Cổng TTĐT Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Viện Công nghệ Hóa học được thành lập năm 1993 trên cơ sở Viện Hóa học TP Hồ Chí Minh theo Nghị định 24/CP ngày 02/05/1993 của Chính phủ và Quyết định số 90/KHCNQG-QĐ ngày 01/07/1993 của Trung tâm KHTN & CNQG.

Viện Công nghệ Hoá học có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cơ bản và công nghệ theo các hướng trọng điểm của Nhà nước; triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu và công nghệ vào sản xuất; đào tạo cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ hóa học. Viện có gần 80 CBVC (45 biên chế), trong đó có 01 Giáo sư, 02 Phó giáo sư, 14 TSKH và TS, 18 ThS. Viện Công nghệ Hoá học đặt trụ sở ở số 01 Mạc Đĩnh Chi, quận 1, Tp.Hồ Chí Minh – là vùng kinh tế trọng điểm, phát triển năng động nhất cả nước. Viện Công nghệ Hóa học có chức năng đào tạo bậc tiến sĩ (theo Quyết định  của Thủ tướng Chính phủ số 801/TTg ngày 30/10/ 1996  và Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo số 2686/GDĐT ngày 22/8/1997) với 3 chuyên ngành: hóa hữu cơ, hóa vô cơ và hóa học các hợp chất thiên nhiên. Ngoài ra, Viện còn kết hợp đào tạo bậc thạc sĩ với các trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ, Đại học Đà Lạt, Đại học Nông Lâm, Đại học Lạc Hồng … đào tạo bậc thạc sỹ và hướng dẫn sinh viên làm luận văn tốt nghiệp…

Từ năm 1996 đến nay, Viện đã và đang đào tạo 35 nghiên cứu sinh, trong số đó có 11 nghiên cứu sinh đã nhận bằng tiến sĩ, 1 nghiên cứu sinh đang chờ nhận bằng và 4 nghiên cứu sinh đã bảo vệ luận án tiến sĩ cấp cơ sở, chất lượng các luận án luôn được các Hội đồng bảo vệ các cấp đánh giá cao. Đã và đang phối hợp đào tạo được hơn 200 thạc sỹ và hàng trăm sinh viên đại học từ năm 2006 đến nay. Các nghiên cứu sinh do Viện đào tạo và các học viên cao học đa số là các cán bộ nghiên cứu trong Viện và cán bộ giảng dạy tại các trường đại học của các tỉnh thành phía Nam như Đại học Bách Khoa, Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Tp.HCM, Đại học Công nghiệp, Đại học Đà Lạt, Đại học Cần Thơ, Đại học Lạc Hồng, Đại học An Giang, Đại học Trà Vinh,… Các cán bộ của Viện bao gồm các GS, PGS, TSKH, TS được đào tạo ở trong và ngoài nước cũng tham gia công tác giảng dạy tại các trường Đại học phía Nam, tham gia viết giáo trình giảng dạy, thực hiện tốt công tác kết hợp giữa nghiên cứu khoa học và đào tạo. Viện Công nghệ Hóa học đã đứng ra tổ chức cũng như tham gia nhiều hội thảo trong và ngoài nước, tích cực tham gia các thực hiện các dự án thuộc các chương trình trọng điểm Nhà nước, số lượng và quy mô các đề tài nghiên cứu khoa học tăng lên bao gồm các đề tài nghiên cứu cấp quốc gia, đề tài nghiên cứu cơ bản, đề tài nghiên cứu cấp Viện Khoa học và Công nghệ VN, cấp Sở Khoa học và Công nghệ, duy trì ổn định việc tham gia hoạt động nghiên cứu cấp cơ sở và các địa phương. Các nhiệm vụ KHCN trên đều đã hoàn thành các mục tiêu, nội dung đề ra, góp phần giải quyết những khó khăn trong thực tế cuộc sống, nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội cũng như uy tín của Viện Công nghệ Hóa học. Với những kết quả đạt được trong nghiên cứu, các nhà khoa học của Viện đã công bố được hơn 300 công trình trên các tạp chí chuyên ngành, hội nghị khoa học trong và ngoài nước, xuất bản 03 giáo trình và 02 sách chuyên khảo. Cơ sở vật chất của Viện cũng ngày càng được bổ sung đầy đủ hơn, có 10 phòng nghiên cứu chuyên môn, 3 Trung tâm triển khai ứng dụng với các trang thiết bị tốt, đáp ứng được tương đối đầy đủ các yêu cầu nghiên cứu. Thông qua các hoạt động đó đã góp phần nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ cũng như nghiên cứu sinh của Viện. Như vậy, nhìn chung, Viện Công nghệ Hóa học là đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo và triển khai một cách đồng bộ và có hệ thống.

Trong những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều đề án với mục đích đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng như đề án 322 hay gần đây nhất là Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ (đề án 911) và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cụ thể hóa bằng Quy định về tuyển sinh và tổ chức đào tạo tiến sĩ năm 2012 tại Quyết định số 207/QĐ-BGDĐT ngày 16 tháng 1 năm 2012. Thông qua đề án 322 đã có hàng ngàn thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo kịp thời cung cấp nguồn cán bộ, giảng viên cho các trường đại học, cao  đẳng và các viện nghiên cứu. Tiếp theo đề án này, đề án 911 ra đời với mục tiêu đặt ra là: “tăng cường công tác đào tạo tiến sĩ nhằm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiên cứu, giảng dạy và quản lý đại học của đội ngũ giảng viên các trường đại học, cao đẳng; tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong các trường đại học, cao đẳng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam; nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường đại học, của giảng viên và cán bộ nghiên cứu của Việt Nam; tạo cơ sở vững chắc để đổi mới cơ bản và toàn diện hệ thống giáo dục đại học Việt Nam”.

Đề án 911 nhấn mạnh đến việc “đào tạo đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học các ngành mũi nhọn, trọng điểm, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, tăng số lượng các công trình khoa học công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, phục vụ thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế” với các phương thức: đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; đào tạo theo hình thức phối hợp: một phần thời gian ở trong nước và một phần thời gian ở nước ngoài; và đào tạo toàn thời gian ở trong nước, trong đó có thời gian thực tập nghiên cứu ở nước ngoài.

Với một đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học lớn, có trình độ, năng lực nghiên cứu và có tham gia công tác giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng cũng như đã và đang góp phần đào tạo đội ngũ giảng viên cho các trường đại học, cao đẳng; với kinh nghiệm trong công tác đào tạo tiến sĩ, công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước thì Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam nói chung cũng như Viện Công nghệ Hóa học nói riêng hoàn toàn có thể nhận đảm nhận nhiệm vụ đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020 theo hình thức hỗn hợp cũng như hình thức đào tạo ở trong nước. Ngoài ra, lực lượng cán bộ trẻ của Viện có thể tham gia dự tuyển vào chương trình 911 và sau khi kết thúc chương trình học có thể quay lại phục vụ cho các Viện, thông qua việc tham gia đề án này cùng với việc cơ sở đào tạo được cấp kinh phí cho đào tạo, các NCS được cấp kinh phí hỗ trợ học tập, nghiên cứu, đăng bài báo quốc tế,… sẽ góp phần làm giảm bớt khó khăn về mặt tài chính cho công tác đào tạo tiến sĩ của các Viện cũng như của NCS; điều đó cũng sẽ góp phần nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ tiến sĩ trong nước, góp phần nâng cao năng lực đào tạo của Viện, các cán bộ có trình độ tiến sĩ của Viện khi tham gia giảng dạy sẽ góp phần đẩy mạnh hơn việc gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo đã được Nhà nước giao cho.

Nguồn tin: Tuyển tập báo cáo Tham luận về thực hiện nhiệm vụ đào tạo sau đại học của các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa Học và Công nghệ Việt Nam