Cổng Thông tin điện tử Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội – Hỏi đáp.
Vai trò của Nhà nước đối với dịch vụ xã hội
Đối với người dân, cảm thụ tính ưu việt của xã hội chính là thông qua những gì họ được thụ hưởng từ dịch vụ xã hội mang lại. Khi con người ngày càng ý thức rõ rệt hơn quyền lợi của mình, thì thụ hưởng dịch vụ xã hội với chất lượng tốt hơn, trách nhiệm cao hơn là thước đo trực tiếp đảm bảo quyền con người trong xã hội. Nền kinh tế xã hội của một quốc gia càng phát triển thì nhu cầu đối với dịch vụ xã hội ngày càng cao và đòi hỏi cần phải chú trọng nhiều hơn nhằm tạo ra sự công bằng, ổn định và phát triển xã hội một cách bền vững.
Ở nước ta, cùng với những thành tựu đạt được từ quá trình đổi mới toàn diện đất nước, hệ thống dịch vụ xã hội cũng từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, chất lượng và hiệu quả của dịch vụ xã hội ở nước ta trên nhiều lĩnh vực còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, cũng như yêu cầu phát triển của xã hội. Vì vậy, cần phải nhìn nhận, đánh giá lại vai trò của Nhà nước đối với dịch vụ xã hội, làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả cung ứng dịch vụ xã hội ở nước ta.
Dịch vụ xã hội được hiểu là “những dịch vụ đáp ứng các nhu cầu cộng đồng và cá nhân nhằm phát triển xã hội, có vai trò đảm bảo phúc lợi và công bằng xã hội, đề cao giá trị đạo lý, nhân văn, vì con người”[1]. Như vậy, dịch vụ xã hội là hoạt động mang bản chất kinh tế – xã hội, với những đặc trưng cơ bản là: dịch vụ xã hội nhằm mục tiêu phát triển xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận hay thương mại thuần tuý; chất lượng dịch vụ xã hội không thể thuần tuý được đánh giá bằng giá cả trên thị trường như các dịch vụ khác mà chủ yếu được xem xét ở mức độ hài lòng của người dân; dịch vụ xã hội tác động đến con người nên bất luận dịch vụ xã hội thuần công, không thuần công hay cá nhân thì yếu tố đạo đức, nhân văn luôn là yếu tố cốt lõi; trao đổi dịch vụ xã hội không thông qua quan hệ thị trường đầy đủ mà luôn bị điều tiết bởi giá trị đạo đức, giá trị văn hoá, nhân sinh, và trách nhiệm của Nhà nước cũng như các chủ thể tham gia quản lý và cung ứng dịch vụ xã hội. Dịch vụ xã hội có thể do Nhà nước, thị trường hoặc các tổ chức xã hội dân sự cung ứng, bao gồm các lĩnh vực cơ bản như: giáo dục – đào tạo, y tế, khoa học – công nghệ, văn hoá – thông tin, thể thao, các dịch vụ cộng đồng và trợ giúp xã hội.
Trong các loại dịch vụ xã hội nói trên, loại dịch vụ cộng đồng và trợ giúp xã hội (đặc biệt là trợ giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội) ngày càng được quan tâm và phát triển ở nước ta hiện nay. Đó là các dịch vụ về trợ giúp người bị rủi ro, thiên tai, tàn tật, người già, trẻ em cơ nhỡ, mồ côi, khuyết tật, tự kỷ,… Các dịch vụ này thường do Nhà nước, hoặc có sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự thực hiện. Hiện nay, những đối tượng cần sự trợ giúp của các dịch vụ trợ giúp xã hội ở nước ta rất lớn. Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cả nước có hơn 9 triệu người nghèo, 7,5 triệu người cao tuổi, 5,4 triệu người khuyết tật, 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 180.000 người nhiễm HIV, gần 170.000 người nghiện ma túy và hơn 15.000 người hoạt động mại dâm[2]. Để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội đối với các dịch vụ xã hội, cần phải huy động sự chung sức của toàn xã hội, trong đó đặc biệt cần phát huy được vai trò của Nhà nước đối với sự phát triển của các dịch vụ xã hội.
Nhu cầu khách quan quy định trách nhiệm của Nhà nước nước đảm bảo các dịch vụ xã hội xuất phát từ chức năng xã hội của Nhà nước. Bất kỳ Nhà nước nào ra đời và tồn tại cũng có hai chức năng cơ bản là chức năng quản lý (còn gọi là chức năng cai trị) và chức năng xã hội (hay chức năng phục vụ xã hội). Xã hội càng phát triển thì chức năng xã hội càng mở rộng và được nhấn mạnh hơn, theo đó cung ứng dịch vụ công (bao gồm cả các dịch vụ xã hội) trở thành một nhiệm vụ cơ bản của Nhà nước. Ph. Ăngghen đã từng khẳng định: “Chức năng giai cấp của Nhà nước chỉ tồn tại lâu chừng nào nếu nó làm tốt chức năng xã hội”[3]. Việc cung ứng dịch vụ xã hội có liên quan đến đời sống của toàn xã hội, liên quan đến lợi ích của mọi người dân, chính vì thế chỉ có Nhà nước, với tư cách là cơ quan được dân uỷ quyền nắm giữ quyền lực xã hội mới có đầy đủ khả năng và có trách nhiệm đảm bảo việc cung ứng này. Do đó, Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các dịch vụ xã hội. Vai trò này được thể hiện ở chỗ, để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và sự công bằng trong việc cung ứng cũng như hưởng thụ các dịch vụ xã hội cho người dân, Nhà nước can thiệp vào việc cung ứng các dịch vụ này bằng nhiều hình thức khác nhau:
Thứ nhất, vai trò của Nhà nước trong việc trực tiếp cung ứng một số loại dịch vụ xã hội.
Nhà nước cần trực tiếp cung ứng một số loại dịch vụ xã hội bởi vì, có những loại dịch vụ rất quan trọng phục vụ nhu cầu chung của cả cộng đồng nhưng tư nhân không muốn cung ứng do nó không mang lại lợi nhuận, hoặc tư nhân chưa đủ điều kiện và tiềm lực để tham gia cung ứng, nhưng trách nhiệm cung ứng thuộc về Nhà nước nên Nhà nước phải trực tiếp cung ứng. Chẳng hạn, đối với một số dịch vụ như tiêm chủng, y tế dự phòng, nghiên cứu cơ bản (khoa học), văn hoá quần chúng, bảo tồn – bảo tàng,… Bên cạnh đó, cũng có những loại dịch vụ mà thị trường có thể cung cấp nhưng cung cấp không đầy đủ, hoặc dễ tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội về mặt hưởng thụ dịch vụ, làm ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng nói riêng và toàn thể xã hội nói chung. Chẳng hạn như đối với một số loại dịch vụ xã hội tối cần thiết cho người dân như dịch vụ y tế, giáo dục, điện, nước sinh hoạt,… thì Nhà nước có trách nhiệm trực tiếp cung ứng (không để tư nhân độc quyền cung ứng) hoặc có các biện pháp kiểm soát thị trường tư nhân để đáp ứng những quyền lợi cơ bản của người dân. Chẳng hạn, nếu để mặc cho thị trường tư nhân toàn quyền cung cấp dịch vụ y tế thì sẽ dẫn đến tình trạng những người giàu có sẽ được chăm sóc sức khoẻ đầy đủ, còn đối với những người nghèo thì phải chịu đựng bệnh tật, ốm đau và thậm chí cả sự chết chóc do không có đủ tiền để chi trả viện phí, thuốc thang. Do đó, Nhà nước phải bảo đảm cho mọi người dân, bất kể giàu, nghèo đều được hưởng một mức chăm sóc y tế tối thiểu như nhau. Bởi vì, dịch vụ y tế khác với những hàng hoá tiêu dùng bình thường khác, nó liên quan trực tiếp đến các quyền đặc biệt của con người như quyền được sống, quyền được hưởng các dịch vụ y tế nên không thể để cho thị trường kiểm soát. Đồng thời, trong lĩnh vực giáo dục cũng vậy, nếu để cho khu vực tư nhân cung cấp toàn bộ dịch vụ giáo dục – đào tạo thì nhiều người có nhu cầu và năng lực học tập nhưng lại không đủ tiền để đi học. Điều đó sẽ là không công bằng và xã hội cũng sẽ bị tổn thất to lớn do không phát triển được tiềm năng của những người này. Vì vậy, để tạo ra sự công bằng trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, Nhà nước có trách nhiệm trực tiếp cung ứng và kiểm soát việc cung ứng loại dịch vụ này cho xã hội ở một mức nào đó.
Nhà nước thực hiện trực tiếp cung ứng một số loại dịch vụ xã hội thông qua việc thành lập một số đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (như trường học, bệnh viện công,…), các cơ sở bảo trợ xã hội, các doanh nghiệp của Nhà nước hoạt động hoạt động công ích không vì mục tiêu lợi nhuận,… Như vậy, việc Nhà nước trực tiếp cung ứng một số loại dịch vụ xã hội bằng những cách thức khác nhau đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo chất lượng, hiệu quả và sự công bằng trong việc cung ứng cũng như hưởng thụ các dịch vụ xã hội cho người dân.
Thứ hai, vai trò của Nhà nước trong việc quản lý các dịch vụ xã hội.
Nhà nước không trực tiếp cung ứng các dịch vụ xã hội, mà cho phép tư nhân cung ứng một số loại dịch vụ nhất định, nhưng Nhà nước thực hiện sự can thiệp gián tiếp đến việc cung ứng các dịch vụ đó bằng các công cụ quản lý nhằm bảo đảm các mục tiêu xã hội đã đề ra. Do đó, đây chính là vai trò của quản lý Nhà nước đối với các dịch vụ xã hội. Thực hiện vai trò này ở nước ta trong thời gian qua được thể hiện ở một số nội dung như sau:
Một là, Nhà nước xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, chiến lược, đề án về phát triển dịch vụ xã hội của đất nước trong từng giai đoạn nhất định. Năm 2009, Chính phủ đã có Chương trình hành động về phát triển dịch vụ giai đoạn 2009 – 2011; Năm 2008, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020; Bộ Tài chính ban hành Đề án xã hội hoá một số loại hình dịch vụ công cộng và tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công (năm 2009). Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25-3-2010 về Phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020, còn gọi là Đề án 32. Từ khi Đề án được ban hành, công tác xã hội ở nước ta mới được chính thức coi như một ngành khoa học, một nghề chuyên môn với việc ban hành mã ngành đào tạo và mã số ngạch viên chức, và tạo cơ sở cho sự phát triển khá nhanh của các cơ sở cung ứng các dịch vụ công tác xã hội. Tính đến nay, cả nước có hơn 500 cơ sở bảo trợ xã hội.
Hai là, Nhà nước ban hành các quy định (thể chế) nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý và phát triển dịch vụ xã hội. Trên cơ sở các quan điểm của Đảng, Nhà nước đã thể chế hoá thành các luật và văn bản dưới luật tạo khung khổ pháp lý thống nhất cho quản lý phát triển dịch vụ xã hội. Các văn bản luật và văn bản dưới luật quy định về tất cả các nội dung liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ xã hội như: quy định về việc thành lập các cơ sở cung ứng dịch vụ xã hội; về cơ chế tài chính, chế độ chính sách đối với viên chức, nhân viên hoạt động trong các đơn vị cung ứng dịch vụ xã hội; về tiêu chuẩn chất lượng và khung giá, lệ phí đối với các loại dịch vụ xã hội có thu phí,… Chẳng hạn, một số luật có nội dung quy định liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của dịch vụ xã hội như: Luật bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân năm 1989; Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010); Luật bảo vệ, chăm sóc trẻ em và giáo dục trẻ em năm 2004; Luật giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Luật bảo hiểm y tế năm 2008,… Và có rất nhiều văn bản dưới luật quy định, hướng dẫn thực hiện các luật về dịch vụ xã hội, trong đó đặc biệt là các Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16-1-2002 của Chính phủ Về chế độ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp có thu; Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25-4-2006 của Chính phủ Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25-5-2006 của Chính phủ Về chính sách khuyến khích phát triển các đơn vị cung ứng dịch vụ ngoài công lập,… là những văn bản quan trọng đã tạo cơ sở pháp lý cho đổi mới quản lý và phát triển dịch vụ xã hội ở nước ta. Cụ thể là đã tạo cơ sở pháp lý cho việc cấu trúc lại hoặc thành lập mới các tổ chức cung ứng dịch vụ xã hội công lập và ngoài công lập; tạo quyền, nghĩa vụ và chính sách đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ xã hội ngoài công lập; tạo khung khổ thể chế hành chính cho đổi mới quản lý các tổ chức cung ứng dịch vụ xã hội công lập, cơ bản là giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính, đảm bảo cho các đơn vị sự nghiệp cung ứng dịch vụ xã hội hoạt động chủ động và hiệu quả hơn, giảm bớt một phần ngân sách của Nhà nước chi cho hoạt động của các đơn vị này.
Ba là, Nhà nước thực hiện hoạt động xét duyệt việc thành lập, cấp và thu hồi giấy phép hoạt động đối với các cơ sở cung ứng dịch vụ xã hội. Bất kỳ đơn vị, tổ chức nào thực hiện việc cung ứng các dịch vụ xã hội thì phải có giấy phép do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp. Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ có trách nhiệm trong việc thẩm định, xét duyệt hồ sơ và cấp giấy phép hoạt động cho những tổ chức, đơn vị có mong muốn trực tiếp thực hiện việc cung ứng dịch vụ xã hội và có đủ các điều kiện, hồ sơ theo quy định của pháp luật. Do đó, để tạo điều kiện cho sự phát triển của các cơ sở cung ứng dịch vụ xã hội, cần phải tiếp tục đẩy mạnh thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi trong việc thành lập, cũng như giải quyết các chế độ, chính sách đối với các cơ sở cung ứng dịch vụ xã hội. Tuy nhiên, nếu cơ sở nào không chấp hành đúng các quy định của pháp luật thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ thu hồi giấy phép hoạt động.
Bốn là, Nhà nước xây dựng và thực hiện các chính sách nhằm điều tiết sự phát triển của các loại hình dịch vụ xã hội. Để tạo ra sự phát triển ổn định, cân bằng hài hoà giữa các loại hình dịch vụ xã hội và giữa các vùng miền khác nhau, Nhà nước thực hiện các chính sách và biện pháp khác nhau để điều tiết sự phát triển của các loại hình dịch vụ xã hội này. Đồng thời, Nhà nước từng bước thực hiện chủ trương về xã hội hoá dịch vụ xã hôi. Trong đó, các công cụ chính sách thường được sử dụng và hiệu quả nhất là chính sách ưu đãi về xây dựng cơ sở vật chất, chính sách ưu đãi về thuế (thuê đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh, thuế thu nhập),… Chẳng hạn, tại khoản 2 Điều 4 của Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25-5-2006 của Chính phủ Về chính sách khuyến khích phát triển các đơn vị cung ứng dịch vụ ngoài công lập quy định về chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với xây dựng cơ sở vật chất của các cơ sở cung ứng dịch vụ xã hội ngoài công lập như sau: “Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở ngoài công lập đầu tư xây dựng trường học, bệnh viện, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở bảo vệ chăm sóc trẻ em, cơ sở nghiên cứu và phát triển công nghệ, khu vui chơi, khu thể thao, bảo tàng, thư viện, nhà văn hoá, rạp hát, rạp chiếu phim… theo quy hoạch được cấp có thẩm quyên phê duyệt”.
Năm là, Nhà nước thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết các khiếu nại tố cáo về hoạt động của các cơ sở cung ứng dịch vụ xã hội. Chất lượng dịch vụ xã hội có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và cuộc sống của người dân (những người thụ hưởng trực tiếp từ các dịch vụ này). Do đó, việc đảm bảo chất lượng của các dịch vụ xã hội là rất quan trọng. Để đảm bảo chất lượng các dịch vụ xã hội, các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cần tăng cường thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật, đặc biệt là các quy định về tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ của các cơ sở cung ứng dịch vụ xã hội. Xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với những cơ sở vi phạm để tạo ra tính răn đe. Đồng thời, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền còn tiến hành việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo về các vấn đề liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ xã hội nhằm đảm bảo sự công bằng, hiệu quả trong cung ứng các dịch vụ xã hội.
Như vậy, Nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng đối với dịch vụ xã hội, đảm bảo về chất lượng, hiệu quả và sự công bằng trong cung ứng cũng như hưởng thụ các dịch vụ xã hội của người dân. Vai trò này được thể hiện thông qua sự can thiệp của Nhà nước đối với các dịch vụ xã hội bằng các hình thức khác nhau như trực tiếp cung ứng một số loại dịch vụ xã hội thiết yếu cho xã hội mà tư nhân không muốn hoặc không có đủ khả năng để cung ứng, và gián tiếp can thiệp vào các dịch vụ xã hội thông qua hoạt động quản lý Nhà nước đối với dịch vụ xã hội. Vì vậy, để phát triển dịch vụ xã hội cả về mặt số lượng và chất lượng, cần phải phát huy được sức mạnh của toàn thể xã hội, trong đó trước hết là phải phát huy vai trò của Nhà nước đối với các dịch vụ này.
ThS. Trịnh Xuân Thắng
Học viện Chính trị – Hành chính khu vực IV