Con đường vươn tới Thiên Chúa với thánh Augustinô và ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận 1
Piô Phan Văn Tình, CMS.
II. CON ĐƯỜNG DẪN TỚI THIÊN CHÚA
1. Nơi thánh Augustinô – Con đường nội tâm
Đọc các tác phẩm của thánh Augustinô, chúng ta nhận thấy một kinh nghiệm nội tâm sâu sắc, nhất là qua cuốn Tự Thuật (Confessions) của ngài. Jaspers đã mô tả tính chất độc đáo của kinh nghiệm hiện sinh ấy như sau: trong tư tưởng của Augustinô có một tính chất nền tảng làm cho nó trở thành phong phú vô tận là vì nó đã linh động hoá được những kinh nghiệm nguyên thuỷ nhất của tâm hồn.
a. Siêu hình học về một kinh nghiệm nội tâm
Trong khi mô tả con người, Augustinô luôn bị chi phối bởi một kinh nghiệm riêng tư quyết liệt, đó là kinh nghiệm quy hồi Kitô giáo của mình. Theo nhận xét rất chí lý của triết sử gia W.Windelband thì triết lý của Augustinô ở đây là một siêu hình học về kinh nghiệm nội tâm. Do đó tư tưởng ấy mới mang một bản sắc cá tính riêng tư và thâm trầm nội tại như một thẳm cung, đến nỗi có thể gây bỡ ngỡ, bàng hoàng cho những ai đã thường làm quen với những lý thuyết trừu tượng, khô khan, lạnh lùng của những triết thuyết Thượng cổ Hy lạp.
Một cách linh hoạt hơn cả Socrates, Augustinô hô hào con người đừng hướng ngoại mà hãy hướng nội như sau: Phần đông người ta thường hướng ngoại đi tìm thưởng lãm những núi đồi cao, những làn sóng vỗ mạnh của đại dương, hay dòng sông bao la, bát ngát của biển cả và sự xoay vần của các vì tinh tú; còn về chính họ thì họ lại không màng chi tới. Ngược lại, Augustinô chỉ có một chủ hướng duy nhất đúc kết trong mấy tiếng sau đây: “Thiên Chúa và linh hồn” – đó là điều tôi tha thiết am tường nhất (Deum et animam seire cupio). Hay: “Xin Thiên Chúa hãy giúp tôi am hiểu được Ngài, am hiểu được tôi” (Noverim te, noverim me).
Một cách mãnh liệt, sâu xa hơn nữa, Augustinô còn xông pha tới những giới tuyến xa xăm nhất để một khi đụng chạm tới chúng rồi ngài mới được trả về với chính mình và trung thành khám phá thấy một Người khác ở trong thẳm cung của tâm hồn mình, vì chỉ có con đường nội tâm mới là con đường vắn tắt nhất dẫn đến Thiên Chúa được: “Nhà ngươi đừng có hướng ra ngoại tại, hãy trở lùi về với chính mình, vì chính trong thẩm cung của con người mới có chân lý cư ngụ; để một khi bắt gặp được bản tính bấp bênh của nhà ngươi rồi thì hãy cố Siêu Việt lên trên chính mình”.
Từ ngàn xưa đến nay chưa bao giờ con người lại tỏ thái độ kinh ngạc đến như thế đối với thân phận của chính mình: “Thực là sâu thẳm bao la, ôi con người!” (Grande profundem est ipse homo). Mọi thắc mắc ưu tư đã được ngài tóm tắt trong mấy chữ: Chính tôi lại trở thành thắc mắc cho tôi (Quaestio mihi factus sum).
Từ kinh nghiệm nền tảng nội tâm hiện sinh ấy, Augustinô còn khai triển một ý niệm khác rất độc đáo và thời danh: Đó là về nền tảng vững chắc của Ngã. Theo thánh Augustinô thì mỗi chúng ta đều là một Ngã suy tư và sự hiện hữu của Ngã suy tư ấy lập tức được thiết lập trên sự hiện hữu vững chắc của tư tưởng. Để quét sạch mọi tàn tích hoài nghi trong đầu óc mình và trong đầu óc mọi người tín hữu, Augustinô muốn chứng minh rằng: có một chân lý bất khả nghi. Đó là sự hiện hữu của Ngã chúng ta – nơi chứa đựng sự khải thị những chân lý thường hằng, hiển nhiên, vững chắc đầu tiên ấy – là con đường dẫn tới chứng lý về sự hiện hữu của Thiên Chúa.
Ta thấy rằng Thiên Chúa không phải là đối tượng của tri giác trực tiếp. Nhưng trí khôn có thể vươn lên tới Thiên Chúa bằng những nấc thang, là những chứng lý về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Người ta có thể cảm nghiệm được Người trong những chân lý vĩnh hằng. Kinh nghiệm của Augustinô cho thấy: ngay trong chính con người bất toàn đã có tiềm ẩn một cái gì Siêu Việt; trong con người tương đối có tiềm ẩn lòng khao khát tuyệt đối. Ngài nói: “Như thế, không còn gì đáng khả nghi rằng bản tính bất khả chuyển đảo ấy, là bản chất vượt trên linh hồn suy lý, lại không phải là Thiên Chúa; và ở đâu có sự sáng suốt nguồn suối thì ở đó cũng có sức sống đầu tiên và yếu tính đầu tiên”. Hoặc: “Thiên Chúa của ngươi cũng là sức sống cho sự sống của chính ngươi”.
Tuy nhiên, kinh nghiệm nội tâm nơi Augustinô không phải luôn luôn là một sự an bình nghỉ ngơi. Mà trái lại, nói theo kiểu của các triết gia hiện sinh, đó là một kinh nghiệm giằng co, xâu xé, bất thoả…Với kinh nghiệm bản thân, Augustinô nhận thấy trong chính mình vừa có ý muốn tốt lành lại vừa đồng thời có một khuynh hướng chống lại ý muốn đó. Thế lực đối nghịch ấy khi thì biểu hiện trong một sự lừa dối tinh vi, khi thì lấy sự tò mò làm sự hiểu biết, khi thì tỏ ra hài lòng vì điều thiện mình làm, nhưng đồng thời lại lấy đó làm hãnh diện với người khác v.v. Hoặc ghê gớm hơn, Augustinô cảm thấy thế lực đó giằng xé trong tâm hồn, khiến cho con người sống trong một tình trạng “bị xé”. Nhiều khi tinh thần hé nhìn thấy sự huy hoàng của sự thiện tuyệt đối và rất ham muốn, nhưng lại vẫn không quyết định nổi: Tại sao lại có sự xâu xé đến mức này? Tại sao lại có tình trạng kỳ quái như thế này? Tinh thần ra lệnh cho thể xác thì lập tức nó được tuân lệnh ngay; nhưng có khi tinh thần ra lệnh, nó lại gặp sức kháng cự. Tại sao vậy? Vì nó không muốn một cách cương nghị, thành thử nó cũng không ra lệnh một cách cương nghị…Muốn một nửa, rồi không muốn một nửa, đó không còn là một sự kiện kỳ quái, mà đó là một căn bệnh của linh hồn rồi.
Đó là nỗi lo âu xao xuyến kinh khủng của Augustinô trước khi được ơn hoán cải. Tình trạng xao xuyến này, một cách nào đó, là bản chất của con người, một “căn bệnh của linh hồn”. Quả thực, lần đầu tiên trong lịch sử triết học Tây Phương, có một con người đã mô tả một cách rất thực và rất sống động nỗi bi đát của con người như thế. Để diễn tả tình trạng này, Augustinô đã không ngần ngại kể lại những yếu hèn của chính mình: ngài mô tả cuộc vật lộn gay go giữa ý muốn của con người với chính mình; những mô tả đó còn cho thấy huyền nhiệm con người còn sâu xa hơn cả các triết gia hiện sinh sau này quảng diễn.
Tuy nhiên, chính khi bất lực trong việc hiểu bết chính mình, thì Augustinô lại tìm thấy một nguồn ánh sáng khác soi tỏ bản chất của con người, vì nếu như trong con người có những điều mà chính tinh thần cũng không hiểu nổi, thì chỉ có Thiên Chúa mới biết được con người cách tường tận, bởi vì: “Thiên Chúa còn sâu thẳm hơn chính thẳm cung của lòng tôi” (Deus intimior intimo meo!). Chính khi bất lực trước ước vọng hoàn thành vận mạng đời mình, thì Augustinô lại có thể tìm thấy sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa nơi thẳm cung của lòng mình: “Thật vậy, con vừa đọc xong câu đó, thì như có một luồng ánh sáng bình an chan hoà vào trực giác tâm hồn con, làm tan biến mọi tối tăm của sự nghi nan”. Khi đó, con người có được một sự chắc chắn không gì lay chuyển nổi.Chúng ta biết rằng sự chắc chắn, nguồn nghị lực vô song ấy không phải do khả năng hay nỗ lực riêng của Augustinô, nhưng do từ một nguồn mạch khác: “Ngươi có được gì mà đã không đón nhận từ bên ngoài” (Quid habes quod non accepisti?) và chính sức mạnh đó đã trợ lực cho ước muốn của Augustinô: “Tôi không thể muốn điều đó như thể chính tôi muốn, nhưng bằng chính nguồn nghị lực vô song kia mà tôi muốn”.
Tội nguyên tổ đã đảo lộn trật tự trong bản thân con người: thể xác chống cự với linh hồn, linh hồn bị thể xác và cảm giác chi phối. Trong tình trạng đó, linh hồn trở nên yếu đuối, sa đọa, lệ thuộc thân xác. Kinh nghiệm về cuộc đời trụy lạc làm Augustinô thấm thía sức mạnh của tội lỗi và sự bất lực của con người. Nhưng nhờ thế, kinh nghiệm của cuộc hoán cải cũng giúp Augustinô xác tín sức mạnh của Thiên Chúa, tầm quan trọng thiết yếu của ân sủng trong hành trình tìm về với Thiên Chúa.Tuy nhiên, ở đây Augustinô đụng phải một vấn đề khó khăn muôn thuở: vấn đề liên quan giữa ân sủng và tự do, vấn đề tiền định. Augustinô cho rằng ơn Chúa không phá huỷ tự do của con người, nhưng giúp con người được thể hiện quyền tự do và sử dụng nó một cách hữu hiệu.
Từ những kinh nghiệm nội tâm trên, cộng với ân sủng Chúa, Augustinô đã tìm ra con đường vươn tới Thiên Chúa.
b. Con đường vươn tới Thiên Chúa
J.Chevaler cho rằng chính phần này là trọng tâm học thuyết của Augustinô, và nó tạo nên một giá trị khó có điều gì khác có thể so sánh được; nơi đây, ta gặp được một tình cảm sâu xa, sống động và chân thật của một linh hồn tìm đến Thiên Chúa. Augustinô đã viết lên khát vọng của ngài trong đoạn đầu tiên của cuốn sách Tự Thuật, và tràn ngập trong nhiều tác phẩm khác của ngài: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên tâm hồn con sẽ xao xuyến mãi cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa.”
Chịu ảnh hưởng của Platon và Plotin, Augustinô cũng quan niệm con đường phải đi từ ngoại vật vào trong tâm hồn; rồi từ tâm hồn vươn lên đến Chúa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa chân lý, phúc cho ai biết Chúa dù họ không biết mọi sự. Vì ai biết Chúa và biết mọi sự cũng không vì điều sau này mà được sung sướng hơn”.
Thực ra Augustinô cũng nhìn nhận giá trị của tạo vật trong việc tìm hiểu Thiên Chúa; nhưng tạo vật chỉ là những bậc thang thấp trong cây thang hữu thể, là hình ảnh mờ nhạt của Thiên Chúa. Do đó, Augustinô không muốn nương tựa nơi tạo vật, nhưng muốn vượt qua mau và tìm một điểm tựa vững chắc hơn. Thánh nhân chỉ dừng lại nơi con người và trong linh hồn con người mà thôi.Rồi từ nơi linh hồn, Augustinô mới khám phá ra một căn cứ điểm tinh tuý nhất, đó là sự hiện diện của Chúa, sự hiện diện hồng phúc và cứu độ, để giúp con người khám phá chân lý bất diệt: “Noverim me, Noverim Te” (Ước gì con được biết con là ai, được biết Chúa là ai).
Trong khi tìm hiểu con người và đời sống trần thế, thánh nhân đã khám phá tận đáy lòng con người những điều căn bản: Thiên Chúa không hiện diện nơi nào có tội lỗi; con người được tạo nên trong tình trạng âu lo, và luôn khát vọng hướng về Thiên Chúa…con người có thể khám phá Thiên Chúa hiện diện trong thâm tâm mình, sâu hơn chính mình và cao hơn chính mình: Deus interior intimae meo et superior summo meo. Chính trong tâm hồn mình, con người có thể khám phá ra dấu vết của Thiên Chúa; khám phá này không phải chỉ để thoả mãn nhu cầu tìm hiểu, nhưng chính là để giúp con người tận hưởng nguồn hạnh phúc vô biên.
Sau đây chúng ta cùng nhau xem lại cảnh tượng sống động và đầy kịch tính trong cuộc trở về của thánh Augustinô, một sự kiện mà các triết gia thường gọi là sự Quy hồi (la Conversion). Chính Augustinô đã tường thuật lại cho ta câu chuyện quyết định tối hậu ấy như sau: Một ngày kia đang khi ông bị vật vờ, lạc lõng và thất vọng trong đau thương dằn vặt, bỗng nhiên ngài cảm thấy không sao cầm nổi được dòng nước mắt. Lập tức ngài ra vườn đi dạo thì một tiếng của một người vang từ trong ngôi nhà bên cạnh nhủ rằng: “Hãy cầm lấy quyển sách và đọc!” (Tolle et lege!). Tuân theo tiếng hát ấy như một tiếng nói thần linh, ông cầm lấy quyển Thánh thư của thánh Phaolô và gặp ngay câu sau đây: “…nhà ngươi hãy tham dự vào sự sống của Chúa Giêsu và đừng chú ý gì đến xác thịt với những thú vui của nó nữa”. Vừa đọc xong đoạn trên, “lập tức linh hồn tôi được chan hoà ánh sáng của một chân lý chắc chắn”.
Một quyết định chung cục lay động tận căn cuộc đời ngài: Thiên Chúa mà mẹ ngài đã dạy cho ngài thủa nhỏ, giờ này đây đã đón nhận ngài. Từ đây, trần thế sẽ trở thành vô nghĩa, ngài viết: “Lạy Chúa, vì Ngài đã giác ngộ con, nên từ đây con không còn ham muốn một người đàn bà nào nữa hay một sự vật gì có thể gây cho con hy vọng trần tục nữa”.
Những giao động tâm hồn ấy sau cùng đã kết thúc bằng việc Augustinô chịu phép Thánh tẩy như được kể lại trong quyển Tự Thuật. Và lập tức sau khi quy hồi Thiên Chúa giáo, trong những giờ phút trầm mặc giữa các bạn bè ở Cassiacum, vấn đề chân lý được đặt ra một cách cấp thiết. Ở đây tưởng như còn khám phá ra trong tư tưởng Augustinô một vài vết tích sâu đậm của suy tư triết lý Thượng Cổ, ví dụ như vấn đề từ đam mê xác thịt đến sự thanh tẩy cho linh hồn, tương tự chủ đề nền tảng trong triết lý Plotin. Nhưng một sự biến đổi đã hiện lên rõ rệt. Những gì được nhìn và diễn tả qua những ý tưởng của triết học Thượng Cổ hầu như đã trở thành những công thức trống rỗng, vô nghĩa không thể gây nổi cảm hứng cho một tư tưởng mới mẻ và độc sáng.
Biến cố quy hồi đã đến quét sạch mọi tàn tích của triết lý ấy để tiêm vào đó một sức sống mới. Trong khi ý thức được rằng chính Thiên Chúa trực tiếp chi phối, con người Augustinô biến đổi từ trong thể xác, bản năng và mục tiêu. Sau bao nhiêu cố gắng khắc khổ vô ích, giờ đây bỗng nhiên mọi ước vọng đam mê xác thịt đều bị dập tắt hết. Và cũng do ảnh hưởng của sự Quy hồi ấy mà một con đường chắc chắn đã mở ra cho Augustinô. Đó là con đường do Giáo hội và Kinh Thánh đã hoạch định ra. Sự chắc chắn ấy dĩ nhiên không còn do một hiển nhiên theo lý trí hay do thiện chí nữa mà là do một bảo đảm bất khuất, cảm nghiệm được là do từ Thiên Chúa mà đến. Từ đây đam mê suy tư một cách tự do theo triết lý đã biến thành một niềm tin say sưa.
Từ nền tảng bất di dịch của sự quy hồi Kitô giáo, Augustinô đã suy diễn những tư tưởng mới, về những vấn đề quan trọng. Đó là những điều được “Triết học Kitô giáo” chú trọng nhiều hơn, vì tuy rằng các triết gia ngoại đạo đã khám phá được rất nhiều chân lý trong Kitô giáo nhưng những suy tư trừu tượng của họ đã không đạt tới và không thể đạt tới được trọng tâm của niềm tin Kitô giáo. Trọng tâm này là sự tin tưởng vào những sự kiện lịch sử có thực về công cuộc cứu thế như Tin Mừng kể lại về cuộc sống trần thế, sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu.
Thánh Thomas Aquinô đã toát lược tư tưởng của Augustinô bằng một câu sau đây: “Một cố gắng để theo dõi các triết gia theo khuynh hướng Platon, đến mức độ mà đức tin Công giáo còn chấp nhận được”. Truyền thống ghi nhớ đặc biệt về ngài qua một bức họa trên tường đền Latran, trên đó có mấy dòng chữ: “Nhiều giáo phụ đã bàn đến những vấn đề phức tạp, nhưng thánh nhân đây đã dùng La-ngữ để bàn đến mọi vấn đề, trình bày các mầu nhiệm với giọng oai hùng như sấm sét”.
Tóm lại, trong số các giáo phụ, thánh Augustinô là người trổi vượt hẳn. Đọc các sáng tác của ngài là nhìn được toàn diện triết lý Kitô giáo. Ở đây thấy muôn vàn kiểu nói bất hủ về đời sống tâm linh; ra như những gì thuộc tâm linh sâu kín đã được diễn tả thành ngôn ngữ linh động. Thực vậy, đây là một con đường nội tâm được suy tư rất sâu xa và được trải nghiệm một cách sống động trên con đường tìm về với Thiên Chúa. Cuối cùng ta có thể nói rằng: “thánh Augustinô là nguồn suối mà các nhà tư tưởng ngày nay muốn mạo hiểm vào những miền sâu của tâm hồn vẫn còn phải khai thác”.
2. Nơi ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận – Con đường hy vọnga. Khái quát niềm hy vọng
Hy vọng theo thánh Thomas Aquinô, là mong muốn (desire) đạt được một điều gì tốt, tuy khó, nhưng vẫn có thể thực hiện được. Hy vọng là điều kiện sống còn của con người. Không có hy vọng con người sẽ chết. Bao lâu con người còn sống thì còn hy vọng, hay nói cách khác con người không thể sống mà không hy vọng.
Con người luôn cảm nghiệm một sự thúc đẩy thầm kín, một nỗi khát khao lúc nào cũng ước ao mong đợi và cố gắng vươn tới một đời sống, một tương lai tốt hơn, hoàn hảo hơn. Và nỗi khát khao này xuất phát từ những hạn chế và bất toàn của con người: những cái đã có, đã đạt được mà vẫn còn thiếu sót, bất toàn, chưa trọn vẹn, chưa hoàn toàn thỏa mãn! Cho nên họ muốn được giải phóng khỏi những hạn chế này và hướng tới một sự hoàn hảo hơn. Tuy nhiên những điều mà con người mong đợi không bao giờ có thể tự mình thực hiện được một cách hoàn toàn ở trần gian, con người hy vọng sẽ đạt được trong tương lai, ở đời sau, nhờ vào lời hứa của Thiên Chúa.
Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu thành Rôma xác quyết: chúng ta được cứu rỗi trong hy vọng (Rm 8,24). Hy vọng theo niềm tin Kitô, là “ơn cứu chuộc” hay ơn cứu độ, không chỉ đơn giản là một điều được trao ban. Ơn cứu chuộc được ban cho chúng ta theo nghĩa là chúng ta đã được trao cho hy vọng, một niềm hy vọng đáng tin cậy, qua đó, chúng ta có thể đối diện với thực tại của chúng ta: thực tại mà cho dù là cam go đi nữa cũng có thể sống được và chấp nhận được vì nó dẫn đến một mục đích, mục đích được đảm bảo và mục đích cao cả đến mức biện minh được cho nỗ lực cam go của cuộc hành trình.
Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo định nghĩa hy vọng “là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta khao khát Nước trời và đời sống vĩnh cửu là vinh phúc của chúng ta, khi đặt lòng tin tưởng của chúng ta vào các lời hứa của Đức Kitô và cậy dựa vào sự trợ giúp của ân sủng của Chúa Thánh Thần chứ không vào sức mạnh của chúng ta. “Ta hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng vì Đấng đã hứa là Đấng trung tín” (Dt 10,23). “Thiên Chúa tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô Đấng cứu độ chúng ta. Như vậy, một khi nên công chính nhờ ân sủng Đức Kitô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời như chúng ta vẫn hy vọng” (Tt 3,6-7).
Như vậy, hy vọng xét là một nhân đức đáp ứng khát vọng hưởng vinh phúc mà Thiên Chúa đã đặt trong trái tim mỗi người, đảm nhận những sự mong đợi đang gợi hứng cho các hoạt động của con người, thanh luyện những mong đợi đó để quy hướng chúng về Nước trời, bảo vệ khỏi sự nản chí của tâm hồn, nâng đỡ khi bị bỏ rơi, mở rộng trái tim bằng sự mong đợi vinh phúc vĩnh cửu. Sự thúc đẩy của đức hy vọng gìn giữ chúng ta khỏi tính ích kỷ và đưa chúng ta đến với vinh phúc của đức mến.
Niềm hy vọng Kitô giáo được triển khai ngay trong bài giảng đầu tiên của Đức Giêsu về các mối phúc. Các mối phúc hướng niềm hy vọng của chúng ta lên Thiên quốc như hướng về miền đất hứa mới, vạch đường chỉ lối xuyên qua những thử thách đang chờ đợi các môn đệ của Đức Giêsu. Nhờ công ơn và cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, Thiên Chúa gìn giữ chúng ta trong đức hy vọng: “chúng ta sẽ không phải thất vọng” (Rm 5,5). “Đối với chúng ta, niềm hy vọng đó cũng tựa như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn, để đi sâu vào bên trong…nơi Đức Giêsu đã vào như người tiền phong mở đường cho ta” (Dt 6,19-20). Hy vọng cũng là vũ khí bảo vệ ta trong cuộc chiến để được cứu độ: “Mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ” (1Tx 5,8). Hy vọng mang lại cho ta niềm vui, ngay trong thử thách: “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân…” (Rm 12,12). Hy vọng được diễn tả và nuôi dưỡng trong kinh nguyện, nhất là Kinh Lạy Cha, bản tóm lược tất cả những gì mà đức cậy gợi lên trong ta.
Do đó, chúng ta có thể hy vọng được hưởng vinh quang Thiên quốc mà Thiên Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người và thực thi ý Người (Mt 7,21). Trong mọi hoàn cảnh, mỗi người phải hy vọng sẽ được ơn Thiên Chúa trợ giúp “bền đỗ đến cùng” (Mt10,22) và được hưởng niềm vui Thiên quốc như phần thưởng đời đời Thiên Chúa ban, vì các việc lành đã thực hiện nhờ ân sủng Đức Kitô. Với lòng trông cậy, Hội thánh cầu nguyện cho “mọi người được cứu độ” (1Tm2,4), Hội thánh mong được kết hợp với Đức Kitô, Phu Quân của mình, trong vinh quang Thiên quốc.
Tóm lại, hy vọng là nhân đức siêu nhiên thiên phú, nhờ đó với lòng tin tưởng phó thác, ta mong ước được Thiên Chúa toàn năng, tốt lành và trung tín ban cho hạnh phúc vĩnh cửu và những phương thế cần thiết để đạt mục đích đó.
Tìm về nguồn mạch Kinh Thánh, toàn bộ Cựu Ước là hiện thân của đức hy vọng. Lịch sử của Israel là lịch sử của sự mong chờ triền miên. Sự mong chờ đó luôn vươn tới những mục tiêu mới cho tới khi đạt tới đích cuối cùng trong Vương quốc của Đấng Thiên Sai. Chính ơn gọi của Abraham là đặc thù cho sự mong chờ này. Niềm hy vọng của các tổ phụ dựa trên lời hứa của Thiên Chúa là miền đất hứa và sự hình thành một quốc gia vĩ đại, qua đó các dân tộc khác cũng được chúc phúc: “Hãy rời bỏ quê hương và đi đến một nơi Ta sẽ chỉ cho ngươi. Và Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân tộc vĩ đại và Ta sẽ chúc phúc cho ngươi.” (St12,1-3; 13,14-17;15,1-6).
Những biến cố lớn trong lịch sử ban đầu của Israel đều là những giai đoạn thực hiện lời hứa này: xuất hành từ Ai cập, băng qua sa mạc, vượt qua sông Giođan và chiếm cứ các miền đất Canaan. Trong thời lưu đày, Israel mong đợi sự giải thoát khỏi Babylon và trở về đất hứa. Sự chờ đợi của Israel được diễn tả qua lời cầu xin phúc lành, lòng thương xót, sự trợ giúp, phán quyết công minh, sự tha thứ và ơn cứu độ của Yahweh. Lòng tín thác vào Chúa được diễn tả qua nhiều Thánh Vịnh: Chúa là nơi trú ẩn, là đá tảng, là thành lũy (Tv 39,7; 70,5; Gr 17,7). Động lực của niềm hy vọng là lời hứa của Thiên Chúa: “Ta sẽ làm trọn lời hứa Ta đã thề với Abraham cha ngươi” (St 26,3; 28,13-15; 48,3). Thiên Chúa luôn trung thành với lời hứa dành cho dân người: “Anh em phải biết rằng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em là Thiên Chúa trung thành: cho đến muôn ngàn thế hệ, Người vẫn giữ giao ước và tình thương đối với những ai yêu mến Người và giữ các mệnh lệnh của Người” (Đnl 7,9). Lòng trung tín của Thiên Chúa đã chứng minh qua các lần can thiệp bảo vệ dân, Người đã cứu dân bằng cánh tay hùng mạnh (Đnl 5,15).
Trong Tân Ước Đức Kitô tuyên bố Ngài là Đấng Messia, Ngài đến thực hiện điều mà Israel mong đợi bấy lâu. Vì thế chúng ta có cảm giác việc Đức Kitô đến là kết thúc của lịch sử, vì lời hứa đã được thực hiện. Nhưng chính giáo huấn của Chúa về thời cánh chung và về sự phục sinh của Ngài đã làm thay đổi cảm giác này. Dĩ nhiên Nước Thiên Chúa đã hiện diện (Mt 12,28; Lc 11,20), nhưng Nước Chúa vẫn còn phải lớn lên và phát triển cho đến mùa gặt trong dụ ngôn hạt giống (Mc 4, 26-29) hay dụ ngôn hạt cải và nắm men (Mt 13, 31; 13,33). Tin và hy vọng vào một Đức Kitô tử nạn, phục sinh và chờ đợi Người quang lâm vinh hiển. Hy vọng như thế là hy vọng vào một tương lai, không phải là biết tường tận chi tiết về những gì đang chờ đợi nhưng biết cách tổng quát là cuộc sống không kết thúc trong hư không. Khi tương lai được đảm bảo như một thực tại tích cực thì lúc đó hiện tại trở nên có thể sống được. Cánh cửa mịt mù tăm tối của thời gian, của tương lai đã được mở toang. Ai có niềm hy vọng thì sống khác biệt hẳn, vì người có niềm hy vọng đã được ban cho hồng ân một cuộc sống mới.
Cho nên vẫn còn phải chờ đợi đến ngày Chúa quang lâm lần thứ hai. Đối tượng của đức hy vọng được diễn tả nhiều cách, nhưng tất cả có chung một điểm là tính chất cánh chung: đời sống vĩnh cửu, sự phục sinh, chiến thắng đau khổ và cái chết, sản nghiệp thừa kế, Nước trời, Giêrusalem Thiên quốc, trời mới đất mới, sự tha thứ, công lý, hòa bình và ơn cứu độ: “hãy vui mừng trong niềm hy vọng được chia sẻ vinh quang của Thiên Chúa”. (Rm 5,2; Ep 1,18; Cl 1,27; Tt 2,13).b. Con đường hy vọng vươn tới Thiên Chúa
Con đường hy vọng mà ĐHY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận sống và diễn tả là tất cả học thuyết về niềm hy vọng Kitô giáo. Ngài không sống một con đường hy vọng nào khác ngoài con đường hy vọng mà Giáo hội, Dân Thiên Chúa cưu mang và sống qua bao thế hệ, qua các thời đại lịch sử. Có chăng là niềm hy vọng chung của Hội thánh, nay đã trở thành một nét rất riêng trong cuộc đời của ngài. Cho nên tất cả những gì ngài trình bày về con đường hy vọng là những dự liệu sống động trong cuộc đời của ngài. Sau đây là một vài nét độc đáo của con đường hy vọng.
* Nét độc đáo của con đường hy vọng
Con đường hy vọng không phải là một con đường ảo tưởng dựa trên óc tưởng tượng của con người, cũng không phải là con đường làm cho con người trở nên thụ động, chán nản, cầu an, khoanh tay chờ một hạnh phúc mai sau:
“Tràn trào nước mắt, con đến với Mẹ an ủi kẻ âu lo: đau khổ ê chề, con đến với Mẹ phù hộ các giáo hữu: tội lỗi ngã sa, con đến với Mẹ bầu chữa kẻ có tội. Chính con, cũng hãy trở thành một Maria khác, lòng con hãy giống lòng Mẹ, để đón tiếp mọi người đến trú ẩn và con cũng sẽ là nguồn sống, là an vui, là hy vọng của anh em…Có hạng ‘Công giáo đợi chờ’, khoanh tay mong đợi niềm hy vọng đến. Có hạng ‘Công giáo thụ động’, trốn tránh, vô trách nhiệm. Họ chỉ biết ‘nhìn lên’ để kêu cứu, mà không biết ‘nhìn tới’ để tiến, ‘nhìn quanh’ để chia sẻ, gánh vác. Niềm hy vọng đang ở giữa họ, mà họ không hay…Con hãy làm cho người Công giáo tin tưởng ở ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi gia đình, ơn gọi vợ chồng, ơn gọi nghề nghiệp. Họ sẽ hết chán nản, họ sẽ tràn đầy hy vọng vì họ ý thức rằng Đấng đã gọi họ sẽ đưa họ đi đến cùng đích…Con hỏi chừng nào có thể xin ‘từ chức tông đồ’, nghỉ việc tông đồ được. Công việc tông đồ có thể thay đổi tùy khả năng, tuổi tác, nhưng sứ mệnh tông đồ con đã nhận lãnh do phép Thánh tẩy và Thêm Sức, chỉ chấm dứt với hơi thở cuối cùng, như Chúa Giêsu khi nói: ‘hoàn tất’ trên thánh giá…Con hãy hy vọng luôn luôn, đừng chán nản vì những khó khăn nội bộ, ngay trong việc tông đồ.
Trái lại, bảo chứng của con đường hy vọng, đó là Đức Kitô lịch sử, cuộc tử nạn, phục sinh của Người: “Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại…” (1Pr1,3). “Trên thánh giá, Chúa nghèo lắm! Con chỉ xin Chúa Giêsu chịu đóng đinh một điều: yêu thương, đau khổ và luôn luôn hy vọng.” Và việc mong chờ Người trở lại: “Kitô hữu là những người ‘ngóng đợi niềm hy vọng phúc lộc và cuộc hiển linh vinh quang của Thiên Chúa lớn lao và là cứu Chúa của ta, Đức Giêsu Kitô” (Tt2,13), được hưởng hạnh phúc với Người trong vinh quang: “Con không trốn tránh hiện tại để trông đợi một cuộc sống khác. Con ‘tin hằng sống vậy’. Niềm hy vọng ấy đã đâm chồi nơi con, và sẽ tiếp tục tươi nở bất tận.”
Động lực này làm cho các Kitô hữu tích cực chuẩn bị, không những cho riêng mình mà còn cho anh em, bằng việc hăng say làm tông đồ: “Con phải loan Tin Mừng cho thế giới. Tin Mừng ấy không phải chỉ gồm những giới răn tiêu cực nhưng chính là một sứ điệp lạ lùng: Chúa thương yêu ta, Chúa yêu thương trần gian và cứu trần gian…Thời đại nào cũng có những người tự xưng là tiên tri, nhưng đường lối của họ không đem lại hy vọng cho nhân loại. Chỉ Chúa Giêsu tự xưng là “Đường”, chỉ Người đem lại hy vọng với kích thước của thế giới: “Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc16,15). “Các con sẽ là chứng tá của Ta ở Giêrusalem, trong toàn cõi Giuđê và Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8)…Gia đình Công giáo là tương lai, là hy vọng của Hội thánh. Phải động viên toàn lực gia đình Công giáo theo tiếng gọi của Hội thánh, để lôi cuốn và thúc đẩy họ loan Tin Mừng cho thế giới, càng ngày càng có nhiều người khô đạo”.
Dấn thân phục vụ trần thế: “Con hoàn toàn sống trong hiện tại, nhưng con cũng hoàn toàn sống trong đời đời. Con chăm lo cứu rỗi anh em. Nhưng con không quên làm với Chúa và vì Chúa, con hết sức tiến tới, nhưng với tất cả ánh sáng từ trời cao. Con dấn thân giữa trần thế, nhưng với tình yêu thần linh. Tất cả điều ấy có ý nghĩa gì? Nếu con không mang niềm hy vọng lớn lao nhất trong quả tim con? Làm một cuộc cách mạng: đừng đem đời người Công giáo xa lìa môi trường, để quây quần quanh các việc thiêng liêng. Đẩy người Công giáo mang niềm hy vọng của mình xâm nhập môi trường…Không thể quan niệm được một Kitô hữu không mê say đem hy vọng ngập tràn thế giới.”
Cố gắng chu toàn việc bổn phận hằng ngày với tất cả lòng tin yêu: “Có hạng ‘Công giáo đợi chờ’, khoanh tay mong đợi niềm hy vọng đến. Có hạng ‘Công giáo thụ động’, trốn tránh, vô trách nhiệm. Họ chỉ biết ‘nhìn lên’ để kêu cứu, mà không biết ‘nhìn tới’ để tiến, ‘nhìn quanh’ để chia sẻ, gánh vác. Niềm hy vọng đang ở giữa họ, mà họ không hay…Con hãy cố gắng, dù yếu đuối sa ngã, hãy xin Chúa thứ tha và tiếp tục tiến. Trên võ đài, trong vận động trường quốc tế, các lực sĩ cũng lắm lần ngã qụy, bị nhiều cú đấm, bị thương tích, nhưng cứ vùng dậy, cứ hy vọng, họ đã đoạt giải vô địch quốc tế.”
Sống trọn vẹn thánh ý Chúa trong giây phút hiện tại: “Con không trốn tránh hiện tại để trông đợi một cuộc sống khác. Con ‘tin hằng sống vậy’. Niềm hy vọng ấy đã đâm chồi nơi con, và sẽ tiếp tục tươi nở bất tận…Con hoàn toàn sống trong hiện tại, nhưng con cũng hoàn toàn sống trong đời đời. Con chăm lo cứu rỗi anh em. Nhưng con không quên làm với Chúa và vì Chúa, con hết sức tiến tới, nhưng với tất cả ánh sáng từ trời cao. Con dấn thân giữa trần thế, nhưng với tình yêu thần linh. Tất cả điều ấy có ý nghĩa gì? Nếu con không mang niềm hy vọng lớn lao nhất trong quả tim con?”
* Lý do sống con đường hy vọng
Một sứ mệnh quan trọng gắn liền với ơn gọi làm Kitô hữu. Họ không được sống như những người không hy vọng, nhưng phải trở nên đèn soi, muối đất và đem niềm hy vọng xâm nhập môi trường sống của mình, làm cho mọi người hạnh phúc: “Người Công giáo là ánh sáng giữa đêm tối, là muối sống giữa thối nát, và là hy vọng giữa một nhân loại thất vọng…Giáo dân là người mến yêu sứ mệnh trần thế của mình, là người thực hiện đời đời trong đời tạm. Là người tin rằng Chúa giao cho mình trần gian và anh em, để đưa họ đến cứu rỗi vĩnh cửu. Là người xác tín rằng Chúa ban ơn cứu rỗi, nhưng Chúa đòi sự hợp tác của con người. Biết hy vọng, bảo đảm hy vọng, mang lại hy vọng…Làm một cuộc cách mạng: đừng đem đời người Công giáo xa lìa môi trường, để quây quần quanh các việc thiêng liêng. Đẩy người Công giáo mang niềm hy vọng của mình xâm nhập môi trường. Không thể quan niệm được một Kitô hữu không mê say đem hy vọng ngập tràn thế giới. Con hãy làm cho người Công giáo tin tưởng ở ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi gia đình, ơn gọi vợ chồng, ơn gọi nghề nghiệp. Họ sẽ hết chán nản, họ sẽ tràn đầy hy vọng vì họ ý thức rằng Đấng đã gọi họ sẽ đưa họ đi đến cùng đích…’Các bạn thế hệ mới’ (GEN)! Phải là ‘thanh niên của hy vọng’, vì với hy vọng, các bạn sẽ luôn hạnh phúc và các bạn sẽ làm cho mọi người hạnh phúc” (Chiara Lubich).” Vì Chúa đã muốn họ cùng cộng tác vào việc cứu rỗi trần gian.
Theo gương Chúa Giêsu, Con Đường Hy Vọng đích thực lớn lao nhất và theo gương Mẹ Maria: “Thời đại nào cũng có những người tự xưng là tiên tri, nhưng đường lối của họ không đem lại hy vọng cho nhân loại. Chỉ Chúa Giêsu tự xưng là “Đường”, chỉ Người đem lại hy vọng với kích thước của thế giới: “Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). “Các con sẽ là chứng tá của Ta ở Giêrusalem, trong toàn cõi Giuđê và Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Con người hy vọng để sống, để tiếp tục sống. Con người sẽ quay về với ai có thể mang lại cho họ niềm hy vọng lớn lao nhất. Niềm hy vọng ấy Chúa Giêsu đã quả quyết: “Ta đã đến, là để chúng được có sự sống và có một cách dồi dào” (Ga 10,10). Niềm hy vọng ấy, Chúa ban qua tay Mẹ Maria: “nguồn hy vọng của chúng con”.
Một nhu cầu cấp thiết của thời đại: nhân loại đang trải qua một cơn khủng hoảng hy vọng. Càng đầy sức mạnh, con người càng cảm thấy cần hy vọng để tiến, cần tình yêu để sống: “Người Công giáo là ánh sáng giữa đêm tối, là muối sống giữa thối nát, và là hy vọng giữa một nhân loại thất vọng…Chỉ trong vài chục năm gần đây, nhân loại đã tiến bộ về khoa học và kỹ thuật hơn nhiều thế kỷ trước. Nhân loại đầy đủ sức mạnh khủng khiếp có thể tự sát với vũ khí hạch tâm. Nhân loại đầy đủ phương tiện khổng lồ, hầu như no nê không thiếu gì nữa. Nhân loại cảm thấy làm được mọi sự, nhưng không biết tại sao mình sống, mình đi về đâu, tương lai thế nào? Nhân loại đang trải qua một cơn khủng hoảng hy vọng…Con người nghĩ rằng khoa học càng tiến bộ, Thiên Chúa càng thoái lui. Trong lòng nhiều người “Chúa chết rồi”, giờ đây lương tâm họ được giải thoát nhưng cái tự do ấy làm cho họ hoang mang, hoảng hốt. Họ thiếu hy vọng!”
* Phương thế sống con đường hy vọng
Tích cực sống Tin Mừng, để Tin Mừng tràn ngập đời mình: “Nếu suy ngắm những trang này, mà con không làm cho Tin Mừng tràn ngập cả đời con, nếu con còn cầu nguyện: “nước Cha dừng lại”, thì con không phải là hy vọng của trần gian.”
Sống trọn vẹn niềm tin yêu: “Yêu Chúa là yêu trần gian. Mê say Chúa là mê say trần gian. Hy vọng ở Chúa là hy vọng trần gian được cứu rỗi…Trên thánh giá, Chúa nghèo lắm! Con chỉ xin Chúa Giêsu chịu đóng đinh một điều: yêu thương, đau khổ và luôn luôn hy vọng…Giáo dân là người mến yêu sứ mệnh trần thế của mình, là người thực hiện đời đời trong đời tạm. Là người tin rằng Chúa giao cho mình trần gian và anh em, để đưa họ đến cứu rỗi vĩnh cửu. Là người xác tín rằng Chúa ban ơn cứu rỗi, nhưng Chúa đòi sự hợp tác của con người. Biết hy vọng, bảo đảm hy vọng, mang lại hy vọng…Có hạng “Công giáo đợi chờ”, khoanh tay mong đợi niềm hy vọng đến. Có hạng “Công giáo thụ động”, trốn tránh, vô trách nhiệm. Họ chỉ biết “nhìn lên” để kêu cứu, mà không biết “nhìn tới” để tiến, “nhìn quanh” để chia sẻ, gánh vác. Niềm hy vọng đang ở giữa họ, mà họ không hay! Con hoàn toàn sống trong hiện tại, nhưng con cũng hoàn toàn sống trong đời đời. Con chăm lo cứu rỗi anh em. Nhưng con không quên làm với Chúa và vì Chúa, con hết sức tiến tới, nhưng với tất cả ánh sáng từ trời cao. Con dấn thân giữa trần thế, nhưng với tình yêu thần linh. Tất cả điều ấy có ý nghĩa gì? Nếu con không mang niềm hy vọng lớn lao nhất trong quả tim con? Con hãy làm cho người Công giáo tin tưởng ở ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi gia đình, ơn gọi vợ chồng, ơn gọi nghề nghiệp. Họ sẽ hết chán nản, họ sẽ tràn đầy hy vọng vì họ ý thức rằng Đấng đã gọi họ sẽ đưa họ đi đến cùng đích”.
Sống giây phút hiện tại: “Con không trốn tránh hiện tại để trông đợi một cuộc sống khác. Con ‘tin hằng sống vậy’. Niềm hy vọng ấy đã đâm chồi nơi con và sẽ tiếp tục tươi nở bất tận. Con hoàn toàn sống trong hiện tại, nhưng con cũng hoàn toàn sống trong đời đời. Con chăm lo cứu rỗi anh em. Nhưng con không quên làm với Chúa và vì Chúa, con hết sức tiến tới, nhưng với tất cả ánh sáng từ trời cao. Con dấn thân giữa trần thế, nhưng với tình yêu thần linh. Tất cả điều ấy có ý nghĩa gì? Nếu con không mang niềm hy vọng lớn lao nhất trong quả tim con? Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh. Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng. Đời hy vọng do mỗi phút hy vọng.”
Đặc biệt phải sống khó nghèo và cầu nguyện là chìa khóa của niềm hy vọng: “Trên thánh giá, Chúa nghèo lắm! Con chỉ xin Chúa Giêsu chịu đóng đinh một điều: yêu thương, đau khổ và luôn luôn hy vọng…Người hy vọng là người cầu nguyện. Đối tượng của lời cầu nguyện cũng là đối tượng của niềm hy vọng. Người hy vọng là cộng tác viên của Thiên Chúa. Ngài tìm gọi họ để hoàn tất việc tạo dựng và cứu chuộc của Ngài.” Chỉ khi kết hiệp mật thiết với Đức Kitô, ta mới thấy và sống được cái nghịch lý của thập giá, mới sẵn sàng chấp nhận hy sinh, gian khổ, mới dám dấn thân làm tông đồ cho Chúa, loan Tin Mừng cho thế giới, giúp người khác ý thức và tin tưởng vào ơn gọi của mình, động viên các gia đình Công giáo theo tiếng gọi của Hội thánh, trong tinh thần hiệp thông với Hội thánh.