốn một năm mới may mắn và bình an.