Con voi trong văn hóa và đời sống của người Tây Nguyên
QPTĐ-Đối với các dân tộc bản địa vùng Tây Nguyên, voi là loài vật được yêu quý như một thành viên trong gia đình và buôn làng nhưng vẫn mang biểu tượng tôn kính, thiêng liêng. Trong lịch sử, voi là hiện thân của sức mạnh và sự giàu có của các vị tù trưởng xưa và là người lính trận trong đấu tranh bảo vệ đất nước. Đồng bào coi voi là động vật đứng đầu trong các loài thú rừng, tượng trưng cho quyền uy, sức mạnh vật chất và tinh thần mỗi buôn làng.
Đua voi hàng là lễ hội lớn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với Tây Nguyên.
Voi là một biểu tượng văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên và Đắk Lắk, được coi như vùng đất voi ở Việt Nam. Trong lịch sử, người M’Nông ở Đắk Lắk vốn nổi tiếng với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng từ lâu đời, trở thành một nghề gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Voi có vị trí vô cùng quan trọng trong kinh tế, văn hóa được phản ánh sinh động trong kho tàng văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào như lễ hội, phong tục tập quán, luật tục, văn học dân gian, nghệ thuật tạo hình…
Sau khi voi được đưa về sẽ được thuần dưỡng bởi những thợ thuần dưỡng có nhiều kinh nghiệm để thu phục chúng. Voi đã thuần phục là biết nghe mệnh lệnh và được đưa về buôn. Buôn làng sẽ thực hiện làm lễ nhập buôn cho voi bằng những nghi thức trang trọng theo đúng truyền thống. Bắt đầu từ đây, voi nhận mọi chia sẻ tình cảm và các nghi lễ như thành viên trong cộng đồng. Vốn là loại động vật thông minh, voi có thể học và ghi nhớ rất nhanh các kỹ năng đơn giản nên khi được thuần dưỡng, voi giúp ích cho con người và rất thân thiện.
Hiện nay, việc săn bắt voi rừng đã bị cấm theo Luật pháp Việt Nam và Công ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã. Nghề thuần dưỡng voi của người M’ Nông thì vẫn còn. Bản Đông và xã Liên Sơn huyện Lak còn nuôi dưỡng hơn 50 con voi phục vụ cho hoạt động du lịch. Voi đã tham gia vào việc phát triển du lịch với các hoạt động chuyên chở du khách và đua voi, tái hiện các nghi lễ truyền thống…Vì vậy, nhiều tập tục, nghi lễ truyền thống dành cho voi của đồng bào M’Nông ở Buôn Đôn và tỉnh Đắc Lắc vẫn được duy trì.
Đặc biệt, lễ hội đua voi truyền thống của người M’nông và Ê-đê ở Buôn Ma Thuột diễn ra hàng năm đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Lễ hội này thường diễn ra vào tháng 3 âm lịch, 2 năm tổ chức 1 lần. Đây là lễ hội nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ, phản ánh nếp sống mạnh mẽ và tài nghệ thuần dưỡng voi của người dân bản địa. Ngày hội đua voi là ngày vui lớn ở Tây Nguyên.
Đến với Tây Nguyên, ngoài khám phá không gian văn hóa cồng chiêng, thưởng thức cà phê, ẩm thực Tây Nguyên…, du khách còn được đắm mình với huyền thoại săn bắt và thuần dưỡng voi của chủ thể văn hóa Tây Nguyên. Cùng những nghi lễ truyền thống dành cho voi, du khách đến với Tây Nguyên có cơ hội khám phá những nét văn hóa độc đáo của các cộng đồng bản địa thông qua lễ hội đua voi vô cùng độc đáo. Voi trong các hoạt động văn hóa-du lịch là một trong những yếu tố quan trọng kích cầu du lịch văn hóa, tạo nên sức hấp dẫn du khách đến với Tây Nguyên hùng vĩ. Đời sống của bà con nơi đây nhờ đó được cải thiện và nâng cao, những bản sắc dân tộc có thêm môi trường để bảo tồn và phát huy trong đời sống.
Thu Loan