Con đường đưa nông sản vào siêu thị

Con đường đưa nông sản vào siêu thị

Những năm gần đây, cùng với các kênh tiêu thụ truyền thống, người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển sang siêu thị. Việc đưa các sản phẩm vào tiêu thụ tại kênh siêu thị không chỉ giúp người sản xuất nâng cao giá trị, thu nhập, mà còn góp phần quảng bá, nhận diện thương hiệu cho doanh nghiệp, sản phẩm. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực để đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị.

Con đường đưa nông sản vào siêu thị

Sản phẩm dưa lưới của HTX dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Hoằng Đạt (Hoằng Hóa) được tiêu thụ tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa.

Khảo sát tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa, chúng tôi thấy trên các kệ hàng đã xuất hiện nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh. Nổi bật là sản phẩm dưa lưới và dưa Kim Hoàng hậu của HTX dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Hoằng Đạt (Hoằng Hóa) hay các sản phẩm trứng sạch, rau củ quả của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần.

Dựa trên các thông tin về truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, chúng tôi tìm đến HTX dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Hoằng Đạt, đơn vị sản xuất sản phẩm dưa Kim Hoàng hậu và dưa lưới đang được tiêu thụ tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa. Chia sẻ với chúng tôi về “con đường” đưa các sản phẩm nông sản vào siêu thị, ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Hoằng Đạt, cho biết: Để có thể vào được các siêu thị, trước hết sản phẩm cần bảo đảm chất lượng. Tiếp đến là có đầy đủ hồ sơ pháp lý, như: giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận mã số mã vạch, Chứng nhận ISO 9001:2008 (nếu có), nếu chưa có chứng nhận ISO thì phải có quy trình sản xuất, phiếu kết quả kiểm nghiệm sản phẩm còn hạn, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và sản phẩm có truy xuất nguồn gốc… Đối với HTX dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Hoằng Đạt, nhờ đầu tư hệ thống nhà lưới, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và có đầy đủ hồ sơ pháp lý, nên sản phẩm hiện đang được tiêu thụ tại hệ thống Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội và dự kiến sẽ được tiêu thụ tại chuỗi Siêu thị WinMart+ tại Thanh Hóa, với sản lượng tiêu thụ mỗi tháng đạt từ 5 đến 7 tấn sản phẩm rau, quả các loại.

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần là một trong số ít đơn vị có nhiều sản phẩm nông sản đang được tiêu thụ tại các siêu thị với số lượng lớn, như trứng sạch đang được tiêu thụ tại hệ thống Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa và chuỗi Siêu thị WinMart+ tại Thanh Hóa, khoảng 30.000 quả/tháng, chiếm hơn 30% sản lượng sản xuất và tiêu thụ trứng của công ty. Các sản phẩm rau ăn lá, củ, quả cũng đã và đang được tiêu thụ tại hệ thống Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa và chuỗi Siêu thị WinMart+ tại Thanh Hóa, với sản lượng khoảng 20 tấn/tháng.

Chia sẻ về “bí quyết” luôn giữ vững vị thế ở kênh tiêu thụ trong hệ thống siêu thị, bà Tống Thị Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần, cho biết: Có 2 yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển tiêu thụ nông sản trong siêu thị đó là chất lượng và sản lượng. Các sản phẩm sản xuất phải bảo đảm các chỉ tiêu về chất lượng, đồng thời, luôn duy trì sản lượng cung ứng cho siêu thị. Để làm được điều này, quy trình sản xuất của công ty luôn tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, tính toán kỹ lịch thời vụ, gối vụ để liên tục có sản phẩm cung ứng cho thị trường. Để tiếp tục mở rộng thị trường nói chung và hệ thống siêu thị nói riêng, sắp tới, công ty sẽ cho ra mắt 2 sản phẩm mới được chế biến từ nông sản là trà và bột măng tây.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề đưa các sản phẩm nông sản vào siêu thị, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa, cho biết: Hiện nay, nông sản Thanh Hóa có mặt tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa khá phong phú và chiếm tỷ lệ lớn, cụ thể như nhóm rau ăn lá chiếm 90% sản lượng; rau, củ chiếm 50% sản lượng; trái cây chiếm 40%; trứng 100%. Ngoài ra, còn có các sản phẩm nước mắm, mắm Ba Làng. Các sản phẩm này đều đạt chất lượng tốt và việc duy trì chất lượng được các đơn vị sản xuất bảo đảm, nên được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao. Thực tế, việc đưa nông sản vào hệ thống siêu thị không quá khó, bởi chỉ cần cơ sở sản xuất đầu tư hạ tầng, kỹ thuật, quy trình sản xuất bảo đảm nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Đồng thời, có đầy đủ hồ sơ pháp lý do các cơ quan quản lý Nhà nước cấp là siêu thị sẽ đón nhận. Về phía Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa, sẽ ưu tiên tiêu thụ các sản phẩm nông sản có chứng nhận VietGAP, HACCP, sản phẩm OCOP trong tỉnh.

Bài và ảnh: Hương Thơm