Cơ thể sẽ ra sao nếu thiếu muối?
Bài viết được tư vấn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật – Chuyên khoa truyền nhiễm – Khoa Khám bệnh & Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Muối là hợp chất vô cơ có công thức hóa học là NaCL. Trong cơ thể con người, muối có vai trò duy trì áp lực thẩm thấu, cân bằng lượng nước trong cơ thể và đảm bảo thăng bằng kiềm toan. Các chuyên gia Y tế khuyến cáo ăn thừa muối hoặc thiếu muối đều có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
1. Muối có vai trò như thế nào với sức khỏe con người?
Bên cạnh vai trò là gia vị không thể thiếu trong các món ăn, muối còn có trong thành phần các thực phẩm tự nhiên như: hải sản, cá biển, thịt, sữa…. Khi được cung cấp lượng muối hợp lý, cơ thể có thể đảm bảo thăng bằng kiềm toan, ngăn ngừa nhiều bệnh lý nguy hiểm với sức khỏe.
Cụ thể, muối đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cân bằng nước trong và ngoài tế bào, trong lòng mạch máu, có chức năng duy trì áp lực thẩm thấu, duy trì điện thế tế bào và dẫn truyền xung động thần kinh. Trường hợp cơ thể thiếu muối sẽ dẫn đến giảm natri máu, gây phù tay, chân do mất nước tự do. Ngược lại, nếu cơ thể thừa muối có thể dẫn đến các bệnh tim mạch, huyết áp và thận.
2. Cơ thể con người cần lượng muối bao nhiêu là phù hợp?
Nhu cầu muối của con người theo từng lứa tuổi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới như sau:
- Lượng muối dung nạp vào cơ thể với người trưởng thành khoảng 5g muối/ngày.
- Lượng muối cho trẻ nhỏ dưới một tuổi chỉ tối đa dưới 1g muối/ngày. Tuy nhiên bạn không cần bổ sung muối vào thức ăn hàng ngày của trẻ, vì trong các thực phẩm tự nhiên mà bé ăn dặm như thịt, trứng, sữa…đều đã có thành phần natri phù hợp với khuyến cáo của các chuyên gia.
- Lượng muối cho trẻ nhỏ từ một đến ba tuổi tiêu thụ tối đa 3g muối/ngày.
- Trẻ từ 7 tuổi trở lên có thể dùng tối đa 5g muối.
- Với người bệnh mắc các bệnh như tim mạch, thận, tăng huyết áp… lượng muối có thể điều chỉnh giảm theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Trường hợp trẻ sinh non tháng, chức năng thận non kém, lượng muối nên hạn chế ở mức thấp nhất. Do đó cha mẹ nên cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn, hoặc lựa chọn những loại sữa công thức có thành phần chất khoáng thấp.
Như vậy, việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu của cơ thể là điều cần thiết. Ngoài việc bổ sung hàm lượng muối cho cơ thể theo khuyến cáo của chuyên gia Y tế, cần bổ sung lượng nước phù hợp để điều hòa nội môi cơ thể. Uống nhiều nước là biện pháp giúp đào thải bớt lượng muối dư thừa (nếu có).
3. Cơ thể sẽ ra sao nếu thiếu muối?
Nếu không được đáp ứng đầy đủ lượng muối cần thiết, cơ thể con người có thể đối mặt với những vấn đề sức khỏe như:
Thiếu điện giải: Trong mồ hôi, nước mắt, nước tiểu của con người đều có muối. Do đó chế độ ăn nhạt dẫn đến thiếu muối có thể gây thiếu điện giải, rối loạn chuyển hóa, giảm thể tích máu…
Phù não: Thiếu muối khiến lượng natri máu của cơ thể hạ quá mức bình thường, làm cho nhu mô não bị phù. Dấu hiệu cơ thể thiếu muối gây phù não bao gồm: Đau đầu, chóng mặt, rối loạn ý thức, mất tập trung, buồn nôn… Lượng natri trong máu giảm nhanh và đột ngột có thể xuất hiện các triệu chứng nặng như hôn mê, co giật…
Tụt huyết áp: Khi natri máu giảm, áp lực thẩm thấu trong lòng mạch máu bị giảm khiến huyết áp giảm. Hệ lụy của giảm huyết áp là khiến cơ thể mệt mỏi, suy kiệt do các cơ quan quan trọng như não, gan, thận… thiếu oxy và các chất dinh dưỡng.
Phù toàn thân: Chế độ ăn nhạt khiến lượng natri máu giảm, làm cho nước tự do thoát ra ngoài khoảng kẽ khiến cơ thể bị phù tay, phù chân, phù chân hoặc nguy hiểm hơn là phù toàn thân.
Suy giảm chức năng hệ cơ: Các biểu hiện suy giảm chức năng hệ cơ như mỏi cơ, chuột rút, kiến bò, liệt cơ….là dấu hiệu cơ thể thiếu muối gây hạ natri máu.
Lượng muối phù hợp với cơ thể con người phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe… Với những người trưởng thành có sức khỏe bình thường, việc tự ý cắt giảm muối dưới mức khuyến cáo có thể là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Do đó hãy tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn hàng ngày phù hợp nhất với cơ thể của bạn để có sự điều chỉnh phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.