Con dấu có là tài sản của doanh nghiệp?

Việc giữ lại hay bỏ con dấu đang được Ban soạn thảo Luật DN 2005 sửa đổi cân nhắc, đưa ra lấy ý kiến chuyên gia, luật sư.

ConDau

Điều 36 về “Con dấu của DN”, Luật DN 2005 quy định: “1. DN có con dấu riêng. Con dấu của DN phải được lưu giữ và bảo quản tại trụ sở chính của DN. Hình thức và nội dung của con dấu, điều kiện làm con dấu và chế độ sử dụng con dấu thực hiện theo quy định của Chính phủ.” và “2. Con dấu là tài sản của DN. Người đại diện theo pháp luật của DN phải chịu trách nhiệm quản lý sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp cần thiết, được sự đồng ý của cơ quan cấp dấu, DN có thể có con dấu thứ hai.”

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó trưởng Ban môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Ban soạn thảo Luật DN 2005 sửa đổi, Ban soạn thảo đang nghiên cứu, tìm định hướng quy định về con dấu cho phù hợp với cuộc sống. Thực tế thời gian qua đã xảy ra nhiều trường hợp ăn trộm con dấu của DN do tập quán và pháp luật Việt Nam coi trọng vai trò của con dấu. Đưa ra quan điểm về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO đề nghị không bắt buộc DN phải có con dấu. Trường hợp vẫn quy định phải có thì con dấu không phải là yếu tố bắt buộc “thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ…” của DN như quy định tại Nghị định số  58/2001/NĐ-CP ngày 24-8-2001 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu, bởi trên thực tế, nhiều văn bản, hợp đồng của DN, nếu không đóng dấu vẫn có giá trị pháp lý, chứ không thể phủ nhận.

Trao đổi về quy định “Con dấu là tài sản của DN”, TS. luật sư Nguyễn Ngọc Khánh, Trưởng phòng Pháp chế, Eurowindow Holding cho rằng, mặc dù con dấu của DN là rất quý giá, quan trọng đối với DN nhưng không phải bất cứ thứ gì quý giá, quan trọng cũng có thể coi là tài sản bởi theo quy định tại Điều 163 Bộ luật Dân sự năm 2005 là “tài sản gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Theo ông Nguyễn Ngọc Khánh, giá trị con dấu chủ yếu để xác định người đã ký tên, đóng dấu là người có thẩm quyền đại diện cho DN hoặc xác nhận các giấy tờ giao dịch, hồ sơ, tài liệu và ấn phẩm đã được đóng dấu là của DN. Ở góc độ khoa học, giá trị pháp lý của con dấu cũng có thể mang nhiều ý nghĩa khác, nhưng không liên quan đến khái niệm tài sản. Do đó, ông Khánh kiến nghị bỏ nội dung “Con dấu là tài sản của DN”.

Theo HQ Online