Cơ sở thẩm mỹ coi trời bằng vung

TP – Không ít cơ sở làm đẹp, viện thẩm mỹ tại TPHCM làm chết người, bị Sở Y tế tuýt còi đóng cửa… thế nhưng vẫn ngang nhiên đón khách, hoạt động nhộn nhịp ngay tại cơ sở cũng như trên mạng xã hội.  

Tự tung tự tác

Mặc dù Thẩm mỹ viện (TMV) Sophie International (253A Hoàng Sa, P.Tân Định, Q.1) đang bị Sở Y tế TPHCM đình chỉ hoạt động do chưa có giấy phép thế nhưng nhân viên ở đây vẫn ngang nhiên đón khách đến tư vấn làm đẹp như chưa có chuyện gì xảy ra.

Ngày 24/11, trong vai khách hàng, chúng tôi liên lạc với TMV này để đặt lịch, nhân viên ngay lập tức hẹn khách đến viện để tư vấn. “Bên em hoạt động bình thường các ngày trong tuần, chị cứ qua để được chăm sóc nhé” – nhân viên chào mời. Chị Thủy (36 tuổi, ngụ Q.3) cho hay, ngày nào chị cũng đi ngang cơ sở này, thấy vẫn hoạt động bình thường, bảo vệ vẫn đứng ở cửa đón khách.

Không giấy phép, đã bị Thanh tra Sở Y tế TPHCM yêu cầu đóng cửa nhưng hộ kinh doanh có tên Viện thẩm mỹ Đại học Y (368/7 Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh) vẫn hoạt động như chưa có chuyện gì xảy ra. Chiều 22/11, chúng tôi đến cơ sở này thấy bảng hiệu quảng báo vẫn như cũ, đèn led nhấp nháy, 2-3 cô nhân viên ngồi sẵn ở sảnh đón khách. Trò chuyện với bảo vệ, người này bảo vào đây làm đẹp thì cứ yên tâm.

Trên fanpage của Viện thẩm mỹ Đại học Y chạy dòng chữ xanh “luôn mở cửa”, liên tục có hình ảnh, clip khách hàng làm đẹp; trưng bảng báo giá như cắt mí treo cung mày nội soi với chi phí 4 triệu đồng, căng da mặt xóa nhăn 6 triệu đồng, tiêm filer Hàn Quốc 2,5 triệu đồng/1cc… Khách có nhu cầu chỉ cần comment, nhân viên hỗ trợ đặt lịch và làm ngay.

Trước đó, ngày 11/11/2019, Sở Y tế TPHCM kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh Viện thẩm mỹ Đại học Y tiêm filler, botox không phép. Ông Nguyễn Tiến Thuận, chủ hộ kinh doanh không xuất trình được giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Thanh tra Sở Y tế TP yêu cầu ông Thuận ngưng ngay hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; tháo gỡ các nội dung quảng cáo trong lĩnh vực y tế trên các trang mạng xã hội; che chắn biển hiệu Viện thẩm mỹ Đại học Y khi cơ sở chưa được cấp phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.

Viện thẩm mỹ Latin (số 204, đường 3/2, P.12, Q.10) dù chỉ được làm các dịch vụ ngoài da như phun xăm chân mày, tắm trắng, trị mụn… thế nhưng khi chúng tôi muốn tiêm nâng mũi thì nhân viên lại tư vấn nên nâng mũi cấu trúc hoặc bọc sụn thì sẽ đẹp hơn. Nhân viên ở đây còn tư vấn nâng ngực. Tỏ ra bất ngờ khi nơi này có thêm nâng ngực, nhân viên nói: Ở đây làm hết, từ mặt, ngực, mông… nhưng không quảng cáo trên web thôi, Fanpage của bác sĩ Trịnh Quang Đại giới thiệu đầy đủ các dịch vụ. Bác Đại mát tay lắm, mũi và ngực làm đẹp khỏi chê. Nhân viên tiết lộ, nâng ngực sẽ làm tại Bệnh viện Tân Hưng (Q.7).

Cơ sở thẩm mỹ coi trời bằng vung ảnh 1

Tại TMV của bác sĩ Ngô Mộng Hùng, nhân viên đang tư vấn nâng ngực và gọt hàm cho khách

Viện thẩm mỹ Latin trong năm 2019 bị Sở Y tế phạt 2 lần với số tiền 43,7 triệu đồng về 5 hành vi: Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; Hoạt động không có biển hiệu; Không lập hồ sơ bệnh án theo quy định của pháp luật; Không lập sổ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật; Không bảo đảm các điều kiện về nhân lực trong quá trình hoạt động.

TMV của Bác sĩ Ngô Mộng Hùng (115 Trương Định, P.7, Q.3) cũng vừa bị Thanh tra Sở Y tế TPHCM phạt 25 triệu đồng về việc quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không đúng phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động. Tuy chỉ mới được cấp phép là phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ chỉ được thực hiện các ca tiểu phẫu, nhưng TMV này vẫn nhận nâng ngực, gọt mặt, cắt hàm.

Ai chống lưng?

Liên quan đến TMV Sophie International, không có giấy phép hoạt động nhưng vẫn đưa bệnh nhân đang mang thai 4 tuần đến Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas, quận 10 để hút mỡ bụng, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM khẳng định, nơi này chưa được cấp giấy phép hoạt động nên đình chỉ các hoạt động chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Ngày 24/11, nhân viên Sophie International nói: “Bên em hoạt động bình thường, có giấy phép hẳn hoi”!?

Còn Bệnh viện Thẩm mỹ EMCAS, sau sự cố khi hút mỡ bụng cho người mang thai do TMV Sophie International đưa sang, còn làm chết một nữ bệnh nhân đặt túi nâng ngực. Bác sĩ thực hiện nâng ngực Đinh Viết Hưng (49 tuổi, ngụ Q.9) được Emcas thông tin có chứng chỉ hành nghề của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, Thanh tra Sở Y tế tỉnh Đồng Nai khẳng định giấy phép cấp cho BS Đinh Viết Hưng là giả mạo.

Cơ sở thẩm mỹ coi trời bằng vung ảnh 2

TMV Sofie International bị đình chỉ vẫn tư vấn nâng mũi cho khách

“Phải chăng Emcas được “chống lưng”? là câu hỏi dư luận đặt ra với Sở Y tế TPHCM về bệnh viện này. Ngày 22/11, mục sở thị tại Emcas, xe hơi vẫn ra vào tấp nập, nhiều người vẫn đem tiền đến đây nộp để làm đẹp.

Theo BS Lê Hành, Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TPHCM, tai biến, biến chứng trong phẫu thuật thẩm mỹ là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, để xảy ra tai biến không đáng có là lỗi không chỉ của cá nhân bác sĩ mà còn là lỗi quy trình của cơ sở thẩm mỹ. “Ngoài chuyên môn y khoa, lĩnh vực thẩm mỹ bị chi phối nhiều bởi yếu tố kinh tế. Do đó trước nhu cầu thực tế, nhiều bác sĩ hành nghề đã đi “chệch” hướng” – BS Lê Hành nhìn nhận.

Thống kê của Sở Y tế TPHCM cho thấy, đến nay thành phố có 15 bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, 10 bệnh viện đa khoa có khoa hoặc đơn vị thẩm mỹ, 186 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và khoảng 1.398 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chăm sóc da, spa. Trong đó gây “đau đầu” nhất là công tác quản lý đối với các cơ sở thẩm mỹ chăm sóc da, spa, bởi thực tế nhiều cơ sở này đã “lén lút” thực hiện các dịch vụ phun, xăm, thêu thẩm mỹ dù không được phép.

Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM thừa nhận, để xảy ra tai biến thẩm mỹ là do chủ quan của các cơ sở thẩm mỹ. Đây cũng chính là thách thức cho các nhà quản lý, từ phòng y tế quận, huyện đến Sở Y tế TPHCM. Theo ông Thượng, những tai biến thẩm mỹ xảy ra trong thời quan qua đòi hỏi cần có những giải pháp mới trong công tác quản lý. “Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục rà soát, thanh kiểm tra thường xuyên, liên tục các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn, thậm chí lực lượng Thanh tra Sở Y tế sẽ “đóng giả” người dân để tiếp cận các cơ sở thẩm mỹ vi phạm các quy định pháp luật” lạnh đạo Sở Y tế TPHCM cam kết.

Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Trưởng Phòng Quản lý dịch vụ y tế Sở Y tế TPHCM cho biết: “Hiện chỉ mới có 8 cơ sở thẩm mỹ chăm sóc da, spa có văn bản báo cáo Sở Y tế và được thẩm định đủ điều kiện thực hiện các kỹ thuật phun, thêu, xăm thẩm mỹ hợp lệ, còn lại 1.390 cơ sở không thể kiểm soát được có thực hiện phun, xăm, thêu thẩm mỹ hay không”.

Uyên Phương – Ngô Bình