Coi chừng “cốc nguyệt san”
Thậm chí có cả loại mà người dùng đang trong ngày “đèn đỏ” vẫn có thể thoải mái… ”yêu”; đã thu hút được không ít chị em vô tư sử dụng mà quên mất các nguy cơ về sức khỏe…
Tai nạn “trời ơi”…
Có lẽ đa phần phụ nữ Việt Nam vẫn quen với các sản phẩm băng vệ sinh khi đến chu kỳ kinh nguyệt; cùng lắm những lúc cần mặc đầm ôm sát, sáng màu thì chọn dùng tampon (băng vệ sinh dạng gạc nhét trong âm đạo).
Ngày nay, hiện đại hơn, đã có sản phẩm đang thay thế dần vai trò của chiếc băng vệ sinh quen thuộc là cốc nguyệt san (được quảng cáo làm từ silicon y tế, hạn sử dụng đến 10-15 năm, nhét trong âm đạo để hứng chất dịch trong ngày có chu kỳ; có thể đổ đi, rửa sạch dùng lại).
Chị P.T.V. (28 tuổi, làm việc tại một công ty ở Q.7, TP.HCM) kể, qua bạn bè giới thiệu, chị đã nhờ mua và thử dùng cốc nguyệt san. Hôm nhận được hàng, dù không phải đang chu kỳ nhưng chị cũng thử nhét vào xem thế nào.
Theo hướng dẫn, chị gấp chiếc cốc nhỏ lại, đẩy sâu vào vùng kín nhưng cảm thấy rất đau rát. Chịu không nổi, chị loay hoay mãi mới lôi được chiếc cốc ra. Đến tận mấy hôm sau, chị vẫn còn đau rát, thậm chí có cảm giác ngứa ngáy như bị nhiễm khuẩn. Theo chị, rất khó nhét được chiếc cốc này vào âm đạo, phải ở tư thế nằm ngửa hoặc ngồi xổm.
Cốc nguyệt san được quảng cáo trên mạng với nhiều chủng loại, chủ yếu gắn mác hàng xách tay
Không riêng chị V., một đồng nghiệp khác của chị là chị Y. cũng gặp rắc rối với chiếc “ly thần thánh” này. Chị Y. đã đặt được cốc vào rồi nhưng vẫn bị chất dịch “ngày ấy” tràn ra quần.
Không dám lôi chiếc cốc ra vì sợ làm dây bẩn thêm quần áo do đang ở nơi làm việc, chị Y. phải tạm “đối phó” bằng cách dùng thêm băng vệ sinh. Gọi cho người bán hàng hỏi nguyên do, chị được giải thích là có lẽ đã mua phải chiếc cốc không đúng với size của mình.
Một phụ nữ khác là chị P.T.D. (38 tuổi, làm việc tại Q.1) cho biết, có lần đang ở một tiệc cưới, chị phải gọi nhờ người đến giải cứu vì đã tự hại… mình. Đúng ngày “đèn đỏ”, tin vào chiếc cốc nguyệt san mới mua, chị ung dung diện chiếc đầm sáng màu.
Không ngờ lúc đi vệ sinh, loay hoay lôi chiếc cốc ra kiểm tra xem… đầy chưa, chị sơ ý làm tung tóe, dính đầy váy áo. Theo chị, nguyên do của sự cố này là vì tư thế và thao tác lấy chiếc cốc ra rất bất tiện, đặc biệt là nếu thực hiện trong nhà vệ sinh công cộng.
Rước họa vào thân
Hiện nay, chỉ cần gõ Google là mọi người có thể tìm thấy ngay vô số người bán cốc nguyệt san online. Thử gọi cho số điện thoại 090965xxxx, trên một trang chuyên cung cấp cốc nguyệt san tại TP.HCM, khi ngỏ ý muốn biết địa chỉ để đến tận nơi xem sản phẩm, chúng tôi bị người phụ nữ bên kia đầu dây khéo léo từ chối: “Dạ, bên em chỉ bán hàng online. Chị cứ chọn sản phẩm, sẽ có người giao hàng tận nơi trong ngày. Nhận được hàng, chị cứ kiểm tra thoải mái, thấy đúng như thông tin sản phẩm thì hãy trả tiền”.
Người này còn nhấn mạnh, đây là sản phẩm do tiếp viên hàng không xách tay từ Mỹ và châu Âu về; rất an toàn, tiện lợi, dùng được cả khi bơi lội.
Còn có loại dùng một lần, có thể “yêu” ngay cả khi đang có kinh nguyệt, không còn phải kiêng dè nữa. Giá một chiếc cốc nguyệt san này từ 500.000 – 1 triệu đồng. Dùng khoảng 6-8g thì lấy cốc ra rửa sạch dùng lại.
Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Vũ Mỹ Linh – Trưởng khoa Khám A, Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM, cốc nguyệt san còn khá mới lạ tại Việt Nam. Hiện trên thế giới cũng chưa có công trình khoa học đáng tin cậy nào chứng minh được sự an toàn của sản phẩm này.
Đã vậy, ở Việt Nam, chị em cũng khó có cơ hội tiếp cận với hàng chính hãng, có thể tin cậy. Khi đặt hàng xách tay, người mua khó tránh nguy cơ mua phải hàng nhái/hàng giả, từ đó dẫn đến những ẩn họa về sức khỏe. Dưới góc độ chuyên môn, BS Mỹ Linh khẳng định, các sản phẩm dùng bên ngoài âm đạo luôn an toàn hơn loại nhét vào bên trong.
Chúng ta không nên tự ý can thiệp vào môi trường bên trong âm đạo, vì có thể gây tổn thương, dễ mắc các bệnh phụ khoa. “Chúng tôi vẫn phải xử lý nhiều trường hợp chị em bị kẹt dị vật trong vùng kín, như bao cao su, tampon”, BS Mỹ Linh kể. Mỗi năm, khoa Khám A tiếp nhận 68.000 ca đến khám bệnh, 31% số này được chẩn đoán là viêm nhiễm phụ khoa, mà nguyên nhân nổi cộm là vấn đề chăm sóc vệ sinh vùng kín, nhất là những ngày “đèn đỏ”.
BS Mỹ Linh khuyến cáo, chị em phải cân nhắc và hạn chế việc sử dụng các sản phẩm đặt vào âm đạo trong kỳ kinh nguyệt. Từ năm 1978-1980, trên thế giới đã ghi nhận 814 trường hợp phụ nữ bị sốc nhiễm trùng và 38 trường hợp tử vong do dùng tampon. Các nhà nghiên cứu kết luận, vật liệu và hóa chất có trong tampon đã làm bùng phát tụ cầu trùng khiến nạn nhân bị sốc độc tố nhiễm trùng.
Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cảnh báo phụ nữ phải thận trọng khi sử dụng các loại băng đặt trong âm đạo, đồng thời yêu cầu các công ty sản xuất hạn chế các hóa chất độc hại có trong các loại băng dùng trong kỳ kinh nguyệt. Cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu y khoa nào xác nhận độ an toàn của cốc nguyệt san, mọi người cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc, chất lượng của các sản phẩm mới, đừng mù quáng chạy theo, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Cốc nguyệt san không phải sản phẩm giúp “yêu” trong ngày “đèn đỏ”. Về việc dùng cốc nguyệt san để “thoải mái yêu trong ngày đèn đỏ”, BS Mỹ Linh cho là hoàn toàn không nên. Công dụng của cốc nguyệt san chỉ để hứng dịch kinh nguyệt, tuy có thể giữ cho cuộc “yêu” được sạch sẽ (vì mọi thứ không tràn ra ngoài); nhưng chúng ta phải hiểu, trong kỳ “đèn đỏ”, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi như: các mô vùng chậu, âm đạo bị sung huyết, dễ chảy máu.
Đặc biệt, máu kinh là môi trường rất tốt cho vi trùng phát triển. Trong những ngày này, âm đạo và cổ tử cung rất dễ bị tổn thương, viêm nhiễm và lây lan những bệnh lây qua đường tình dục.
Dấu hiệu nguy hiểm: khi dùng băng vệ sinh đặt âm đạo nói chung, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng này phải ngưng ngay và đến gặp BS, vì đó là dấu hiệu cho thấy bạn có thể đã bị mắc các bệnh lý về nhiễm trùng sinh dục:
– Đau bụng vùng hạ vị, mệt mỏi.
– Ra huyết trắng đổi màu, có mùi hôi, ngứa âm đạo.