Cơ sở thực tiễn là gì? Ví dụ cơ sở thực tiễn trong nghiên cứu khoa học
Cơ sở thực tiễn là gì? Ví dụ về cơ sở thực tiễn trong nghiên cứu khoa học là gì? Cùng tham khảo bài viết dưới đây của Luật Minh Khuê để làm rõ nội dung này nhé.
Trong cuộc sống hàng ngày, có rất nhiều các hoạt động của con người nhằm cải tạo và biến đổi thế giới phù hợp với nhu cầu và mục đích của mình. Những hoạt động đó có tên gọi là cơ sở thực tiễn. Tuy nhiên có rất nhiều người chưa hiểu rõ được về cơ sở thực tiễn là như thế nào.
Nội Dung Chính
1. Cơ sở thực tiễn là gì?
Thực tiễn là một trong những phạm trù nền tảng cơ bản của triết học mác-lênin nói chung và lý luận nhận thức maxit nói riêng. Có rất nhiều quan điểm đưa ra khái niệm thực tiễn như:
+ Chủ nghĩa duy tâm chỉ hiểu thực tiễn là hoạt động tinh thần sáng tạo ra thế giới của con người, không xem nó là hoạt động vật chất. Là hoạt động lịch sử, xã hội
+ Còn chủ nghĩa duy vật trước Mác tuy đã hiểu thực tiễn là một hành động vật chất của con người nhưng họ lại xem đó là hoạt động đê hèn, bẩn thỉu
Nhằm kế thừa và phát huy những sáng tạo quan niệm về thực tiễn của các nhà triết học trước đó. Quan niệm của triết học mác-lênin đó là: thực tiễn là những hoạt động vật chất, có mục đích mang tính lịch sử, xã hội của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội.
Do đó ta có thể hiểu, hoạt động thực tiễn là hoạt động mà con người sử dụng những công cụ, vật chất để tác động vào những đối tượng vật chất làm biến đổi chúng theo những mục đích phục vụ cho con người. Đây là những hoạt động đặc trưng và bản chất của con người. Điều đó được thực hiện một cách tất yếu khách quan và không ngừng phát triển, bởi con người đã trải qua rất nhiều thời kỳ lịch sử. Vì vậy hoạt động thực tiễn là hoạt động mang tính chất sáng tạo và có tính mục đích tính lịch sử xã hội.
2. Đặc điểm của cơ sở thực tiễn
Cơ sở thực tiễn có những đặc điểm sau:
+ Thực tiễn là những hoạt động vật chất cảm tính của con người. Hay nói một cách khác là những hoạt động vật chất mà con người cảm giác quan sát được một cách trực quan nhất. Hoạt động vật chất cảm tính là những hoạt động mà con người phải sử dụng vật chất, công cụ để tác động vào các đối tượng để biến chúng phù hợp với mục đích của con người. Theo đó con người làm biến đổi thế giới khách quan và biến đổi chính bản thân mình.
+ Thực tiễn là hoạt động chỉ diễn ra trong xã hội với sự tham gia của đông đảo mọi người và bị giới hạn bởi những điều kiện lịch sử xã hội cụ thể. Trải qua các giai đoạn lịch sử phát triển cụ thể, vì vậy thực tiễn là những hoạt động mang tính lịch sử – xã hội
+ Thực tiễn là hoạt động mang tính mục đích nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội để phục vụ cho nhu cầu của con người. Khi nhắc tới thực tiễn là nhắc tới hoạt động có tính tự giác cao của con người, khác với hoạt động chỉ dựa vào bản năng thụ động của các loại động vật.
3. Các hình thức của thực tiễn
Có 3 hình thức cơ bản của thực tiễn đó là: hoạt động sản xuất vật chất, hoạt động chính trị xã hội và hoạt động thực nghiệm khoa học
+ Hoạt động sản xuất vật chất là hình thức hoạt động cơ bản đầu tiên của thực tiễn. Đây chính là hoạt động mà trong đó con người sử dụng những công cụ lao động tác động vào giới tự nhiên để tạo ra của cải vật chất, các điều kiện cần thiết nhằm duy trì sự tồn tại và phát triển của mình
+ Hoạt động chính trị xã hội là hoạt động của các cộng đồng người, các tổ chức khác nhau trong xã hội nhằm biến đổi những quan hệ chính trị – xã hội để thúc đẩy xã hội phát triển
+ Hoạt động thực nghiệm khoa học là một hình thức đặc biệt của hoạt động thực tiễn. Đây là một hoạt động được tiến hành trong những điều kiện do con người tạo ra gần giống giống hoặc lặp lại những trạng thái của tự nhiên và xã hội, nhằm xác định những quy luật biến đổi, phát triển của đối tượng nghiên cứu. Đây là hoạt động có vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Đặc biệt trong thời kỳ cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại.
Mỗi hình thức hoạt động của thực tiễn có một chức năng khác nhau và chúng không thể thay thế cho nhau. Tuy nhiên chúng có mối quan hệ chặt chẽ và tác động qua lại lẫn nhau. Trong mối quan hệ đó hoạt động sản xuất vật chất là hoạt động có vai trò quan trọng nhất, đóng vai trò quyết định đối với các hoạt động thực tiễn khác. Nếu không có hoạt động sản xuất vật chất thì không thể có các hình thức thực tiễn khác. Mặc dù vậy các hình thức hoạt động chính trị xã hội và thực nghiệm khoa học cũng không hoàn toàn thụ động lệ thuộc vào hoạt động sản xuất vật chất mà ngược lại chúng có tác dụng kìm hãm hoặc thúc đẩy sự phát triển của hoạt động sản xuất vật chất. Ví dụ nếu hoạt động thực tiễn chính trị – xã hội có tính tiến bộ và hoạt động khoa học thực nghiệm đúng đắn sẽ tạo động lực cho hoạt động sản xuất phát triển.
4. Vai trò của cơ sở thực tiễn đối với lý luận
– Cơ sở thực tiễn có vai trò quan trọng đối với nhận thức và lý luận
– Cơ sở thực tiễn là cơ sở động lực của nhận thức, lý luận. Thực tiễn là cơ sở bởi cung cấp chất liệu cung cấp vật liệu cho nhận thức, lý luận
– Thực tiễn chính là động lực, thực tiễn luôn luôn vận động và đề ra những nhu cầu nhiệm vụ đòi hỏi các nhà lý luận phải giải quyết điều đó làm thúc đẩy nhận thức và lý luận phát triển.
– Thực tiễn là mục đích của nhận thức, lý luận. Trong hoạt động nhận thức, lý luận không có mục đích bên trong nó mà phải dựa vào thực tiễn. Lý luận chỉ có ý nghĩa khi được vận dụng vào thực tiễn và phục vụ thực tiễn, làm thay đổi thực tiễn. Vì vậy thước đo đánh giá giá trị của lý luận chính là thực tiễn.
– Thực tiễn là tiêu chuẩn đánh giá sự đúng sai của nhận thức, lý luận. Lý luận có thể phản ánh đúng hoặc không đúng hiện thực khách quan. Vì vậy để đánh giá những vật đó đúng hay sai phải được kiểm nghiệm thông qua thực tiễn. Qua thực tiễn con người mới vật chất hóa được tri thức, hiện thực hóa tư tưởng, biết được nhận thức lý luận của mình là đúng hay sai. Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý.
– Thực tiễn là tiêu chuẩn khách quan duy nhất để khẳng định chân lý và bác bỏ sai lầm. Bản thân thực tiễn không đứng im mà luôn luôn thay đổi, vận động. Do vậy khi thực hiện thay đổi thì tiêu chuẩn để kiểm tra chân lý cũng phải thay đổi theo cho phù hợp với thực tiễn.
5. Ví dụ về các hoạt động thực tiễn
– Hoạt động sản xuất vật chất: hoạt động làm ra sản phẩm của công nhân, hoạt động cày cấy của nông dân, hoạt động xây nhà của thợ xây… Đây chính là dạng hoạt động thực tiễn nguyên thủy và cơ bản nhất, là minh chứng con người khác với động vật .
– Hoạt động chính trị – xã hội: hoạt động bầu cử đại biểu quốc hội, hoạt động tổ chức ngày mùng 8 tháng 3, Hội nghị Công đoàn, hoạt động họp thường vụ đại biểu quốc hội, hoạt động ghé thăm các nước của nguyên thủ quốc gia, hoạt động bầu cử của người dân…… Đây là hoạt động cấp cao hơn, nhằm thể hiện mối quan hệ giữa con người với con người trong một xã hội. Hoạt động này nhằm thúc đẩy sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc.
– Hoạt động thực nghiệm khoa học: hoạt động nghiên cứu khoa học hoạt động thí nghiệm của các nhà khoa học để tìm ra các vật liệu mới, thí nghiệm để tìm ra vắc xin mới, khám phá vũ trụ, nghiên cứu tìm ra nguồn năng lượng mới… Với các hoạt động thực nghiệm khoa học sẽ giúp con người bước tới những nền văn minh phát triển hơn, làm thay đổi và cải tạo thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Những hoạt động nghiên cứu khoa học này chỉ có tác dụng khi được đưa vào thực tiễn, giúp cho cuộc sống của con người trở nên tốt đẹp hơn.
Trên đây là những chia sẻ của luật Minh Khuê về cơ sở thực tiễn và ví dụ về cơ sở thực tiễn . Hy vọng đó là những tài liệu tham khảo hữu ích dành cho bạn. Cảm ơn bạn đã quan tâm theo dõi.